Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

KHOẢNG TRỜI RIÊNG

Khoảng trời riêng” là câu chuyện riêng khuất về mối tình đầu của một cô học trò với người thầy của mình. Rồi chiến tranh bất ngờ cuốn người thầy ra trận... Cô học trò phải sống trong hoàn cảnh chịu nhiều áp lực từ bạn bè gia đình, làng xóm vì những lối sống cách nghĩ khác người ở cô. Cô đã dám nổi loạn hiến dâng đời mình cho tất cả những chàng pháo thủ trai trẻ ở khẩu đội pháo đầu cầu trong những đêm bom đạn rồi bỏ làng ra đi. Ngày trở về, cô đã gặp lại người thầy năm xưa trên chiếc bè vó trong một đêm trăng trên dòng sông quê nhà...
                                                                               Nhà văn DƯƠNG HƯỚNG




Cánh cửa xe bật mở, từ trong xe bước ra một nhà sư nữ áo chùng thâm, đầu vấn khăn nâu, chân đi guốc quai tím lịm, lộ đôi chân son hồng với dáng vẻ kiêu sa.
- Cụ Dinh ơi ời! Có khách! Có khách!
Một đứa trẻ vừa reo vừa chạy chúi mũi vào nhà lão Dinh. Lão Dinh đang ngồi chẻ tre đan dưới gốc xoan, vội vã chạy ra, tay vẫn lăm lăm con dao. Nắng chiều lung linh rắc đầy lối ngõ, thơm ngát hoa xoan tím lẫn hoa nắng vàng. Gương mặt nhà sư đẹp như nàng Kiều, mắt ngân ngấn nước, nhìn lão Dinh.
- Cha ơi cha, con là Diên, con gái của cha đây.
Lão Dinh đứng lặng như pho tượng. Lão không ngờ. Cả làng cả nước cũng không ngờ con gái lão, cái con bé Diên hư hỏng đánh đĩ tứ phương bỏ nhà đi biệt tăm mười lăm năm nay bây giờ lại khoác áo nhà chùa. Trông Diên lúc này vừa đằm thắm, vừa kiêu sa. Đôi gót chân son thắm đỏ hơn cả thời con gái.


Tin Diên trở về làm sống động cả làng Đoài. Diên đi tới đâu thiên hạ nhìn bằng đủ mọi ánh mắt và để lại sau lưng đủ lời đàm luận. Người khen, kẻ chê, người tiếc thương và cả đam mê. Người ta đam mê Diên như đam mê một giai nhân. Thân hình Diên óng ả, ánh mắt đen thăm thẳm như có ma lực cuốn hút đàn ông. Thời niên thiếu, tuổi mười ba Diên đã là cô bé đẹp nhất làng Đoài. Điều tệ hại là dân làng Đoài thì tăm tối còn Diên cứ sáng rực lên, da trắng mịn. Diên như con chim líu lo của buổi bình minh vào đời. Sáng sáng tinh mơ, đường làng Đoài bướm còn hay lẫn trong lớp sương mù trắng bạc, Diên vừa đuổi bướm , miệng vừa rúc vang những hồi còi dài báo cho các đội viên dậy tập thể dục hô váng làng: “Thiếu niên khoẻ!” “Khoẻ! Khoẻ!”. Tiếp sau đó là tiếng quét đường rào rào bên con đường “măng non”. Đường “măng non” mỗi đoạn xây một tấm biển giống như một mốc cây số. Mỗi tấm biển đều được vẽ một mầm măng mới nhú có dòng chữ: “Đoạn đường “măng non” phân đội I”. Đoạn đường “măng non” của phân đội Diên bắt đầu từ dốc cầu Đá Bạc, bao giờ cũng sạch bong. Đó là nhờ công của Diên, cô gái đầu làng. Các cụ bảo cấm có sai “Gái đầu làng, khoai đầu luống”. Tuổi mười ba, mười bốn, mười lăm, Diên lớn vồng lên thành thiếu nữ rực rỡ. Những đêm trăng sáng, lũ trai làng lặn ngụp dưới sông, chui rúc dưới gầm cầu Đá Bạc rình trộm xem Diên tắm. Đàn ông thèm khát được nhìn thấy Diên tắm. Có người dọa nếu ai nhìn thấy Diên tắm một lần sẽ mắc bệnh mộng du. Cánh đàn ông kháo nhau nếu được xem Diên tắm, người có vợ muốn bỏ vợ, có nhân tình bỏ nhân tình, bọn choai choai bỏ học ngẩn ngơ. Các bà vợ cấm chồng con ra tắm bến sông cầu Đá Bạc. Họ đồn bến sông cầu Đá Bạc có ma. Quả thực bến sông cầu đã không ít kẻ chết trôi. Có kẻ chết vì rủi ro, có kẻ chết vì tình, có người dọa không yêu được Diên cũng chết. Có kẻ lại bảo được ngủ với Diên có chết cũng sướng. Lại có lời đồn, những người đàn ông chết trên sông cầu Đá Bạc đều mãn nguyện vì họ đã được ngủ với Diên. Diên là người đàn bà có tấm lòng bao dung không muốn tất cả những linh hồn đã chết mà không được hưởng hạnh phúc một lần. Đó là tư tưởng lớn của những người mơ mộng thêu dệt lên những bản tình ca đồng quê và những câu hò tự tình trên sông cầu Đá Bạc. Đó là câu hò của thầy giáo Thiêm, người đầu tiên được Diên tự tình trong một đêm trăng, trên bờ sông. Dòng sông lặng lờ trôi từ bao đời. Hò ơ... trăng soi lẻ bóng một mình - Ước gì ta được với mình đêm nay. Câu hò vang vọng dòng sông rạo rực lòng người.

Còn những đêm trái gió trở trời người ta lại nghe tiếng khóc than. Đó là thời kì Diên bỏ làng đi. Người làng Đoài bảo nhau rằng hồn ma những người chết trôi hiện về thương nhớ người đẹp. Vào những đêm mưa gió sập sùi như thế, lão Dinh thả vó dưới chân cầu Đá Bạc, cá tôm nhiều vô kể. Sáng ra dân làng Đoài kháo nhau cả đêm lão Dinh đằm đẵm với ma. Những con ma trơi hiện lên đập thùm thùm trên mặt sông như những con rái cá rồi lừ đừ trôi vào vó lão Dinh. Có một lần lão kéo vó thấy nặng trĩu, bốn gọng vó nhúm lại, lão Dinh soi đèn thấy hẳn cái đầu lâu tóc còn xanh nằm gọn giữa vó. Đó là thời kì máy bay Mĩ thường ném bom trận địa pháo đầu cầu...

Trận địa pháo đầu cầu có lần bị trúng bom, sáu pháo thủ hi sinh. Sau cái chết của sáu chàng pháo thủ, lại có tin đồn Diên đã ngủ với cả sáu chàng pháo thủ vào những đêm Diên bị lão Dinh đuổi khỏi nhà.
*
*    *
Sau mười lăm năm, Diên mới lại trở về làng Đoài. Buổi sáng, Diên vẫn mặc bộ quần áo nhà chùa đi ra đường, con đường “măng non” xưa giờ cũng già đi theo năm tháng. Một vài cỗ xe bò kéo trẹo trọ lăn bánh trên những ổ gà khấp khểnh. Những gương mặt người làng Đoài cũng già nua khắc khổ ngoài sức tưởng tượng của Diên. Có những gương mặt đã từng được Diên ghi nhớ thời xuân sắc giờ cũng xa lạ và xấu xí. Riêng có ánh mắt họ vẫn rực lên nỗi đam mê thèm muốn. Bên kia cầu Đá Bạc giờ đã hình thành một cái chợ nhỏ. Ngay dốc cầu một phản thịt lợn đỏ au phơi dưới nắng. Diên giật mình nhận ra tay Thẹo hơi hấp háy cặp mắt ti hí liếc lưỡi dao sáng loáng xẻo một nhát nhấc lên miếng thịt lợn vật “đét” xuống phản rồi nhìn Diên chằm chặp.

- Ôi Diên ơi ! Diên lại đây anh bảo cái này đã. Nghe tin Diên về mà anh chưa kịp sang chơi.


Diên miễn cưỡng đứng lại. Thẹo đưa dao xẻo vội khoanh thịt cho vào túi bóng hấp háy cặp mắt ti hí.


- Anh biếu ông cân thịt để ông nhắm rượu, Diên cầm lấy - Thẹo ấn túi thịt vào tay Diên miệng cười hanh hách - Diên không tin, về hỏi ông cụ, những năm Diên đi vắng anh với ông cụ ở nhà nhâm nhi với nhau suốt - Thẹo lại ghé sát vào tai Diên. - Anh hỏi thật nhé, có phải Diên đi tu thật hay giả vờ khoác áo nhà chùa he hé... anh trông vào đôi mắt Diên còn lúng liếng đáng yêu lắm đó.


Diên quăng túi thịt lên phản rồi vội vã bỏ chạy lên cầu Đá Bạc. Dòng sông vẫn thao thiết trôi, trôi lẫn cả bóng hình Diên trong đó. Bên bờ sông xa chỗ khúc quanh rẽ ra dòng sông Cái, chiếc bè vó ai giương cần cao lừng lững một góc trời. Đàn chim mòng mòng chao nghiêng sà xuống mặt sông rồi bay xéo về phía trận địa pháo năm nào - nơi ấy dân làng Đoài đắp lên ba cái lò gạch. Ba cái lò gạch đã đốt cháy cả cánh đồng làng Đoài nên bây giờ đành bỏ hoang giống như những pháo đài thời tiền sử. Địa hình nơi đây thuận lợi đã biến trận địa pháo năm nào thành bãi chiến trường cho đám trẻ chăn trâu chơi trò trận giả. Chúng bò lổm ngổm quanh lò gạch bắn súng miệng đoàng đoàng, hô xung phong, quân ta tiến lên.

Những đứa trẻ kia vài ba năm nữa lại cầm súng như những chàng pháo thủ của Diên năm nào... những chàng pháo thủ đêm đêm lần ra bến sông cầu Đá Bạc lặn ngụp như những con rái cá. Ôi những chàng pháo thủ trẻ trung...

(còn tiếp)



Không có nhận xét nào: