Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

DÂN CHỦ THỤT LÙI

Một số người dân đứng ngoài tòa bày tỏ ủng hộ ông Nguyễn Hữu Vinh

Năm 1976, tòa án thành phố Hà Nội xử ông Tạ Đình Đề lần thứ nhất, với tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa. Ngày đó bố tôi cũng đi xem xử án, về kể cho cả nhà nghe, rằng có cả vạn người tới dự. Đông quá, có mấy hào cụ để túi sau, bị ai đó móc mất.

Theo wikipedia tiếng Việt, phiên tòa ấy kéo dài 6 ngày. Tổng cục trưởng tổng cục đường sắt thời bấy giờ là cụ Hà Đăng Ấn, còn “cho công nhân Xưởng Dụng cụ Cao su Đường sắt nghỉ việc để đi tham dự phiên tòa. Nhiều anh em công nhân ôm hoa đứng ở cổng Hỏa Lò để tặng ông khi Công an dẫn ông sang Tòa án. Quảng trường Tòa án ngày nào cũng đông nghịt người theo dõi phiên tòa. Phiên tòa này, thẩm phán Phùng Lê Chân đã tuyên : tha bổng!


Năm 1987, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử Tạ Đình Đề lần 2, với 34 tội danh. Những ngày này, nhiều cơn "Địa chấn" dữ dội ở khu vực trước Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội - Đó là những đám đông người từ các địa phương Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định kéo lên, người từ các Công xưởng, phố xá ùn ùn kéo tới, đứng tràn cả ra đường Lý Thường Kiệt. Kết quả Tòa không luận được tội trạng và tuyên là Tạ Đình Đề không phạm tội. Ông được trả tự do ngay tại Tòa “Điều lạ, Luật sư bảo vệ cho Ông là Luật sư không chuyên. Lời Tuyên án của Hội đồng Xét xử được truyền qua loa phóng thanh. Tiếng của Chánh án chưa dứt thì tiếng vỗ tay, hoan hô vỡ òa như sấm. Người ta ào vào công kênh Tạ Đình Đề lên vai, rồi tặng Ông những bó hoa”
(Hết trích).

Bố tôi khoe bà thẩm phán Phùng Lê Chân, người tuyên tha bổng cho cụ Đề, là người cùng hoạt động thời chống Pháp với bố tôi. Nghe nói vụ tuyên tha bổng cụ Đề , bên công an và viện kiểm sát cay bà lắm. Sau đó bà gần như được “ngồi chơi xơi nước”, xử những vụ lặt vặt.

Gần 30 năm sau, chuyện người dân đi dự phiên tòa chỉ còn là giấc mơ.

Bây giờ thì chưa nói đến chuyện muốn vào phòng xử, phải có giấy mời, mà không một người dân nào có thể bén mảng được tới cái cổng tòa. Người ta quây rào sắt, đặt biển cấm khắp nơi. Đứng ở vỉa hè bên kia đường ngóng sang cũng bị xua đuổi. Công an luôn miệng nói đây là khu vực bảo vệ, khu vực xử án, nhưng không đưa ra được bất cứ công văn của cơ quan có thẩm quyền nào, xác định rõ phạm vi khu vực xử án. Họ sẵn sàng phong tỏa cả một quãng phố, chỉ để tòa độc diễn xử, chứ không xét.

Tôi không hiểu sau này, khi những kẻ có tội với nhân dân, có tội với đất nước bị đưa ra tòa xử, có ai thèm đi dự?

Mà cũng có thể, họ sẽ đi dự đông như vụ xử cụ Tạ Đình Đề ngày xưa, hay với anh Ba Sàm ngày nay. Nhưng chắc chắn không phải với tình cảm yêu mến, mà chỉ là muốn xem những kẻ có tội ấy, phải đền tội như thế nào.

Theo thông tư mới nhất của Bộ Công an, những người đi dự phiên tòa sẽ bị bắt ngay nếu không tuân lệnh công an, là không được tập trung đông người.

Cấm tập trung đông người là một khái niệm mù mờ, trái quy luật tự nhiên và phản động. Nếu theo nghị định 38, cấm tụ tập 5 người trở lên thì tôi dám chắc hơn một nửa xã hội sẽ bị tê liệt.

Trong cuộc sống hàng ngày, việc ma chay, cưới xin, họp lớp, găp mặt họ hàng, bạn bè cà phê cà pháo, đi dạo bờ hồ, công viên, thậm chí đứng lại xem một vụ đánh nhau đều là tập trung đông người cả. Đơn cử trước cửa phòng khám dịch vụ của bệnh viện phụ sản trên đường Hai Bà Trưng, cách trụ sở Tòa án thành phố Hà Nội vài chục mét, lúc nào cũng đông nghịt người. Liệu cái nghị định 38 đó có cấm được những cuộc tụ tập đông người đó không, hay chỉ đặc biệt dành để trấn áp những tiếng nói phản kháng?

Cái thời mà đi dự một phiên tòa cũng phải làm đơn.

Cái thời mà đi dự một phiên tòa cũng không cho.

Cái thời chỉ được khen mà không được chê.

Đó là cái thời mạt vận. Dân chủ thụt lùi tới 30 năm.

Còn rất nhiều phiên tòa mà tôi sẽ đi dự như phiên phúc thẩm anh Ba Sàm, sơ thẩm và phúc thẩm Nguyễn Văn Đài…Có lẽ ngay từ bây giờ, tôi sẽ làm đơn xin tham dự phiên tòa đó. Nếu không được vào phòng xử án, thì tôi xin được xếp nốt một chỗ đứng ở ngoài cổng tòa, bên kia đường cũng được. Liệu họ có lý do nào để từ chối đơn của tôi?

Nhớ cụ Tạ Đình Đề. Nhớ cái tình người Hà Nội cách đây năm mươi năm quá.

Ngày ấy đâu rồi? Ngày ấy đâu rồi?

P/s: Tôi sẽ viết một cái thư ngỏ, gửi Cục kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp, đề nghị làm rõ tính pháp lý của thông tư 13 của Bộ Công an, có thể tống bất cứ ai vào tù, chỉ vì đi dự một phiên tòa công khai. Bạn nào nắm vững Luật, xin tư vấn cho tôi nhé.




27/03/2016

Không có nhận xét nào: