Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

Đọc “Những mùa lá bàng rơi”, nghĩ về nghề giáo.


Vừa rồi trong một lần đi mua sách, như một cơ duyên, tôi có được cuốn sách “Những mùa lá bàng rơi” của tác giả - thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng, MA, do nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản năm 2014. Thoáng chút ngỡ ngàng, qua từng trang sách, tôi như lần đầu được làm quen với một “thầy Hùng MA (*)” lãng mạn, đa cảm … và rất khác với thầy Hùng – đồng nghiệp của chúng tôi tại Trường ĐH Ngoại ngữ (Thanh Xuân) Hà Nội. Lật những trang đầu tiên trong “Những mùa lá bàng rơi”, cuốn sách đã thực sự thu hút tôi. Nó được tác giả kể câu chuyện cuộc đời Hưng, sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, lớn lên cùng những khó khăn của hai cuộc kháng chiến, trưởng thành qua những thăng trầm trong thời kỳ đầy biến động của đất nước; nỗ lực hết mình để trở thành một người thầy không chỉ trên bục giảng mà còn trong lòng của các thế hệ học trò.


Đọc tiểu thuyết “Những mùa lá bàng rơi” bạn đọc sẽ thấy con đường lập thân của nhân vật Hưng gần như là chính sự nghiệp của tác giả. Nhưng có cuốn tiểu thuyết nào lại không bắt nguồn từ đời sống thực? Nguyễn Quốc Hùng sinh năm 1941 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngành tiếng Anh, Đại học Tổng hợp ngành Ngữ văn, và theo học cao học tại Ấn Độ và Vương quốc Anh. Ông đã công tác gần 30 năm trong lĩnh  vực giáo dục đại học, có nhiều công trình nghiên cứu về phương pháp dạy và học tiếng Anh cho người Việt, và là một trong những người tiên phong giảng dạy tiếng Anh trên truyền hình tại Việt Nam.

Qua những câu chuyện của “Thuở thiếu thời” và “Thời cắp sách” của Hưng trong ngõ nhỏ Nam Ngư, Hà Nội trong “Những mùa lá bàng rơi” ta thấy được cuộc sống đời thường trong một gia đình công chức, nếp sống gia giáo, nền nếp của người Hà Nội xưa, trước 1954, mà không phải ai bây giờ cũng mường tượng ra được.

Đi học rồi ra làm thầy, trong một lần đi dịch bên ngoài cho đoàn Đan Mạch sang để cùng các kỹ sư Việt Nam khảo sát xây dựng nhà máy xi măng Hoàng Thạch, thầy Hưng đã có một bài học để đời từ thực tế. Trên danh nghĩa Hưng là thầy tiếng Anh của các anh kỹ sư Việt Nam, nhưng vào thực tế họ lại là thầy của anh. “Đừng bao giờ coi người nào đó luôn luôn là trò của mình, kể cả những người đang ngồi trong lớp mình dạy, tròn xoe mắt như nuốt lấy từng lời của mình.”

Sau 1975, Hưng được vào Sài Gòn dự và báo cáo trong một Hội nghị Khoa học. Tại đây Hưng có được bài học lớn nhất về giao tiếp xã hội. Hưng đã phải đỏ dừ mặt vì xấu hổ, xấu hổ cho sự thô lỗ của mình, xấu hổ cho sự tự hào là “người Hà Nội thanh lịch” khi đã không biết nói lời cảm ơn, không biết quy tắc giao tiếp. Bởi vì trong các hội nghị ở miền Bắc sau 1975, mọi người chỉ biết xưng hô “đồng chí” và nói “xin hết” khi kết thúc, lời cảm ơn rất hiếm hoi, nhất là lại cảm ơn người đã dìu dắt mình, người góp ý cho mình, như tập quán của Sài Gòn thì lại càng không có. Cách xưng hô “quý ông, quý bà, quý cô, quý thầy” bị coi là lối nói tư sản, không ai dùng. (Hiện nay, trên TV, tại các sự kiện sinh hoạt quần chúng, người ta vẫn gọi đám đông phía dưới  .. là “đồng chí” – N.H )

Trong một lần được dịp bộc bạch, khi trả lời câu hỏi, những điều gì đã khích lệ thầy, mang lại niềm hạnh phúc cho thầy trong sự nghiệp? Thầy nói: trước hết đó là những người học trò.

Thưa thầy, khi du học ở phương Tây thầy có cảm nghĩ gì về những người thầy của thầy ?
-  Tôi rất biết ơn các thầy vì không bao giờ họ làm thay tôi bất cứ việc gì. Các thầy chỉ dạy tôi phương pháp tư duy, chỉ cho tôi con đường để tôi tự đi.

Trả lời câu hỏi “muốn biết điều gì đã giúp thầy học thành công, khi biết hồi thầy học tiếng Anh chẳng có thiết bị gì ngoài bộ giáo trình in rất thô sơ … ? Thầy đã trả lời rất cặn kẽ:
-  Thời đó chúng tôi không có sự lựa chọn, chỉ có một giáo trình và một người thầy. Một giáo trình có thể hay có thể dở, nhưng chúng tôi có một người thầy xứng với tên gọi người thầy…

Rồi thầy kể, hồi còn đi học tiếng Việt tại ĐH Tổng hợp, tôi có nhờ thầy Thuật, người rất chắc về chuyên môn lại chu đáo, nhiệt tình,  giúp một số buổi đi sâu hơn vào những vấn đề lý thuyết về môn ngữ âm. Thế mà, buổi đầu tiên đến học, tôi gửi thầy tiền thù lao, theo chế độ nhà nước thôi, thầy nhận. Buổi cuối cùng học xong, thầy đưa trả lại tôi chiếc phong bì và số tiền nguyên si thầy chưa hề mở ra, và nói rằng lúc đầu nếu không nhận thầy sợ tôi ngại không  đến nữa, sợ làm tôi khó xử. Chúng ta có những người thầy thật đáng quý. Thời đó chúng tôi không hề biết đến danh vọng, không nghĩ đến tiền, vì đạo đức xã hội không cho phép dùng tiền để giải quyết bất cứ vấn đề gì … Ngày nay cái gì các em cũng có, mà lại có nhiều. Khi có nhiều, cái khó lại là ở chỗ lựa chọn. Và một cái khó nữa là sức mạnh của đồng tiền. Với đạo đức đi xuống, đồng tiền mua được mọi thứ. Có không ít học trò nghĩ rằng “mua” được cả thầy, thì còn học hành gì. Có những thầy nghĩ rằng có thể “làm tiền” được cả học trò, thì còn dạy dỗ gì…

 Người ta thường nói, đằng sau người đàn ông thành công (hay thất bại) luôn có bóng dáng của một người đàn bà. Đối với thầy Hưng cũng không phải ngoại lệ. Một lần, người bạn đời của thầy hiện nay đã tâm sự: trong suốt những năm tháng sống bên anh, em đã chứng kiến sự truân chuyên của anh trên con đường sự nghiệp. Nhưng cuối cùng anh đã làm được những gì anh muốn. Đáng ra anh phải giàu có, nhưng anh đã không giàu, vì em biết anh cho rằng nếu vì tiền sẽ mất cả tiền lẫn nhân cách; đáng ra anh phải có danh vọng, nhưng em hiểu suy nghĩ của anh cho rằng danh vọng chỉ là “giấc mộng kê vàng”. Em biết anh mất mát khá nhiều, nhưng có điều lớn lao nhất trong cuộc đời anh là anh chưa bao giờ mất tình yêu, tình yêu của anh dành cho tiếng Anh, cho em và cho những người học trò của anh.

Hưng nắm chặt lấy bàn tay ấm áp của vợ. Gió thổi đã bắt đầu lành lạnh. Hưng thì thầm:
-          Lại một mùa lá bàng rơi…


P/s: - Cuốn tiểu thuyết này, các nhà giáo rất nên đọc, nhất là các thầy cô dạy ngoại ngữ. 

 (*) - Thầy Quốc Hùng: Bằng MA của tôi không phải là thạc sĩ bởi nội dung tôi học ở nước ngoài hoàn toàn không giống gì nội dung thạc sĩ trong nước. Ngay như trên truyền hình và sách vở tôi đều lấy tên Nguyễn Quốc Hùng, MA chứ không phải lấy là thạc sĩ bởi nó không có nghĩa tương đương. 





Không có nhận xét nào: