Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019

Nước mắt tháng ba



Tháng ba lại về, mồng tám tháng ba lại đến. Từ lâu rồi, người dân mình đã quen với những ngày 2/9, ngày 8/3, ngày 20/11 và hơn ba muơi năm nay lại có ngày 30/4. Vài năm gần đây lại sinh ra ngày 14/2 (Va len tin ) nghe sường sượng nhưng có thể rồi cũng quen tai.

Nhưng với mọi người đàn ông chúng ta thì 8/3 ai chả biết. Từ nông thôn chí thành thị, đến vùng sâu vùng xa biết cả. Biết, bởi ai mà chả có người thân yêu là phụ nữ. Ngày ấy nôn nao náo nhiệt cho cánh đàn ông. Ngày ấy tưng bừng hoa lá cho cánh đàn bà. Nói chung là đường phố làng quê chộn rộn. Hôm ấy phấn son, hoa cỏ tiêu tốn hơn ngày thường, Hôm ấy cánh ca sĩ chạy sô toé khói, cành cao cành vẻ, mặt mũi lạnh tanh với cơ quan đoàn thể đến mời. Nơi thì nghe nói chuyện lịch sử 8/3. Nơi thì nghe ca hát hò vè về người phụ nữ mới. Nhà hàng, quán sá đông ninh ních váy áo xinh tươi. Vài chục năm sống ở thủ đô, quả thật vào ngày ấy tôi thấy phụ nữ xinh hơn ngày khác, đáng yêu hơn, dễ làm quen hơn.
  Những năm còn làm cán bộ ở cơ quan nhà nước, cứ chuẩn bị đến 8/3 là lo cho công đoàn nữ công năm nay tổ chức thế nào, cho chị em đi đâu, quà mừng mấy tiền, mời ai nói chuyện, ca sĩ nào về hát ... Rồi đến một ngày vào đầu tháng ba năm 2003 tôi chợt nhớ ra rằng thời mình đi bộ đội có bao người con gái cũng đi TNXP, cũng là lính chiến trường hay ở tuyến sau phục vụ chiến đấu, kém gì sự hi sinh gian khổ. Bây giờ họ trở về xanh xao sốt rét, chồng con không có, nghề nghiệp thua thiệt, ở nơi thị thành thôn dã nào đó thì 8/3 với họ thế nào đây? Và rồi tôi lẩn thẩn nghĩ: Vào ngày 8/3 không thấy ai mang hoa vào những nấm mồ liệt sĩ gái ở các nghĩa trang. Những người con gái hi sinh ở chiến trường, khiêm nhường từ những cái tên con gái, nhẹ nhàng như gió thoảng. Ngay cả những ngôi mộ của họ cũng nhỏ nhắn gọn gàng. Tôi cứ day dứt sao ngày 8/3 người ta không mang hoa vào nghĩa trang liệt sĩ đặt lên nhưng ngôi mộ mang tên phụ nữ.

Thế rồi tôi viết bài thơ "Nước mắt tháng ba"

Bài thơ ở thể văn xuôi. Lần đầu tiên tôi gửi dự thi cuộc thi VNQĐ. Tuy không được giải, nhưng được tuyển in trong tập thơ 55 năm tạp chí VNQĐ.
Tôi không muốn nói chuyện thơ hay, hay không hay mà tôi chỉ muốn nói đến cái suy nghĩ băn khoăn của mình với những người đồng đội là con gái một thời.
Hôm nay sắp đến 8/3 tôi đưa bài này lên để tâm sự với đồng đội của mình.
                                        
Nước mắt tháng ba

    Tháng ba nắng tràn trên phố, nắng xanh đồng xanh lúa xanh ngát vùng quê xa. Những cánh rừng mượt mà gió sớm, những triền sông bãi biển hiền hoà, qua rồi mùa bão lũ. Tháng ba về lung linh môi mắt học trò. Tháng ba đằm sâu hương bưởi. Mái tóc nào cũng thấy nên hương.
    
      Tháng ba này tôi nhớ Tây nguyên. Nhớ Trường sơn mưa thức ngàn con suối. Mấy chục năm rừng xưa còn in dấu một thủơ gái trai lớp lớp lên đường. Mẹ tiễn con ra cuối đồng làng. Nắng mới trên áo con sáng xanh màu lá. Nắng nhuộm trên tóc Mẹ heo gầy, giọt nước mắt ngày đi trong veo, hy vọng.
    
      Cuộc hành quân vào nơi đạn lửa. Cuộc hành quân con gái cũng dịu dàng. Những cái liếc dọc những bộ ngực hiên ngang, đội hình thơm mùi đòng sữa. Pháo sáng rơi chùm tiếng cười khu trớ. Đêm trú quân ven làng, chiều dừng chân suối nhỏ, buông tóc hương bồi hồi. Nhớ làng cũ khói rơm xiêu bóng Mẹ. Ếch kêu tháng ba bố trở dậy thăm đồng. Nước mắt thoáng khô lại ướt. Tháng ba hương bưởi ngọt lạ lùng.
     
      Mới một năm xa tiếng trống khai trường. Em đã quen với hình thù quạ Mỹ. Tiếng réo của bom, tiếng vi vu của pháo. Bom phá, bom khoan, bom nổ chậm, từ trường. Cuốn sổ ghi lấm láp những cung đường, những con số hòm thư viết vội, bông hoa rừng ép khô nhớ người đồng đội. Chiều xa tiếng súng vọng về.
     
      Rồi những mùa mưa sốt rét tái tê. Tóc dài cứ rụng dài theo suối. Nước mắt rơi, nước mắt rơi tiếc nuối. Hương bưởi hương chanh vời vợi quê nghèo. Da xanh mái màu da không con gái. Tuổi trẻ vẫn đầy rừng, chiến trường xa vẫy gọi. Rừng cũng hành quân, cười nói lao xao.
     
      Nỗi nhớ mùa khô nhớ đến hanh hao. Chân đất lội đồng trỉa rau, gánh mạ. Nhớ mùa mưa áo tơi nón lá. Mẹ lội bùn môi tái chiều đông. Hai mùa khô mùa mưa Trường Sơn có tình em thương cung đường ra trận. Bằn bặt thư nhà chia nhau kim chỉ. Cái lược cái gương là của quí giữa rừng. Em nao nao nhìn hút bóng, điệp trùng những người trai đi về nơi súng nổ. Bếp lửa rừng má hồng trên da tái.
     
       Ngã xuống rồi vẫn là thân con gái. Mộ chí của các em nhỏ nhắn gọn gàng. Dù ở giữa đại ngàn vẫn nhịn nhường đồng đội. Ngày qui tập anh chị em cùng tụ hội, để các anh đi trước em ở lại, về sau.
     
        Nước mắt rưng rưng nguời đồng chí trẻ trung, đã hàng ngàn ngày đi tìm đồng đội. Nén hương diụ dàng quẩn quanh dù mưa dù đói, sợi  khói bay ngang như mớ tóc đen huyền. Em nằm trong hang hay bên bờ suối. Khôn thiêng cho đời sau biết với. Mỗi chiều soi gương gội tóc giữa rừng, Mẹ chờ con nát mấy mùa bồ kết.
     
        Những mùa mưa Trường Sơn tuột dép. Gót chân son ứa máu, đá tai mèo. Tiếng chim đêm nhưng nhức ngực căng tròn, ao ước một cuộc đời mái nhà bi bô con trẻ. Đêm giật mình vỡ oà bom  nổ. Thương bạn phía ngầm xa nước mắt nghẹn ngào.
      
        Lại một mùa tháng ba đẹp làm sao. Sáng nay hoa tươi nồng nàn trên phố. Nhớ em và bao người không về nữa. Trường Sơn đại ngàn bạt ngàn hồn trinh nữ. Hoa Trường Sơn là những đoá hoa thiêng. Bởi các em vì Tổ quốc hoá thân. Đất nước ấm êm hôm nay dưới bóng hình người Mẹ. Người Mẹ trong em ngàn năm vẫn trẻ. Ai tặng hoa em mồng 8 tháng ba này?

   4/3 /2003
  Nguyễn Trọng Luân 
Cựu chiến binh Sư đoàn 320A Tây nguyên

Không có nhận xét nào: