Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019

BÀN VỀ CHỮ "TỪ ÁI"




Bàn về chữ “từ ái”.
(Viết cho chúng ta, những kẻ đã ở tuổi xế chiều)

“Từ ái” nghĩa là lòng hiền từ yêu thương của bậc trưởng thượng đối với người dưới, cụ thể là con cháu của mình.

Trong gia đình, người ta hay dùng cặp khái niệm “cha từ, con hiếu” để nói lên người cha giàu lòng thương yêu và con cái thì hiếu thảo. Hay khái niệm “từ mẫu” để chỉ người mẹ giàu lòng thương yêu con cái.
Và “từ ái”, là thái độ tỏ lòng thương yêu của cha mẹ đối với con cái.

Giới động vật sinh con là do bản năng duy trì nòi giống. Chúng sinh con, nuôi đến thời điểm nào đó đủ cho con tự lực sinh sống thì tách bầy. Có vài loài động vật biết thương con, dạy con, nhưng đó là bản năng, chứ chưa chắc phải là “Từ ái”, vì khi con cái tách bầy, cha mẹ hình như không còn liên hệ tình cảm gì với chúng.
Rõ ràng, xét trên hình thức thì giới động vật chỉ có “từ ái” mà không có “hiếu đễ”.
Và “Nước mắt chảy xuôi” là nói cái đạo lý của tự nhiên đó.
Người hiểu đời dễ dàng chấp nhận đạo lý này.

Thời xa xưa, trong lao động sản xuất, gia đình nào có nhiều thành viên, khỏe mạnh, đoàn kết thì thường khá hơn những gia đình khác. Khi có tranh chấp giữa những gia đình thì gia đình nào đông thành viên vẫn có ưu thế hơn, nhất là khi có xung đột vũ lực. Do đó mỗi gia đình có thể xem như một đơn vị sản xuất, chiến đấu, một xã hội thu nhỏ. Vì vậy mỗi gia đình đều có ý thức phát triển về mọi mặt, nhân khẩu, nghề nghiệp, học vấn, thể lực, tình đoàn kết…  để tạo nên sự bền vững.

Chữ “hiếu” và “từ” đã giúp cho một gia đình gắn kết với nhau.
Rõ ràng, trong một gia đình mà cha mẹ hết lòng thương yêu con cái, con cái hiếu thảo với cha mẹ, anh em hòa thuận với nhau, thì gia đình đó thường khá giả, thành công trong bước đường công danh, sự nghiệp. Và rõ ràng, những gia đình này thường có khả năng tự vệ tốt.
Cho nên việc sanh con, đẻ cái nhiều được người Trung Hoa khuyến khích bằng một tiêu chuẩn “không có con nối dõi là đại bất hiếu”(Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại – có ba tội bất hiếu, thì không con nối dõi là tội lớn nhất).

Đời nhà Chu (1121 – 221 TCN), ông Chu Công là em ruột của Vũ vương Cơ Phát, muốn giữ địa vị cho cháu (con Vũ vương) nên đặt ra tôn pháp, tức những quy định về tôn ti trật tự trong xã hội, trong gia đình.
Muốn cho chế độ tôn pháp được vững, nhà Chu tạo ra chữ hiếu và đề cao hiếu đễ. Như con phải hiếu với cha mẹ, kẻ dưới phải tôn kính người trên. Khi phát huy chữ hiếu, người ta chú trọng đến tang lễ, tế tự. Sự thờ phụng tổ tiên gần như một thứ tôn giáo – tôn giáo hiếu đễ.   
                
Dần dần những quy định về tôn pháp này lan truyền khắp các nước lân cận, trong đó có Việt Nam ta.
Vậy thì chữ hiếu là một sản phẩm của nền văn hóa, mang tính nhân văn, chứ không phải là sản phẩm của tự nhiên.

Nhiều đấng sinh thành hiểu chữ “hiếu” một chiều có lợi cho họ và dùng nó để ràng buộc con, cháu, muốn chúng phải có trách nhiệm với mình, chí ít là nuôi nấng, chăm sóc họ khi già yếu.

Và như vậy, người ta đã lợi dụng chữ hiếu như một hình thức cha mẹ “đầu tư vào con” mà “kiếm lợi” về sau.

Trong xã hội dân chủ ngày nay, khi lớn lên, con cái có toàn quyền quyết định cuộc sống theo ý mình. Chắc chắn con cái chẳng thể nào biết và nhớ về “số vốn” mà cha mẹ đã “đầu tư” vào chúng.

Ta còn chưa kể đến, có nhiều bậc cha mẹ đầu tư ít, đầu tư sai, mà muốn thu lợi nhiều.
Và nếu như con cái quay ngoắc đi, thì những nhà “đầu tư” kia chắc chắn sẽ vô cùng đau khổ vì thất vọng.
Đó là kết quả của sự cầu mong không chính đáng.
Hay nói cách khác, đó là hậu quả của việc hiểu sai chữ hiếu.
Cũng có nhiều bậc cha mẹ khi nuôi dạy con cũng đã hết lòng thương yêu, nhưng lại với kỳ vọng về sau này sẽ được con cái lo lắng bảo bọc mình. Cái tấm lòng đó ít nhiều đã bị hoen ố, và làm giảm sự kính trọng của con khi chúng biết ra sự thật.
Những bậc làm cha, làm mẹ nói trên đã quên cái gánh nặng đối với con cái, đó là “từ ái”. Mà từ ái là bất vụ lợi.

Nhà đầu tư vào con nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa là Lã Bất Vi. Ông đã cho ra đời một vị hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử cổ đại Trung hoa, chiếm địa vị Tần vương của họ Doanh, thống nhất Trung quốc, danh xưng Tần Thủy hoàng. Lã Bất Vi nương theo vị thế của con, làm nên địa vị “dưới một người mà trên triệu người”.  Nhưng cuối cùng Lã Bất Vi cũng bị bức tử bởi chính vị hoàng đế - người con của mình.
Đó là hậu quả của việc dùng người khác làm công cụ cho mình.

Nhưng từ xưa đến nay có rất nhiều bậc cha mẹ hiểu đời, trọng đạo nghĩa. Họ nuôi nấng, giáo dục, dạy dỗ con cái hoàn toàn vì ý thức trách nhiệm và không hề cầu lợi mai sau. Việc sanh con, nuôi dạy và dẫn dắt con cái trở thành những người có ích cho xã hội là niềm vui và hạnh phúc của những người này. Họ không hề kỳ vọng vào việc sau này con cái có đem lại của cải, hay chăm lo cho họ khi về già.
Những người này xứng đáng là những bậc làm cha, làm mẹ đầy lòng từ ái. Họ đáng được hưởng sự thanh thản cuối đời, dù con cái có lo được cho họ hay không.
Đó là vì “kẻ không cầu mong thì không phải đau khổ”.
Những người này cũng là những kẻ “đầu tư” nhưng với mục đích là tìm “nguồn lợi” từ hạnh phúc và niềm vui với con cái.

Như vậy, việc “đầu tư” của cha mẹ vào con cái là xấu hay tốt, phụ thuộc vào mục đích mà họ muốn nhận được về sau.
Và chính điều này sẽ thể hiện đạo đức và lòng từ ái của cha mẹ đối với con cái.
Hãy khoan trách con cháu ta bất hiếu, mà hãy nhìn vào lòng từ ái của mình.

Tháng 05 năm 2008.  AQ

Không có nhận xét nào: