Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

VẮT CHANH BỎ VỎ


 27/7, tôi đi qua đài tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn. Nhìn dòng chữ to :” Nêu cao đạo lý uống nước nhớ nguồn...” và chiếc lư hương, chợt nhớ đến người bạn già cùng nằm cấp cứu ở khoa Tim mạch- BV Hữu nghi. Đúng tròn 1 năm. Và xúc động không thể không viết...
    Tôi cũng là dân BK, cũng chơi trong ban nhạc của khoa Điện và ban nhạc của trường. Rồi tôi đi lính, chiến đấu trên chiến trường Đường 9 Nam Lào và đặc biệt lò lửa Quảng Trị 1972. Rất may, sống trở về - nhưng mang trọng bệnh “ Chất độc đã cam “. Và rồi 1 con số 0 ....
    Có lẽ vậy mà chúng tôi đồng cảm để anh Chương “ dốc hết ruột gan “ anh giữ kín bao lâu nay.
    Các bạn biết đấy, những kỹ sư quèn như chúng tôi biết làm gì đây ngoài việc lầm lũi làm vì nồi cơm của gia đình. Nhất là thời bao cấp đầy khó khăn.
    Nhiều yếu kiến của các bạn, nhưng hãy xem:
Sau khi đúc thành công chiếc lư hương, anh được mời đi dự hội nghị “ Đúc chính xác “ thế giới, họp ở Na uy. Mời đích danh.
Nhưng người đi thay lại là tay giám đốc nhà máy. Để rồi leo lên chức Vụ trưởng Vụ tổ chức can bộ Bộ Công nghiệp đầy quyền uy.
  Anh Chương, người kỹ sư quèn ấy chỉ còn cách im lặng để giữ nồi cơm, manh áo !
  Ôi cuộc đời đôi khi phải chấp nhận,
   Phải không các bạn !! 


***
Vắt chanh bỏ vỏ
Tìm hiểu 1 người Hà nội tài hoa và thiệt thòi.
Kỷ niệm 27/7

Số phận người cha đẻ những cánh bơm xăng dầu cho đường ống xăng dầu tiếp tế cho chiến trường và đồng thời là cha đẻ chiếc lư hương đặt trang trọng ơ đài liệt sĩ Bắc Sơn đường Hoàng Diệu Hà Nội.

Tôi quá may mắn, trong lần nằm bệnh viện lần này được gặp người anh hùng vô danh. Vâng, tôi vào viện hôm trước, hôm sau người ta đưa vào nằm cạnh giường tôi một ông già không người thân đi cùng. Ông ôm theo 1 chiếc chậu bên trong là toàn bộ gia sản ... Tôi cứ ngỡ ông ở nông thôn lên. Đến bữa ăn trưa, chẳng có ai chăm ông cả. Ông đặt chiếc chậu lên giường, lục tìm rồi lôi ra 2 gói bột dinh dưỡng pha uống. Nhưng than ôi, tuổi già khiến ông loay hoay mãi. Tôi vội sang giúp ông. Đến bữa tối ông nhịn, tuổi già mệt mỏi ông chẳng muốn làm gì, còn người nhà thì bặt tăm ... Ông khai với bác sĩ cách đây 2 năm đã 2 lần bị xuất huyết não. Đến tối vào đánh răng, ôm theo chiếc cốc thủy tinh, lập bập đánh vỡ, may con tôi kịp thu dọn hộ. Rồi ông loạng choạng đi, té ngã, may bọn tôi kịp đỡ ...

Cùng phòng với tôi còn có một thương binh nặng, bác từng bị bất tỉnh trong 3 ngày, đồng đội sờ còn thấy ấm đã kịp thời đưa về cấp cứu. Còn sống, bác được trở về học đại học ngoại giao rồi làm cán bộ ngoại giao. Với bản tính thẳng thắn, không chịu quỳ gối, ở tuổi 48 bác bị tống cổ về hưu sớm.

Tối tối 3 chúng tôi thường ngồi tâm sự. Dần dần mới vỡ lẽ ... Cụ già tưởng ở nông thôn lên, chính là một kỹ sư giỏi nhất Việt Nam - một anh hùng vô danh, tốt nghiệp khoá 4 khoa Đúc - Luyện kim Bách khoa. Nhưng cuộc đời thật bạc bẽo, giờ đây vẫn là một ông già nghèo nàn ...

* Những cánh bơm và người kỹ sư tài năng:

Tốt nghiệp Bách khoa ông được đích danh nhà máy cơ khí Hà Nội xin về. Năm ấy, chiến tranh ác liệt, nhà máy được lệnh nghiên cứu sản xuất những cánh bơm xăng dầu cho đường ông xăng dầu tiếp tế cho chiến trường. Nó là trái tim của đường ống. Nhà máy huy động 9 anh hùng lao động và cả một đội ngũ thợ giỏi. Nhưng sau 1 năm vẫn thất bại. Ông Đinh Đức Thiện xuống nhà máy, tức giận đập bàn ghế và chốt cho nhà máy thêm 6 tháng.

Bí quá, giám đốc mời ông lên: “Tôi cho anh 1 tuần nghỉ ơ nhà nghĩ cách sản xuất”.

Ông bắt tay vào sản xuất thử. Sau lần đầu thất bại, lần thứ 2 đã thành công. Tổng cục xăng dầu quân đội cho chạy thử và kết quả mỹ mãn, bắt đầu sản xuất hàng loạt. Ông Đinh Đức Thiện về nhà máy khen thưởng và hỏi ai là tác giả?

 Kỹ sư Ngô Văn Chương được mời lên khen và vinh danh là người kỹ sư giỏi nhất Việt Nam kèm theo lời hứa sẽ có phần thưởng xưng đáng …

Nhưng lời hứa như gió bay, và kẻ hưởng thành công của ông lại là tay trưởng phòng kỹ thuật xăng dầu quân đội, phong vượt cấp từ đại tá lên thiếu tướng rồi nhận danh hiệu anh hùng.

Ông ngậm ngùi nhận con số không !!!

Một hôm vợ ông vào viện, ngồi được vài phút rồi về đem cho ông quà: 3 gói mỳ tôm !!!

Tôi thương ông, không kìm nổi những giọt nước mắt. Ôi ngày xưa, ông là tay chơi đàn ắc cooc hay nhất BK, đã cùng khoa Đúc đạt giải nhất hội diễn toàn trường, làm say mê trái tim bao nhiêu em.

Quý và thương ông, sáng sáng chúng tôi cùng dìu ông đi ăn rồi cùng thưởng trà, tâm sự ở quán nước trước bệnh viện. Bác thương binh không cho ai trả tiền, nói "mỗi tháng tôi có 3 triệu tiền thương binh mà !đủ tiền đẻ anh em mình ăn sáng và trà lá ..."

Kỷ niệm 27/7

Phần kết

* Số phận người cha đẻ chiếc lư hương đặt trang trọng ơ đài liệt sĩ Bắc Sơn đường Hoàng Diệu Hà Nội.

Nhìn cụ già nghèo nàn ôm theo chiếc chậu nhựa chứa toàn bộ gia sản, không ai nghĩ trước đây cụ là tay chơi Hà Nội, nhà ơ biệt thự 69 Trần Quốc Toản. Cụ là học trò accordion yêu của bác Cẩn ở phố Bà Triệu. Đã từng dàn dựng cho hợp xướng trường BK ..., ngón đàn điêu luyện của cụ đã làm rung động trái tim biết bao người đẹp ..., mà giờ đây !!!!!

Ngày ấy nhà máy cơ khí Hà Nội là lá cờ đầu, là niềm tự hào của nền công nghiệp XHCN (trước khi bị tỷ phú Nhật Vượng thôn tính). Hoà bình lập lại, ý tưởng xây đài tưởng niệm liệt sĩ được hình thành. Nhà máy cơ khí Hà Nội được tin tưởng giao trọng trách đúc chiếc lư hương.

Đây là một sản phẩm rất khó bởi các chi tiết rất tinh xảo, không nghệ nhân nào dám nhận. Vả lại, đây là sản phẩm đúc chính xác, có nghĩa là khi đúc xong sản phẩm đã hoàn chỉnh không phải gia công thêm, chỉ việc làm bóng.

Người ta lại phải vời đến ông. Kỹ thuật đúc chính xác trên thế giới rất khó và ơ Việt Nam chưa có khái niệm. Ông được mời lên giao trọng trách.

Với tư duy sáng tạo và tài năng của mình, chỉ sau 3 tháng ông đã đúc thành công chiếc lư hương, không 1 khuyết tật, và chỉ việc đem làm bóng ...
Sau khi nghiệm thu người ta quên hết những lời hứa ..và ông bị lãng quên, về hưu với bậc lương kỹ sư quèn gần 5 triệu/ tháng, sau cả đời cống hiến.

Một buổi sáng sau khi dìu ông đi ăn, bên quán nước chè ở cổng bệnh viện, ông xin được hút 1 điếu 3 số nhớ lại tuổi trẻ và bảo: 
” Tôi cảm ơn cuộc đời này đã cho tôi được gặp các ông. Trong cuộc đời này, tôi có 2 niềm tự hào lớn.
- Thứ nhất là cho ra đời những cánh bơm xăng dầu tiết kiệm được sinh mạng hàng triệu ngươi ViêtNam, cho hàng triệu gia đình ViêtNam khỏi cảnh chia ly.

-Thứ hai, chiếc lư hương của tôi sẽ tồn tại Vĩnh cửu từ đời này sang đời khác dù chính thể thay đổi.”

Lời kết: Hút mỗi người 1 điếu 3 số, uống chén nước chè cuối cùng trước khi chia tay, bác Đ thương binh nặng kết luận :” Nói tóm lại 3 đứa chúng mình đều là những thằng ... bất mãn.”

Chúng mình là những thằng lính may mắn còn sống sót trở về để chứng kiến “ngày nay” ...

Ảnh: Kỹ sư Ngô Văn Chương, cha đẻ những cánh bơm xăng và cũng là cha đẻ chiếc lư hương ơn đài liệt sĩ Bắc Sơn. Kẻ này đang cho ông uống thuốc khi lưu luyến chia tay.
theo FB Quỳnh Phạm

Không có nhận xét nào: