Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

MỘT CHÚT XÍU ÂN TÌNH NAM KỲ LỤC TỈNH

 


Người Nam không có Cả mà lại bắt đầu bằng thứ tự Hai, Ba, Tư, Năm …
Vì sao ở Nam Kỳ không gọi con trưởng là con cả? Đã có hàng chục cách giải thích cái nầy, tuy nhiên chưa có cái nào hợp lý.
Chúng ta phải biết rằng trong văn hóa Nam Kỳ tuy cùng một dân tộc Việt nhưng có một sự khác biệt không hề nhỏ văn hóa Bắc Kỳ.
Nhiều người ngoại quốc nghiên cứu VN rất ngạc nhiên.
Bắc Kỳ có anh cả, chị cả, bác cả, ông cả nắm quyền lực trong gia tộc, dòng họ, cả cũng là người thừa tự trong gia tộc. Nhưng Nam Kỳ thì truất cả, đã không có thứ bậc cả rồi mà lớn nhứt là anh hai cũng không phải là người thừa kế, thằng út mới thừa kế, ở nhà thờ giữ hương hỏa là út, có câu “Giàu út ăn, nghèo út chịu”.
Chỉ có thể lấy Trời Đất ra mà ngẫm.
Con số 2 là con số sau con số 1
Quẻ số 2 trong Kinh Dịch là Thuần Khôn, là đất mềm dẻo, hiền hòa, theo lẽ sống an vui, thân thiện và khả năng thích ứng tốt.
Người Nam Kỳ kêu con lớn là anh hai, không có anh cả, số hai (Đất) là lớn nhứt vì dân Nam Kỳ đi khai hoang đất, tìm đất mới để sanh tồn mà tạo ra văn minh Nam Kỳ Lục Tỉnh nên đất trong tâm linh Nam Kỳ vô cùng quan trọng.
Chúng ta nhớ giữa nhà người Nam luôn có cái bàn đất đai, tục cúng kiếng của Nam Kỳ luôn có mâm đất đai, bàn thờ Nam Kỳ luôn có Ông Địa ở giữa nhà, Nam Kỳ cúng mùng 10 tháng Giêng là cúng đất đai, tạ ơn Chú Thổ. Tức là khi khai hoang lập ấp dân Nam Kỳ lấy quẻ Thuần Khôn (đất) làm trọng. Cái bàn Thông Thiên thờ Trời có ở trước nhà là số 1, cái bàn chỉ có một cái chưn ốm nhách chổng lên cao là bằng chứng.
Có rất nhiều cách lý giải vì sao Nam Kỳ chỉ có anh hai, nhưng người ta quên mất yếu tố Dịch Học. Anh hai, chị hai là nền tảng Nam Kỳ vì khi sanh ra anh hai, chị hai là lúc người lưu dân đã có đất hoặc đang khai hoang làm ruộng,cày cấy trên đất mới rồi, ông bà mình nói ổn định nhà cửa lấy vợ sanh con là vậy.
Thành ra thứ 2 là lớn nhứt .
Và một yếu tố chánh trị nữa, Nam phải khác Bắc.
Trong trống đồng, ta thấy người đi đầu giơ tay lên biểu thị khái niệm 1, tương ứng với lý số 1 của hướng Bắc trong Hà Đồ
Trong khi người đầu hướng Nam đưa tay lên biểu thị khái niệm 2, tương ứng với số 2 của hướng Nam trong Hà Đồ
Trùng hợp và rất thuận lẽ Trời,Đất,thuận lòng Người đó mới là Lục Tỉnh
Thành ra người Nam xài số 2, kêu lớn nhứt là anh hai từ trong thực tế tới tâm linh.
Trong Nam có từ duy nhứt cả là ông Hương Cả trong làng, ông này tượng trưng kiểu cúng kiếng, dạy đỗ, giữ giềng mối,trật tự, lễ nghĩa, liêm sĩ và đây là chữ cả duy nhứt trong Nam, có lẽ là gợi nhớ cái xưa, cũng là gìn giữ giềng mối, đạo lý, kiêng dè Trời.
Suy cho cùng có cách lý giải mà chưa ai dám nói là dân Nam Kỳ làm khác biệt với Bắc Kỳ, đơn giản là muốn khác, muốn tạo ra bản sắc riêng, tạo ra một xứ riêng, trong tâm thức người đi khai phá Nam Kỳ đã có sự bực mình, khó chịu, thậm chí ác cảm với sự hà khắc, khắc nghiệt ở lũy tre làng Bắc Kỳ - cái nơi mà họ đành lòng lìa xa mãi mãi vì những hủ tục, tập quán đã một thời hành họ lên bờ xuống ruộng.
Trong xưng hô người Nam Kỳ có thói quen kiêng kêu tên tục người đối diện, kêu vậy là bỗ bã, kể cả ngươi trên cũng không kêu tên tục kẻ dưới
Người ta gọi thứ bậc trước tên thiệt như : Cô Sáu Lý, Cô Ba Nhân, Ông Hai Sửu, bà Ba Nở, Cô Ba Kim Anh, Chị Sáu Mừng.
Nhưng nói "Bà Tư Ù" là nói khi không có một người đó, còn đối diện thì chỉ kêu thứ, thí dụ "Cô Sáu bán cho con tô hủ tíu".
Gọi thứ bậc trong nhà như: Cô Hai, Chú Mười, Cô Mười Hai.
Ta nói thứ út ở Lục Tỉnh cũng thiệt vui, có Út Hết, Út Thêm, Út Lượm, Út Vét, Út Mót, Út Nữa, Út Chót, Út Hết .
Gọi thứ bậc trước địa danh: Cô Hai Cần Giuộc, Cô Năm Cần Thơ, Chú Út Trà Ôn, Thím Bảy Kiến Tường.
Gọi thứ bậc trước một biệt danh: Con Tám Hai Hàng, Thím Sáu Bụng, Mợ Năm Chèo Bẻo, Ông Tư Tẹt, Mười Đía, Tám Lựu Đạn, Tư Ù, Mười Lé, Ba Xí Xọn, Cô Ba Chót Chét, Hai Niểng, Chín Xi Cà Que …
Gọi thứ bậc trước nghề nghiệp của người đó: Bà Năm Xe Lam, Con Bảy Đưa Đò, Thằng Tám Mì Gỏ, Chín Khoai Lang, Út Mụ Vườn, Hai Lò Rèn, Chín Thiến Heo.
Có dịp tụ hội giỗ quảy, tiệc tùng trong gia tộc mà đông người chúng ta sẽ thấy ông bà nội, ngoại trong vai tư lịnh phân công như sau:” Con hai đón khách, thằng ba dọn bàn ghế, con tư đi chợ, thằng năm dọn bàn thờ, thằng sáu đi xóm kêu thợ nấu, con bảy con tám con chín phụ dưới bếp…”
Trong văn hoá ứng xử của người Nam Kỳ kiểu nầy làm người nghe cảm thấy gần gũi, có sự kết nối với nhau, thân thiết như những thành viên trong gia đình, cho dù đôi lúc đó là những người xa lạ không máu mủ ruột rà gì với nhau.
Điều này xuất phát từ xa xưa, khi khai phá vùng đất mới, lúc ấy đất rộng người thưa, con người cảm thấy cô đơn lạc lõng nên cần được chia sẻ, quan tâm nhau bằng tình cảm chân thật, thân thiết. Do vậy, lối xưng hô này trở thành một nét văn hoá giao tiếp của người dân Nam Kỳ.
Người trẻ thì kính trọng gọi là Chú Sáu, rồi Thím Sáu. Người xàng xàng ngang hàng, ngang tuổi thì gọi nhau thân mến là Sáu nầy Sáu nọ. Còn người lớn tuổi hơn gọi là Thằng Sáu, Vợ Thằng Sáu, Con Sáu.
Về già lên chức Ông Sáu, Bà Sáu ...
Người ta nói chuyện cứ kêu nhau như vầy:” Con Tư à, tao nghe xóm làng nói là ...” Lại có cái tục gọi thứ của người chồng, ví dụ con vợ ở nhà thứ 2 tên Bông là chị lớn nhứt nhưng lấy thằng chồng thứ 7 tên Tỏn bên nhà nội thì sau khi lấy nhau bà con sẽ gọi là Vợ Thằng Bảy Tỏn, cái thứ 2 của con vợ người ta sẽ quên, chỉ nhắc lại khi về nhà bên họ ngoại, về bên vợ thì con cháu hàng xóm bên đó sẽ kêu là Dượng Hai Bông, nếu ông nầy ở bên vợ hoặc sống bên xứ vợ thì ổng sẽ bị quăng luôn cái thứ Bảy của ổng.
Tức là thứ của người đàn ông chỉ kêu bên họ nội, về bên vợ người đàn ông sẽ được kêu theo thứ vợ, và ngược lại ở người đàn bà. Thành ra ông Chín Cắc nhưng về bên vợ ổng hỏi chẳng ai biết, ở đó chỉ có ông Bảy Cắc thôi vì vợ ổng là bà Bảy Thèo.
Gọi thứ của chồng ngẫm lại thấy giống bên Tây khi đàn bà lấy chồng phải mang họ chồng hông? Thể hiện chế độ phụ hệ.
Một đặc điểm của dân Nam Kỳ ít ai nhận ra là xứ nầy trọng đàn bà dữ lắm. Vì vai trò của họ rất lớn.
Ví dụ như cách xưng hô con và gọi Dì Hai /Con Hai thành một công thức khuôn mẫu cho tất cả những mối quan hệ vừa mới giao tiếp với nhau, hai bên đều xa lạ, nhưng gặp thì một bên sẽ gọi người đàn bà kia là Dì Hai/Con Hai, rồi Anh Hai, Chú Hai, ai cũng Hai hết.
"Trèo lên cây khế mà rung
Khế rụng đùng đùng, không biết khế ai
Khế này là khế ông Cai, khế chưa mà có trái là chị Hai nó có chồng
Anh Hai đi cưới chị Hai, mâm trầu và hũ rượu hết 20 đồng"
Thứ hai là thứ cao nhứt của người Nam Kỳ.
Với người lớn tuổi thì xưng con và mấy bà già là Bà Ngoại hết ráo trọi.
Hãy đọc bài ca dao sau, một người đàn ông có nhiều vợ, trong thứ tự vợ của người Nam Kỳ không có chị cả, bà hai là lớn nhứt.
"Sớm mơi anh đi chợ Gò Vắp
Mua một xấp vải đem về
Cho con hai nó cắt
Con ba nó may
Con tư nó đột
Con năm nó viền
Con sáu đơm nút
Con bảy vắt khuy
Anh mới bước cẳng ra đi
Con tám nó níu
Con chín nó trì
Bớ em mười ơi!
Sao em để vậy
Còn gì áo anh"
Khắp Lục Tỉnh chỉ có một đặc trưng văn hóa duy nhứt, ẩm thực, cách ăn cũng chỉ có bao nhiêu món, nhiều vùng có thêm chút gia vị khác khác thêm vào nhưng cơ bản món ăn đó ở xứ nào cũng có.
Càng xuôi về Miền Tây thì người xứ dưới ăn ngọt hơn.
Người Nam Kỳ có chung một giọng nói, đó là giọng Nam.
Dầu có nhiều vùng sẽ có kiểu phát âm hơi đặc trưng riêng của họ, thí dụ nói kiểu Lái Thiêu và kiểu Cái Bè. Tuy nhiên cái khác là không nhiều.
Có những phương ngữ rất đặc trưng của vùng.
Nếu bạn hỏi người Long An: “Năm nay lúa má sao anh?” Long An trả lời: “Hằng hà!” Còn người Vĩnh Long sẽ trả lời: “Nhốc luôn! bể bồ ”.
Dân Nam Kỳ cũng lãng mạn lắm, gọi nước lên xuống ngày 2 lần bằng mấy chục từ diễn tả, như: nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém, nước đứng, nước nhửng, nước ương, nước đổ, nước ngập, nước nổi, nước quay, nước lụt, nước giựt, nước rút, nước chảy, nước trôi, nước nhảy, nước bò …
Nước ròng còn chia ra: nước ròng cạn, nước ròng sát, nước ròng rặc, nước ròng kiệt, hay còn gọi tắt là nước cạn, nước sát, nước rặc, nước kiệt …
Thời điểm nước đứng gọi là “nước nhửn”.
"Nước lớn rồi lại nước ròng
Đố ai bắt được con còng trong hang"
Dân Bắc Kỳ, Trung Kỳ gọi thuyền hay đò thì ở Nam Kỳ gọi ghe và chia ra hàng chục loại: ghe chài, ghe đục, ghe be, ghe bầu, ghe cui, ghe cửa, ghe giàn, ghe lồng, ghe lườn, ghe ngo, ghe tam bản …
"Ghe bầu trở lái về đông
Làm thân con gái theo chồng nuôi con"
Người Nam Kỳ viết không sai chánh tả nhưng trong văn nói có nhiều đặc trưng của vùng, gọi là phát âm kiểu.
Phát âm phụ âm cuối không phân biệt “n” và “ng”, “c” và “t”, ”y” và “i” Ví dụ: cục than thành cục thang, liên thành liêng, lan thành lang, mái và máy, lụt và lục, mát và mác, thước và thướt ….
Phát âm “ê” thành “i”. Chẳng hạn cơm nếp, cái đệm thành cơm níp, cái địm. “ươ” thành “ơ”; trái mướp thành trái mớp, ăn cướp thành ăn cớp, đám cưới thành đám cứi, tức cười thành tức cừi
Phụ âm “r” thành “g” , như rau răm thành gau găm, cá rô thành cá gô
Phụ âm “r” thành “d”. Ví dụ: rau răm thành dau dăm, cá rô thành cá dô
Dân Bến Tre (trừ Chợ Lách và Bình Đại) đọc phụ âm “tr” thành “t”. Ví dụ: cây tre, cây trúc thành cây te, cây túc, Bến Tre thành Bến Te.
Vùng Gò Công cũ ( Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang và Cần Đước, Cần Giuộc tỉnh Long An) có cách phát âm “ng” thành “qu”. Ví dụ: ông ngoại thành ông quại.
Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh có cách phát âm “th” thành “kh”. Ví dụ: cái thùng thành cái khùng
Bữa có vụ anh "Tuấn Khỉ" ở Củ Chi, thiệt ra là Tuấn Thủy
"Chợ Ba Ti thiếu gì cá biển
Anh thương nàng anh nguyện về đây"
Như đã nói, đặc trưng nguồn nước, đất đai sẽ tạo ra giọng nói riêng của xứ đó, nhưng cơ bản người Lục Tỉnh không coi đó là nhà quê hay là cái để tự ti, chọc ghẹo.
Nó là gia vị vui, ngộ ngộ, đáng yêu trong miền Lục Tỉnh của chúng ta, thương nhau càng nhiều hơn.
Các bạn có nghe chàng trai Củ Chi tỏ tình cô gái Bến Tre không?
Chàng: Thủy ơi! Má anh kêu em về nhà anh ở Bến Te chơi kìa.
Nàng: Chời ơi chời! Tự nhiên kêu Khỉ về Bến Tre, con gái về kiểu vậy ba má em la đó".

Không có nhận xét nào: