Phạm Vũ Anh Thư
Cô tôi về, mong manh như giọt sương trên chót lá. Chưa đầy nửa năm từ khi biến cố xảy ra, cô gầy rộc, mắt trõm sâu vì nhiều đêm mất ngủ. Nỗi mất mát, cảm giác thất bại như một mồi lửa làm bùng cháy cánh rừng khô và tiếp thêm nhiên liệu cho mầm mống ung thư đang trú ngụ trong cơ thể cô. Khi người ta tin quá, yêu quá thì sự thật trần trụi về đối phương sẽ là cơn đại hồng thuỷ nhấn chìm họ trong nỗi đau.
“Chỉ có kẻ mà ta tin quá mới đủ khả năng làm ta không còn tin vào điều gì nữa”, cô nói rồi hướng mắt về gò mả, nơi ông bà nội đang nằm. Cô bảo mình nghe thấy tiếng ông bà thở dài. Nắng chiều xiên qua những tàn cây, chênh chếch trên vòm mận sau hè. Cô nằm trên chiếc võng được buộc vào hai cây bạch đàn, lặng nghe hơi gió mơn man. Mảnh vườn này lưu giữ trọn vẹn một thời thơ ấu tươi xanh, từng là nơi cô chơi nhà chòi với lũ bạn trong xóm. Nơi có con mương nhỏ mà có lần cô uống no một bụng nước, nếu ông nội không đi làm đồng về thấy kịp thì cô đã mất mạng. Nơi có người con trai nhà bên thường làm thơ con cóc viết trên giấy tập học trò rồi xếp thành tàu lượn thả vào hàng rào … Hễ nhắm mắt là cô lại “thấy” bà nội với chiếc áo bà ba khi thì lúi húi nhổ cỏ vườn, khi thì tay cắp rổ đi nhặt sa-bô-chê, xoài hay mãng cầu chín rụng trong vườn.
Kỷ niệm cũ tràn về ngập cả không gian chiều, cô lặng khóc. Chỉ có những cây sao già hiểu rõ tâm trạng của cô lúc này, vì chúng chứng kiến toàn bộ cuộc đời cô từ khi là một cô bé để tóc húi cua như con trai, những mơ mộng thời thiếu nữ, cho đến bây giờ khi đầu đã hai màu tóc. Từ gốc cây sao này có thể thấy rõ quang cảnh trong nhà, ngoài ruộng và ánh đèn thấp thoáng từ những nhà khác trong xóm khi bà con vác cuốc từ ngoài đồng về. Cô “thấy” một cô bé xinh xắn tay cầm con búp bê làm bằng râu bắp non lon ton chạy theo mẹ khi bà đang giẫy cỏ ngoài bờ ao …
***
Cha tôi kể, ngày xưa cô là hoa khôi của cả cái vàm này. Cô đẹp như một bông cải vàng trên đồng. Không những thế, cô còn học rất giỏi. Cả xã chỉ có mình cô là con gái mà tốt nghiệp đại học, vì thời ấy rất ít người được học hành tử tế, biết đọc biết viết là mừng rồi, thậm chí có khi cả một nhà không có được một người biết chữ. Ai cũng đầu tắt mặt tối lo việc đồng áng, gà vịt. Cha tôi cũng chỉ học hết cấp 2 là nghỉ học ở nhà phụ ông bà nội trông coi vườn tược, ruộng đất. Bao nhiêu đám đến hỏi cô, ông nội đều lắc đầu từ chối, bảo “Để cho nó học”. Cứ thế, cô học hết phổ thông rồi tiếp tục lên đại học. Tốt nghiệp xong cô được giữ lại trường giảng dạy, vài năm sau còn được cử đi học lên cao. Cô không chỉ là niềm tự hào của gia đình tôi mà còn của cả dòng họ.
Tết năm cô tròn 30 tuổi là cái Tết vui nhất của cả nhà vì đám cưới cô ngay rằm tháng Chạp. Đó là lúc hoa vạn thọ bà nội trồng nở vàng cả sân, chim chèo bẻo từ đồng xa bay về nấp trong mấy ống rèm trúc cuộn tròn ngoài hiên để ngày ngày bay ra ruộng bắp hay vào vườn sau ăn mận chín. Đó là lúc nếp thơm đã được bà nội và mẹ tôi lựa kỹ để sẵn trong khạp chờ mang ra gói bánh tét, quết bánh phồng … Đám cưới cô rộn rã suốt mấy đêm liền.
Với ngần ấy ân huệ của cuộc đời, cứ ngỡ cô tôi quá may mắn khi sở hữu một hạnh phúc trọn vẹn, thành công cả về sự nghiệp lẫn hôn nhân. Dượng là một người có học thức, không chỉ được lòng cả nhà mà cả xóm ai cũng quý. Từ khi cưới, tháng nào cô dượng cũng về thăm nhà, mang quà bánh cho mọi người và trong chiếc túi nhỏ của cô bao giờ cũng có một gói kẹo ngon dành riêng cho tôi. Cô hay cùng dượng ra đồng chơi, dạo quanh rẫy bắp. Cô còn dạy cho dượng và tôi cách làm búp bê bằng râu bắp non xanh mướt. Trong ký ức của tôi, những con búp bê ấy đều có linh hồn và cuộc sống riêng.
Nhiều người bảo ông bà nội tôi có phúc khi con cái thành đạt, thuận hoà. Tuy nhiên, xét về thuyết tương đối thì ngay cả hình tròn cũng không tròn ở mọi điểm. Ông nội thường hay thở dài. Ông bảo việc cô tôi không thể có con là do lỗi của ông và gọi đó là “nhân quả”. Ông kể, có một năm nước lũ tràn về, trong nhà cũng trắng xoá như ngoài đồng. Lúc ấy bà vừa mới sinh cô, còn đang “nằm ổ”. Hôm đó khi ông đang chặt đám cỏ ngát sau nhà thì trông thấy một con rắn rất to dưới gầm bàn cạnh chỗ bà và cô đang nằm. Ông vớ lấy con dao phay chặt nó đứt lìa, khi nhìn lại mới thấy là con rắn ấy đang có chửa. Mấy ngày sau, một con rắn đực xuất hiện và cứ bò quanh quẩn nơi xà nhà. Từ đó ông mang một nỗi lo canh cánh trong lòng vì mình đã sát sinh và phá vỡ hạnh phúc của đôi rắn ấy.
Ông nội bảo:”Rắn là loài vật có tính linh. Chỉ vì lúc đó sợ nó làm hại vợ con nên ông mới giết, chứ nếu biết nó đang có chửa thì ông chỉ đuổi đi thôi. Ngoài đồng nước mênh mông không chỗ cư ngụ nên nó mới phải bò vô nhà tìm nơi khô ráo để đẻ con. Mình muốn bảo vệ con mình thì loài vật cũng muốn bảo vệ con nó mà!”
Thời gian cứ trôi qua kẽ tay, những niềm vui nỗi buồn cứ nối tiếp đan xen nhau. Cô dượng vẫn sống hạnh phúc bên nhau dù không có con cái. Thời ấy y học chưa tiến bộ như bây giờ nên những cặp vợ chồng không may hiếm muộn chỉ còn biết đổ thừa cho “cái số”.
Ngày cuối cùng còn đứng trên giảng đường là lúc cô hay tin dượng ngoại tình và có con với một nữ đồng nghiệp trẻ măng. Cô hỏi, dượng chỉ im lặng gật đầu. Thật chẳng dễ dàng khi phải đối diện với sự thật ấy ngay vào thời điểm nghỉ hưu, khi cần một bờ vai để dựa và nhất là khi cô cũng vừa phát hiện ra căn bệnh nghiệt ngã của mình. Cô lặng lẽ rời khỏi ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm của hai người vào một buổi chiều khi nắng vẫn còn rực rỡ bên cửa sổ, dát ánh vàng lấp lánh lên khung ảnh cưới. Cô bảo, về để tìm lại mình, vì trên suốt cuộc hành trình của một đời người có rất nhiều nơi để đến nhưng duy nhất chỉ có một nơi để quay về. Nơi đây có hình ảnh quen thuộc của ông bà nội, có vòng tay luôn dang rộng của ba mẹ tôi, và đâu đó vẫn còn dư hương của dượng.
***
Cô rời bỏ chúng tôi trong một buổi sáng mùa Xuân ngập tràn mùi hoa vạn thọ, hoa huệ … Cô vẫn hồng hào và đẹp như một bông cải vàng trên đồng, bình yên trong giấc ngủ trên cánh tay mẹ tôi. Do một linh cảm, sáng đó mẹ tôi không ra đồng như mọi hôm mà lại ra bờ ao cắt mớ lá dứa vào để nấu cháo cho cô sớm hơn mọi ngày. Trước khi cái nắm tay lỏng dần, cô nhờ mẹ nói với dượng rằng mình tha thứ và cám ơn dượng vì đã đi cùng cô hơn 20 năm hạnh phúc. Tất cả chỉ có thế. Mẹ kể, trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi giữa ranh giới của sự sống và cái chết, cô bảo đã nhìn thấy ông bà nội đang đứng ngoài rẫy bắp để chờ cô đi cùng.
Nhiều người cho rằng, khi con người sắp bước chân vào thế giới của những linh hồn, họ sẽ nhìn thấy những người thân đã khuất của mình. Tôi rất tin điều đó, ít nhất là để an ủi rằng cô tôi sẽ không đơn độc. Mẹ cắt một chục hoa vạn thọ ngoài sân mang ra cắm bên mộ cô và lặng lẽ khóc.
Dượng về, bẽ bàng và thảng thốt. Không có giọt nước mắt nào, nhưng ai cũng hiểu là trái tim đó đang rung lên từng hồi tê dại. Sau khi nghe mẹ nói lại lời cô nhắn gởi, dượng rưng rưng kể … Trong một tình huống tình cờ, dượng được bác sĩ thông báo mình bị vô sinh bẩm sinh do một khiếm khuyết của cơ thể. Lỗi do tạo hoá. Đau đớn và xấu hổ, dượng không dám đối mặt với cô mãi cho đến khi biết tin cô mất.
Chiều đó dượng một mình ra đám bắp sau nhà, tỉ mẩn làm một con búp bê bằng râu bắp non rồi đến ngồi bên mộ cô. Đồng chiều vi vu gió, mang theo cả hương huệ trắng và hương vạn thọ từ sân trước vào tận vườn sau. Dượng ngồi đó, tay run rẩy vuốt ve từng viên gạch trắng tinh trên mộ, gió từ đồng xa lùa về lạnh ứ cả không gian. Trên cành mận, một con chim lẻ bạn dáo dác gọi bầy. Chiều quê sương xuống rất mau, thoắt cái đã làm ướt cả đám bắp đám cà. Ba bảo tôi mang cái áo khoác ra cho dượng, vì ghét nên tôi vùng vằng không muốn đi. Ba nhẹ nhàng nói: “ Giờ phút này, trong tất cả chúng ta, dượng mới là người đau khổ nhiều nhất con à. Cô cũng đã tha thứ cho dượng thì lẽ nào chúng ta không chịu bao dung?”
Có lẽ linh hồn cô tôi vẫn còn đâu đó quanh đây, để ngắm nhìn con búp bê tết bằng râu bắp được dượng đặt ngay trước mộ. Dượng không khóc. Đồng chiều gió hát.
Trong phút giây, bất giác tôi hiểu ra rằng có những nỗi đau quá lớn đến độ nước mắt không chảy ra được mà thấm ngược vào trong … nhức nhối gấp vạn lần .
1 nhận xét:
Theo tôi thì người này có lỗi vì không nói sự thật Đó là người con rể
Đăng nhận xét