Nhạc sỹ Văn Cao. Tranh: Nguyen Hong Long
Kỉ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, tối ngày 27/04/2015, Đài Truyền hình quốc gia đã có chương trình cầu truyền hình mang tên "Mùa xuân đầu tiên".
Người người thưởng thức đều bay bổng theo giai điệu nhẹ nhàng và tuyệt vời, của tác giả Quốc ca Việt Nam. Nhưng đã mấy ai biết được sự thăng trầm của tác phẩm bất hủ này qua thời gian ...
1/ Mùa xuân đầu tiên
Mùa thu năm 1983, Văn Cao được bầu làm Ủy viên chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, sau rất nhiều năm “mai danh ẩn tích”. Đó là cái mốc trở lại quan trọng của Ông. Niềm hứng khởi đã cho Ông viết tiếp những ca khúc rất hay.
Cuối xuân 1985, UBND tỉnh Nghĩa Bình (nay là Quảng Ngãi và Bình Định) có nhã ý mời Văn Cao, Nguyễn Trọng Tạo, và tôi, vào thăm và sáng tác cho tỉnh. Để đáp lại thịnh tình của quê hương Quang Trung - Nguyễn Huệ, chúng tôi bàn nhau mỗi người làm một cái carpostal gồm một bức kí họa chân dung, một bài thơ và một bản nhạc.
Riêng với Văn Cao thì đã có bức tự họa của ông, một bài thơ Ông mới viết về Qui Nhơn. Còn bản nhạc, định in "Tiến quân ca", nhưng Văn Cao lại có ý khác.
Ông nói :
- Mình đã dùng âm nhạc thúc giục cả dân tộc qua hai cuộc chiến tranh, mình muốn in một ca khúc khác. Ca khúc mừng cả dân tộc được thoát khỏi chiến tranh, được sống trong thanh bình đã mười năm qua.
Khi tôi hỏi ca khúc ấy đâu, thì Văn Cao mở ngăn kéo tủ đã xập xệ, rút ra một tập sách nhạc khổ to in chữ Nga. Ông từ từ mở ra trang gần giữa. Hiện lên trước mắt tôi là bản nhạc có phần đệm piano tên là "Mùa xuân đầu tiên", có cả bản dịch tiếng Nga.
Tôi vội đọc giai điệu. Hay quá !
"Rồi dập dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông
Gà đang gáy trưa bên sông
Thuyền vui phút giây cho bao tâm hồn ..."
Tôi nói :
- Ca khúc hay thế, sao bây giờ vẫn nằm trong tủ của cụ ? (tôi hay gọi đùa Văn Cao là “cụ Văn”).
Văn Cao tư lự, ngồi lặng im. Rồi thủng thẳng :
- Viết ra in trên báo Sài Gòn Giải Phóng, rồi đưa cho Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam từ năm 1976. Có thu đâu mà chả để trong tủ. May. Liên Xô còn in cho làm kỷ niệm !”.
Nghe Văn Cao nói xong, tôi bất giác thở dài. Thương quá, một nỗi niềm từ lâu không bộc bạch được với ai. Văn Cao tâm sự đã thai nghén cái “tứ” này từ sau Hiệp định Pa-ri, nhưng phải đến mùa xuân thống nhất đầu tiên (năm 1976), Ông mới viết và hoàn thành.
Nhưng lúc ấy, ai có thể dám thu thanh tác phẩm của một người có liên lụy tới vụ án Nhân văn - Giai phẩm như Văn Cao ? Có một chút gì nghèn nghẹn trong cổ họng tôi ...
Tôi và Văn Cao cụng li. Tôi thống nhất với Văn Cao sẽ in bản nhạc này vào carpostal.
2/ Những mùa xuân chờ đợi
Năm 1988, niềm vui trở lại với Văn Cao tràn trề hơn.
Hội Nhà văn Việt Nam phục hồi Hội tịch cho các bạn ông như : Hữu Loan, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán sau 30 năm.
Với Văn Cao, là việc diễn ra hơn 60 đêm nhạc của Ông, từ mùa xuân cho tới mùa thu. Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới ấn hành tập thơ "Lá" của Văn Cao, và đặc biệt Nhà xuất bản Trẻ ấn hành một tập thơ - nhạc khổ rộng mang tên "Thiên Thai".
Ở ấn phẩm này, lần đầu tiên "Mùa xuân đầu tiên" được chính thức công bố ở Việt Nam, sau hơn 20 năm tác giả hoàn thành tác phẩm. Một chờ đợi bằng tuổi thanh xuân của một đời người.
Nhưng tất cả mới chỉ dừng ở ấn phẩm. Cho đến cuối năm 1991, khi ông Nguyễn Ngọc Hà thay mặt hội Việt kiều yêu nước tại Pháp đặt tôi làm một phim vi-đê-o ca nhạc về cuộc đời Văn Cao. Trong cảnh Văn Cao về quê Nam Định, tôi đã lồng "Mùa xuân đầu tiên" vào một đoạn dài. Lần đầu tiên, "Mùa xuân đầu tiên" được ca sĩ Quốc Đông thu âm, với phần đệm đàn oóc-gan của nhạc sĩ Hoàng Lương.
Thời gian cứ qua đi vô tình. Đầu năm 1992, tôi bắt tay viết cuốn tiểu thuyết tư liệu về Văn Cao mang tên "Văn Cao - người đi dọc biển", nhà xuất bản Lao Động ấn hành. Trong sách có một chương dành cho ca khúc "Mùa xuân đầu tiên". Cuốn sách hiện được lưu trữ tại thư viện Đại học Harvard ở thành phố Boston thuộc bang Massachusetts của Mỹ.
Đầu năm 1993, Nhà xuất bản Văn Học xuất bản "Tuyển tập thơ Văn Cao" để kỉ niệm 70 năm sinh của ông (1923 - 1993).
Cũng năm 1993 ấy, vào đúng sinh nhật Ông, một chương trình đêm nhạc mang tên "Văn Cao - một đồng hành tuổi trẻ", được tôi tổ chức biểu diễn tại Cung văn hóa Thanh niên Hà Nội ở phố Tăng Bạt Hổ, Hà Nội.
Đêm ấy, vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng tới dự.
Trong chương trình, nữ ca sĩ Minh Hoa của Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật quân đội đã trình diễn "Mùa xuân đầu tiên". Đấy là lần đầu tiên ca khúc "Mùa xuân đầu tiên" được hát trên sân khấu.
Số phận long đong của "Mùa xuân đầu tiên" phải kéo dài đến 20 năm. Thật sự là phải đến sau ngày Văn Cao qui tiên (10/07/1995). Vào dịp giỗ 49 ngày của Ông, khi ấy tôi đang theo dõi Hội diễn toàn quốc ở Đà Nẵng.
Tôi chủ động bàn với Ngô Qui Nhơn (Tổng biên tập báo Đà Nẵng), làm một đêm nhạc Văn Cao tại Đà Nẵng, với sự trình diễn của tốp diễn viên Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật quân đội.
"Mùa xuân đầu tiên" đêm ấy đã vang lên, bởi tốp ca nữ rất cuốn hút. Từ đó, càng ngày "Mùa xuân đầu tiên" càng lan tỏa ra đời sống.
3/ Từ đây người biết yêu người
Văn Cao đã tìm cho mình một góc thăng hoa riêng, về sự kiện Thống nhất non sông đất nước 30/04/1975 để viết ra ca khúc "Mùa xuân đầu tiên", với mong muốn khép lại một thời chiến tranh mà Ông đã mô tả trong Tiến quân ca.
Vẫn là cách “Việt hóa” nhịp điệu van-xơ như những bài hát trước của mình, Văn Cao với tư duy độc đáo của riêng mình, Ông đã gọi mùa xuân thanh bình ấy là “mùa bình thường”. Chỉ “bình thường” thôi nhưng sao khó khăn đến thế. Chỉ “bình thường” thôi, mà là niềm mơ ước của người dân Việt Nam bao nhiêu năm.
Để viết được thản nhiên như vậy, Văn Cao đã phải chắt rút từ trải nghiệm của chính đời mình, trải nghiệm từ những “mùa xuân không nở” vì cuộc chiến tranh chống Pháp.
Một mùa bình thường không đạn bom máu lửa. Một mùa thanh bình mà cả dân tộc bao nhiêu năm mơ ước, thì giờ đây mới thật sự lần đầu tiên trở về.
Một mùa bình thường "Với khói bay trên sông/ Gà đang gáy trưa bên sông/ Một trưa nắng" vui, thanh thản cho tâm hồn ta thư tĩnh đến nhường nào. Ca từ vẽ ra một bức tranh sum vầy, như ghép bằng nước mắt của mẹ, của người con trở về :
"Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
... Nước mắt trên vai anh
Giọt rơi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh".
Cái “long lanh” của ánh mắt có giọt nước mắt mừng đoàn tụ. Mang chứa khát vọng của tương lai, một tương lai mà cả nhân loại hằng mong thành hiện thực.
Ca từ giản dị đến mức bất ngờ như ai cũng nghĩ tới, nhưng không ai thốt nên lời được :
"Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời yên ấm
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người ..."
Nhưng còn “rất Văn Cao” nữa, là những ca từ trên đã được hát lên bằng một giai điệu lạ lùng và thánh thiện.
Càng nghe, càng ngẫm nghĩ "Mùa xuân đầu tiên", khi những ngày tháng chiến tranh xưa càng lùi xa. Càng thấy giai điệu "Mùa xuân đầu tiên" càng bất tử như chính tác giả viết ra nó.
Càng nghe, càng ngẫm nghĩ “giọt nước mắt” trong bài hát, không chỉ là giọt nước mắt nghẹn ngào ngày trở về, mà còn là “giọt nước mắt” của những bà mẹ, những người vợ, những đứa con khóc thương những người lính nằm lại rải rác dọc Trường Sơn, ngang dọc chiến trường.
Nhưng giọt nước mắt có lẽ mãi mãi không khô, nó vẫn sống trường tồn cùng bài hát.
Nó chính là năng lượng thôi thúc cho một sức sống của thanh bình hôm nay.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha
(Theo báo Tuổi Trẻ - Ngày 30/04/2015).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét