Thứ Hai, 1 tháng 2, 2021

PHE PHÁI CHÍNH TRỊ: NHẤT TRỤ, NHÌ TÙ, TAM KHU, TỨ KẾT VÀ NỖI BUỒN CHO MỘT NỀN CHÍNH TRỊ MẤT CÂN BẰNG


Bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, chiều 30/01/2021. Ảnh: 
Giang Huy
 

“Buôn có bạn, bán có phường”, câu ngạn ngữ đó từ xưa đến nay gần như đã thành chân lý.

Trong chính trị dù cho nó được khoác lên mình những mỹ từ hoa lệ nhưng bản chất sự vật cũng giống kiểu buôn bán. Khi nói buôn vua, buôn quyền lực, ai cũng hiểu đó là công việc của các nhà chính khách muốn dùng ý chí, quyền lực, tiền bạc để tác động vào nền chính trị sao cho có lợi cho mình.

Rồi “mua quan, bán tước” theo nghĩa rộng của từ là “chuyện thường ngày ở huyện” trong nền chính trị nước ta.

Các Mác cũng đã nói, đại ý: Đấu tranh là động lực của phát triển. Khi nền chính trị còn mâu thuẫn đối kháng (như thời phong kiến hay thuộc địa), cuộc đấu tranh bao trùm và chính yếu chính là “đấu tranh giai cấp”. Nó đã kích thích các cuộc cách mạng, trong đó có cách mạng tháng 8 và cách mạng XHCN ở nước ta.

Nhưng khi xã hội đã làm xong cách mạng dân tộc – dân chủ, mâu thuẫn xã hội biểu hiện trong nền chính trị không phải mất đi mà nó chỉ thể hiện, biến tướng ở các dạng khác, nội dung khác.
Các nước dân chủ họ dựa trên sự thống nhất niềm tin vào nền hiến pháp tiên tiến, dân chủ, tôn trọng quyền con người để các phe phái (đảng phái) tự do cạnh tranh, cọ sát và đấu tranh với nhau trong khuôn khổ pháp luật để giành quyền lực chính trị, qua đó dẫn dắt dân chúng và thể hiện lý tưởng của mình. Đó là nền chính trị “đa nguyên”.
Các nước như kiểu Việt Nam lại cố định sự “nhất nguyên”, chỉ có 1 đảng lãnh đạo để tạo sự thống nhất “từ bên trên” và sự đơn giản trong chính trị, qua đó giữ ổn định xã hội. Mô hình nhất nguyên triệt để trong điều kiện như Bắc Triều Tiên rất bền vững nhưng tỏ ra kìm hãm phát triển, không có khả năng hội nhập với thế giới còn lại, trong chừng mực đáng kể còn chà đạp quyền làm người đúng nghĩa của nhân dân. Mô hình nhất nguyên ở Việt Nam có sắc thái rất đặc trưng: vừa duy trì sự ổn định chính trị, vừa mềm dẻo, thich nghi để kinh tế hội nhập, dân được tự do làm ăn kinh tế, giao lưu và trong chừng mực nhất định được tự do ngôn luận, nói lên chính kiến của mình.

Trong mô hình đó của Việt Nam, các mâu thuẫn vẫn còn, thể hiện ở việc hình thành các khái niệm được gọi chung là “phe phái”.
Các phe phái trong chính trị không được chính danh thừa nhận và cũng không khuyến khích nghiên cứu, công khai. Do đó tên gọi các phe phái cũng không thống nhất, có sự chuyển hóa tên gọi phe phái qua các thời kỳ phát triển.

Có mấy trục “phe phái” sau đây.
1/ Cấp tiến và bảo thủ. Nhiều người Việt không hiểu rõ ngữ nghĩa chính trị nên hay thành kiến với từ bảo thủ. Thực ra, phe “bảo thủ”, cụ thể là những nhà lãnh đạo có tư tưởng bảo thủ đã có công rất lớn trong việc gìn giữ những giá trị có tính XHCN trong xã hội ta, khắc phục được xu hướng phiên lưu trong chính trị. Tuy nhiên, công lao của phe cấp tiến là quá lớn. Nhờ những tư tưởng cấp tiến và các nhà lãnh đạo cấp tiến mà chúng ta có công cuộc đổi mới, hội nhập thần kỳ, giúp VN không rời vào mô hình kiểu Bắc Triều Tiên.

Giống như hồi chiến tranh tôi có tham dự: ông nào cấp tiến, hăng hái thường xung trận và chết nhiều, còn mấy ông thận trọng, bảo thủ thường tránh né xung quân, đánh giặc từ phía sau, kết quả là sống sót và nhận huân huy chương. Phe cấp tiến của Việt Nam nhiều người bị thua thiệt trong cuộc chơi (như Kim Ngọc, Đoàn Duy Thành, Hoàng Hữu Nhân, Nguyễn Bá Thanh, trong chừng mực nhất định cả Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn An…). Còn phe bảo thủ lại luôn giành thế thượng phong qua mỗi thời kỳ đại hội.

2/ Bắc – Trung – Nam: Địa chính trị, văn hóa, giọng nói dân Việt Nam có cấu trúc Bắc Trung Nam rõ rệt, qua thời kỳ Pháp thuộc chia 3 kỳ lại càng làm cấu trúc BTN rõ nét, điều đó kéo dài đến ngay nay là lẽ đương nhiên. Người Nam có thể ra Bắc làm chủ tịch, bí thư nhưng người Bắc không thể làm bí thư, chủ tịch các tỉnh Nam Kỳ.
Nền chính trị “lý luận miền Bắc, nguyên tắc miền Trung, lung tung Nam bộ” với cơ cấu bí thư Bắc, thủ tướng Nam, chủ tịch Trung dường như ngẫu nhiên hình thành từ thời 3 cụ Mười – Anh – Kiệt có sức thuyết phục lớn đến mức kéo dài nhiều nhiệm kỳ (đến tận 2016). Đại hội 13 coi như đã phá vỡ hoàn toàn cấu trúc này.

3/ Đảng và Nhà nước.
Phe “đảng” là những cán bộ thuần túy trưởng thành từ công tác đảng hoặc khi làm lớn phụ trách công tác đảng lâu năm và thể hiện đóng góp qua công tác đảng là chính. Phe đảng trải nghiệm chủ yếu qua công tác tư tưởng, tổ chức và kiểm tra/ nội chính. Ngoài ra thường có “đội ngũ hậu bị” là những cán bộ đoàn quen làm chính trị bằng phong trào và cổ vũ các phong trào. Gần đây, phe đảng còn gắn kết rất rõ nét với 3 thế lực khá khổng lồ là công an và quân đội, tạo sức mạnh rất lớn cho phe đảng.

Ở phía khác, có phe “nhà nước” hay “kỹ trị” là những cán bộ trưởng thành qua công tác quản trị nhà nước, thể hiện công lao và tài năng qua trình độ quản trị ở các vị trì mình đảm nhận. Những người ở phe kỹ trị hay gắn với tư tưởng cấp tiến. Phía bên kia, phe đảng thường gắn với tư tưởng bảo thủ.

4/ Kiên định và “tự diễn biến”
Gần đây, phe đảng, đứng đầu là TBT đưa ra lập luận mới tạo căn cứ để ta có thể gọi 2 phe chính trị là phe “kiên định” và phe “tự diễn biến”. Cuộc đấu tranh phe phái trở nên công khai hơn, rành mạnh hơn và cũng quyết liệt hơn. Đương nhiên là phe “kiên định” nắm thế thượng phong và bất cứ ai được quy kết thuộc phe “tự diễn biến” đều có thể đem ra phê bình, kỷ luật, thậm chí xử án, bỏ tù – điều mà trong các thời kỳ trước các phe không dám làm và không làm được.
Nhưng phe “kiên định” cũng biết giới hạn của mình; hiểu rằng trên thực tế nhiều người thuộc phe “tự diễn biến” thực ra là những người cấp tiến, có tài năng kỹ trị mà đất nước cần, không có họ thì khó mà tiếp tục phát triển kinh tế, khó mà hội nhập để khai thác quan hệ với các nước phát triển…

Kết quả là một danh mục lãnh đạo dài (200 người), sau đó là danh mục rút gọn (gọi là BCT và 4 trụ) phải thể hiện sự cân bằng quyền lực giữa 2 phe.

Sự cân bằng là kết quả đẹp cho mọi cuộc đấu tranh mang tính phát triển có kế thừa. Nó tránh được chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa phiên lưu và sự trì trệ chết chóc.
Hoan hô Đại hội 13.

VIẾT TIẾP VỀ PHE PHÁI CHÍNH TRỊ: NHẤT TRỤ, NHÌ TÙ, TAM KHU, TỨ KẾT VÀ NỖI BUỒN CHO MỘT NỀN CHÍNH TRỊ MẤT CÂN BẰNG

Hồi tôi ở Miền Nam 1970-1975, rất nhiều đơn vị bộ đội (cả quân chủ lực và quân địa phương) gần như lính người Bắc chiếm 80-90%, nhưng cán bộ chỉ huy lớn tuổi cấp cao (từ cấp tiểu đoàn, trung đoàn trở lên) thì ngược lại: 80% là người Nam.
Đơn giản là thanh niên miền Nam họ đi lính ngụy, không thì trốn lính, 5 năm tôi thấy rất ít lính được bổ sung là người miền Nam (trừ mấy bạn con ông cháu cha bị địch bắt bớ phải chạy ra cứ và mấy cô cậu Việt Kiều bên Campuchia do Lonnon đảo chính chạy theo Bộ đội). Còn cán bộ người Nam thì họ là một lực lượng hùng hậu, đa số là tập kết rồi trở về Nam: đủ ngành, đủ nghề, nhìn chung họ có học, con nhà khá giả trở lên, sống khoáng đạt, cởi mở, can đảm và khoan dung. Bên cạnh đó là các "cụ", các "bác" cán bộ "dân chính" địa phương thường ở bí mật rải rác trong các khu căn cứ nửa bí mật nửa công khai các lõm rừng.

Khi khải hoàn (giải phóng), cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái diễn ra khá khốc kiệt:
Nhất trụ, nhì tù, tam khu, tứ kết. Cứ thế mà xếp hàng các ghế quyền lực địa phương.
Trụ là mấy bác nằm cứ bí mật lãnh đạo địa phương từ thời kháng chiến. Tù là mấy bác cũng là cán bộ nằm vùng nhưng bị lộ bắt đi tù thâm niên đến giải phòng thì về. Khu là mấy bác kiểu cùng đơn vị tôi, từ chiến khu (Bộ đội, dân chính) về địa phương. Kết là mấy bác miền Nam nhưng tập kết ra Bắc mà không chịu về Miền Nam chiến đấu, giải phóng mới về. Trong danh mục phe phải đó không có phe "Bắc Kỳ". Anh Bắc kỳ nào lơ ngơ lý tưởng Lenin tưởng mang trí thức và kỹ năng vào khai phá, phát triển Miền Nam đều bị loại ra chầu rìa, chỉ cho làm đến cấp phó là cùng, không vội chạy về Sài Gòn vào các cơ quan Trung ương thì chỉ có nước "tự diễn biến" thành anh hai Nam Bộ mới sống sót được.
Cùng là đảng viên cộng sản, cùng là cán bộ lãnh đạo, nhưng ở Nam Bộ rất khác Miền Bắc. Họ (cán bộ Nam Bộ) ngại, thậm chí lười học cái gọi là lý luận (vì họ rất thự tiễn, thực dụng). Nhưng họ rất cởi mở, bao dung, thực lòng, sống nghĩa hiệp và làm việc có lý tưởng. Họ không mưu mẹo, đạo đức giả...).
Ngay từ hồi chiến tranh: nhiều cán bộ trong rừng không ngại ngùng khoe gia đình mình giàu có, mỗi khi nhận đồ tiếp viện của vợ, bố mẹ, họ không giấu đồng đội... Rồi lần hồi, bán dần vàng bạc , radio, đồng hồ đắt tiền để tiêu sài, phóng khoáng chiêu dãi bạn bè trong thời kháng chiến khó khăn trong rừng rú. Nhưng tôi cũng thấy, nhiều cán bộ miền Bắc dù đi bộ đội không có tài sản gì nhưng lần hồi vài năm, không biết bằng cách nào, cũng thấy sắm được đồng hồ, radio, đèn pin Mỹ...
Đất nước ta biết đổi mới, thấy cần đổi mới và làm được đổi mới công lao lớn là nhờ có Miền Nam đã sống và làm tốt kinh tế thị trường từ thời thuộc Pháp...

Đại diện cho đổi mới là đội ngũ cán bộ Miền Nam: Những Ba Thi, Năm Be, Chín Cần, Võ Văn Kiệt... cùng đội ngũ cố vấn kỹ trị là trí thức cũ còn ở lại và "được mời về". Hồi bắt đầu đổi mới, xin lỗi, bác Nguyễn Phú Trọng có khi còn chưa hiểu kinh tế thị trường là gì để về sau gắn thêm cái đuôi định hướng này nọ.
Võ Văn Kiệt vừa thuộc phe Trụ, vừa thuộc phe Khu, uy tín lấy lừng.
Thê đội 2 là Phan Văn Khải. Một con người bản lĩnh, kỹ trị (thuộc phe tập kết, học hành bài bản nhưng tính cách rất Nam Bộ). Ông đã giúp duy trì, phát triển đổi mới sang nấc thang có chiều sâu vững chắc để không bị đảo ngược lại, không ai đảo ngược lại được nữa.
Thê đội 3 giao về bác "X", một người rất quyết đoán (thích quyền lực), nhưng học hành, trí tuệ và tâm không thể so sánh được với 2 vị tiền bối, lại bị dòng họ, anh chị em và con lợi dụng tham nhũng vơ vét tài sản về làm của riêng hàng ngàn tỷ. Sự vô học, kém trí tuệ cộng lòng tham quyền lực cộng sự vô nguyên tắc của tính cách Nam Bộ tạo ra một nền chính trị mới: chính trị cánh hẩu, ăn chia, ban phát, lợi ích nhóm, tư bản thân hữu.
Tiếc rằng Thê đội 4 của đất Nam Bộ không có ai nổi lên để kế thừa sự nghiệp. Các ứng viên đều nhạt nhòa, không có sức thuyết phục...

Không có nhận xét nào: