Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

TÂM TÌNH CÙNG THI SỸ NGUYỄN BÍNH.

 

Hai chị em Hương Mai và Hồng Cầu (phải) tại lễ ra mắt phát hành bộ sách 

Nguyễn Bính toàn tập ẢNH: H.Đ.N

Nhân ngày thơ Việt Nam, post lên dây bài viết cũ.

Tác giả: Nguyễn Thị cúc

Trong cuộc hội thảo thơ thế giới được tổ chức ở Paris, Trần Đăng Khoa phát biểu “Bây giờ, ở đất nước tôi có bao nhiêu nhà thơ thì có từng đấy cách quan niệm về thơ. Không ai giống ai. Nội dung thơ cũng thay đổi. Nghệ thuật thơ cũng thay đổi rất nhiều. Có thơ truyền thống. Có thơ hiện đại. Rồi thơ hậu hiện đại. Thơ không vần trước đây xuất hiện dè dặt, bây giờ ra đời ào ạt và trở thành tiếng nói chủ đạo. Có nhà thơ còn quan niệm thơ hay phải là thơ không thể hiểu được. Càng bí hiểm càng tốt. Không ít bài thơ cứ như những câu đố không có lời giải. Hỏi, tác giả cũng không biết gì hơn.”

Quả đúng như thế, chưa bao giờ thơ xuất hiện ào ạt và đủ kiểu như hiện nay.Trong mê hồn trận thơ ấy, tôi đọc và đôi khi thấy mình không đủ trình độ để hiểu. Tôi trở về với làng yêu dấu của tôi nơi tôi ra đi và quý yêu hơn hết bao giờ những vần thơ “chân quê” của Nguyễn Bính.
Ông từ giã dương thế từ năm tôi ra đời (1966) nhưng mãi cho tới nay, những vần thơ ông vẫn tươi rói một màu chân thực tâm tư tình cảm của Làng quê Việt Nam . Ngồi đọc lại “lỡ bước sang ngang”, ngẫm với đời mình, tôi rưng rưng xúc động. Lòng biết ơn vô hạn trào dâng, tôi chạy ra chợ mua một bó hoa ly ly ôm tới : ”NHÀ LƯU NIỆM CỐ THI SỸ NGUYỄN BÍNH” thắp cho ông nén nhang.

Chắp tay vái ông trước bàn thờ, trong đầu tôi chạy qua cuốn phim về cuộc đời Nguyễn Bính:
“ Nguyễn Bính sinh ngày 13-2-1918, tức mồng ba Tết năm Mậu Ngọ với tên thật là Nguyễn Trọng Bính tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).[1]
Cha Nguyễn Bính tên là Nguyễn Đạo Bình, làm nghề dạy học, Mẹ Nguyễn Bính mất lúc bà mới 24 tuổi, để lại cho ông Bình ba đứa con thơ, khi đó Nguyễn Mạnh Phác mới sáu tuổi, Nguyễn Ngọc Thụ ba tuổi và Nguyễn Bính mới sinh được ba tháng. Đúng như câu thơ ông viết:

“Còn tôi sống sót là may
Mẹ hiền mất sớm trời đày làm thơ”.

Từ nhỏ Nguyễn Bính đã làm thơ rất hay, năm 13 tuổi Nguyễn Bính được giải nhất trong cuộc thi hát trống quân đầu xuân ở hội làng.
Nguyễn Bính chu du nhiều nơi trong nước từ quê nhà ở Nam Định đến Huế, vào Sài Gòn, đến các vùng Miền Tây Nam Bộ, lay lắt sống bằng tiền nhuật bút ít ỏi của những bài thơ.

Năm 1947 Nguyễn Bính đi theo Việt Minh,
Một thời gian sau, nhờ sự mai mối của ông Lê Duẩn, ông kết hôn với bà Nguyễn Hồng Châu (một cán bộ Việt Minh), ông sinh một con gái với bà này, đặt tên là Nguyễn Bính Hồng Cầu. Sau đó ông lại kết hôn với bà Mai Thị Mới, ở ấp Hương Mai, xã Khánh Lâm, huyện U Minh và lại sinh một con gái được đặt tên là Nguyễn Hương Mai.

Năm 1954 theo Hiệp định Genève, Nguyễn Bính cũng như bao cán bộ Việt Minh khác tập kết ra Bắc. Ông về công tác tại Nhà xuất bản Văn nghệ, sau đó ông làm chủ bút báo Trăm hoa.Thời gian này ông chung sống không kết hôn với bà Phạm Vân Thanh và sinh được đứa con trai Nguyễn Hiền. Sau đó ông lại kết hôn với bà Trần Thị lai. Ông bà có một con chung là Nguyễn Mạnh Hùng (hiện đang sinh sống tại Nga). Nguyễn Bính mất đêm giao thừa năm 1966” ( Theo Wikipedia tiếng Việt- lược giải).

Chị Nguyễn Bính Hồng cầu sinh năm: 1952, tại Huyện Sử, Thới Bình, Cà Mau, hiện thường trú tại Tp. Hồ Chí Minh.Trước đây chị làm việc tại Đài phát thanh Cửu Long, Hội Văn nghệ An Giang, Nhà xuất bản Cửu Long. Sau chị chuyển lên Thành phố HCM, làm việc tại nhà xuất bản FHASA Tp. Hồ Chí Minh, NXB Văn Nghệ. Năm 2007, chị xây dựng “NHÀ LƯU NIỆM CỐ THI SỸ NGUYỄN BÍNH” tại đường số 10, Phường 11, Q. Gò Vấp và sống cùng mẹ với con gái tại ngôi nhà này.

Hồi nhỏ, chị Hồng Cầu có trách giận cha vì thương mẹ vò võ một mình vào tù ra khám trung thành với sự nghiệp cách mạng, nuôi con 1 mình trong khi cha như chú bướm bay qua muôn hoa. Nhưng khi lớn lên, đi qua đổ vỡ trong hôn nhân và cũng mang nghiệp thơ ca, chị hiểu tâm hồn thơ mộng nhạy cảm của cha nên chỉ thương ông chứ không oán trách ông nữa. Chị lập nhà lưu niệm Nguyễn Bính để tỏ lòng tôn kính với cha và dường như cũng để cho mẹ già đở phần trống trãi. Bà Hồng Châu nay đã 94 tuổi, dáng lom khom nhưng đôi mắt bà vẫn tinh anh.

Chị Hồng Bính tiếp tôi trên căn phòng lầu 2. Chị đã ở tuổi 60 nhưng vẫn phảng phất nét đẹp dịu dàng của một thời thiếu nữ.

Tôi đi quanh phòng, ngắm những tập thơ, tác phẩm của Nguyễn Bính trưng bày rất ngay ngắn trong tủ kính và treo trân trọng trên tường.
Đập vào mắt tôi là bài thơ treo gần sát bàn thờ:

NỖI NIỀM

Thời cha lỡ bước sang ngang
Bến bờ xô dạt ngửa nghiêng đất trời
Rượu suông cha uống quê người
Thế nhân giữa chợ khóc cười riêng cha
Xa xôi cha yếu, mẹ già
Chiêm bao mách lẻo qua nhà người dưng
Một mình nhớ, một mình thương
Một đời đơn chiếc... buồn vương một đời
Lênh đênh sóng dập, gió dồi
Lang thang con bướm hát lời chân quê
Cố hương ngàn dặm quay về
Tóc thề ai bạc, lời thề ai phai?
Từ đây một chuyến đi dài
Vần thơ định mệnh còn say nhân tình”.

Đọc, cảm nhận từng câu chữ, tôi thấu hiểu nỗi niềm đầy xót xa thương cha của tấm lòng người con gái.

Tôi ngồi xuống bên bàn cùng chị tâm sự:
“Tôi không nghĩ mình làm thơ để tiếp nối con đường của cha mình. Mình là kẻ hậu sinh, chắc chắn không thể vượt qua bao nhiêu chữ nghĩa của người đi trước. Tôi đến với thơ như một cứu cánh để giãi bày những điều tưởng như mình không thể chịu đựng nổi. Rất may tôi đã được giải tỏa bằng thơ và tìm thấy sự đồng cảm, chia sẻ. Khi đó, tôi không thể không viết. Phải viết thì mới yên lòng”.

Phải là người yêu thơ, hóa thân vào thơ thì mới có những tâm sự đầy vơi như thế. Và tôi đã tìm thấy ở chị gene thơ từ ba.

Tôi nói với chị, ngày trước, khi chúng tôi đang ở tuổi 18, 20 những bài thơ tình của Nguyễn Bính chép đầy sổ tay. Quê tôi ở làng trung du, có dậu mồng tơi xanh rờn, có hoa mướp vàng rung rinh trước gió, quả cau, lá trầu nhuộm đỏ môi mẹ già, có màu lam của trời, màu xanh của đồi, có ruộng lúa nương dâu và những cánh đồng lúa đang thì con gái. Thủa ấu thơ, tôi đã yêu quê hương hơn qua lời ru của mẹ từ những vần thơ của Nguyễn Bính. Người giúp tôi hiểu thơ hiểu những tâm tình sâu lắng của tác giả gửi gắm qua những vần thơ là thầy Giáo Lê Đức Hân- Hiệu trưởng trường chuẩn quốc gia Nguyễn Du. Chị Hồng Cầu rất vui, thầy Hân cũng thường dẫn học trò qua viếng nhà lưu niệm Nguyễn Bính và thi thoảng gặp chị ở nhà xuất bản. Nhờ những người thầy tâm huyết như thế mà văn học đã phản ánh cuộc sống và quay lại phục vụ cuộc sống một cách tinh tế mãnh liệt hơn. Rồi tôi ra thành phố đi học, theo những giảng đường tôi đến với Phương Tây và có lẽ giữ được mình chất phác như hôm nay là nhờ những vần thơ “Chân quê” của Nguyễn Bính

“…Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê .”

Tiếng van ấy không là của riêng Nguyễn Bính mà là tiếng gọi thiết tha của quê hương họ hàng, gia đình tôi vang vọng trong tâm hồn tôi qua mỗi chặng đường.

Chúng tôi nói chuyện về thơ, đủ thể loại thơ hiện nay và tôi tâm huyết với khắng định của chị: “Không có thơ đúng hay thơ sai, chỉ có thơ hay và dở, cảm nhận của từng người có thể khác nhau nhưng nhân dân thì công bằng, những gì sống mãi với thời gian thì đương nhiên là hay”.
Tôi nói với chị, về thơ Nguyễn Bính, đã có rất nhiều nhà lý luận văn học bình thơ ông, phát hiện những điều tuyệt diệu trong thơ ông. Người đọc thấy ở thơ ông những nét dung dị, đằm thắm, thiết tha, đậm sắc hồn dân tộc, gần gũi với ca dao. Cái tình trong thơ Nguyễn Bính luôn luôn mặn mà, mộc mạc, sâu sắc và tế nhị hợp với phong cách, tâm hồn của người Á Đông. Vì vậy thơ Nguyễn Bính sớm đi sâu vào tâm hồn của nhiều lớp người và đã chiếm lĩnh được cảm tình của đông đảo bạn đọc từ thành thị đến nông thôn. Đặc biệt là lớp người bình dân, họ thuộc lòng , ngâm nga nhiều nhất vì ngôn ngữ bình dân dễ hiểu, dễ thuộc.

Riêng tôi, tôi muốn nói với chị về niềm tôn kính của tôi đối với ông bởi nhiều bài thơ của ông, tôi thấy tâm trạng mình trong đó và tôi tin thơ ông trường tồn bởi chính tiếng nói trong thơ ông cũng là tiếng nói trái tim nhân dân qua bao thời đại.
Chị Hồng Cầu nói: Hồi nhỏ, tôi cũng giận ba tôi lắm. Nhưng lớn lên tìm hiểu, tôi vỡ lẽ, đời ba tôi bất hạnh nhiều. Nhiều vợ nhưng không ai hiểu ông. Và ông cứ phải đi tìm cái bóng hạnh phúc cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vào đêm giao thừa năm 1966.

“Nhiều vợ nhưng chẳng ai hiểu ông”, có lẽ nhiều người đàn ông tìm thấy số phận của mình qua thân phận Nguyễn Bính.
Tôi hiểu cái từ ‘bất hạnh” chị dùng để ám chỉ ba mình bởi Nguyễn Bính là một con người của tình cảm, của những ý muốn bâng quơ hơn là của lý trí.

Ở ông, sự khao khát được tự do, được sống theo ý mình làm ông thèm đi, thèm biết, thèm có mặt ở mọi nơi, thèm tận hưởng vị ngọt, hơi ấm mọi hương hoa của đời. Trong cái vẻ bề ngoài quê quê lại lôm loam thô lỗ (chữ của Tô Hoài), Nguyễn Bính thật ra đã có cốt cách của một nghệ sĩ "Đa đoan vó ngựa, chung tình bánh xe". Nghệ sỹ nói chung là như vậy nhưng mỗi người lại tìm cách giấu giấu diếm diếm và cố chứng minh rằng bản thân mình không phải như vậy. Riêng với Nguyễn Bính thì mọi chuyện đơn giản hơn, ông sống hồn nhiên chân thực như bản chất ông vốn có. Có những nhà thơ cả đời chỉ phụng thờ một nàng thơ nào đó. Nguyễn Bính thì không, gặp đâu yêu đấy và lần nào cũng say đắm. Chỉ có điều thú vị là tất cả việc đó được Nguyễn Bính coi là đương nhiên, ông công khai bộc lộ thói đa tình của mình và sẵn sàng làm thơ để đánh dấu từng mối tình mà mình đã theo đuổi. Và khi những người vợ không chấp nhận một thi sỹ hồn nhiên và nông nổi mà lại nghèo khó như vậy thì ông lại trở về với cái bóng cô độc của mình.

Có một sự thực lâu nay nhiều người còn ngại nói ra mỗi khi nhớ tới Nguyễn Bính, ấy là nhìn suốt cuộc đời 48 năm trôi nổi của ông, phải công nhận ông là một người bất hạnh. Sau khi kể rằng lúc nào Nguyễn Bính cũng ôm khư khư bên mình một hộp bích quy toàn những thư tình "tờ trắng, tờ xanh, vết tay mồ hôi về vệt", Nguyễn Bính thỉnh thoảng lại mở ra đọc, ngắm rồi lại vuốt lại, xếp lại, đêm ngủ thì gối cái hộp trên đầu. Thì ra những bức thư, là thư tình cũ của các cô nương luôn thề non hẹn biển, có lúc dọa cắt tóc đi tu hay uống thuốc phiện, dấm thanh cho chết (!), nhưng chẳng ai chịu "ăn đời ở kiếp" với nhà thơ nghèo khó! Tô Hoài cho rằng "chưa thấy anh một lần nào lấy được vợ”.Nguyễn Bính cũng nhiều lúc rơi vào tình cảnh cơ cực mà nghe một số bạn bè ông kể lại, người ta phải rớt nước mắt. Những bước đoạn trường ấy, do nỗi đa đoan của cuộc đời xô đẩy cũng có, mà do nhà thơ tự chuốc vào.

Trong hồi ký " Cát bụi chân ai", Tô Hoài kể rằng, thời kỳ Nguyễn Bính làm báo Trăm Hoa ở Hà Nội (1956 ) có một người con gái đã đến với ông. Họ có với nhau một mụn con đặt tên là Hiền. Rồi hai người xa nhau. Cô gái mang cậu con trai đến trả cho Nguyễn Bính! Ngày ngày nhà thơ ẵm vác cậu bé một bên vai, như mèo tha con. Một tối kia, Nguyễn Bính say rượu bế con thẫn thờ ra phố. Rồi không hiểu sao, trong vô thức nhà thơ lại trao con cho một người đàn ông xa lạ đang đi tới. Trở về, cơn say vật Nguyễn Bính thiếp đi. Quá nửa đêm quờ tay không thấy con, lật đật chạy đi kêu cứu bạn bè, mặt mày tái nhợt. Mọi người đổ đi tìm khắp thành phố, đi báo nhờ Công an tìm... Nhưng, đứa con ấy ba chục năm ròng vẫn không tìm thấy... Ôi, cuộc đời nhà thơ sao mà đớn đau! Ngày đó đâu có chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để nhờ kiếm tìm cơ chứ!

Nhớ lại những bài viết về Nguyễn Bính đã đọc, tôi càng thấm thía lời tâm sự của chị Hồng Cầu và hiểu rằng chị đang thương ba nhiều lắm.
Tôi tạm biệt chị ra về và hẹn ngày sẽ cùng bạn bè tôi quay lại. Con gái chị Hồng Cầu lễ phép bước ra chào tôi. Tôi nói với cháu “Cháu hãy tự hào và hãnh diện vì cháu là cháu ngoại của Nguyễn Bính nhé!”. Cảm ơn chị vì đã lập nên nhà lưu niệm Nguyễn Bính ở ngay tại Tp. HCM để bao người ái mộ thơ Nguyễn Bính có thể đến mà viếng ông. Chị xiết chặt tay tôi, rỗi thì đến chị m mình tâm sự nhé!
.
Tôi lặng lẽ đi về và vang lên bên tôi câu thơ:
“Một người làm cả cuộc chia ly”.

Về tới nhà tôi vẫn miên man nghĩ tới cuộc đời Nguyễn Bính và những vần thơ bất hủ của ông.Trong một bức thư gửi bạn Trọng Miên năm 1939, Hàn Mặc Tử đã viết rằng: "Bởi muốn cho Loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ ở Thế gian này - nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời - Chúa Trời bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình. Không rên xiết là thơ vô nghĩa lý. Thi sĩ rơi xuống cõi đời bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình...".

Điều đó đúng với Hàn Mặc Tử và đúng cả với Nguyễn Bính!
Một học giả phương Tây nói: “Một tác giả cũng như một tác phẩm, có số phận của nó”

Nói "Số phận" ở đây, nghĩa là nói đến sự tồn tại chân giá trị khách quan của một tác giả hay tác phẩm trước sự thử thách của thời gian và lịch sử.
Thơ Nguyễn Bính là những tuyệt tác để lại cho muôn đời nhưng suốt đời Nguyễn Bính sống cơ cực, vất vưởng, nép mình hoà trộn với cuộc đời thường, tưởng chừng có thể mất dạng đi trong sự lôi cuốn và vùi lấp. Một thời chúng tôi học chuyên văn đã đọc, đã ngấm ở thơ Nguyễn Bính mối tình đằm thắm với xứ quê, người quê và chứa chất muôn vàn tâm sự của một đời thi sĩ lang bạt kì hồ đầy khổ đau, đắng cay và thất vọng. Toàn bộ thơ Nguyễn Bính là những áng văn chương tuyệt đẹp, là tiếng nói của một tâm hồn yêu quá tha thiết và tình cảm quá đầy, đến nỗi không còn dành một góc đáng kể nào cho tư tưởng và lí trí.

Thơ Nguyễn Bính mang nhiều hơi hướng và giọng điệu của ca dao. Bằng giọng điệu ca dao ấy, Nguyễn Bính nói về cuộc sống, con người hiện đại, nói về cái "Tôi", về những số phận cụ thể: một cô gái quê thắc thỏm mong đợi tình yêu, một chàng trai thất tình chỉ vì nghèo, một anh học trò mơ đỗ trạng, một mối tình đầy thơ mộng nhưng lại lỡ làng...
Có thể nói thơ Nguyễn Bính không nhường ai trong việc đặc tả cái bản sắc riêng của quê hương đồng đất Việt Nam, cũng như của con người Việt Nam, cả về lí trí lẫn tình cảm, cả tính cách nết na lẫn lời ăn tiếng nói, cả cách sống lẫn cách "yêu"...

Chính vì thơ Nguyễn Bính chung đúc được cái Hồn dân tộc tự ngàn đời, nên nó đã tránh thoát được sự đào thải của thời gian, càng ngày càng trở nên quí giá và bất tử.

Tôi đọc lại câu kết của Trần Đăng Khoa “ Trong thời kỳ hội nhập hiện nay…..
Giữ gìn bản sắc dân tộc không có nghĩa là cứ đóng cửa, thở mỗi bầu khí quyển của riêng mình, mà là mở rộng mọi cánh cửa để đi ra với thế giới rộng lớn. Và rồi bằng con mắt của thế giới rộng lớn có tầm vóc nhân loại ấy mà nhìn lại cảnh sắc thiên nhiên và con người của quê hương mình, đất nước mình.
Chỉ có như thế, những tác phẩm cụ thể viết về những con người cụ thể, những cảnh sắc cụ thể của quê hương mình mới vượt qua được biên giới riêng của mỗi quốc gia, thậm chí mọi biên giới của thời gian mà đến được với toàn nhân loại” ( Paris 25/05/2013)

Cho đến bây giờ Nguyễn Bính mất đã 47 năm những dòng thơ mang đậm tính cách dân tộc "kiểu Nguyễn Bính" nay vẫn tỏ ra có mãnh lực làm rung động mọi tâm hồn Việt Nam và đã vượt qua biên giới của nước mình mà đến được với toàn nhân loại.
Tp. HCM 04/2014.
Nguyễn Thị Cúc

Không có nhận xét nào: