Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

MỘT LẦN ĐƯỢC GẶP NHÀ THƠ XUÂN TÂM

 


Đường XUÂN TÂM
Kỷ niệm tên nhà thơ Xuân Tâm được đặt tên đường tại thành phố Đà Nẵng - 12.2015
Đầu năm nay, tôi được người bạn thân Phan Mỹ Liên là con gái út của nhà thơ Xuân Tâm báo tin: thành phố Đà Nẵng vừa làm lễ trọng thể đặt tên đường mang tên nhà thơ XUÂN TÂM - một nhà thơ có mặt trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân. Bạn còn mail cho tôi tấm hình của hai vợ chồng người anh - anh Phan Hoài Nguyên - ôm bó hoa đứng cạnh tấm biển xanh với tên: Đường XUÂN TÂM. Tôi cũng vui lây và tự hào cùng bạn và gia đình.

Nhà thơ Xuân Tâm - "Người thơ" cuối cùng của "Thi Nhân Việt Nam" ra đi vào ngày 4-2-2012, (tức ngày 13 tháng Giêng năm Nhâm Thìn).
Nhớ lại cách nay gần 10 năm, tháng 7-2006, tôi có dịp được hầu chuyện cùng lão Thi nhân Xuân Tâm, và tôi đã có bài viết”Một lần được gặp nhà thơ Xuân Tâm” đăng trên Báo Bình Định ( bài được in lại trong Tuyển tập “XUÂN TÂM -Lời Tim Non Vọng Mãi”- NXB HNV- 11/2012).
Nhớ Lão Thi Nhân, XMBT xin gửi đến bạn FB bài viết này.

MỘT LẦN ĐƯỢC GẶP NHÀ THƠ XUÂN TÂM
Mỗi lần có dịp ra Hà Nội, tôi vẫn thường đến thăm gia đình một người bạn gái thân từ thuở thiếu thời, ở ngõ 234 Thụy Khuê. Tình bạn của chúng tôi đã trải qua trên 40 năm nhưng đến nay vẫn thân thiết như hồi còn quàng khăn đỏ. Đặc biệt, với tôi, còn vui và tự hào hơn bởi thỉnh thoảng tôi lại được hầu chuyện cùng người cha kính yêu của bạn tôi. Người đó là nhà thơ Xuân Tâm - một tác giả được giới thiệu trong “Thi Nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân.
Tháng 7 vừa qua, tôi lại đến 234… Người ra mở cổng cho tôi không phải bạn tôi, mà chính là Nhà thơ Xuân Tâm. Nhìn dáng ông cụ gầy gò, bước những bước chậm và ngắn, lòng tôi thương cảm lạ lùng. Nhưng khi được hầu chuyện cùng lão thi nhân, tôi lại càng thấy lạ lùng hơn, bởi đã quá tuổi chín mươi mà ánh mắt ông vẫn linh hoạt, giọng nói vẫn rắn rỏi, trí tuệ vẫn minh mẫn.

Quanh gian phòng làm việc nhỏ của ông, tôi thấy vẫn gọn gàng một nếp như xưa: những chồng báo được xếp từng loại ngay ngắn trên chiếc băng dài đặt sát vách, và trong tủ cũng như trên bàn làm việc vẫn đầy ắp sách, tạp chí. Có mấy quyển sách đang mở…Trên tường, bên cạnh những tấm ảnh của ông bà chụp cùng con cháu, có treo một bức trướng lớn của con cháu mừng ông đại thọ khi vào tuổi 90.
Nhà thơ Xuân Tâm, tên thật là Phan Hạp, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1916 tại làng Bảo An, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Quang , huyện Điện Bàn). Thuở nhỏ, ông học ở trường Quốc học Huế, và có thơ in từ rất sớm. Tập thơ đầu tay của ông " Lời tim non" được xuất bản năm 1941, gồm những bài thơ của tuổi thanh niên, có bài Xuân Tâm sáng tác từ năm 1935, khi mới mười chín tuổi. Lúc ấy trong phong trào Thơ mới. Xuân Tâm xuất hiện với những lời thơ thật trẻ trung, đặc biệt là bài Nghỉ hè . Nhớ lại một thời tuổi trẻ, Nhà thơ vui vẻ nói: “Ngày có thơ được chọn in trong “Thi nhân Việt Nam”, bác đang làm việc ở sở Kho bạc Touran và còn trong độ tuổi đẹp nhất của đời người. Mới đó mà đã hơn sáu mươi năm…”

Bài thơ Nghỉ hè được “Thi Nhân Việt Nam” in lại là bài ông đã đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ của báo Bạn Đường, hè năm 1941. Những câu thơ của ông trong Nghỉ hè đã trở nên quen thuộc với bao thế hệ học sinh yêu đời và yêu thơ khắp trong Nam ngoài Bắc:

Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ…
Một thời gian dài, chúng ta ít thấy Xuân Tâm xuất hiện trên văn đàn bởi ông theo một nghiệp khác để phụng sự Tổ quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm Giám đốc sở Ngân khố Liên khu Năm. Năm 1954 tập kết ra Bắc, ông công tác tại Uỷ ban kế hoạch Nhà nước. Công việc gắn liền với những con số có vẻ khô khan khiến « nàng thơ » xa lánh ông khá lâu. Năm 1977, đến khi ông về nghỉ hưu, « nàng thơ » mới trở lại cùng ông.

Từ bấy đến nay, sau Lời Tim Non tập hợp những bài thơ ông sáng tác từ năm 1935 đến 1941, ông còn có Hương giữa mùa, tập hợp bài sáng tác từ 1946 đến 1987 và Hoa cuối mùa là những bài từ 1988 trở về sau. Năm 1994 nhà thơ XuânTâm có gửi tặng tôi tập « Dòng thời gian". Đầu tập thơ là lời giới thiệu trang trọng của nhà thơ Tế Hanh : “ Nay đọc hết Dòng thời gian tôi có cảm tưởng đẹp. Đây là kết quả của một đời thơ hơn nửa thế kỷ. Một số bài trong tập Lời tim non đã được in lại trong các tuyển tập. Tôi nghĩ trong tương lai, một số bài khác trong hai tập Hương giữa mùa và Hoa cuối mùa cũng có thể được tuyển chọn … Tuy đời thơ của Xuân Tâm chưa kết thúc, nhưng thực tế cho thấy rằng Xuân Tâm giữ được chỗ đứng của mình trong nền thơ hiện đại Việt Nam".

Không những tiếp tục sáng tác thơ, năm 1999, ở tuổi 84 nhà thơ Xuân Tâm còn dịch vở kịch « Le cid » từ nguyên bản tiếng Pháp sang thể thơ lục bát . Sách in bằng hai ngôn ngữ Việt và Pháp, được đánh giá cao về chất lượng . Trong niềm vui, lão thi nhân Xuân Tâm đưa cho tôi xem tập thơ ông dịch, in song ngữ, dày bốn trăm trang và bức thư của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân. Cầm bức thư ông cảm động, rưng rưng thương nhớ người bạn tài hoa đã qua đời. Trong thư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân đã vui sướng chúc mừng Xuân Tâm dày công cho ra đời một bản dịch xuất sắc.

Năm nay lão thi sĩ Xuân Tâm đã sang tuổi 92, là nhà thơ duy nhất còn lại trong phong trào thơ mới vẫn còn sáng tác. Bởi những nhà thơ trong phong trào Thơ mới, có mặt trong “Thi nhân Việt Nam » , hiện còn hai người nữa là nhà thơ Tế Hanh và nữ sĩ Mộng Tuyết”, nhưng như chúng ta biết, nhà thơ Tế Hanh bị bệnh nặng đã lâu, còn nữ sĩ Mộng Tuyết ở tận Hà Tiên (Kiên Giang)... mấy năm qua cũng đã rất yêu.

Tại ngôi nhà cấp bốn thanh cảnh ở ngõ 234 Thụy Khuê này, đã trên năm mươi năm gia đình nhà thơ gắn bó từ khi tập kết ra Bắc, đến nay vẫn chứng kiến một Xuân Tâm với hồn thơ của chàng trai trong Nghỉ hè miệt mài trên những trang giấy trong tình yêu thơ da diết :

Thơ ở cùng tôi giữa đất trời
Đừng theo mây gió chốn xa khơi
Tôi trông thơ đến từng mai sớm
Và nguyện yêu thơ đến trọn đời…
(Với Thơ)
Mong sao trong những bình minh giữa đất trời vẫn mãi còn một Xuân Tâm, và "nàng thơ" vẫn đến cùng thi sĩ từng mai sớm như khát khao mà ông đã thỏ thẻ tâm sự Với Thơ .
Tháng 7 năm 2006 (Báo Bình Định, số 2784 ngày 01-9-2006)

Không có nhận xét nào: