Thứ Năm, 11 tháng 11, 2021

NẾU NGƯỜI HỨA SẼ BÌNH AN

 


Thơ hay vì lòng đau, tác giả vừa gõ phím vừa nhoà lệ, mình tin thế... Mời mọi người đến với bài thơ hay của Hương Hoàng (ảnh) với lời bình Hoàng Mai.

NẾU NGƯỜI HỨA SẼ BÌNH AN
Lối quành - nước lã - người dưng
Đớn đau nào cũng đã dừng đớn đau
Tôi ở đâu. Ai ở đâu
Chút tin thoang thoảng chỉ màu nắng phai
Đường yêu ngắn, đường sầu dài
Lối nào tránh khỏi cỏ gai hỡi người
Vui muốn khóc - buồn muốn cười
Tôi thương tôi ít - thương người nhiều hơn
Tháng ba đâu phải hoa hờn
Mà cay khoé mắt đỏ đường mộc miên
Gió đồn Người chẳng bình yên
Lòng tôi mưa đổ một miền luênh loang
Nếu người hứa sẽ bình an
Tôi thề quên đến không màng ngày xưa...
Hương Hoàng

Lời bình:
NẾU NGƯỜI HỨA SẼ BÌNH AN
TÔI THỀ QUÊN ĐẾN KHÔNG MÀNG NGÀY XƯA...
Bài thơ cũng là tiếng lòng khắc khoải nghĩa tình của Hương Hoàng về sự chấp nhận những đắng cay trong đời, một sự chia ly được an bài như là số phận đã định đoạt vậy. Chỉ đọc tên bài thơ lên ta đã cảm nhận được tấm lòng của người viết rồi, bởi sao phải hứa và hứa để làm chi khi người với ta rõ đã khởi đầu cho xa lạ?
"Lối quành - nước lã - người dưng/ Đớn đau nào cũng đã dừng đớn đau/ Tôi ở đâu. Ai ở đâu/ Chút tin thoang thoảng chỉ màu nắng phai"
Lối quành chính là ngã rẽ chia phôi để hai kẻ yêu thương bao năm thành người dưng nước lã. Sau bao đau đớn rồi cũng sẽ cạn kiệt nỗi đau, hai con người ấy dường như không còn quan tâm đến nhau nữa, chỉ còn một vài thông tin do còn sự liên quan nào đấy mà thôi. Bốn câu thơ đầu tiên của bài thơ như một tiếng khóc rõ rành vậy đó, không giấu diếm, không nuối tiếc, không bi lụy, không kể lể nhưng vẫn là một tiếng khóc tận tường…
Lỗi tại ai hay cả hai, không biết nữa nhưng chỉ biết là đau, không hề trách cứ ai, đó là cả một tấm lòng bao dung, nhân ái không dễ gì có trong đời. Thông thường khi chia tay nhau thì người nọ đổ lỗi cho người kia hoặc chí ít thì lỗi tại một ai đó nữa chứ mình luôn không có lỗi. Nhưng ở đây ta không hề mảy may thấy điều đó, và đấy cũng chính là dự báo thuận cho những khắc khoải của một tấm lòng, một suy nghĩ hay một quan điểm sống rất nhân văn.
"Đường yêu ngắn, đường sầu dài
Lối nào tránh khỏi cỏ gai hỡi người
Vui muốn khóc - buồn muốn cười
Tôi thương tôi ít - thương người nhiều hơn"
Sự tan vỡ của tình yêu là không tránh được, cho dù biết là sầu khổ nhưng đành bất lực bởi khi hai tâm hồn đã không còn đồng điệu, hai con tim đã không còn rung cảm trong “một tiếng tơ đồng” nữa. Cõi lòng đã tan nát nên vui muốn khóc cũng tựa như buồn muốn cười; lý trí đã không còn làm chủ nổi tình cảm, còn tình cảm đã trở nên vô định, vô hướng, vô hồn và đầy bất trắc…
Nhưng cũng chính bằng hình ảnh cảm xúc ngược ấy, tác giả Hương Hoàng đã dẫn dắt độc giả cập bến vô phương là nơi bất an nhất của cõi lòng người phụ nữ, bởi người phụ nữ khi yêu thường để cho xúc cảm lấn át lý trí. Đến khi phải chia ly họ vẫn không thể hiểu được nguồn cơn, cho dù đã nỗ lực hết lòng bảo vệ và gìn giữ tình yêu quý báu của mình. Vậy nên Tôi thương tôi ít - thương người nhiều hơn như là sự tất nhiên bình dị chứ không hề là sự cường điệu hay sáo rỗng hoặc nói lấy được. Ta cảm nhận được sự chân thành ấy trong từng ý từng lời. Đó là tình cảm chân thật nhất tự chính cõi lòng người – thơ hay là sự nhân hậu bản năng mà không có sự khéo léo nào có thể ngụy trang hay biện bạch được. Đây cũng chính là “lõi” của bài thơ hay và đáng quý này.
"Tháng ba đâu phải hoa hờn
Mà cay khoé mắt đỏ đường mộc miên"
Đây như là minh chứng cho sự chân thành ấy, cũng là sự xót xa vang vọng về những gì đã xảy ra ngoài mong muốn, sự chia ly như định mệnh an bài.
"Gió đồn Người chẳng bình yên
Lòng tôi mưa đổ một miền luênh loang."
Sự gửi gắm lòng mình đã được Hương Hoàng bộc lộ thành cao trào ở hai câu thơ này. Dĩ nhiên khi chia tay thì “Tôi” không còn nghĩa vụ, trách nhiệm, tình cảm để quan tâm đến “Người” nữa nhưng bởi vì Gió đồn nên “Tôi” biết mà thôi. Đây là hình ảnh khá hay, duyên và cũng là cách nói tránh thú vị của Hương Hoàng. Khi biết rồi thì lòng “Tôi” cũng đau khổ chứ chẳng vui thú gì, cho dù lòng kiêu ngạo và tự trọng không hề suy giảm. Mưa đổ một miền luênh loang là hình ảnh ẩn dụ gần, giống như lòng “Tôi” tan rã ra vậy. Nhưng là một miền thôi nhé… Miền khác của “Tôi” đã nắng phai vì đớn đau rồi, còn phải để cất dấu niềm kiêu hãnh bấy lâu chưa thể giãi bày nữa. Và niềm kiêu hãnh đó không gì khác hơn là sự vượt lên, lớn dần để vươn qua đau đớn mà không nuôi hận thù… Đó là tính nhân đạo của tâm hồn con người được thể hiện trong thơ. Hương Hoàng đã làm được điều mình muốn: Văn dĩ tải đạo. Cho nên với hai câu kết đồng thời cũng là cả một sự bày tỏ tấm lòng vị tha không ẩn dấu:

Nếu người hứa sẽ bình an
Tôi thề quên đến không màng ngày xưa...

như là tất yếu của cõi lòng, của tâm hồn độ lượng, thanh thản và an nhiên đã “giác ngộ” trong cõi tình. “Người” cứ ra đi mưu cầu hạnh phúc hay nương mình ở những bến bờ xa lạ, nhưng phải là sự bình an chứ không là giông tố đâu nhé. “Người” hứa làm được như vậy thì lòng “Tôi” sẽ thanh thản, sẽ yên tâm và điều quan trọng nhất là “Tôi” sẽ không nhắc lại, không gây khó dễ cho “Người” vì những chuyện xưa kia “Người” và “Tôi” đã gây đớn đau cho nhau nữa đâu …
Bài thơ kết thúc là sự thuần hậu của một tấm lòng bao dung độ lượng và cao thượng tưởng như rất bình dị nhưng trong đời không dễ có. Đó vừa là nét đẹp của thơ nhưng cũng là nét đẹp trong cuộc đời đầy rẫy dối gian…
Cảm ơn Hương Hoàng với bài thơ giản dị, thầm lặng nhưng thật đáng quý, đáng trân trọng về một tấm lòng vị tha thấm đẫm nhân văn giữa một biển đời xô dạt cuồng phong! Một ráng vàng giữa muôn ngàn trắng xóa…
Hoàng Mai

Không có nhận xét nào: