Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

NGƯỜI MÀ KHÔNG CÓ LỄ KHÁC CHI LOÀI CẦM THÚ?

 


-"Hán ngữ đại từ điển" giảng nghĩa thứ 2 của "lễ" là: "những chuẩn tắc về hành vi hình thành từ phong tục tập quán, sinh hoạt xã hội, quy phạm đạo đức và các loại nghi lễ" (社會生活中由於風俗習慣而形成的行為准則、道德規範和各種禮節)
-"Hán điển" giảng nghĩa thứ 2 của "lễ" là: "phép tắc quy phạm về hành vi của nhân loại" (人類的行為規範).
-Thế nên "Kinh Lễ" có đoạn: "Chim anh vũ có thể biết nói nhưng vẫn thuộc loài chim. Con tinh tinh có thể biết nói nhưng vẫn thuộc loài cầm thú.
Làm người mà không có lễ thì tuy biết nói đấy nhưng có khác gì loài cầm thú?
Chỉ có loài cầm thú là không có lễ, cho nên cha con ở lẫn lộn với nhau. Vì vậy việc làm của Bậc Thánh Nhân là lấy lễ dạy người khiến người ta ai cũng biết lễ để tự phân biệt mình với cầm thú." (Nguyễn Hiến Lê dịch).

GS. Trần Ngọc Thêm đòi bỏ "lễ" khỏi nhà trường khác nào biến nhà trường thành nơi dạy vẹt, dạy khỉ?

Đọc bài viết sau đây của Nhà báo Manh Kim càng thấy rõ, lễ không phải là "biết giữ mình trong khuôn phép, biết phục tùng người trên" như GS. Trần Ngọc Thêm lầm tưởng, mà là "những giá trị phổ quát của loài người trong gần như mọi nền văn hóa"...
VỀ VẤN ĐỀ "TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN"(*)
“Tiên học lễ, Hậu học văn” là cụm từ Hán Việt, có từ xưa, nên dễ liên tưởng những khái niệm lạc hậu và cần được thay đổi. Diễn giải chữ “lễ” như là một phân tích từ nguyên học càng có thể dễ dẫn đến sự lệch lạc của khái niệm “Tiên học lễ” trong giáo dục, khiến không khỏi không có cảm giác rằng chỉ các quốc gia châu Á, đặc biệt những nước ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa, mới có việc tôn sùng chữ “lễ”.

“Lễ” không phải vậy. “Lễ” trong giáo dục không phải là sản phẩm của văn hóa phong kiến và không phải “lễ” chỉ có ở Nhật, Hàn Quốc hay Trung Quốc. “Lễ” trong ý nghĩa lớn rộng của nó không phải là việc tuân phục, và rằng “theo Hán Nho là phải biết giữ mình trong khuôn phép, biết phục tùng người trên” – như lời giáo sư Trần Ngọc Thêm. Giáo dục Việt Nam hiện tại không phải là mô hình giáo dục phong kiến nên càng dẫn dắt ngụy biện, vấn đề càng méo mó và đi xa khỏi bản chất của nó.
“Lễ” trong “tiên học lễ” là sự đề cao việc cần thiết học cách đối xử giữa trò với trò, giữa trò với thầy, giữa trò với cha mẹ ông bà, giữa con người với thế giới bên ngoài, giữa con người với con người trong giao tiếp xã hội. “Lễ” không chỉ có ở các nước châu Á với “ảnh hưởng Nho học”. “Lễ” đã và đang được dạy rất kỹ trong học đường phương Tây, để có thể tạo ra một xã hội nơi mà người ta hầu như luôn chào thân thiện dù không biết bạn là ai, nơi người ta luôn nhấn mạnh sự cần thiết của xin lỗi và cám ơn, nơi người ta nhắc nhau đừng xem nhẹ những khái niệm mà nếu “dịch” sang (Hán) Việt thì chắc chắn liên tưởng đến những gì thuộc về “phong kiến” và “lạc hậu” – đó là “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” – những giá trị phổ quát của loài người trong gần như mọi nền văn hóa.
Hãy đọc lại những quyển sách dịch trong tủ sách Học làm người của ông Nguyễn Hiến Lê, sẽ thấy “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” từ những câu chuyện của ông John hay bà Mary nào đó, sẽ thấy chữ “lễ” trong học đường Mỹ được dạy ngay từ tiểu học như thế nào, sẽ thấy “bọn Tây” luôn cố gìn giữ và giáo dục tốt những khái niệm đạo đức công dân. Hãy xem những bộ phim gia đình để thấy người Mỹ không bao giờ quên nhắc những giá trị truyền thống trong mối tương quan gia đình.

Và nếu có thể, hãy đến hầu như bất cứ ngôi trường tiểu học nào ở Mỹ để chứng kiến cảnh mỗi sáng ông/bà hiệu trưởng ra tận cổng trường cười đón học sinh và chào hỏi thân thiện phụ huynh; hãy trò chuyện với thầy cô để thấy họ rất vui khi nhắc đến con bạn, rằng con của ông bà là một đứa lễ phép với giáo viên, tử tế với bạn học và chúng tôi rất tự hào có những học sinh như thế; hãy ra đường và tình cờ bị vấp, sẽ thấy một người lạ hoắc chạy đến với vẻ lo lắng và hỏi, có sao không, cần giúp gì không… Từ đâu mà họ có cách ứng xử như vậy? Chính là từ “tiên học lễ” trong học đường – thứ tạo nên không chỉ phẩm chất giáo dục mà còn “chất lượng sống” của một xã hội.

Có lẽ chẳng ở đâu có thể minh họa rõ rệt “Tiên học lễ, Hậu học văn” bằng Mỹ. Khi học sinh nộp hồ sơ xin học bổng đại học, bảng điểm và trình độ siêu việt là chưa đủ. Học sinh phải chứng minh thành tích trong thể thao và những gì đạt được trong hoạt động xã hội-cộng đồng. Thử đọc những tiểu luận Harvard (Harvard essays – “đơn ứng thí” của học sinh gửi vào trường này), sẽ thấy tất cả những gì được kể đều có một điểm chung: tôi không chỉ là một học sinh giỏi; tôi còn biết làm và làm tốt những gì thuộc về xây dựng giềng mối xã hội, dựa trên căn bản đạo đức con người.
.........
Nếu có thể, hãy đọc tuyển tập Harvard Essays với những bài viết xuất sắc được chọn in (có thể mua dễ dàng trên Amazon, bản in hoặc bản kindle). Người lớn sẽ học được rất nhiều điều thú vị từ “bọn trẻ” với những câu chuyện kể những gì chúng làm. Trong tập Harvard Essays 5th Edition, có bài luận của một học sinh Việt Nam tên Truong Nam Nguyen Huy.
Mạnh Kim
(*) Đầu đề do HTC tạm đặt để phân biệt với lời dẫn.

Không có nhận xét nào: