Tôi đã định không nói gì về vụ Hội Nghị Văn Hóa, nhưng đêm qua mơ thấy GS Võ Viết Đạn, một vị GS khả kính của Đại học Bách Khoa Hanoi. Năm 1979 khi tôi mới vào giảng dạy ở Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, ông cũng đến đó thỉnh giảng.
Trong một buổi chiều muộn đang đi dạo trên bãi biển Nam Ô, cát trắng mênh mông, sóng biển xanh rì, xa xa là dãy Sơn Trà đang vàng rực lên dưới ráng chiều, ông bỗng nói “Bây giờ thầy không ra thầy, trò không ra trò, làm nghề thầy khó lắm anh ạ”. Thấy tôi ngỡ ngàng, ông bảo “Nó hỗn loạn hơn cả các phân tử khí trong các phương trình trường điện từ mà anh đang say sưa giảng giải đấy”.
Hơn 40 năm sau, càng ngày tôi càng thấy lời của vị GS ấy đúng. Bây giờ thầy có thể hiếp dâm trò, trò có thể tát thầy ngay trên bục giảng. Không những thế, không chỉ trong nhà trường, mà khắp mọi nơi chúng ta đều chứng kiến sự hỗn loạn, thậm chí có vị Bộ trưởng viết sách chống suy thoái đạo đức mà vẫn phải vào tù vì tham nhũng.
Sự hỗn loạn là một biểu hiện văn hóa. Vậy trước khi nói về Hội Nghị Văn Hóa chúng ta cũng nên xác định rõ đặc trưng văn hóa cơ bản nhất của Việt Nam là gì. Mà nếu không xác định được rõ, thì cũng nên chỉ ra vài đặc điểm nổi trội.
Trong một nghiên cứu về văn hóa Tầu tôi đã nhận thấy “Đặc điểm nội trội nhất trong văn hóa Trung Hoa là lòng căm hận” (1). Đối với dân Tầu, quân tử mười năm trả thù chưa muộn. Vậy đối với dân Việt cái gì là điểm nội trội nhất.
Ông Pierre Gourou trong tác phẩm nghiên cứu về người nông dân châu thổ Bắc Kỳ(2) từ năm 1936 đã viết “một trong các dáng vẻ đáng yêu nhất của châu thổ là sự hòa hợp hoàn toàn giữa con người với thiên nhiên”. Quả vậy, người Việt có khả năng đặc biệt trong thích ứng một cách hài hòa với môi trường tự nhiên và xã hội. Họ biết chọn hướng khi làm nhà, biết dẫn nước vào đồng ruộng, biết sử dụng các vật liệu thiên nhiên cho canh tác và chữa bệnh, biết tổ chức cuộc sống dân chủ trong làng xã, biết xây dựng hương ước và luật lệ,... Tất cả sự khôn ngoan và kiên cường của của người Việt Nam, những kinh nghiệm ngàn năm của họ được cô đúc lại để tạo ra sự hòa hợp tuyệt vời giữa con người với môi trường. Ông Pierre Gourou phải thốt lên trong trang cuối của cuốn sách trên rằng “Nếu có một tinh thần yêu nước Việt Nam thì phải dành tất cả sự quan tâm vào việc giữ gìn sự hài hòa quý báu đó giữa thiên nhiên và con người”. Mặc dù, như bạn biết ông Pierre Gourou sống và nghiên cứu ở Việt Nam trong chế độ thực dân Pháp, tuy vậy dưới con mắt khoa học ông nhận biết rõ sự hài hoà trên là bản sắc văn hóa lớn nhất của dân tộc Việt Nam. Vậy sự hài hòa đạt được bằng cách nào? Bằng cách luôn luôn sẵn sàng thay đổi để thích ứng với mọi hoàn cảnh.
Vậy bản chất của khả năng thay đổi và thích ứng là gì? Theo tôi đó là sự khôn ngoan. Dân Việt có khả năng thích ứng rất cao với mọi hoàn cảnh khó khăn. Trong khó khăn, họ luôn tìm ra giải pháp thích ứng. Họ còn bảo “cái khó ló cái khôn”. Nhưng họ khôn thế nào? Vào nhà, họ để giầy dép bên ngoài, giữ cho nhà mình thật sạch, nhưng họ sẵn sàng vứt rác ra ngay ngoài cửa. Khi đi đường họ luồn lách để vượt tắc nghẽn, thậm chí phóng xe máy lên cả vỉa hè, để nhanh hơn vài giây, mà ít khi nhường đường cho ai. Nếu nhà của họ bị một con đường mới cắt qua chỉ còn 10m vuông, họ vẫn có thể xây một căn nhà mỏng dính để bám lấy mặt đường. Nếu làm y tá thì họ có nhiều cách để lấy phong bì của bệnh nhân, rồi dâng cho bác sỹ và sẻ cho các nhân viên khác. Nếu làm giáo viên, họ sẽ nghĩ ra mọi cách để dạy thêm dù cho hiệu trưởng và Bộ Giáo dục có cấm. Nếu làm công an, họ sẽ dọa ngay một người đi đường sai luật để nhận tiền của ... Hơn nữa, nếu là một chính trị gia, họ sẽ tìm cách vì lợi ích phe nhóm, đảng phái trước khi nghĩ đến lợi ích toàn cục của dân tộc, của các phe đảng khác, và của nhân loại.
Theo ngôn ngữ toán học, người Việt có tài tìm cực trị cục bộ. Bất kỳ ai đã học phổ thông đều phải giải bài toán hãy tìm giá trị lớn nhất của hàm số y=f(x) trong miền {a,b}. Bài toán đó gọi là bài toán cực trị cục bộ hay cực trị địa phương. Nói rộng ra gọi là tối ưu nhỏ. Người Việt giỏi môn đó, kể cả những người không học toán, không biết toán, cũng giỏi môn tối ưu nhỏ. Cho nên, cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu than “Dân hai mươi triệu ai người lớn, nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Có lẽ khi than như vậy Cụ Tản Đà không muốn nói dân việt nam toàn trẻ con, Cụ chỉ muốn nói dân Việt Nam quá khôn lỏi, và khôn lỏi là mặt trái của khả năng thay đổi và thích ứng nhanh chóng.
So sánh đặc điểm văn hóa Tầu (lòng căm hận) và đặc điểm văn hóa Việt (sự khôn lỏi) thì có thể hiểu tại sao mấy ngàn năm Tầu không đồng hóa được Việt, không thắng được Việt. Nhưng cũng vì khôn lỏi mà Việt không lớn mạnh được hơn Tàu. Và đó là cái đặc điểm mà Hội Nghị Văn Hóa phải để cập dù có là đặc điểm xấu. Ta cần vạch ra không phải cho người xem lưng, mà vạch ra để cùng nhau sửa chữa, để đi từ tối ưu bé đến tối ưu lớn.
Tài liệu tham khảo
(1).Thu San Nguyễn Thế Hùng “Sự vĩ đại của nền văn hóa Trung Hoa” Viet-Studies 11-2016
(2). Pierre Gourou “Les paysans du delta tonkinois- Etudes de géographie humains” bản dịch của Nguyễn Khắc Đạm NXB Trẻ 2002.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét