Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

LỜI CUỐI VĨNH BIỆT BẠN PHÚ QUANG

 


Phú Quang là nhạc sĩ duy nhất không có bài hát "cúng cụ" (viết tuyên truyền cho chế độ). Phú Quang nhạc sĩ nổi tiếng nhất thời đại không được trao "giải thưởng nhà nước", giống y trường hợp Nguyễn Huy Thiệp trong văn học.
LỜI CUỐI VĨNH BIỆT BẠN PHÚ QUANG
Trần Mạnh Hảo
Từ 8 h 45 phút ngày 8-12-2021 Hà Nội chợt trống vắng vô cùng vì sự ra đi đột ngột của nhạc sĩ Phú Quang. Lạ lùng thay, Quang ơi, cậu mất rồi mới thấy những bài hát của cậu viết về Hà Nội là tuyệt tác, là không ai thay thế cậu để viết về Hà Nội hay như thế.

Bà Huyện Thanh Quan chỉ một bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” ( và bài “Qua Đèo Ngang” ) mà lưu danh thiên cổ :
"Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đó người đây luống đoạn trường!".

Nguyễn Huy Lượng chỉ với bài “Tụng Tây Hồ phú” cũng lưu danh thiên cổ; huống hồ Phú Quang có hàng chục kiệt tác âm nhạc viết về Hà Nội thì Quang ơi, cậu mãi lưu danh thiên cổ là lẽ dĩ nhiên. Quang mãi là người phát ngôn tinh thần của Hà Nội, là tâm hồn của Hà Nội cuối thế kỷ thứ 20, đầu thế kỷ 21 này.
Thực ra Quang không chết. Ngày 8-12-2021 chính là ngày Quang chuyển sang bất tử, mãi mãi trường tồn cùng dân tộc Việt khi nào Tiếng Việt còn. Quang sẽ sống mãi như những người con của Hà Nội : Bùi Xuân Phái, Phạm Duy, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Lưu Quang Vũ…
Nhớ lần năm 1998, sau khi bài thơ “Tôi mang Hồ Gươm đi” của Trần Mạnh Hảo in trên báo “Văn Nghệ”, Quang gọi vào bảo : “Ông Hảo ơi, tôi xin phép phổ nhạc bài thơ : “Tôi mang Hồ Gươm đi” của ông nhá !”. “Ok, nhưng ông ráng giữ đúng tinh thần và câu chữ của bài thơ. Cám ơn”. Mãi sau này vào Sài Gòn, Quang mời tôi đến đọc thơ trong đêm nhạc của ông nhớ về Hà Nội. Tôi đọc “Tôi mang Hồ Gươm đi”. Lúc đó, Quang tuyên bố, xong rồi, có giai điệu chủ đạo do khổ thơ ông gợi ra rồi, sẽ là cao trào của bài hát :

Tôi muốn mang hồ đi trú đông
Mà không khiêng vác được Sông Hồng
Mà không gói nổi heo may rét
Đành để hồ cho gió bấc trông”

Sáng hôm sau, Quang gọi tôi đến phòng trà của ông, Quang chơi piano và hát tôi nghe thử. Tôi khen hay. Quang bảo, bài thơ này hành tôi mấy năm, phổ hai lần đều chưa hài lòng. Tôi bảo Quang : “ Tớ chỉ không vừa lòng khi cậu đổi tên bài thơ, thêm một chữ MUỐN rất thừa vào từ chỗ “TÔI MANG HỒ GƯƠM ĐI” rất cá nhân, rất tâm trạng, rất ảo diệu thành ra “TÔI MUỐN MANG HỒ GƯƠM ĐI”. Quang thừa nhận, thêm chữ MUỐN vào tên bài hát là có phần làm hỏng bài thơ,nếu ông muốn bài hát được phổ biến thì ông phải chấp nhận chữ MUỐN này nhé. Rằng cộng sản đang ôm khư khư Hồ Gươm trong tay như ôm linh hồn Hà Nội, họ độc chiếm Hồ Gươm, độc chiếm Hà Nội mà Trần Mạnh Hảo dám cướp Hồ Gươm trong tay họ mang vào Nam, hóa ra những người di cư năm 1954 là đúng à, tất cả họ đã ‘MANG HỒ GƯƠM ĐI’ mất tiêu rồi đấy, liệu cộng sản có cho phép bài hát này được phổ biến không ? Nếu thương tôi, ông đồng ý đi. OK. Tuy vậy TMH vẫn nói : Nguyễn Hoàng cũng đã một lần “TÔI MANG HỒ GƯƠM ĐI”, để tạo ra cho nước Việt một nửa giang sơn. Trần Mạnh Hảo và Phú Quang cũng đã “Tôi mang Hồ Gươm đi” đó thôi. Ta nói “MANG ĐI” là mang về tinh thần, mang hồn cốt giang sơn vào Nam chứ bố ai vác nổi Hồ Gươm đi Quang ơi ! Cả hai thằng đều cười trừ, và bài hát của Phú Quang phổ thơ Trần Mạnh Hảo đã ra mắt với công chúng.
Bây giờ, Quang đã “MANG HỒ GƯƠM của chúng ta đi vào lòng đất, nơi Công viên nghĩa trang Thiên Đức ( Phú Thọ)…

Sáng thứ hai tới dự lễ tang có một người bạn của chúng ta là Thái Thăng Long sẽ theo xe tang đưa tiễn Quang xuống mồ. Tôi dặn Long, khi ông ném một hòn đất xuống quan tài Phú Quang, nhớ ném thêm một hòn cho Trần Mạnh Hảo với nhé. Long là người bạn thân nhất của Phú Quang.
Vĩnh biệt Quang ! Quang bất tử cùng Hà Nội. Tâm hồn Quang là tâm hồn Hà Nội không chỉ riêng âm nhạc. Quang chính là tài năng lớn nhất viết về Hà Nội vậy.,.

Bài thơ : “ TÔI MANG HỒ GƯƠM ĐI”
Thơ của Trần Mạnh Hảo :
Sao Hồ Gươm biết tôi chia xa?
Mà run cho mọi bóng cây nhòa
Mà im im hết nghìn tăm cá
Mà thở chiều lên khắp cỏ hoa?
Gió níu hoàng hôn xuống đáy tranh
Lá rụng, trời xao động cổ thành
Đổi dòng, sông gửi hồn ngưng đọng
Mượn hồ trả kiếm lại trời xanh
Tôi muốn mang hồ đi trú đông
Mà không khiêng vác được sông Hồng
Mà không gói nổi heo may rét
Đành để hồ cho gió bấc trông!
Sao Hồ Gươm biết tôi ra đây?
Mà thương ôm bóng kẻ lưu đày
Mà lau đôi mắt tôi bằng sóng
Mà cả trời kia xuống hết cây...
Hà Nội, 1998

Sài Gòn ngày 9-12-2021
T.M.H.
Ảnh : Trần Mạnh Hảo chụp chung với Phú Quang tại Hồ Gươm Hà Nội lần cuối cùng năm 2018

Không có nhận xét nào: