Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU

 


Huy Đức
Trong lịch sử, có những nhân vật mà chúng ta thường chỉ nhắc đến tên, phẩm hàm, tước hiệu… rồi xếp lại; với Nam Phương Hoàng Hậu nhiều người thường bàn thêm về nhan sắc và rồi cũng để bà mờ nhạt theo vị “Hoàng đế cuối cùng”. Nhưng, tác giả Lê Lan Khanh sẽ làm người đọc thay đổi thói quen nhàn rỗi đó.
Trong cuốn biên khảo với nhiều tư liệu giá trị này, chị đã giúp ta tiếp cận nhiều “góc khuất” của bà, của Đức Bảo Đại, làm sáng tỏ thêm một phần lịch sử.
Cuốn sách đủ hấp dẫn cho những ai vốn tò mò về đời tư, muốn đọc những bức thư tình diễm lệ. Cuốn sách cung cấp những tư liệu đầy đủ nhất về gia thế của cô Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Thị Lan, nhũ danh của Nam Phương Hoàng Hậu. Cuốn sách còn đặc tả khá chi tiết đời sống hậu cung và cách ứng xử của một bậc “mẫu nghi…” khi Hoàng đế Bảo Đại chưa thoái vị.
Đặc biệt, cuốn sách cho biết hai tháng sống giữa hai làn đạn - theo đúng nghĩa đen - trong “Toàn quốc Kháng chiến” của “Bà Cố vấn Vĩnh Thụy”, của cựu hoàng thái tử Bảo Long...; cho biết cuộc tháo chạy khỏi cung An Định của năm mẹ con sang lánh nạn trong tu viện dòng Chúa Cứu Thế, nơi bà muốn giữ vai trò trung lập khi vẫn chưa biết số phận chính trị của ông Vĩnh Thụy.
Cuốn sách cũng cho biết trong tình huống thật sự bơ vơ và khi sinh mạng của gia đình bị đe dọa bởi chính hòn tên mũi đạn, bà đã để cho cuộc “giải cứu” đến từ người Pháp.
Nam Phương Hoàng Hậu chính là người đầu tiên hưởng ứng “tuần lễ vàng” ở Huế và vào ngày 18-11-1945, bà đã gửi đi một “Thông điệp kêu gọi phụ nữ thế giới ủng hộ nền độc lập non trẻ của Việt Nam”. “Thông điệp” cho thấy bà không chỉ là một người yêu nước, có khát vọng độc lập mà còn tầm vóc.
Những tuyên bố ấy của bà không chỉ vì vào thời điểm đó, chồng bà đang là “Cố vấn tối cao” bên cạnh Hồ Chí Minh mà còn vì, độc lập luôn là khát vọng của những người Việt Nam trong đó có vợ chồng bà và những trí thức Việt Nam ở thời điểm đó. Những tuyên bố ấy cũng cho thấy cả hai vợ chồng bà, có thể, từng đặt nhiều hy vọng vào Việt Minh và cả Hồ Chí Minh.
Độc lập, dù tồn tại một cách tương đối, đã được chồng bà, Đức Bảo Đại “tuyên cáo” từ ngày 11-3-1945.
Và, Chính phủ Trần Trọng Kim, tuy chỉ tồn tại từ 17-04 đến 25-08-1945, đã làm được nhiều việc khẩn trương, trí tuệ và trách nhiệm: Lập lại quốc hiệu Việt Nam; Dùng tiếng Việt làm quốc ngữ và Việt hóa chương trình giáo dục; Đòi lại “Nam Kỳ” và các phần lãnh thổ “thuộc pháp”; Soạn thảo Hiến pháp nhấn mạnh tự do độc lập…
Ngay sau khi được bổ nhiệm bởi Chính phủ Trần Trọng Kim, Thị trưởng Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai đã lấy tên các vị anh hùng dân tộc Việt Nam thay thế các phố mang tên người Pháp.
Yêu nước, luôn hy sinh vì sự nghiệp của chồng và rất nhạy cảm về chính trị. Chúng ta sẽ được đọc khá nhiều bức thư bà gửi “Quốc trưởng Bảo Đại” tình cảm, sâu sắc và ý nhị. Chính bà đã trách ông sắm du thuyền giữa khi “công cuộc giành độc lập” theo cách của Việt Nam Quốc gia vẫn đang mờ mịt.
Không chỉ vì không sẵn sàng “nếm mật nằm gai”, nhiều thông tin trong cuốn sách giúp giải thích vì sao những người Quốc gia đã không thể thành công trước những người Cộng sản.
Trong “Cách mạng tháng Tám”, người Nhật muốn cho quân tới bảo vệ Hoàng Cung, Hoàng đế Bảo Đại đã từ chối, “Ta không muốn một quân đội nước ngoài làm đổ máu thần dân ta”.
[Ngày 21-8-1945, Đức Bảo Đại cũng đã không cho binh lính mai phục bắn vào nhóm thanh niên theo Việt Minh trèo lên kỳ đài ở Huế thay thế cờ vàng bằng cờ đỏ sao vàng. Tại Hà Nội, Khâm sai Đại thần Phan Kế Toại cũng không cho Bảo an binh bắn vào đoàn biểu tình…]
Nhưng, máu người Việt Nam đã không chỉ bị đổ bởi quân đội nước ngoài. Lịch sử đã không cho người Việt chọn con đường giành độc lập và cả thống nhất mà không đổ máu…
Nam Phương Hoàng Hậu sinh ra trong một gia đình mà cả bên nội và bên ngoại đều thuộc về 4 gia tộc giàu có nhất miền Nam hồi đầu thế kỷ 20, thụ hưởng cả nền nếp gia phong và những giá trị văn minh từ Pháp. Bà không chỉ rất giàu mà còn sang; bà không chỉ xinh đẹp mà còn luôn chuẩn mực và trách nhiệm trong vị thế “mẫu nghi thiên hạ”.
Cuốn sách sử dụng rất nhiều tư liệu được cung cấp bởi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Và, may mắn được viết bởi Lê Lan Khanh, người có ba mẹ, năm 1966 được “Thiên Chúa kết hợp” tại nhà thờ Huyện Sỹ và về sau an nghỉ tại nhà thờ này [Nhà thờ Huyện Sỹ được xây dựng bởi ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu].
Là một người công giáo gốc, Lê Lan Khanh (Le Lan Khanh) vừa có lòng ngưỡng mộ, đồng cảm với Hoàng Hậu Nam Phương, vừa không bị những “thiên kiến chính trị” khi nhìn nhận vai trò lịch sử của những người Quốc gia và công giáo.
Huy Đức

***


Có quyển "Nam Phương – hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam" tác giả François Joyaux, xuất bản năm 2019, rất hay ạ.


Một chút review:

Nhận xét đầu tiên là sách do tác giả người Pháp viết nên có lẽ khách quan hơn, không bó buộc vào hình tượng « Công dung ngôn hạnh » mà người Việt gắn vào Nam Phương hoàng hậu. Có lẽ chính vì thế, nên sách thú vị hơn rất nhiều. Ngoài những phân tích địa chính trị rất xác đáng, tác giả có ưu thế hơn hẳn khi kể về những mối quan hệ của Nam Phương hoàng hậu với người Pháp, cũng như phần đời của bà ở nước Pháp, kể từ khi bà rời bỏ Việt Nam năm 1947 và không bao giờ quay trở lại.


Theo F. Joyaux, ba điều quan trọng nhất đối với Hoàng hậu Nam Phương là tôn giáo, đất nước và gia đình.


Tôn giáo luôn có một vị trí hàng đầu trong cuộc đời Nam Phương hoàng hậu. Bà sinh trong một gia đình Công giáo từ nhiều thế hệ (ông Matthieu Le Van Gam, chú của bố bà là một người tử vì đạo, và được Giáo Hoàng Léon XIII phong thánh năm 1988). Trong các biến cố quan trọng của cuộc đời bà đều có ít nhiều hiện diện của tôn giáo. Khi còn nhỏ, Nam Phương hoàng hậu có vài năm học trong một trường dòng ở Pháp, nơi có rất nhiều ảnh hưởng tới suy nghĩ của bà. Là một con chiên có đức tin mạnh mẽ, ngay cả việc kết hôn với vua Bảo Đại, người không theo đạo (Bảo Đại chỉ cải đạo Công giáo vào cuối đời khi ở Pháp) cũng không khiến bà nhân nhượng mà chấp nhận từ bỏ những quy định của Công giáo để tuân theo phong tục tâp quán Việt Nam. Bà đã từng gặp Giáo Hoàng, khi còn đi học ở Pháp và sau này với vai trò Hoàng hậu của Việt Nam, đồng thời luôn có sự hậu thuận và ủng hộ từ cộng đồng Công giáo Việt Nam. Về cuối đời, có lẽ như bà đã ít nhiều giảm bớt niềm tin cho tôn giáo, thậm chí còn nhiều lần bỏ không đi lễ nhà thờ ngày Chủ nhật.


Nam Phương hoàng hậu không chỉ dừng lại ở vi tri là một người phụ nữ đẹp và ngoan đạo. Tác giả cho thấy bà có những tư tưởng chính trị khá rõ ràng và rất hiện đại. Bà khuyến khích quyền bình đẳng, giáo dục cho phụ nữ, nâng cao dân trí cho người Việt. Nam Phương hoàng hậu cũng có cùng tư tưởng với những trí thức thân thiết với bà như Nguyễn Tiến Lãng (một thời làm thư kí cho Nam Phương Hoàng hậu), Phạm Quỳnh (bố vợ Nguyễn Tiến Lãng, chủ bút tờ Nam Phong tạp chí, sau thành Thượng thư dưới triều Bảo Đại, ông cũng là bố của nhạc sĩ Phạm Tuyên), mong muốn một Việt Nam độc lập, nhưng không vì đấu tranh đổ máu mà mong muốn rằng đó là một quá trình giành độc lập một cách hòa bình, nhờ vào sự phát triển dân trí của người Việt. Thật đáng tiếc là Bảo Đại là người chỉ biết ăn chơi, vô tích sự không có hoài bão, tâm huyết gì cho đất nước, chính vì thế bà cũng không thể làm gì nhiều hơn. Không hiểu có phải vì sợ hay không nhưng Nam Phương hoàng hậu luôn có thái độ ôn hòa, thậm chí ủng hộ chính quyền Việt Minh, cho dù Phạm Quỳnh và vài người thân khác của bà cũng bị Việt Minh sát hại. Hay bà nhìn những người cộng sản như những người theo chủ nghĩa dân tộc và cũng mong muốn một Việt Nam độc lập chứ không là thuộc địa của Pháp?

Tuy nhiên, ngoài những chi tiết tác giả nói về suy nghĩ, thái độ của bà với vận mệnh quốc gia, thì tác giả cho thấy dường như bà gắn bó với văn hóa Pháp, người Pháp hơn cả. Bà từ khi sinh ra đã có quốc tịch Pháp, có cách sống của một phụ nữ Pháp, gout ăn mặc kiểu Pháp, bà cũng giao du và thân thiết với người Pháp hơn là với người Việt, và nuôi dạy con theo kiểu phương Tây (ngay cả khi ở VN bà nói chuyện bằng tiếng Pháp với con, chứ ít nói tiếng Việt), chứ không giữ phong tục tập quán Việt Nam mấy, nhất là những gì không phù hợp với Công giáo.


Mối quan hệ của bà với Bảo Đại là một câu chuyện đáng buồn. Nói đến Bảo Đại, có lẽ chi tiết tích cực nhất trong sách về ông là việc Bảo Đại nhất quyết chọn bà làm vợ, mà không đếm xỉa tới sự phản đối của Từ Cung và của triều đình. Được ăn học ở Pháp, nhưng ông này chả quan tâm tới gì ngoài gái và ăn chơi. Thậm chí Bảo Đại trong thời gian đến tham dự thương thuyết Hiệp định Geneva, đang nước sôi lửa bỏng ở Việt Nam thì ông ra phố mua luôn quả đồng hồ Rolex đắt nhất thế giới, về sau được gọi là « Rolex Bảo Đại ». Tuy nhiên, cho dù ông như thế nhưng bà vẫn rất chiều chuộng Bảo Đại, mua xe, mua quà đắt tiền cho ông chồng trăng hoa này. Với các con, bà chú trọng giáo dục, nhưng đáng tiếc là các con của bà cũng không có gì thành đạt xuất sắc cả, chưa nói là rất bình thường.


Tác giả cũng kể một số chi tiết về đời tư của bà mà sách báo Việt không nói đến, như Ngô Đình Diệm rất mê bà và chả ưa gì Bảo Đại, hay như về sau bà cũng có một người đàn ông khác trong đời mà Bảo Đại cũng không có ý kiến gì cả, thậm chí còn thân thiện với người này. Đó là một người đàn ông Pháp, là đảng viên Đảng cộng sản Pháp ( có thể vì thế mà bà không có thái độ thù nghịch với chính quyền cộng sản Việt Nam chăng). Về cuối đời, bà sống ẩn dật cùng người bạn trai này, không còn chút ước mong nào về việc một ngày kia Bảo Long, con trai trưởng của bà sẽ quay về nắm quyền ở Việt Nam. Bà càng ngày càng ít giao du với người ngoài, cũng một phần vì có vấn đề về thính giác. Tác giả kể về một cuộc đời bình thản, sung túc của bà, với những chi tiết rất đời thường như thỉnh thoảng bà hứng lên vào bếp làm món thịt lợn rang với hành, và khi ông bạn trai kia nổi cáu vì bị bà cho xơi món đó hơi thường xuyên, thì bà cũng nổi cạu mà tuyên bố từ giờ khỏi vào bếp nấu ăn làm chi.


Có lẽ từ khi lấy Bảo Đại, thì Nam Phương hoàng hậu chỉ có vài năm hạnh phúc khi sống ở VN, cuộc đời của bà có quá nhiều biến cố và về cuối đời thì thật buồn, nhất là khi bà mất đi khi còn khá trẻ, và khi không có người thân bên cạnh.

Thien Huong Le


***

Tin liên quan: Nam Phương Hoàng Hậu

Peter Pho
Lão PP cũng như nhiều thằng đàn ông khác đều thích ngắm nhìn người đẹp. Nếu thế giới thiếu người đẹp chắc lão và các đấng nam nhi chẳng còn nguồn năng lượng để sống tiếp, cuộc đời sẽ như những hồn ma lảng vảng nơi nghĩa địa trần gian.
Nói đến người đẹp phương nam, lão ấn tượng nhất là Nam Phương Hoàng Hậu. Trong một buổi hầu trà hơn 30 năm trước với Papa lão và ông cậu Thái Thực Vinh, giáo sư sử học và ngôn ngữ trường đại học Penn State, Mỹ. Cậu lão hỏi bố lão :”Anh Nhật ( tên bố), anh cho rằng nước Nam ta người đẹp nào để cho anh ấn tượng sâu sắc?”. Papa nhấm nháp ly trà rồi định trả lời thì ông cậu giơ tay ngăn lại “Bây giờ cả hai ta viết lên giấy tên người đẹp rồi giở ra xem có cùng một nhận xét không nhé!”. Hai cụ già thất thập cổ lai hy hý hoáy viết lên giấy một cái tên. Ánh nắng mùa thu chiếu qua khung cửa sổ rọi lên khuôn mặt hai cụ tạo ra một bức tranh sống động có tiêu đề “Khi ký ức tình yêu tràn về”.
Hai cụ viết xong, nhìn nhau cười với vẻ mặt huyền bí rồi cả hai đưa tờ giấy cho thằng thanh niên PP đang độ máu lửa để hắn xướng tên. Giở tờ giấy ông cậu thì thấy đề “Nam Phương Hoàng hậu”, tờ của Papa đề “Jeanne Mariette Thérèse” ( tên tiếng Pháp của Nam Phương Hoàng Hậu). Hai ông ngửa mặt cười ha hả rồi đập tay vào nhau “Oh, yeah!” đầy mãn nguyện. Bố nói thêm một câu sau đó :”Elle est belle, vertueuse et noble” ( Bà ta đẹp, hiền thục và cao quý). Ông cậu gật gù tiếp lời “Oui elle l'est” ( Vâng, bà ta đúng vậy). Từ đó cái tên “Nam Phương Hoàng hậu” nằm trong tiềm thức của lão và mỗi khi nhắc đến cụm từ “Người đẹp phương nam” thì trong óc lão lại hiện ra khuôn mặt của vị hoàng hậu nước Nam, xinh đẹp, hiền thục và cao quý.
Năm 1926, khi ấy hoàng hậu tương lai của kinh thành Huế mới 12 tuổi đã được gửi sang du học ở Pháp tại tu viện nữ sinh nội trú Couvent des Oiseaux, Paris. Sau 6 năm , tháng 9, năm 1932, bà hoàn thành tú tài Pháp (tương đương với tốt nghiệp trung học), và trở về nước trên con tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime. Lúc này, bà đã trở thành một thiếu nữ “đình đình ngọc lập”, xinh đẹp, duyên dáng yêu kiều với tố chất phương Tây mẫn tiệp hoà quyện với phương Nam huyền bí. Tất nhiên khí chất cao quý của bà được thừa hưởng từ dòng máu quý phái của một gia tộc giàu có hiển hách. Bà sinh ra tại Gò Công (nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình Công giáo giàu có, là con gái của ông Pierre Nguyễn Hữu Hào và bà Marie Lê Thị Bính. Họ thuộc về tầng lớp quý tộc An Nam thời đó, giao lưu toàn với tầng lớp trên trong xã hội lại có quan hệ khăng khít với giới thượng lưu Pháp và toà thánh Vatican, nên phải nói rằng “Nàng” đẹp từ trong ra ngoài, sang, chảnh, nếu nói “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh “ thì cũng không ngoa chút nào.
Một ngày đẹp trời sau khi bà đã về nước hơn một năm thì nhận được giấy mời của ông Darles thị trưởng thành Đà Lạt mời bà cùng ông cậu Lê Phát An đến dự dạ tiệc ở Hôtel Palace. Sau này mới biết đây là chủ ý của vị toàn quyền Đông dương lúc bấy giờ là Pierre Marie Antoine Pasquier và vợ chồng cựu Khâm sứ Trung kỳ Jean François Eugène Charles và viên Đốc lý thành phố sắp đặt để hoàng đế Bảo Đại tận mắt nhìn thấy nàng Mariette Thérèse xinh đẹp và trong thâm tâm họ nghĩ rằng, chỉ có Vua nước Nam mới xứng đáng được hưởng một người đẹp ưu tú hiếm hoi như vậy. Hồi đó mà Tạ Trí và lão PP có thèm rỏ dãi thì cũng chỉ dám đứng ngấp nghé vòng ngoài nhìn vô mà tự sướng chứ làm chi đủ tư cách đến gần nàng…kkk
Thế là duyên kỳ ngộ đã làm cựu hoàng say như điếu đổ. Với một ông hoàng sinh ra đã có gen phong lưu từ cốt nhục, Bảo Đại nhìn nàng say đắm như một con hổ đói nhìn thấy một cô nai vàng thơm thịt chuẩn bị được hiến tế. Chính vì mùi thơm của tuổi thanh xuân rực lửa mà nhà Vua đã đánh hơi thấy, nên trong óc ông đã hiện ra hai chữ “Nam Hương” mà ông rất muốn phong cho nàng với tước vị “Nam Hương Hoàng Hậu”. Hay! Tuyệt diệu! Nam hương, mùi thơm ngọt ngào của phương Nam. Trước khi một con hổ ăn thịt con mồi thường thì nó dùng mũi để hít căng lồng ngực mùi thơm của miếng mồi. Những thằng cha sành sỏi trong tình trường như Tạ Trí cũng vậy, trước khi làm tình với một người tình bé bỏng xinh đẹp, gã thường hít đẫy mùi thơm của cơ thể nàng…kkk. Cái tên “Nam Hương Hoàng Hậu” đã không được ghi vào sử xanh chỉ bởi tay quan chấp sự lại ghi nhầm thành “Nam Phương Hoàng Hậu”.
Khi hai cậu cháu đến nơi, họ kéo ghế ngồi ngoài hiên. Lát sau, ông thị trường Darles trông thấy, ông ta chạy đến chào rồi nắm tay cậu đưa họ vào nhà trong. Vừa đi ông ta vừa nói: "Ông và cô phải đến bái yết Hoàng thượng mới được". Khi cánh cửa phòng khách vừa mở, nàng nhìn thấy vua Bảo Đại ngồi trên chiếc ghế bành chính giữa nhà. Ông Darle bước tới bên cạnh nhà Vua rồi nghiêng mình cúi chào và kính cẩn nói: “Votre Majesté, Monsieur Lê Phát An et sa nièce, Mademoiselle Marie Thérèse”. (Tâu Hoàng thượng, đây là ông Lê Phát An và người cháu gái, cô Marie Thérèse). Bảo Đại nhìn thấy nàng đã mê mẩn cả tâm can, rồi càng say sưa khi thấy nàng bước lại quỳ lạy sát đất đúng theo nghi lễ phương Tây khi gặp nhà Vua.
Hoàng hậu Nam Phương cũng nhắc lại một chi tiết cuộc gặp hôm đó:”Nhờ các nữ tu ở trường Couvent des Oiseaux từng chỉ dạy nên tôi biết phải làm gì để tỏ lòng tôn kính đối với bậc Quân Vương, vì vậy tôi đã không ngần ngại đến trước mặt Hoàng Đế, quỳ một gối và cúi đầu sát nền nhà cho đến khi thấy bàn tay cậu tôi kéo tôi dậy, tôi mới đứng lên. Vua gật đầu chào tôi đúng lúc tiếng nhạc vừa trỗi theo nhịp điệu Tango, Ngài ngỏ lời mời và dìu tôi ra sàn nhảy rồi chúng tôi bắt đầu nói chuyện. Về sau, khi đã trở thành vợ chồng, Ngài mới cho tôi biết hôm đó Ngài rất chú ý cách phục sức đơn sơ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi được nhà Vua lưu ý một phần do trong suốt buổi dạ tiệc chỉ có tôi là người phụ nữ Việt Nam duy nhất nói tiếng Pháp và theo hành lễ đúng cung cách lễ nghi Âu tây đối với Ngài".
Sau đó, họ thường hẹn hò gặp mặt. Cựu hoàng viết rằng: "Một tình cảm êm dịu đã nảy sinh giữa chúng tôi. Chúng tôi đã quyết định gặp lại nhau. Lan có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê". Cuộc hôn nhân của họ gặp một trắc trở rất lớn do Lan theo đạo Thiên Chúa còn Bảo Đại theo đạo Phật. Hình bộ Thượng thư thời đó là Tôn Thất Đàn và Phụ chính Thân thần Tôn Thất Hân phản đối cực liệt, hai ông dự định tính làm một thỉnh nguyện thư chung của tất cả quan lại cao cấp phản đối việc này, còn nghĩ đến giải pháp bắt Nam Phương phải bỏ đạo Công giáo theo đạo Phật.
Trước Hoàng Tộc Triều Nguyễn, Bảo Đại đã nói: "Trẫm cưới vợ cho trẫm đâu phải cưới cho cụ Tôn Thất Hân và Triều đình." Phải công nhận Bảo Đại có khí chất nam nhi, đứng trước người đẹp dù có mất cả giang sơn thì bố cũng chơi, sợ mẹ thằng nào. Bảo Đại không quên mình là “Thiên tử”, và nói :”Ở trong cung, chỉ có một ông Trời, đó là Hoàng đế, con ông Trời". Câu nói này quá chuẩn, còn vị nào không phục thì lên tiếng để bố đưa ra cửa Ngọ Môn lấy đầu cho triều đình được im lặng…kkk
Vậy là cả toà thánh Vatican cũng phải im hơi lặng tiếng với cuộc hôn nhân này. Hôn lễ của nhà Vua được tổ chức ngày 20 tháng 3 năm 1934 ở Huế tại cung An Định với hơn 700 khách mời với viên Toàn Quyền Đông Dương và các Khâm sứ Trung Kỳ, Thống sứ Bắc Kỳ, Thống đốc Nam Kỳ. Khi đó Bảo Đại đúng 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan 20 tuổi. Ngay ngày hôm sau, lễ tấn phong hoàng hậu được diễn ra rất trọng thể ở điện Thái Hòa. Hoàng đế phong Nguyễn Hữu Thị Lan tước vị Nam Phương Hoàng Hậu. Theo một bài viết trên tờ Ngọ Báo tại Hà Nội, Bảo Đại vốn đặt cho hiệu là Nam Hương Hoàng hậu, nhưng viên chấp sự biên sai ra chữ Quốc ngữ thành Nam Phương Hoàng hậu như lão đã nhắc ở trên.
Sau cách mạng tháng tám, hoàng đế thoái vị được mời ra Hà Nội tháng 9 năm 1945, nhận chức "Cố vấn tối cao" trong chính phủ. Trong thời gian ở Hà Nội, cựu hoàng thường lui tới các vũ trường ở Khâm Thiên và Bà Triệu. Tại vũ trường Liszt Bà Triệu, cựu hoàng bắt gặp Lý Lệ Hà là vũ nữ nổi tiếng ở đây. Lý Lệ Hà từng đoạt giải hoa khôi đầu tiên của Việt Nam năm 1938. Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên, lại được đắm mình trong tiếng hót líu lo của những con chim vành khuyên phương Bắc, cựu hoàng hoàn toàn gục ngã trong lòng Lý Lệ Hà trong suốt thời gian làm Cố vấn Tối cao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bảo Đại công khai qua lại với Lý Lệ Hà, đi tiệc tùng hàng đêm bất chấp dị nghị của nhân dân kham khổ thời đó. Mối tình của Bảo Đại và Lý Lệ Hà đã khiến cho Nam Phương hoàng hậu cũng như thứ phi Mộng Điệp vô cùng phiền lòng. Ít lâu sau, vào tháng 3/1946, Bảo Đại đi Trung Quốc rồi sang Hong Kong cùng Lý Lệ Hà, từ bỏ đất nước. Hoàng hậu Nam Phương đã viết cho tình địch một bức thư mà Lý Lệ Hà vẫn giữ suốt nửa thế kỷ sau: "Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương". Trong thời gian này, ngoài Lý Lệ Hà, Bảo Đại còn gian díu với một cô gái Tàu lai Tây, tên Hoàng Tiểu Lan (Jenny Woong) và đã có với cô một đứa con gái.
Ngày 12 tháng 8 tại Huế năm 1947, cựu Hoàng hậu Nam Phương quyết định rời khỏi Việt Nam, bà và các con đáp máy bay Anh để tới Hồng Kông thăm chồng. Người tình Lý Lệ Hà, thứ phi Bùi Mộng Điệp và các cô gái trẻ khác tạm lánh mặt, ít nhất trong một thời gian. Không bao lâu sau đó bà Nam Phương và các con rời Hồng Kông sang Pháp.
Ngày 14 tháng 9 năm 1963 hoàng hậu bị cảm nắng và qua đời. Ngoài hai người giúp việc trong nhà, không có một người ruột thịt nào có mặt bên cạnh bà trong giờ phút lâm chung. Khi đó các con bà đang đi học hoặc làm ở Paris, còn Bảo Đại sống ở miền Nam nước Pháp. Linh cữu của bà Nam Phương được an táng ngay nghĩa trang Công giáo tại Chabrignac. Trên mộ của bà có tấm bia ghi những dòng chữ:
Chữ Hán:
大南南芳皇后之陵
ĐẠI NAM NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU CHI LĂNG
(Lăng của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam)
Chữ Pháp:
ICI REPOSE L'IMPÉRATRICE D'ANNAM NÉE MARIE THÉRÈSE NGUYEN HUU THI LAN
(Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu nước An Nam, nhũ danh Maria Têrêsa Nguyễn Hữu Thị Lan)
Nhiều người cho rằng cựu hoàng phong lưu và không chung tình. Thực ra, làm vua đã có barème của vua. Tức là được hưởng trọn vinh hoa phú quý, tận hưởng lộc lá cũng như của ngon vật lạ và mỹ nhân thiên hạ. So với các triều đại vua chúa bên Tầu thì Bảo Đại quá ư khiêm nhường và có thể nói là kham khổ. Người ta hơn ba ngàn cung tần mỹ nữ tha hồ đêm đêm bóc trinh một em, mỹ nhân đẹp đến mức hoa mắt chóng mặt, không biết chọn em nào đành phải nhắm mắt bắt thăm, trúng em nào thì trúng. Nhiều em cả đời sống trong cung đến già vẫn còn nguyên trinh tiết. Người ta gọi là “Lão trinh nữ”. Tiếc thật, thằng thì buồng không trống vắng ta với ta, thằng thì của ăn không hết còn để phí phạm của trời.
Nếu lịch sử được viết lại mà lão là người tạo ra lịch sử thì lão muốn Việt Nam để nguyên chế độ quân chủ. Cứ để Bảo Đại làm vua, mời thực dân Anh sang đô hộ Việt Nam. Vừa xây dựng được một Việt Nam hiện đại văn minh, vừa chống được lợi ích nhóm và tham nhũng trong quan trường. Thà để một mình vua phát tài phát lộc nghiêm minh trị nước hơn là hàng đống các quan chức tham nhũng hủ bại để dân khổ sở lầm than ngoáy mũi nộp tiền. Có nông hộ nào đồng ý xin giơ tay! …kkk

Ghi chú: Một số tư liệu lấy từ Wikipedia.

 

Không có nhận xét nào: