Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

ÔNG SÁU

 


ô n g s á u 💕
Nhân ngày 10.10, lược lại bài bạn viết trên Vietnamnet.
Những ghi chép này, biết đâu sẽ là một phần cuốn hồi ký - nếu được viết ra - sẽ gắn với lịch sử nền chính trị VN trong một khoảng thời gian dài từ một người trong cuộc…
…30 năm trước, bạn bảo, tôi sẽ làm được những việc mà ông già tôi chưa làm được.
Rất khó để định lượng thế nào là làm được và chưa làm được.
Cứ ngẩng cao đầu, cười tươi, vui vẻ trở về và tự hào với những gì mình đã làm, chỉ cần thế thôi, là Hạnh phúc...!
———————
“Một thượng úy quân đội ngồi bên cạnh một nhà lãnh đạo số 2 của Đảng - vừa nằm võng vừa tỉ tê hỏi chuyện, từng chi tiết một, xem nó hiểu đến đâu, làm được việc gì…?
Không biết có anh cán bộ trẻ nào khác được may mắn như tôi không?”
1. Trung úy đi chiến trường.
Năm 1983, sau khi tốt nghiệp sĩ quan, tôi được học dự khóa để chuẩn bị đi Liên Xô bồi dưỡng về chuyên ngành quân sự.
Vài tháng dự khoá.
Tôi hiểu mình là người duy nhất không học ở LX không biết tiếng Nga, nhưng được ưu tiên đi LX để “đổi đời”. Và dù có đi thì khi về vẫn sẽ là con số 0 về kiến thức.
Với những gì tôi được học, được rèn sau 3 năm ở trường sĩ quan, chỉ có một điểm đến đúng đắn nhất là chiến trường. Mà khi đó thì toàn quân như thế. Các sĩ quan mới ra trường hầu hết đều ra mặt trận, nếu không lên phía Bắc thì cũng sang Campuchia.
Tôi đến gặp chú Văn Tiến Dũng.
Ông Dũng ngần ngại.
Tôi phải trình bày rất lâu ông mới nói.
- Việc này chú phải trao đổi với bác Lê Đức Thọ.
Vài ngày sau, ông gọi tôi đến, bảo.
- Bác Thọ gạt đi, bảo không được đâu. Anh Thanh có mỗi thằng con trai, sang đấy làm sao thì mất giống nhà nó. Mà chị mới mất đưa nó đi làm gì?
Tôi gặp ông Ba Trà (Bộ trưởng Quốc phòng sau này), khi đó là Sư đoàn trưởng 330, đang chiến đấu ở biên giới Campuchia - Thái Lan.
Ông bảo.
- Cậu vào sư đoàn tôi đi, hiện đang ở tây bắc Campuchia, đánh nhau ác liệt lắm. Nhưng phải được ông Lê Đức Anh đồng ý.
Tôi lại đến gặp ông Sáu Nam, trình bày nguyện vọng, cháu xin phép chú cho cháu vào sư 330, chỗ chú Ba Trà.
Ông Sáu Nam suy nghĩ một lát rồi nói, chú sẽ báo cáo với bác Sáu Thọ.
Lại “bác Sáu Thọ”?
Sau đó ông Lê Đức Anh gặp ông Sáu Thọ và bảo lãnh cho tôi, “Tôi chịu trách nhiệm”!
Gặp tôi, ông Sáu Nam nói: “Bác Sáu đồng ý cháu đi Campuchia nhưng không về sư 330, mà chuyển sang cơ quan tình báo”.
Thực chất các ông tạo điều kiện cho tôi phấn đấu. Theo các ông, vị trí ấy phù hợp với khả năng của tôi hơn.
Thật đáng ngạc nhiên.
Một trung úy xin một việc rất nhỏ là ra mặt trận, mà Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Mặt trận và cuối cùng là người lãnh đạo cao nhất của Đảng về tổ chức cán bộ phải đưa ra quyết định cuối cùng.
Tôi hiểu, đó là tình cảm và trách nhiệm của các ông đối với Ba Mẹ tôi
- những người đã cùng chiến đấu với họ nhưng không còn nữa.
2. “Cho nó tiếp tục ở chiến trường, phấn đấu trưởng thành”
Năm 1985, ông Sáu Thọ sang Campuchia công tác đúng thời điểm chuẩn bị Đại hội 6. Văn phòng bố trí cho ông Sáu ở căn biệt thự có bể bơi, trong khu nhà của Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện VN (Bộ Tư lệnh 719), đối diện nhà ông Lê Đức Anh.
Khi đó ông Sáu đang là Trưởng Ban Tổ chức TƯ, Thường trực BBT, giúp bác Lê Duẩn chỉ đạo công việc của Ban Bí thư. Ông cũng là Trưởng Tiểu ban chuẩn bị nhân sự của Đại hội 6.
Hôm đó, ông Sáu làm việc với lãnh đạo Campuchia, có ông Sáu Nam và một số lãnh đạo của Mặt trận 719 cùng dự. Vì làm việc buổi chiều nên sau đó Văn phòng mời cơm.
Họp xong chiều đã muộn, ông Sáu đứng dậy nói “Mời các đồng chí ăn cơm trước nhé, tôi có hẹn trao đổi điện thoại với Hà Nội”.
Khoảng hơn tiếng sau, ông Sáu mới đi xuống. Thấy tất cả vẫn ngồi chờ, ông hỏi.
- Ô kìa, sao lại ngồi thế này, sao không ăn trước đi?
Ông Lợi thư ký nói.
- Thưa anh, các anh chờ anh xuống ăn cơm cùng ạ.
Ông Sáu cười nói.
- Thế này thì ăn mầm đá rồi, thôi mời các anh!
Mọi người cùng cười và ngồi xuống bàn ăn.
Một buổi chiều, anh 6 Ngọc (thư ký ông Sáu Nam) gọi tôi vào bảo, “Ông Sáu Thọ hỏi thăm chú đấy. Sáng nay ổng hỏi ông Sáu Nam, Vịnh thế nào? Anh ngồi nghe lỏm được, ông Sáu Nam ca chú ghê lắm”!
Nghe ông Sáu Nam kể sơ qua công việc của tôi, ông bảo, gọi nó vào đây tôi gặp.
Chiều hôm sau, khoảng 5h tôi vào. Ông Sáu đang nằm võng trên thềm bể bơi, mắt lim dim. Lúc đó, mắt ông bắt đầu kém rồi.
Đầu tiên, ông hỏi về gia đình.
Tôi thưa, dạ, mấy chị cháu mỗi người một nơi, còn cháu sang bên này.
Rồi ông hỏi về công việc.
Tôi kể những gì tôi hiểu về tình hình Campuchia khi đó.
Ông đã bỏ ra gần 2 tiếng nghe tôi nói.
Ông hỏi kỹ.
Đơn vị chúng tôi đang làm những gì? Phục vụ tin tức cho Mặt trận như thế nào? Vấn đề tình báo, vấn đề Phật giáo, vấn đề diệt chủng…
Ông nghe rất kỹ.
Hỏi lại từng tí một.
Tôi biết đến đâu trả lời đến đó.
Nghe xong, ông bảo: “Cháu làm việc như thế là tốt, cứ thế mà làm cháu ạ!”.
Sau khi ông Sáu về HN, ông Sáu Nam gọi tôi vào gặp: “Bữa trước cháu nói gì mà bác Sáu hài lòng lắm. Bác Sáu bảo cho cháu tiếp tục ở lại Campuchia, phát triển theo ngành tình báo. Chú rất mừng”.
Tôi mới hiểu, nếu không có cuộc gặp ấy - hoặc câu chuyện theo hướng khác - tôi đã phải rời đội ngũ và về nước. Vì ông Sáu Thọ cho tôi sang Campuchia để xem tôi có làm được việc hay không, có tiến bộ không. Nếu không, ông sẽ không tiếp tục để tôi ở lại chiến trường.
Ông Sáu Nam rất mừng vì điều đó.
Một thượng úy quân đội ngồi bên cạnh nhà lãnh đạo số 2 của Đảng - vừa nằm võng vừa tỉ tê hỏi chuyện, từng chi tiết một, xem nó hiểu đến đâu, làm được việc gì…?
Không biết, còn anh cán bộ trẻ nào khác được may mắn như tôi không?
3. Ông Sáu Thọ với chiến trường Campuchia.
Khi gặp ông Sáu ở Campuchia, là cán bộ cấp quá thấp, tôi không được biết ông làm việc gì. Chỉ thấy Chỉ huy Mặt trận 719 cũng như lãnh đạo Đoàn chuyên gia VN rất lắng nghe và tôn trọng ý kiến của ông.
Còn lãnh đạo bạn thì hết sức kính trọng, thân thiết và tin cậy ông.
Sau này tôi mới được biết về những đóng góp quan trọng của ông Sáu trong thời gian đối phó với những hành động hiếu chiến, tàn ác của Khmer Đỏ đối với nhân dân ta, quyết định dùng chiến tranh vũ trang để chống xâm lược, chống diệt chủng.
Những ngày đầu giúp bạn sau 7/1/1979, ông Sáu Thọ là Đại diện Bộ Chính trị, Trưởng đoàn chuyên gia VN tại Campuchia.
Ông Sáu đã có mối cơ duyên với Campuchia từ hồi kháng chiến chống Pháp. Một trong những nhiệm vụ mà Bác Hồ, TBT Trường Chinh và Thường vụ TƯ giao cho ông khi vào Nam Bộ công tác cuối năm 1948 là chuẩn bị tách Đảng Cộng sản Đông Dương thành ba Đảng.
Ông đã trình bày chủ trương đó với Xứ uỷ Nam Bộ và triệu tập hội nghị những cán bộ của ta công tác ở Campuchia, giúp bạn soạn thảo cương lĩnh và điều lệ Đảng, thành lập Ban vận động sáng lập đảng Nhân dân Khmer (ông Sơn Ngọc Minh làm Trưởng ban, ông Tu Sa Mút làm Phó ban), lập ra Ban cán sự toàn Campuchia, để giúp bạn xây dựng phong trào và mở lớp đào tạo cán bộ cho đảng bạn.
4. Ông Ba Quốc kể.
Năm 1977, Khmer Đỏ đã có nhiều cuộc tấn công dọc biên giới, tàn sát bộ đội địa phương và dân ta. Tuy nhiên, đánh giá chung vẫn chỉ là xung đột biên giới.
Phản ứng của ta chỉ tương ứng với mức độ ấy, tức là vẫn chú trọng giải pháp ngoại giao, nhằm cố gắng cao nhất để cứu vãn hòa bình. Tôi (ông Ba Quốc) là Cụm trưởng Điệp báo ở Hà Tiên, Kiên Giang, nhận được thông tin (từ một cán bộ Sư đoàn của Quân khu Tây Nam) nêu rõ, Khmer Đỏ xác định VN là “kẻ thù truyền kiếp” và quyết tâm phát động chiến tranh với VN. Bản báo cáo được gửi ra cơ quan Tình báo, từ đó gửi lên Bộ Chính trị. Ngay sau đó, ông Sáu Thọ bay vào TP.HCM, tổ chức cuộc họp với cơ quan tình báo, gồm ông Tư Văn, Vũ Chính, Ba Quốc…để trực tiếp nghe báo cáo và phân tích tình hình.
Ông Ba nhớ lại.
Tôi lo lắm, vì lần đầu tiên được gặp một đồng chí lãnh đạo cấp cao như thế. Khi đó ta cũng mới chỉ coi Polpot là “bạn xấu”, chưa xác định là kẻ thù, nên nói không khéo thành mất quan điểm. Khi gặp, ông Sáu nêu: “Có gì cứ nói hết, nghĩ gì cứ nói thẳng. Nếu ý kiến có khác nhau, thì phải bàn mới ra đúng sai được”.
Thế là tôi nói hết, nói thẳng, nghĩ sao nói vậy. Nghe xong, ông Sáu chỉ thị ngay, tăng cường công tác tình báo nắm Khmer Đỏ!
Tôi mừng lắm. Như vậy là ta đã coi Khmer Đỏ là đối tượng. Từ đấy, tình báo có điều kiện để nắm địch rõ hơn, mạnh hơn và phục vụ tốt nhất cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam ngay từ những ngày đầu.
5. Thủ tướng Campuchia Hun Sen, trong Hồi ký của mình, cũng nhắc nhiều đến ông Lê Đức Thọ.
“…Trước ngày 7/1/1979, tôi có 3 cuộc tiếp xúc với ông Lê Đức Thọ. Đầu tiên là cuộc gặp đầu năm 1978, sau khi tôi đã gặp các ông Lê Đức Anh, Trần Văn Trà, Văn Tiến Dũng để thông báo về tình hình Campuchia và về Khmer Đỏ. Sau đó ông Thọ gặp tôi, ngoài việc khẳng định lại bản chất phản động của bè lũ diệt chủng, ông yêu cầu tôi nói rõ ý đồ của Khmer Đỏ quyết tâm gây chiến tranh với VN, dưới sự chỉ đạo của quan thầy.
Sau lần gặp đó, chúng tôi được thông báo chính thức là VN sẽ giúp cách mạng Campuchia xây dựng lực lượng, chuẩn bị chống lại Khmer Đỏ, giải phóng đất nước khỏi nạn diệt chủng. Đó chính là chủ trương quan trọng và cần thiết nhất, để tôi được VN giúp đỡ đứng ra xây dựng 26 tiểu đoàn đứng chân ở Long Giao, Đồng Nai - tiền thân của LLVT đoàn kết thống nhất Campuchia sau này.
Lần gặp thứ hai là ngày 8/11/1978 tại TP.HCM. Ông Lê Đức Thọ gặp lãnh đạo 5 nhóm khởi nghĩa ở Campuchia gồm nhóm của tôi (Hun Sen), cùng các ông Heng Somrin, Chia Sim, Sai Phu Thong và đoàn của Pen Sovan để trao đổi về việc thành lập Mặt trận (riêng đoàn của Bu Thoong không ra được do phải giữ bí mật vì lực lượng đang nằm ở nước ngoài).
Ông Sáu Thọ sắp xếp để tất cả các nhóm cùng ăn ở, làm việc với nhau trong một mái nhà, cùng nhau họp cả ngày lẫn đêm nhằm soạn thảo một cương lĩnh chính trị của mặt trận với tên gọi là “Mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia" và “Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia”.
Sau đó chỉ ít ngày, Mặt trận Đoàn kết thống nhất Campuchia ra đời tại vùng giải phóng Mê Mút, Kompong Chàm.
Đến ngày 22/11/1978, ông Lê Đức Thọ lại gặp các nhà cách mạng Campuchia trong một bữa ăn rất thịnh soạn.
Cuộc gặp đó có 7 người, và vấn đề quan trọng nhất là Mặt trận sẽ đại diện cho toàn thể người dân Campuchia đứng ra kêu gọi VN giúp đỡ tiêu diệt bè lũ Khmer Đỏ. Cuộc gặp đó quyết định việc VN đưa quân vào Campuchia, cùng lực lượng vũ trang của Mặt trận giải phóng Campuchia khỏi ách kìm kẹp của Khmer Đỏ.
Ba cuộc gặp, 3 quyết định lịch sử!”.
Phải khẳng định rằng ông Sáu là nhà lãnh đạo VN đã có con mắt hết sức tinh tường khi trực tiếp lựa chọn và bồi dưỡng Hun Sen - lúc đó mới 26 tuổi - trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia và trở thành Thủ tướng Campuchia khi 32 tuổi.
Thủ tướng Hun Sen có kể lại về những cuộc làm việc riêng với ông Sáu sau ngày Campuchia được giải phóng. Về cách ông Sáu khéo léo phân công riêng một Việt Kiều tên là Châu Ba hỗ trợ Hun Sen từng chi tiết như thế nào.
“Hun Sen có trình độ như một trí thức, rất có năng lực, có khả năng lãnh đạo, phải bồi dưỡng lâu dài!”, ông Sáu nói riêng với ông Châu Ba.
Quả đúng là:
“Cách anh nhìn người là cách anh đối xử với người. Cách anh đối xử với người là điều họ có thể sẽ trở thành”.
Triết lý dùng người như thế, khó ai có thể bì được ông Sáu.
6. Bác Sáu Thọ “xét duyệt lý lịch” cho tôi lấy vợ.
Vài năm sau, vào tháng 8/1986, từ Campuchia tôi xin nghỉ phép về HN, đưa bạn gái (vợ tôi bây giờ) ra chào mọi người. Ngoài chị em, họ hàng, các chú bảo phải báo cáo với chú Văn Tiến Dũng và bác Sáu Thọ, không các ông sẽ trách.
Tôi, vợ chưa cưới và chị Hà được hẹn giờ gặp vào buổi chiều. Chúng tôi đến số 6 Nguyễn Cảnh Chân, ngồi chờ ông ở hành lang nối liền nhà lớn với nhà nhỏ, không vào phòng khách.
Lát sau bác Sáu ra, hai người dìu hai bên, mắt ông đeo kính đen.
- Cháu chào bác ạ!
- Ừ, các cháu đấy à. Mắt bác hư rồi không nhìn thấy gì đâu…
Nước được đem ra.
Ông mời, uống nước đi, xong cầm cốc uống trước. Lúc đó, tôi còn trẻ, láu táu hỏi,
- Bác bảo hỏng mắt mà sao cháu thấy bác cầm cốc nước chả sai tí nào, còn biết người ta đem nước ra.
Ông cười rồi nói.
- Cái thằng, cứ hỏi linh tinh.
Câu chuyện tự nhiên vui hẳn.
Chị Hà nói:
- Thưa bác, Vịnh sắp cưới vợ, bạn gái là con chú Vũ Chính…
- Chính nào? Không được.
Mọi người toát mồ hôi.
Té ra ông Sáu không nghe ra.
Có một ông Chính khác ở cơ quan TƯ, có “vấn đề” gì đó vào thời điểm trước Đại hội Đảng năm 1986. Ông Sáu nói một tràng. Tôi nghĩ, lỡ mà đúng là nhà vợ mình thì không biết ăn nói thế nào.
Chị Hà thưa lại.
- Không ạ, chú Chính ở miền Nam suốt thời gian chiến tranh. Bây giờ đang chỉ huy tình báo ở Campuchia.
- Ờ, thế thì tốt đấy. Anh Chính đấy bác biết, anh ấy tốt lắm. Thôi cưới sớm đi, giờ cưới vợ là cưới liền tay…
Sau đó, tôi quay lại Campuchia với ý định năm sau mới cưới.
Khoảng tháng sau, một buổi tối đầu tháng 10, ông Sáu Nam cho gọi tôi vào. Hồi đó, Campuchia 6h đã giới nghiêm. 8h tối là khuya lắm rồi. Vào BTL 719 phải qua bao trạm gác như pháo đài.
Ông hỏi chuyện cưới vợ. Tôi thưa lại ý định như thế, như thế. Tự nhiên ông nói.
- Cháu về bàn với chị Hà, làm đám cưới sớm đi.
Tôi không hiểu lý do.
- Thưa chú, cưới sớm là bao giờ ạ?
- Cưới liền đi. Chú vừa Hà Nội vào. Bác Sáu Thọ nói, Đại hội đến nơi rồi, bảo nó cưới sớm, chứ để sau Đại hội, sợ có người đến, người không.
Tôi về trao đổi với vợ cùng hai gia đình. Mọi người đồng ý. Thế là chỉ có 10 ngày, cả ăn hỏi, cả ra mắt và chuẩn bị mọi thứ cho đám cưới…
Hôm bác Sáu Thọ đến dự đám cưới tôi, phải có người dìu lên cầu thang. Ông đến rất sớm. Rất vui. Rất ít khi nào thấy ông cười nhiều, nói chuyện nhiều như hôm ấy.
Ngày cưới tôi, có anh bạn cho mượn cái camera - khi đó sang ghê lắm, ít ai có - nên không dám mang ra dùng.
Anh 6 Ngọc bảo.
- Có gì cứ hỏi ông Sáu Lớn. Ông bảo không thì đừng có quay. Ông mà đồng ý, cứ quay mạnh vào.
Tôi nghe theo, ra ngồi cạnh bác Sáu tỉ tê.
- Thưa bác, cháu có anh bạn cho mượn cái máy quay video, cháu xin phép bác cho quay làm kỉ niệm.
Ông bảo.
- Ờ được, quay đi! Cái này mới và hiện đại lắm. Cưới con anh Thanh thì phải quay phim để làm kỷ niệm.
Lúc dìu ông đi xuống cầu thang, ông dừng lại bảo: “Quay đi. Quay đi!”.
Chúng tôi đã có một băng video vô cùng quý giá ghi lại ngày cưới. Đông đủ các thành viên trong gia đình, tất cả các bác, các chú bạn của ba mẹ tôi hầu như không thiếu một ai…
Vài năm sau, khi gặp lại bác Sáu ở TP.HCM, ông có nhắc lại ngày cưới của tôi - rất vui, đầy đủ mọi người. Ông hỏi tôi về gia đình, nhà cửa, cuộc sống…
Biết chúng tôi đã trả ngôi nhà 34 Lý Nam Đế HN ông có ý kiến với lãnh đạo thành phố, cấp cho gia đình tôi 1 căn nhà nhỏ. Đó là căn nhà riêng đầu tiên của gia đình tôi, sau khi trả nhà ở Hà Nội…
Chỉ là một vài kỉ niệm vụn, kể lại nhân 110 năm ngày sinh của bác Sáu.
Bản thân tôi rất nhỏ bé.
Có lẽ, vì cả ba mẹ tôi đều đã mất, nên các chú các bác vừa tự cho mình cái quyền, vừa xác định có trách nhiệm tham gia vào cuộc sống và những vấn đề hệ trọng của tôi sau này…
(Nguyễn Chí Vịnh)
10.10.’21

Không có nhận xét nào: