Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

MỘT THOÁNG VĂN CAO

 


Phùng Quán
Hồi còn đánh Mỹ, tôi làm việc ở Vụ Văn hóa quần chúng. Chị Băng, vợ anh Văn Cao làm ở Ban B, cùng trong ngôi nhà 51- Ngô Quyền, Bộ Văn hóa. Hồi ấy giá gạo ngoài ở Thái Bình lên đến 3 đồng một ký. Người Thái Bình đói kéo nhau về Hà Nội ăn xin. Một buổi trưa tôi ngồi uống nước chè chén 5 xu (ghi sổ nợ) ở cái quán xế bên cửa Bộ. Chợt nhìn thấy Văn Cao cùng với Đoàn Văn Chúc – Giảng viên Trường Đại học Văn hóa vịn vai nhau, chếnh choáng, xiêu vẹo đi ngang qua. Tôi ơi ới gọi hai anh vào uống nước, hút thuốc. Lâu không gặp Văn Cao, tôi sửng sốt thấy gương mặt anh bạc trắng như tờ giấy, hai má hóp sâu, chòm râu lơ thơ làm cho khuôn mặt anh càng thêm nhọn hoắt. Trong quán lúc này có bốn năm người khách. Họ đều nhìn anh. Và tôi biết chắc là họ không biết anh là ai.
– Anh hút thuốc lào đi. Tôi đưa điếu cày cho anh, nói với chị chủ quán: – Chị cho tôi gói thuốc lào!
Văn Cao chậm rãi thông điếu, hỏi chị chủ quán:
– Thuốc lào của chị là thuốc lào Tây hay thuốc lào ta?
Chị chủ quán ngơ ngác:
– Làm gì có thuốc lào Tây ạ?
Tôi cười giải thích:
– Ý anh ấy muốn hỏi thuốc lào của chị là thuốc lào mậu dịch hay thuốc lào chui. Thuốc lào mậu dịch là thuốc lào Tây.
Chị chủ quán nói:
– Thế thì thưa ông anh, thuốc lào Tây ạ, em không có thuốc lào ta.
Một ông khách móc túi lấy gói thuốc lào bọc trong túi giấy bóng, đưa cho anh:
– Tôi có thuốc lào ta đây. Chính hiệu Tiên Lãng, mời ông ăn thử.
Văn Cao đỡ gói thuốc lào, vê một điếu bỏ vào nõ, nói với ông khách:
– “Ăn thuốc” đó mới đúng là ngôn ngữ của người ghiền thuốc lào – Văn Cao rít một hơi tận sức, từ từ nhả khói – Đúng là chính hiệu Tiên Lãng, ông cho tôi xin thêm điếu nữa?
– Mời ông cứ tự nhiên.
Văn Cao hỏi tôi:
– Quán có tiền đó không, cho mình vay 5 đồng. Hai thằng từ sáng đến giờ chỉ toàn rượu suông, muốn đi ăn bát cháo.
– Em chỉ có ba đồng, anh cầm tạm.
Văn Cao bỏ tiền vào túi. Hai người đứng lên, lại vịn vào nhau, xiêu vẹo dắt nhau đi.
Ông khách cho thuốc lào ái ngại nhìn theo hai người đi khuất ở ngã tư Ngô Quyền – Trần Hưng Đạo:
– Nhìn cái nước da trắng bệch của ông ta mà tôi phát sợ. Chắc chẳng còn sống được bao lâu nữa.
Tôỉ hỏi ông:
– Ông có biết ông ấy là ai không?
– Không, tôi đoán là dân ở Thái Bình mới lên. Từ hôm gạo lên 3 đồng một ký, dưới đó nhiều người đứt bữa…
Tôi nói:
– Ông ta là người đã viết một bài hát mà mỗi lần hát lên, cả nước phải đứng nghiêm, kể cả cụ Hồ.
Ông khách trợn tròn mắt:
– Ông ta là nhạc sĩ Văn Cao?
– Đích thị là Văn Cao!
Ông khách đang uống dở hớp nước, ngồi ngẩn ra một lúc lâu như người bị nghẹn, rồi buông lửng một câu:
– Thế thì còn ra thế nào nữa…!
Lát sau chị Băng từ trong cửa Bộ đi ra. Vừa nhìn thấy tôi, chị túm lấy hỏi:
– Từ sáng tới giờ anh có thấy anh Văn đi ngang qua đây không?
– Anh vừa đi cách đây hai mươi phút. Anh hỏi vay tôi năm đồng, tôi chỉ có ba đồng đưa cho anh.
– Có khổ thân tôi không! Ở nhà, khách người ta đợi suốt từ sáng tới gần trưa.
– Khách ở đâu đến mà quan trọng thế? Chắc là nhà báo quốc tế đến phỏng vấn anh về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác.
Chị Băng nhăn nhó khổ sở:
– Khách từ Hà Giang xuống, ở Xí nghiệp chế biến chè. Họ muốn nhờ anh Văn vẽ cho cái nhãn chè. Người ta đem xuống 50 đồng với 10 gói chè loại 1. Chờ mãi không được thế là người ta đem tiền, đem chè đi nhờ họa sĩ khác.
Nghe chị kể tôi cũng thầm tiếc cho anh. 50 đồng với 10 gói chè Hà Giang loại 1. Chao ôi, thật đáng tiếc!
Hôm sau tôi gặp Văn Cao, kể lại chuyện hôm qua, hỏi anh:
– Sao anh lại bỏ dở một cái đơn đặt hàng ngon lành thế? Hay anh quên?
– Mình nhớ chứ, chỉ cần ngoạch trong nửa tiếng là có 50 đồng… Nhưng mình bỏ đi lang thang uống rượu suông với thằng Chúc và phải hỏi vay con gái.
Anh lắc đầu:
– Mình rất cần tiền mà cũng vô cùng chán tiền…
Phùng Quán / Vinadia / org.

Không có nhận xét nào: