Lại gần bên nhau
Toàn cảnh Đài tưởng niệm cựu chiến binh Việt Nam |
Đài ...tưởng niệm cựu chiến binh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial) có lịch sử hình thành và xây dựng khá độc đáo. Sau chiến tranh Việt Nam, cựu binh Mỹ cảm thấy tủi nhục và bất bình khi nhìn thấy bạn bè đã hy sinh ở Việt Nam bị lãng quên. Họ mong muốn làm cái gì đó để nhắc nước Mỹ nhớ đến những người lính này. Dần dần, ý tưởng xây một tượng đài để tưởng niệm tất cả những người lính Mỹ đã bỏ mạng hoặc mất tích ở Việt Nam hình thành. Họ thành lập một tổ chức nhằm mục đích quyên góp tiền bạc và thành công thu được hàng triệu đô la.
Bên bức tường ghi danh các cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam |
Năm 1980, họ công bố cuộc thi toàn quốc nhằm chọn bản thiết kế đẹp nhất, có ý nghĩa nhất cho tượng đài. Tám nhà kiến trúc, điêu khắc và một nhà phê bình mỹ thuật nổi tiếng được mời làm ban giám khảo. Và trong số trên 1.400 phương án dự tranh, ban giám khảo đã chọn mẫu thiết kế của một cô sinh viên Mỹ gốc Hoa 21 tuổi, lúc ấy đang học kiến trúc ở Đại Học Tổng hợp Yale, tiểu bang Connecticut.
30 năm đã trôi qua, vậy mà như vẫn còn âm vang nơi đây sóng gió dư luận Mỹ một thời nổi lên chung quanh giải thưởng cuộc thi thiết kế tượng đài. Vào đầu những năm 1980, ở đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh dưới thời Tổng thống bảo thủ Reagan, khi vết thương chiến tranh Việt Nam còn chưa lành và trong sự chia rẽ sâu sắc nước Mỹ còn chưa dứt thì ý tưởng thiết kế tượng đài độc đáo và táo bạo của Maya Lin như đổ thêm dầu vào lửa, gây ra cuộc tranh luận gay gắt kéo dài suốt cả chục năm.
Ý kiến về sự lựa chọn này rất khác nhau:
- Một bên, hội đồng giám khảo và những người ủng hộ khẳng định phương án của Maya Lin đã “nói lên hết ý nghĩa cuộc chiến tranh Việt Nam, không vinh quang và đã từng gây chia rẽ nước Mỹ, một nơi để nhân dân Mỹ suy ngẫm và tưởng niệm chứ không phải là một sự vinh danh chiến thắng”. Bên kia, những người phản đối lại cho rằng tượng đài với hai cánh đá đen đi vào lòng đất, không có điêu khắc hình tượng và cột cờ… trông giống như một “mộ bia khổng lồ”, “một vết cắt màu đen nhục nhã” chỉ làm tổn thương danh dự nước Mỹ!
Trước sức ép của dư luận cả nước, chính quyền Mỹ đã phải cử ra một uỷ ban nghệ thuật để thẩm định lại phương án. Tuy vậy, phương án vẫn được thông qua vì nhiều người cho rằng nó có ý nghĩa, giản dị, rất đẹp và hài hoà với cảnh quan xung quanh. Nhưng không ít người khác lại nghĩ rằng nó chưa có sức thuyết phục và quá trừu tượng. cuối cùng, để dung hoà, người ta xây dựng thêm một nhóm tượng ba người lính và một nhóm tượng nữ y tác khác bên cạnh.
Nhóm tượng ba người lính |
Tượng đài được khánh thành vào năm 1982 là một bức tường đá cắm sâu vào lòng đất, tạo thành một chữ V góc tù, hàm ý chữ cái đầu của hai từ Việt Nam. Một cánh của chữ V ấy chỉ về phía nhà tưởng niệm tổng thống đầu tiên, cha đẻ của nền cộng hoà Mỹ George Washington, cánh kia- nhà tưởng niệm tổng thống giải phóng nô lệ da đen Abraham Lincohn. Tổng chiều dài bức tường đá này là 76m, được xây bằng đá cẩm thạch đen lấy từ Ấn Độ. Càng đi xuống, bức tường đá càng lớn dần, tạo cảm giác như đang mọc lên trước mắt bạn. Khắc trên tường đá này là tên của 58.196 người lính Mỹ bỏ mạng hoặc mất tích trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Các tên được khắc theo thứ tự ngày hy sinh. Hai đầu bức tường là hai chiếc bàn nhỏ có mái che với hai cuốn sách dày ghi rõ tên, đơn vị, ngày mất và vị trí từng người trên tường để người thân, bạn bè dễ tìm kiếm.
Công trình được đánh giá là đã đạt “đỉnh cao nghệ thuật tượng đài của Mỹ trong thế kỷ XX” cũng như trở thành một “biểu tượng cho cả sự đoàn kết và cứu rỗi ”. Một nhà phê bình nghệ thuật còn nhận xét sâu sắc hơn: “Chưa bao giờ có một bức tường- một kết cấu để chia cắt- lại làm được nhiều cho sự đoàn kết đến như vậy!”.
Đến nay, Đài tưởng niệm cựu chiến binh Việt Nam đã trở thành một trong những nơi được thăm viếng nhiều nhất ở thủ đô Washington. Hàng năm, có hơn 4 triệu lượt người tham quan khu tượng đài, một con số kỷ lục cho một khu tưởng niệm.
Tượng đài như một minh chứng về nỗi đau và sai lầm của nước Mỹ. Hầu như bất kỳ lúc nào trong ngày bạn cũng thấy nhiều người đứng cạnh bức tường đá khổng lồ này. Họ trầm tư nhìn dòng chữ ghi tên người thân hoặc bạn bè mình. Một số lẩm bẩm đọc thành tiếng, hoặc lấy tờ giấy mỏng áp lên tường đá rồi dùng bút chì cà lên, cho đến lúc dòng chữ hiện trên mặt giấy. Nhiều người khi về để lại bên chân bức tường một bông hoa nhỏ, bài thơ, bức thư hay tấm ảnh. Cũng có người để lại huân chương, chiếc ủng nhà binh, chai rượu uống dở với hai chiếc cốc, hoặc một mẩu bánh sinh nhật…Sau mỗi ngày, nhân viên cơ quan trông coi công viên và tượng đài thu thập những vật kỷ niệm này vào chỗ riêng và giữ gìn cẩn thận. Người ta cho biết đến nay đã có hơn 30.000 vật như thế, và rằng cách đây không lâu một cuốn sách dày đã được xuất bản nói về chúng, gọi là “Vật tế lễ bên Bức tường” (Offerings at the Wall).
Trong số hàng ngàn bài thơ văn về tượng đài, có một bài bằng tiếng Anh mang tên Việt ở bức tường Việt Nam của Dương Tường, một nhà thơ cựu chiến binh Việt:
Bởi lẽ mình với cậu
Chưa hề biết nhau
Nên mình đến
Bởi lẽ cậu bỏ lại mẹ cha
Cùng người, vị hôn thê
Và mình cũng từng giã biệt
Vợ con
Nên mình đến
Bởi lẽ tình yêu mạnh hơn
Thù hận
Và có thể bắc cầu qua mọi
Đại dương
Nên mình đến
Bởi lẽ cậu không về
Còn mình đã có ngày trở lại
Nên mình đến.
(Bản dịch của chính tác giả).
Nguyễn Hữu Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét