Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Vài lời muốn nói với bạn đọc mạng tiếng Việt

             Kính gửi: - Bạn đọc Non Sông Gấm Vóc                        

    Trước hết xin cảm ơn tất cả các bạn đã ghé thăm Non sông gấm vóc. Sau khi đăng bài Phản hồi của ông Nguyễn Thế Sự về bài báo “Giáo sư chư hầu – nhơ để ngàn năm” trên trang nhà, nhiều bạn đã ghé thăm và có bạn đã để phản hồi. Bài báo này sau đó cũng đã được đăng lại trên một vài trang mạng khác. Tôi cũng có vào một số trang đó và có đọc một số phản hồi của bạn đọc. Có thể nói trong đó thể hiện mọi cung bậc của sự phản đối: chửi bới, đe dọa, quy kết đủ điều, đòi hỏi ông Sự phải thế này, phải thế kia…Chỉ có một ý kiến còn tỏ ra nghi ngờ, không tin là ông Sự đã nói thế. Sau khi có bài phản hồi của ông Sự thì lời lẽ phản ứng có khác hơn: người chê, kẻ bảo ông chỉ chối tội, bắt ông phải xin lỗi… Chỉ có một số học trò vẫn tin thầy Sự…và tôi ghi nhận có một ý kiến xin lỗi ông Sự vì đã hiểu nhầm ông. Theo thống kê của Non sông gấm vóc, trong 2 ngày số người vào đọc bài Phản hồi của ông Nguyễn Thế Sự về bài báo “Giáo sư chư hầu – nhơ để ngàn năm” trong trang nhà là gần đúng 2000 lượt, trong đó có hơn mười lượt phản hồi. Trong các trang mạng khác số người truy cập vào lên đến hàng vạn, và số phản hồi do vậy cũng nhiều hơn gấp bội. Tuy nhiên nếu theo tỷ lệ lượt phản hồi/lượt đọc là rất nhỏ. Điều đáng nói là đa số phản hồi là chỉ trích sau khi đọc Hoàn cầu, và chỉ trích có giảm đi khi đọc bài trả lời của ông Sự. Đa số không phản hồi nhưng tôi tin họ cũng rất bức xúc...

   Có thể nói một số người chỉ mới đọc Tề Lỗ vãn báo viết, Hoàn Cầu đăng lại, sau đó Dân làm báo trích đăng... đã vội tin lời của “địch”, một số ít nhân danh lòng yêu nước phỉ báng người của "ta" là đồ này, kẻ nọ... Có một tiến sỹ còn gọi đích danh ông Sự trên blog cá nhân của mình là “giáo sư chư hầu”, như BBC cũng có nhắc đến. 

    Dù vậy, ông Sự đã nói từ đầu và sau này trả lời cho BBC cũng thế - “Tôi hoàn toàn hiểu được phản ứng gay gắt của mọi người khi đọc bài báo đó nếu đúng tôi nói như vậy”. 

   Nhưng bây giờ, sau khi đã đọc những chia sẻ của ông Sự, rồi đọc, nghe bài trả lời phỏng vấn của ông trên BBC tiếng Việt (1) đã có ai nhìn lại mình và hiểu cho ông không?


   Tôi đã đi qua Trung Quốc thời “Cách mạng Văn hóa”, rồi sau này có đọc và xem nhiều tư liệu trên mạng về những cuộc “cách mạng long trời lở đất” ở nước CHND Trung Hoa trước đây, những hình ảnh thầy cô, trí thức, văn nghệ sĩ... bị hạ nhục, vì bị chụp mũ là “xét lại” là “tiểu tư sản”, “phản động”…Tình cảnh dã man như thời Trung cổ. Trong câu chuyện vừa qua tôi cảm thấy ông Sự cũng đang bị chính một số người VN mình đối xử như vậy. Mà không phải chỉ mình ông Sự bị “ném đá” như vậy. Vào nhiều trang mạng, nhất là những trang cho tự do phản hồi như TTHN, nhiều người “nặc danh” phán quyết vô tội vạ. Tôi hoàn toàn ủng hộ tự do phản biện, tự do ngôn luận nhưng nói sao cho người khác nghe được, thấy có lý có tình, có tâm, thấy phục mới hay. Chúng ta chỉ trích, mạt sát một con người cụ thể khi chúng ta chỉ mới nghe “kẻ lạ”nói về họ, nhất là khi chúng ta lại là “nặc danh”, không phải chịu trách nhiệm gì hết! Đây có khác gì trò "ném đá giấu tay"?


   Chúng ta thường nói về tự do, dân chủ, tự do ngôn luận, quyền con người. Tôi hoàn toàn ủng hộ những điều này và tôi đang đấu tranh cho giá trị đích thực của chúng, nhưng không phải như cái cách một số chúng ta đang thể hiện ở trên.


   Là nhà giáo, tôi hiểu được vì sao ông Sự có thể không nhớ tên học trò. Hơn 20 năm dạy học ông đã có hàng nghìn học trò, có những lớp hàng trăm học sinh, lại có khi chỉ dạy có vài buổi, rồi thời gian cũng xóa đi nữa chứ. Đã là thầy giáo, có trò cũ đưa khách nước ngoài đến, ai lại nỡ từ chối. Thầy Sự nghĩ nó (PV) chỉ đáng tuổi con mình, khi chiến tranh biên giới xẩy ra hắn còn chưa sinh, nên đã tranh thủ lúc nó chưa về được (vì trời còn mưa to) “dạy” cho nó biết lịch sử VN, biết người VN nghĩ gì về quan hệ Việt – Trung. Người VN rất hiếu khách, nhất là khách “tây”, chả thế mà bao ông bà “tây” da vàng mũi tẹt ở Đông Nam Á cũng sang ta lừa được khối vụ. Ở Đại học Ngoại ngữ (Thanh Xuân) Hà Nội trước đây có dạy mấy chục thứ tiếng nước ngoài, các thầy cô đều học ngôn ngữ ở các nước nói tiếng đó về. Có thể nói, ai đã đi nước ngoài học tập ngôn ngữ văn hóa của một đất nước nào đó đều có tình cảm với đất nước, con người của họ. Có nhiều người còn ảnh hưởng cả phong cách, lối sống của xứ người nữa. Điều này không thể là xấu. Nói thế để thấy thầy Sự có nhiều “Văn hóa phẩm tàu” trong nhà cũng không phải lạ.


   Đừng vội quy kết một con người khi chưa biết rõ người ta, nhất là khi mới nghe “bạn 4 tốt” nói. Tôi không biết nhiều về ông Sự. Đầu những năm 90 hai anh em biết nhau trong lớp Anh văn tại chức do trường ĐHNNHN mở cho thầy cô học ngoại ngữ 2. Cách đây vài năm do công việc cần liên hệ tôi mới có số điện thoại và địa chỉ email của ông. Vừa rồi mới biết, trước khi về Đại học ngoại ngữ Hà Nội, ông đã làm phát thanh viên và biên tập viên tiếng Trung ở Đài PTTN Việt Nam 17-18 năm... Khi nghỉ hưu ông chỉ là “Giảng viên chính”, cũng có đề nghị nhưng chưa được công nhận là “Nhà giáo ưu tú” như có người đã chúc mừng…Ông cũng cho biết, ông rất bất ngờ khi BBC phỏng vấn ông. Ông nói cũng hay đọc báo mạng chứ không phải “ tôi ít đọc báo mạng” như tôi đã viết trong “Lời tựa”. Ông bảo vì gần đây công việc quá bận nên không đọc được thường xuyên.


   Tôi nhận thấy, ông là người không thích nói về mình. Những thông tin cá nhân của ông, ông cũng bảo nói anh biết thế chứ đừng nói ra làm gì. Ông cũng không có ý nói thêm nữa để thanh minh. Tôi nghĩ những gì bạn đọc yêu cầu, đòi hỏi, hoặc chưa tin... thì có thể vào bản tin của BBC tiếng Việt (1) để đọc và nghe tiếng nói của ông.
    Ông Sự xác nhận với tôi là bài này của BBC đưa đúng những gì họ hỏi và ông đã trả lời. Bài này chắc chắn cũng có trên BBC tiếng Trung và nhiều thứ tiếng khác. Tôi tin BBC hơn người "bạn 4 tốt" nhiều.
     Thân mến!
     Việt Minh

   
  (1)  http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/07/110708_nguyenthesu.shtml

 (1)  Về cuộc phỏng vấn gây tranh cãi (theo BBC)

   Mới đây, một bài phỏng vấn đăng trên trang mạng Phượng Hoàng của Trung Quốc đã gây chú ý trên các diễn đàn của người Việt Nam.

Bài phỏng vấn được cho là của Tề Lỗ Văn báo với ông Nguyễn Thế Sự, giáo viên tiếng Trung của Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (đã về hưu), thực hiện ngày 23/06 và được đưa lên mạng ngày 02/07.

Ông Sự được nói là người không những thông thạo tiếng Trung, mà còn có quan hệ lâu năm với Trung Quốc vì ông từng học tập tại Đại học Bắc Kinh.

Trong bài phỏng vấn, nhiều người đặt câu hỏi về những chi tiết như khi ông Nguyễn Thế Sự nói việc thanh niên Việt Nam biểu tình gần đại sứ quán Trung Quốc “là do phái phản động ở Việt Nam gây ra”.

"Việt Nam cũng có phái phản động chủ yếu là tổ chức người Việt ở hải ngoại, ví dụ như Đảng Việt Tân ở Pháp. Bọn họ rất ghét Đảng Cộng sản Việt Nam hơn nữa lại khiêu khích mối quan hệ Việt - Trung."

Bài này dẫn tiếp lời ông Sự: "Như hiện nay quan hệ Việt- Trung trở lên căng thẳng, họ nhảy vào kích động thanh niên Việt Nam làm loạn".

"Công an Việt Nam trong vòng 30 phút đã giải tán đoàn biểu tình. Trường học cũng ngăn cản một số phần tử quá khích tham gia biểu tình. Ở phía Nam một số ngư dân muốn tham gia cũng bị ngăn cản."

'Phát ngôn hồ đồ'

Bài phỏng vấn sau khi được phát hiện đã bị nhiều chỉ trích từ những người gọi nhận xét "xúi giục biểu tình" là "phát ngôn hồ đồ" và "đã xúc phạm nghiêm trọng đến những người biểu tình".

Một nhà văn nhận xét trên blog cá nhân của ông: "Chính ông Sự cũng thừa biết kẻ nào gọi những người yêu nước là bọn phản động thì kẻ đó đích thị là một tên phản động".


Chúng ta cần phân biệt rõ ràng những người Trung Quốc có quan hệ tốt với Việt Nam, yêu chuộng hòa bình và các phần tử diều hâu, hung hăng, hiếu chiến.”
                                                                                                                   Ông Nguyễn Thế Sự

Thậm chí có người trên mạng internet còn gọi ông Nguyễn Thế Sự là 'giáo sư chư hầu'.

Từ Hà Nội, ông Sự nói với BBC hôm 08/07 rằng sự thực không phải như bài báo đăng tải nhưng sau khi đọc bài báo trên mạng, ông hiểu tại sao lại có phản ứng gay gắt như vậy từ các blogger Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Sự: Người dân Việt Nam trước những diễn biến vừa rồi ở Biển Đông chắc chắn có những bức xúc nhất định vì một số việc làm có thể gọi là ngang ngược của Trung Quốc.

Vậy thế cho nên khi người ta biết tôi có buổi nói chuyện với anh phóng viên Trung Quốc, anh ta về nhà viết bài đăng lên với những chi tiết như thế, thì người ta phẫn nộ và tôi cũng hiểu được tâm tư của người ta thôi.

Giữa lúc tình hình rất nhạy cảm như thế này lại có tiếng nói như vậy thì bức xúc là dễ hiểu.

Nhưng mà sự thực nó không phải như thế.

BBC: Thưa, ông khẳng định rằng những chi tiết đưa ra trong bài báo là hoàn toàn không đúng sự thực?

Ông Nguyễn Thế Sự: Vâng. Có những cái người ta chắp vá, lắp ghép vào. Thí dụ khi nói về Việt Nam, tôi có nói là đang có những thế lực phản động gây khó khăn cho Việt Nam, có hoạt động chống đối, diễn biến hòa bình... nhưng không phải nói đến chuyện biểu tình chống Trung Quốc.

BBC: Vậy ông nghĩ phóng viên Trung Quốc có ý đồ gì khi làm công việc 'chắp vá' như vậy không ạ?

Ông Nguyễn Thế Sự: Tôi nghĩ cũng có thể vì họ làm sao cho phù hợp với tuyên truyền của họ.
   Lúc đầu thì tôi không nghĩ thế, vì anh phóng viên còn rất trẻ. Anh tới gặp tôi để hỏi về phản ứng của người dân Việt Nam (trước các hành động của Trung Quốc), tôi cũng giới thiệu cho anh ta một số cơ quan đoàn thể vốn làm công tác nghiên cứu về Trung Quốc.

Khi anh ta ngồi lại vì trời mưa, tôi cũng tranh thủ nói chuyện với anh ta về một số sự thực trong quan hệ hai bên để anh ta hiểu tại sao vừa rồi Việt Nam lại có phản ứng mạnh mẽ như vậy.

BBC: Có ý kiến ông nên liên lạc với mạng Phượng Hoàng để yêu cầu xin lỗi và cải chính ạ?

 
Ông Nguyễn Thế Sự: Tôi nghĩ đây là việc rất khó, là người dân bình thường làm công việc này hết sức phiền phức. Vả lại tôi cũng không thấy nó có lợi cho công việc chung hay bản thân tôi.

BBC: Gần đây báo Trung Quốc đã tiếp cận nhiều học giả, chuyên gia Việt Nam, những người biết tiếng Trung, thông hiểu văn hóa Trung Quốc để tìm hiểu về quan hệ hai bên. Theo ông, những người như ông có thể làm được gì để giải t̉ỏa căng thẳng song phương ạ?

Ông Nguyễn Thế Sự: Thực ra tôi không nghĩ chúng tôi có thể làm được gì nhiều. Tôi nghĩ nhân dân Trung Quốc đa số là người rất tốt.

Những người thầy, người bạn của tôi rất hiểu quan hệ Việt-Trung và các sự kiện trong quan hệ hai bên.

Chúng ta cần phân biệt rõ ràng những người Trung Quốc có quan hệ tốt với Việt Nam, yêu chuộng hòa bình và các phần tử diều hâu, hung hăng, hiếu chiến.




1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nói đúng ra: Người bạn bốn tốt của đảng ta nói thì phải đúng. Bạn 16 chữ vàng nói cũng phải nghe.
Nếu ta không nghe tức là không tin đảng. Chuyện ông Sự thực tình tôi thương ông ấy vì ông ấy không có kinh nghiệm đối sách với cách tuyên truyền của TQ với cái kế "thực hư hư thực" " gắp lửa bỏ bàn tay"nhưng vẫn phải trách vì ông Sự không phải là người không biết văn hoá Trung hoa.