Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

"Người đàn bà xa lạ" của Ivan Kramskoi *


Неизвестная. Иван Крамской
Холст, масло. 1883

    Ở Việt nam ta, nhất là ở miền Bắc, có thể đây là một trong vài tác phẩm của hội họa Nga được biết đến nhiều nhất. Về độ nổi tiếng ở ta, nó có thể gần sánh ngang với "Mùa thu vàng" của Levitan. Cũng dễ hiểu vì ngày xưa dân ta đi Liên xô hay mang phiên bản của hai bức tranh này về. Tranh in lên bìa cứng, có khung, cỡ như tờ tạp chí, giá lại rẻ, có 1 rúp 80 kô-pếch.


    Có lẽ "Người đàn bà xa lạ" là tác phẩm nổi tiếng nhất của Ivan Kramskoi, bức tranh bí ẩn nhất, mà cho đến nay vẫn còn chưa được hiểu hết, vẫn còn bí mật. Ivan Kramskoi đã đặt tên cho bức tranh của mình là "Người đàn bà xa lạ", và như vậy đã bao phủ lên bức tranh này một tấm màn bí mật. Dáng vẻ của người phụ nữ trên tranh gợi nên sự băn khoăn và lo lắng, một dự cảm mơ hồ chẳng lành và cái gì đó mới mẻ đáng nghi ngờ - một dạng phụ nữ không phù hợp với "khuôn vàng thước ngọc" thời đại đó. "Không rõ ai là người phụ nữ này: một người phụ nữ đoan trang hay là một gái bán hoa, nhưng trong chân dung của cô ta là cả một thời đại" - một số người đã nhận xét thế.

   Hãy nghe tác giả của nó, họa sĩ Kramskoi trả lời. Các thông tin dưới đây được lược dịch từ bài báo đăng trên tạp chí "Nữ công nhân", trong sê-ri "Khi những bức chân dung lên tiếng":
    "Người đàn bà ngồi trên xe đi dạo trên đại lộ Nhevski, vào khoảng 3 đến 5 giờ chiều, mặc chiếc áo khoác với lông thú, với vẻ đẹp kiểu lai Digan...". Đó là những dòng đầu tiên về tác phẩm này do nhà văn Piotr Boborykin viết trên tờ "Báo Chứng khoán" ngày 24/3/1883.
    Hầu như cả thành Peterburg đổ xô đi xem "Người đàn bà xa lạ". Bức tranh sau đó đã "du ngoạn" qua một số bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước. Năm 1925, kiệt tác của Kramskoi mới trở về Nga và được trưng bày tại Bảo tàng T'rechiakov.
   Người ta kể lại rằng, tại cuộc triển lãm ra mắt “Người đàn bà xa lạ”, Kramskoi đã lặng lẽ rời khỏi đó. Khi quay về, có một đám đông ồn ào đang đứng đợi ông. Họ là các bá tước, các quan chức, các nhà văn và họa sĩ, sinh viên.
Một người bạn hỏi:
-Hãy cho chúng tôi biết, nàng là ai vậy?
Kramskoi trả lời:
-Người đàn bà xa lạ.
-Hãy cho chúng tôi biết tên nàng, và anh kiếm ra đâu ra được báu vật đó?
-Tôi tự nghĩ ra.
-Nhưng anh vẽ có mẫu cơ mà.
-Có thể thế, từ nguyên mẫu…

    Tai họa

   Sau này, có nhiều họa sĩ tranh luận về nguyên mẫu bức tranh này. Ai cũng có giả thiết của mình. Nhưng dường như Kramskoi không bận tâm về điều đó.

   Sau đó một năm, một tai họa đổ xuống gia đình ông. Hai con trai của ông bị chết. Kramskoi viết thư cho bạn ông, T’rechiakov:” Hãy nhận lấy bức tranh bi thảm này làm quà tặng, nếu như nó không thừa với hội họa Nga và tìm được chỗ trong Galery của ngài”. T’rechiakov đã mua bức tranh này và bắt bạn mình phải nhận tiền, ông biết rằng người bạn tài năng của mình đang trong tình trạng vô cùng túng thiếu.

Hình như bi kịch của gia đình Kramskoi xảy ra sau khi ông vẽ kiệt tác này, và là nguyên nhân của một số lời đồn thổi rằng dường như bức tranh này không mang lại may mắn cho những ai treo nó trong nhà. 
   Đầu những năm 80 tôi ở trong khu tập thể trường ĐHBK Hà Nội. Cạnh phòng tôi có gia đình anh bạn là phi công đang đi thực tập ở Nga. Một hôm chị vợ ở nhà nhận được tin chồng nhắn về bảo phải tháo bức tranh “Người đàn bà xa lạ” đang treo trong nhà xuống ngay mà không cho biết lý do.
    Nhà tôi cũng có treo bức tranh này, mang từ Nga về, nhưng vì thấy nó đẹp, tiếc không tháo xuống vì cũng không tin nó sẽ mang tai họa. Tôi rất thích nhìn vào đôi mắt, khuôn mặt mang nét không lấy gì là đặc Nga , hơi có vẻ mang dòng máu châu Á …
    Tôi không biết có phải vì cố treo bức tranh này mà sau đó gia đình tôi tan vỡ, còn gia đình anh bạn phi công hàng xóm thì vẫn “lành”, tuy con gái lớn có lận đận chuyện chồng con; anh ấy sau này đã làm đến chức chủ tịch HĐQT của Vietnam Airline nữa.

. Chính càng bí ẩn, nhiều giai thoại xung quanh bức họa càng làm cho Nàng trở nên được nhiều người yêu thích.

    Chuyện tình với kết cục buồn

   Đây là giai thoại kể về bối cảnh họa sỹ vẽ nên bức tranh "Người đàn bà xa lạ":
   Ở huyện Phategiơ, tỉnh Kursk có điền trang của nữ quý tộc dòng dõi Bestugieva. Bà có một người họ hàng xa ở Sant-Peterburgh và một biệt thự ở đó.
   Người cháu trai của bà điền chủ, một sỹ quan vừa giải ngũ từ Kavkaz trở về nhà tại Sant-Peterburgh, ghé qua thăm người thím.
Chàng Bestugiev trẻ tuổi sửng sốt bởi vẻ đẹp quyến rũ của cô hầu phòng là nông dân được đưa tới từ làng bên. Vì thế mà anh nán lại điền trang. Được sự đồng ý của người yêu, người cháu khẩn cầu thím mình hãy cho phép được mang theo cô hầu phòng, người mà cậu đã quyết định sẽ lấy làm vợ sau khi giới thiệu với cha mẹ mình.
    Nghe xong lời thỉnh cầu không bình thường ấy, bà điền chủ vô cùng tức giận – làm sao một quý tộc dòng dõi lại có thể lấy một đứa con gái quê mùa như vậy?! Nhưng chàng trai kiên quyết giữ nguyên ý định của mình đến nỗi sau đó, không ngay lập tức, nhưng cuối cùng cũng chiến thắng.
   Tại Sant-Peterburgh, chàng Bestugiev trẻ tuổi giới thiệu người yêu với cha mẹ. Không có những phản đối kịch liệt vì cô dâu cũng đã chinh phục được cả cha mẹ chú rể. Họ bắt đầu dạy cô các nghi lễ, dạy nhảy, cô có một giọng nói thật dễ thương. Họ còn dạy cô học chữ nữa.
    Sau đám cưới, hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ đôi khi bị một đám mây ảm đạm bay qua do những ngộ nhận về vẻ đẹp và sự quyến rũ bất thường của Matriona Savvisna. Họa sỹ Ivan Kramskoi cũng trở thành “tù nhân” của cô. Thỉnh thỏang ông ghé thăm gia đình họ. Và là một họa sỹ, Kramskoi không thể không quan tâm đến người đẹp.
   Vào một ngày đông tiết trời u ám, khi gió lạnh buốt thổi từ vịnh vào, Kramskoi đến “sưởi ấm nhờ” nhà Bestugiev.  Tại đó, khi uống trà, cô kể cho chồng và khách nghe là đã gặp bà chủ cũ – bà điền chủ ở huyện Phategiơ... Nhưng cô hầu cũ đã đi ngang qua với vẻ độc lập và kiêu hãnh như thể tôi không biết bà là ai và cũng không muốn biết …
    Câu chuyện đã tạo cho Kramskoi ấn tượng không thể quên được. Trong bức tranh ông định vẽ nhất thiết phải thể hiện được không chỉ vẻ quyến rũ, mà phải cho thấy được ở mức độ nào đó thế giới nội tâm của người phụ nữ trẻ xinh đẹp này. Họa sỹ đã làm được điều đó đến mức nào thì đến nay các nhà nghiên cứu nghệ thuật vẫn còn đang tranh cãi.
    Nhưng cuộc sống gia đình cũng không được yên ả. Chồng cô bị những tay quá khích thách thức đấu súng. Đã có ba lần đấu súng như vậy, nhưng đều được giải quyết bằng hòa giải. Hơn nữa, họ không thể làm hỏng các mối quan hệ trong gia đình. Thêm vào đó, con trai họ bị ốm và qua đời. Tất cả những điều này đã khuyến khích họ hàng nhà chồng Matriôna Savvisna đưa ra yêu cầu hủy bỏ hôn ước trước nhà thờ, và điều đó đã được thực thi.
   Biết được điều này, Kramskoi cho rằng mình có nghĩa vụ tiễn Matriôna Savvisna, cô đã quyết định về lại làng cũ với chị gái. Họ thỏa thuận là cô sẽ viết thư cho ông. Rất lâu sau mà không có tin tức gì. Kramskoi đã viết thư về làng nhưng không nhận được hồi âm. Về Phategiơ, ông nhận được tin buồn: trên đường về Matriôna Savvisna bị ốm và đã qua đời tại bệnh viện công Phategiơ. Theo những quy định thời đó, nghĩa trang thành phố chỉ để chôn thị dân, nên người ta chôn cất Matriôna Savvisna tại nghĩa trang làng Milenino thuộc ngọai ô thành phố.
    Trong thời gian ở Phategiơ và ngôi làng quê của Matriôna Savvisna, Kramskoi đã vẽ được nhiều phác thảo mà sau đó trở thành những bức tranh nổi tiếng như: “Người nông dân với dây cương”, “Người làm đồng” và “Lò rèn”.

“Người đàn bà xa lạ” của Kramskoi tên thật là gì.
Đây là một câu hỏi những ai quan tâm về hội họa thường thắc mắc.

Có người đoán thiếu nữ là người yêu đầu tiên của họa sĩ Kramskoi đã ngồi làm mẫu cho danh họa này. Họa sĩ tài hoa với mối tình đầu, suốt đời không quên. Ông đem bao niềm nhớ nhung tập trung vào nét bút làm nên một kỷ niệm tồn tại mãi trong lòng!


Nhưng có người lại nói, “Người đàn bà xa lạ” vốn là Annan Karenina, nhân vật chính dưới ngòi bút đại văn hào Tolstoi.


Kramskoi với Tolstoi là đôi bạn chân tình. Do sự đồng cảm với bộ danh tác “Anna Karenina” mà gợi hứng cho ông sáng tác, vì ông đặc biệt yêu mến nhân vật Anna Karenina. Ông dùng thủ bút, ghi lại vẽ mỹ lệ của nàng, đó là việc rất thuận tình hợp lý.


    Nhưng học trò của Kramskoi là Repin lại có một cái nhìn khác.

   Ông cho rằng “Người đàn bà xa lạ” không phải bức mô tả chân dung mà là “tranh thuần tuý sáng tác”. Nhân vật trong tranh dựa theo người mẫu nào đó, là một phụ nữ lý tưởng, mỹ lệ trong lòng họa sĩ. Nhưng chúng ta vì yêu mến nét đặc sắc của “Người đàn bà xa lạ” dưới ngọn bút điêu luyện của Kramskoi, vẫn cảm thấy đằng sau bức danh họa, nên có một câu ghi chú để các nhà nghiên cứu có mấu chốt lý giải!

   Chúng ta nhớ rằng danh họa Phục hưng Raphael đã từng lý giải về nguyên mẫu đức mẹ -Madonna trong bức tranh nổi tiếng của mình:”Để vẽ được chân dung Madonna, tôi đã từng gặp gỡ với rất nhiều người phụ nữ”. Phải chăng “Người đàn bà xa lạ” của Kramskoi cũng là một người không có thật, và đó cũng là nguyên nhân để ông đặt tên tác phẩm của mình như thế?

Việt Minh 

* Theo tôi nên dịch là “ Người đàn bà không quen biết”.

Không có nhận xét nào: