Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Việt Nam xúc tiến chủ động sản xuất nhiên liệu máy bay

Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga từng gỡ khó cho ngành hàng không của Việt Nam. Với ai đó, lời khẳng định  này có vẻ kỳ quặc hay khuyếch trương. Nhưng đó là sự thật. Thực hư ra sao, mời các bạn nghe câu chuyện của quan sát viên Đài "Tiếng nói nước Nga" Aleksei Lensov.


Thời đầu những năm 90, Việt Nam đã tăng đáng kể việc nhập khẩu nhiên liệu hàng không và bắt đầu xây dựng những khu dự trữ. Nhưng chẳng bao lâu, mọi người nhận thấy rằng số nhiên liệu lấy ra từ bể chứa dự trữ có hiện tượng thay đổi màu sắc. Các chuyên viên của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga phát hiện ra rằng ở  điều kiện khí hậu nhiệt đới, nhiên liệu trong các bể chứa dưới tác động của vi sinh vật hình thành trầm tích, bao gồm các thành phần không hòa tan. Nếu sử dụng nhiên liệu như vậy trong chuyến bay có thể gây tắc nghẽn bộ lọc. Kết quả là phát sinh ngắt quãng thất thường trong chu trình làm việc của động cơ. Các phi công bắt đầu từ chối cất cánh bằng thứ nhiên liệu như vậy.
Các cán bộ Nga và Việt Nam của Trung tâm đã dày công nghiên cứu sáng chế được một cấu trúc đặc biệt có khả năng bảo vệ các bể chứa khỏi các loại vi sinh vật gây nhiễm bẩn. Ngoài ra còn xác định được công thức chất phụ gia nhiên liệu ngăn chặn kết tủa trầm tích. Như vậy là vấn đề đã được giải quyết, những bể chứa nhiên liệu dự trữ đã được “thanh lọc”, trả lại đặc tính nguyên bản của xăng máy bay. Phát minh của tập thể các nhà khoa học ở Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga cho đến nay vẫn tiếp tục phát huy tác dụng hữu ích, - Giáo sư Valery Karpov lãnh đạo một hướng nghiên cứu chính của Trung tâm cho biết.

 “Hiện nay, Việt Nam xúc tiến chủ động sản xuất nhiên liệu máy bay dành cho các phi cơ phản lực quân sự và dân dụng do Nga chế tạo. Cụ thể, đang tiến hành đàm phán về việc Việt Nam mua của Nga những chiếc máy bay tiên tiến  "Superjet", thiết kế dự trù để chở từ 75 đến 95 hành khách. Lọat phi cơ này sẽ bay bằng nhiên liệu Việt Nam, và do vậy phát minh của chúng tôi rất phù hợp để bảo quản nhiên liệu nội địa”.  

Trung tâm Nhiệt đới triển khai công tác theo ba phương hướng chủ yếu. Trong lĩnh vực y tế đặc biệt tập trung nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới đặc biệt nguy hiểm và chế xuất phương tiện phòng chống bệnh. Đề tài quan trọng nữa là nghiên cứu hậu quả tác động của những chất độc hại mà người Mỹ sử dụng tại Việt Nam thời chiến tranh. Những công trình nghiên cứu cơ bản được thực hiện cả trong chuyên ngành sinh học và hệ sinh thái nhiệt đới. Hướng thứ ba là kiểm tra sức bền của vật liệu và thiết bị, bao gồm cả quân sự, trong điều kiện khí hậu vùng nhiệt đới, sáng chế phương tiện bảo vệ chống ăn mòn, thoái hóa và hư hại sinh học. Hiện tại Trung tâm Nhiệt đới có ba chi nhánh ở Hà Nội, Nha Trang và Thành phố Hồ Chí Minh, khai trương mạng lưới rộng lớn những trạm nghiên cứu khí hậu sinh học.

Không chỉ  riêng tại Việt Nam, mà thành quả nghiên cứu của Trung tâm hiện đang được  ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới, - trả lời phỏng vấn  của đại diện đài  "Tiếng nói nước Nga", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Trần Việt Thanh cho biết.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh đánh giá khái quát như sau: “Đối với một cơ sở nghiên cứu có hình thức mới về nguyên tắc, 25 năm chưa phải là dài, thế nhưng trong khỏang thời gian đó đã làm được rất nhiều việc. Trung tâm Nhiệt đới đã giành uy tín tầm thế giới. Tại Trung tâm có đội ngũ đoàn kết của những chuyên viên khoa học cùng chí hướng. Đó là nền tảng chủ chốt đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài và mở rộng hơn nữa trong họat động của Trung tâm”.

Phải nói thêm rằng, ban đầu hoạt động của Trung tâm Nhiệt đới được dự trù cho 20 năm. Sau đó kéo dài thêm một thập kỷ. Tại hội nghị trọng thể ở Matxcơva nhân  kỷ niệm 25 năm thành lập và phục vụ của Trung tâm, các lãnh đạo khoa học Nga và Việt Nam đều tin tưởng nhận định rằng 2017 cũng sẽ không phải là mốc cuối trong lịch sử nghiên cứu-ứng dụng khoa học của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga.

Không có nhận xét nào: