Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Nhân chuyện tranh cãi xung quanh một khẩu hiệu


Đã sang tháng hai lịch âm, bàn về một khẩu hiệu tết có thể bị cho là vô duyên, nhưng viết ra điều lâu nay đã nghĩ, trước hết và trực tiếp là do sự thúc đẩy của việc thảo luận Hiến pháp hiện nay.

Nhiều năm trước, vào dịp Tết người ta đã thấy xuất hiện khẩu hiệu "Mừng Đảng, mừng Xuân". Có nhiều loại khẩu hiệu, có loại rất quan trọng, thể hiện tập trung chương trình chính trị và chiến lược của một chính đảng, chẳng hạn như khẩu hiệu "Người cày có ruộng" của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ. Khẩu hiệu "Mừng Đảng, mừng Xuân" cũng như khẩu hiệu "Chúc mừng năm Mới" trang trí khắp nơi công cộng không thuộc loại đó. Cho đến một ngày, một vị tiếng nói vốn có trọng lượng, có ý kiến đại để rằng khẩu hiệu không ổn về phương diện "thứ tự khinh trọng",  xuân là chuyện của muôn loài vạn thuở, sao lại xếp sau Đảng là cái hữu hạn. Để chữa lại sơ xuất này, cần điều chỉnh lại thành "Mừng Xuân, mừng Đảng".


Khẩu hiệu tại tượng đài  Lý Thái Tổ (Hà Nội, Xuân Quý Tỵ 2013. ảnh NSGV)
Một ý kiến như vậy tưởng như không phải không có lý. Trong một xã hội quen sống và hành động khoan hoà hơn thì có lẽ chuyện này cũng "chẳng có gì mà phải ầm ĩ". Viết trước cửa nhà hay cơ quan một khẩu hiệu loại đó là việc của mỗi gia đình, mỗi cơ quan. Có thể chỉ là Mừng Xuân, hoặc chỉ là Mừng Đảng, cũng có thể mừng cả hai, theo thứ tự mà họ thích. Hoặc cũng có thể  chẳng treo khẩu hiệu gì.

Nhưng ở nước ta, một môi trường xã hội như vậy chưa hình thành, nhất là trong điều kiện khẩu hiệu thường được thống nhất phát hành từ một trung tâm, và luôn được gán cho một ý nghĩa chính trị nào đó. Vậy nên cứ dịp Tết đến, cái khẩu hiệu nói trên lại dấy lên trong công luận những cuộc tranh cãi giữa hai luồng ý kiến. Một bên  kiên trì giữ "Mừng Đảng mừng Xuân", một bên ngược lại, nhất thiết cho rằng phải  "Mừng Xuân, mừng Đảng".

 Bên kiên trì không trực tiếp bác bỏ ý kiến của người khởi xướng ra việc này, cũng hầu như không công khai tuyên bố gì, nhưng có lẽ trong thâm tâm họ cho rằng, nếu bây giờ đảo lại là "Mừng Xuân mừng Đảng" thì cũng có nghĩa là tỏ ra yếu thế, phải thừa nhận lý lẽ phê phán của phe phản đối, là mắc mưu "hạ thấp vị trí Đảng"
Bên phản đối thì lên tiếng biểu dương nơi nào "Mừng Xuân, mừng Đảng", phê phán những nơi tiếp tục "Mừng Đảng, mừng Xuân" là bảo thủ. Thậm chí, có người còn lấy đây làm chứng cứ để tố cáo "sự kiêu ngạo đến phi lý" của những người cộng sản, đặt vị trí đảng của mình  trước cả đất trời...
Thế là nhờ "nhiệt tình chính trị và thói quen áp đặt, hiếu thắng" của cả hai bên, một câu chuyện bình thường đã trở thành "đấu tranh quan điểm trên mặt trận tư tưởng", không ai chịu ai, dù rằng, nếu tỉnh táo suy nghĩ thì có lẽ ai cũng thấy chất xám đã bị sử dụng như vậy là lãng phí.

Theo trí nhớ của tôi, khẩu hiệu nguyên thuỷ vốn là: "Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước". Trong việc sắp xếp thứ tự "mừng", người đề xướng khẩu hiệu chắc không có ý sắp xếp theo thứ tự khinh trọng mà đơn giản chỉ vì để đọc "thuận miệng", do vô thức chịu ảnh hưởng cách phát âm trầm bổng rất phổ biến trong khẩu ngữ, cũng như niêm luật của câu đối hay thơ luật Đường bẩy chữ (Theo luật đó thì không thể sắp xếp thứ tự khác, ví dụ "Mừng Xuân, mừng đất nước, mừng Đảng" được). Đến lúc nào đó, do muốn tập trung hơn vào hai sự kiện trực tiếp là Tết Nguyên đán và Kỷ niệm thành lập Đảng 3-2, người ta rút gọn lại thành Mừng Đảng, mừng Xuân.
Và cái khẩu hiệu đó đã gây ra tranh luận, nhân danh này nọ, làm tốn giấy mực. Còn dân thì chắc không quan tâm lắm, vì bản thân khẩu hiệu này, có hay không, được viết theo thứ tự nào, cũng chẳng ảnh hưởng gì những lo toan, vui buồn, hy vọng của họ mỗi khi Tết đến.
Không chỉ có cái khẩu hiệu này, không chỉ có vấn đề khẩu hiệu, mà nhiều, rất nhiều vấn đề tranh cãi hiện nay, ít nhiều có điều gì đó tương tự như vậy.
Tranh cãi như vậy có thể Tết năm Ngọ vẫn lặp lại, nó sẽ chỉ mất đi cùng với sự trưởng thành hơn của xã hội, biết cách chung sống với nhau hoà thuận hơn, biết từ bỏ thói áp đặt, gây sự, tâm lý thắng thắng thua, quan trọng hoá mọi chuyện..
Cần có thời gian, nhưng ít nhất trong hoạt động xây dựng Hiến pháp hiện nay điều đó cần được mỗi người tự nhắc nhở và cảnh báo.
Bùi Đức Lại 
Nguồn: VietNamNet.vn
                             2.  Mừng đảng, mừng xuân

Không có nhận xét nào: