Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Nước cờ hiểm của TQ với giàn khoan

Nguyễn Lễ

Các đợt xuống đường của người dân Việt Nam có thổi bay cái giàn khoan của Trung Quốc khỏi Biển Đông?

Ít nhất những diễn biến trên thực địa cùng với những tuyên bố cứng rắn cho đến giờ cho thấy Trung Quốc quyết không lùi một bước.
Tôi không rành về khai thác dầu khí nhưng theo l‎ý mà suy thì chừng nào xong việc mới rút giàn khoan chứ làm sao biết được sẽ rút ngày nào?
Nhưng nếu Bắc Kinh không công bố trước thời hạn rút giàn khoan thì bất cứ lúc nào họ rút đi cũng sẽ bị cho là chịu thua sức ép của Việt Nam.
Đưa giàn khoan ra Biển Đông, Bắc Kinh muốn quyết tâm khẳng định với thế giới rằng vùng biển xung quanh đó thuộc chủ quyền của họ.
Nhưng tại sao họ lại ra tay vào lúc này? Giàn khoan Hải Dương 981 là cách mà họ thách thức cam kết ‘xoay trục’ mà Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa khẳng định với các đồng minh.
Obama vừa mới lên tiếng Senkaku nằm trong phạm vi hiệp ước an ninh với Nhật và Manila cũng vừa k‎ý với Mỹ Hiệp ước tăng cường liên minh quân sự. Kiếm chuyện với Tokyo hay Manila khi Obama vừa rời đi thì quá 'bựa'.

Để thách thức Mỹ nhưng vẫn tránh đối đầu trực diện, Bắc Kinh chọn mục tiêu mềm hơn là Hà Nội.

Nước cờ chắc ăn

 

Với lại khi có hành động mà Bắc Kinh biết rằng sẽ bị thách thức dữ dội thì họ phải chọn nước cờ chắc ăn nhất.
Họ không chọn vùng biển xung quanh các đảo mà họ đang nắm giữ ở Trường Sa hoặc một vị trí nào khác trong Biển Đông mà họ biết sẽ rủi ro hơn rất nhiều.
Quần đảo Hoàng Sa chỉ có tranh chấp với Việt Nam, trong khi Trung Quốc còn không thừa nhận là có tranh chấp và lâu nay vẫn cự tuyệt mọi đề xuất đàm phán của Hà Nội.
Về mặt thực tế, ‘Tây Sa’ đã nằm hoàn toàn trong tay Trung Quốc và cách nay không lâu họ còn gióng trống mở cờ thành lập thành phố ‘Tam Sa’ đóng trên quần đảo này.
Về mặt pháp lý, họ có ‘bửu bối’ là công hàm Phạm Văn Đồng mà nếu Hà Nội có cãi lý thì họ sẽ dùng để đập lại.
Họ kiểm soát, họ không thừa nhận có tranh chấp, họ có bằng chứng Hà Nội ‘công nhận chủ quyền’, rõ ràng Bắc Kinh rất tự tin với ‘chủ quyền Tây Sa’ nên họ mới đưa giàn khoan ra đây.

Nếu Việt Nam có nói là giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình thì Trung Quốc sẽ cãi rằng giàn khoan này nằm cách ‘Tây Sa, lãnh thổ của họ’ chỉ 17 hải lý trong khi cách bờ biển Việt Nam đến 150 hải lý.
Trên thực tế đó là kịch bản mà báo chí và các quan chức Trung Quốc đã nói trong những ngày qua.
Một khi có bước đi liều lĩnh như thế chắc chắn Bắc Kinh đã tính toán hết mọi rủi ro mới dám thực hiện.
Nhìn vào động tĩnh của Trung Quốc trong những ngày qua thì sẽ thấy họ theo dõi chặt chẽ phản ứng của Việt Nam, của khối Asean và của Mỹ.

Ngay cả khi phản ứng chính thức của Mỹ chỉ dừng ở mức ‘quan ngại’ và chỉ trích Trung Quốc ‘gia tăng căng thẳng’ thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phủ đầu với tuyên bố ở Thượng Hải rằng ‘các thế lực bên ngoài không được can thiệp’ và ‘chống lập liên minh quân sự nhằm vào bên thứ ba’.
Còn với Asean, mặc dù còn không nêu tên Trung Quốc mà chỉ bày tỏ ‘quan ngại’ nhưng Trung Quốc đã rất nhanh chóng lấy quan hệ chung để nhắc nhở Asean không được dính vào tranh chấp riêng và cảnh báo Hà Nội về việc ‘lôi kéo’ Asean.

Làm chủ tình hình

 

Phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam chắc chắn cũng đã nằm trong dự liệu của Trung Quốc.
Mỹ can thiệp, Asean dính líu và Việt Nam ngả về phía Mỹ là ba nỗi sợ của Bắc Kinh khi đưa giàn khoan HD-981 ra Biển Đông.
Về phía Mỹ thì Bắc Kinh biết rõ vào lúc này Washington không thể làm được gì nhiều để giúp Hà Nội ngoài hỗ trợ tinh thần.
Về phía Asean thì Bắc Kinh biết rằng với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của khối, các nước Asean sẽ hết sức thận trọng để tránh làm tổn thương quan hệ với Trung Quốc.
Về phía Việt Nam, với quan hệ khắng khít giữa hai Đảng Cộng sản trong những năm qua, Bắc Kinh chắc hẳn nắm rõ suy nghĩ của Hà Nội.
Điều Bắc Kinh sợ nhất là Hà Nội ngả về phía Washington để họ thêm một mối họa ở phía Nam, nhưng một khi họ đã đưa giàn khoan ra thì có nghĩa họ tin rằng Hà Nội dù có bị o ép thế nào đi nữa thì cũng không tìm kiếm liên minh với Mỹ
Chỉ có điều với hành động này thì họ đã hủy hoại quan hệ với Việt Nam. Việt Nam sẽ không còn là ‘láng giềng thân thiện’ với Trung Quốc được nữa. Tuy nhiên, vì mục đích lớn ở Biển Đông, Bắc Kinh sẵn sàng hy sinh.
Trong cái mục đích lớn đó, đảo thì họ đã nắm được một phần nhưng đường lưỡi bò thì đây mới là bước đi quan trọng đầu tiên để hiện thực hóa.
Nếu như Trung Quốc lùi trước sức ép của Việt Nam thì trước mắt người dân trong nước chính quyền là hèn nhát không đủ sức bảo vệ chủ quyền, trước dư luận quốc tế lập luận chủ quyền của họ không vững và nhất là đường lưỡi bò mới tiến được một bước đã phải lùi thì sau này sẽ vô vàn khó khăn.

Biển Đông là cánh cửa để Trung Quốc bành trướng ra ngoài và là chìa khóa để làm bá chủ ở Đông Á nhất là khi họ đã bị chặn bởi các nước lớn khác ở các hướng bắc, đông và tây nam.

Chậm mà chắc

Năm 1947, đường lưỡi bò lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ Trung Hoa.
Lúc đó, người Trung Quốc còn chưa có gì trên Biển Đông. Gần 70 năm sau, họ đã có ‘thành phố Tam Sa’ – tức là đã có chỗ đứng vững chắc để từ đó vươn ra Biển Đông.
Ai dám chắc sau 70 năm hoặc 100 năm nữa toàn bộ Biển Đông không trở thành ao nhà của Trung Quốc?
Từ chỗ không có gì đến có được như thế phải thấy tầm nhìn và sự khôn ngoan của Trung Quốc trên Biển Đông: họ xác định đó là công việc lâu dài, tiến dần từng bước một, tranh thủ thời cơ, sẵn sàng dùng vũ lực, sức mạnh đến đâu hiện thực chủ quyền đến đó.
Mặc dù có yêu sách đường chín đoạn từ rất lâu nhưng phải đến tận năm 2009 họ mới chính thức trình ra quốc tế. Chứng tỏ Bắc Kinh giỏi giấu mình chờ thời cơ đến mức nào.
Tuy nhiên điều này cũng cho thấy sự không trong sáng trong đòi hỏi chủ quyền của họ. Nếu có chủ quyền thật sự thì cần gì đợi thời cơ mới đưa ra?
Và cái cách mà họ vẽ đường chín đoạn trong tất cả các bản đồ của họ hiện nay, mặc dù chỉ là chủ quyền trên giấy, là nhằm in sâu vào tâm trí mọi người để rồi đến lúc ai cũng mặc nhiên thừa nhận ‘chủ quyền không thể chối cãi’ của Trung Quốc.
Họ cũng rất biết lợi dụng tình hình khi tranh thủ tối đa những lúc Việt Nam rối ren hay gặp tình hình quốc tế bất lợi để ra tay chiếm đảo.
Với một đất nước đã quen với ván cờ quyền lực và đấu tranh chính trị trong hàng ngàn năm thì Việt Nam không phải là đối thủ của họ trong cuộc đấu trí trên Biển Đông.
Họ có tầm nhìn cả trăm năm, có chiến lược thực hiện rõ ràng và nhất là luôn ở thế tấn công trong khi Việt Nam nằm ở thế bị động chống đỡ các bước đi của họ.
Trước phía nhiều mưu chước như Trung Quốc, Việt Nam chẳng khác nào một đứa trẻ ngây ngô liên tục bị gài bẫy.
Cái bẫy lớn nhất chính là công hàm năm 1958 công nhận Tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc mà trong Tuyên bố này có khẳng định chủ quyền đối với ‘Tây Sa’ và ‘Nam Sa’.
Bắc Việt lúc đó chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt là sự giúp đỡ của Trung Quốc chứ không lường được cái hại sau này trong khi Trung Quốc mưu tính chuyện lâu dài về sau.
Công luận quốc tế không cần biết ông Đồng suy nghĩ thế nào hay bối cảnh ra sao khi k‎y cái công hàm đó. Chỉ biết giấy trắng mực đen rành rành Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc.
Đành rằng ông Đồng không thể đem cho cái mà Chính phủ của ông không có, nhưng ông có thể thừa nhận quyền sở hữu của người khác đối với tài sản mà ông không có đó.
Và khi đã thừa nhận của người khác thì bây giờ sao lại nói ngược là của mình được?
Rõ ràng Việt Nam tin vào tình đồng chí còn Trung Quốc đã lợi dụng tình đồng chí đó.
Quan hệ quốc tế luôn dựa trên nền tảng lợi ích quốc gia - không có chỗ cho ‘tinh thần quốc tế vô sản trong sáng’. Bắc Kinh đã không đổ xương máu cho Hà Nội nếu không có lợi ích của mình trong đó.
Bắc Việt đã quá ngây thơ khi tin tưởng người đồng chí phương Bắc hơn đồng bào của mình ở miền Nam. Họ đã để ‎y thức hệ chi phối chính sách ngoại giao của mình.
Chính vì ý thức hệ mà khi Việt Nam hụt hẫng sau khi Liên Xô sụp đổ đã bất chấp những kinh nghiệm đau thương trong quá khứ lại tìm đến Trung Quốc làm chỗ dựa. Và đất nước lại bị đặt trước miệng cọp.
Cũng vì ý thức hệ mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi sang thăm Trung Quốc đã chấp nhận lời khuyên lấy ‘đại cục’ làm trọng, tức là đặt lên trên tranh chấp.
Khi đưa giàn khoan ra Biển Đông, Bắc Kinh có nghĩ đến ‘đại cục’ không?
Rõ ràng ‘đại cục’ đó không phải để ràng buộc Bắc Kinh mà là để Bắc Kinh ràng buộc Hà Nội.
Thậm chí khi Bắc Kinh đã phá vỡ cam kết của lãnh đạo hai Đảng thì Thường Vạn Toàn vẫn tự tin nhắc nhở Phùng Quang Thanh về ‘đại cục’.
Và cho đến giờ cũng chính y thức hệ đã khiến Việt Nam mắc kẹt trong ‘đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không liên minh với ai’
Mạnh như Nhật mà còn cần hiệp ước an ninh với Mỹ, có vũ khí hạt nhân như Anh, Pháp vẫn cần Mỹ đồng minh trong khối Nato.
Trong khi đó, Việt Nam hiện nay vừa nhỏ yếu vừa bị đe dọa nghiêm trọng thì cứ nói là ‘độc lập, tự chủ’ mà thực ra chỉ thiệt cho mình mà thôi.
Thử cho Mỹ vào Cam Ranh xem? Bắc Kinh không sợ mới lạ.
Mỹ rất muốn nhưng Việt Nam ‘độc lập, tự chủ’ không làm được.

Chính vì thế Việt Nam mất đi một lá bài lợi hại trong cuộc đối đầu vốn dĩ không cân sức.

Theo BBC

Không có nhận xét nào: