Ngô Nhật Đăng
Ngay sau khi tuyên bố bức tử "Thương xá Tax" một
biểu tượng của Sài Gòn đã hơn 100 tuổi, chợ Tân Bình đã phải tạm dừng kế hoạch
xây lại thành trung tâm thương mại do sự phản đối quyết liệt của bà con tiểu
thương.
Việc phá hủy các công trình kiến trúc đẹp đáng bị coi là tội
"diệt chủng văn hóa", một việc làm man rợ như tư duy của các triều đại
phong kiến châu Á điển hình là Trung Quốc, các triều đại ở Trung Hoa sau khi nắm
quyền thường phá hủy hết những công trình của triều đại cũ.
Người Hà Nội đã đau xót ngẩn ngơ khi nhà Godard (sau 54 được
gọi là Bách hóa Tổng hợp) một công trình còn được xây dựng trước cả Thương xá
Tax của Sài Gòn (1887) bị biến thành Plaza Tràng Tiền năm 2002.
Tất cả các chợ ở Hà Nội đã bị bức tử, chợ Đồng Xuân, chợ Cửa
Nam, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Hàng Da, Hàng Bè....chỉ còn là hoài niệm. Liệu Sài Gòn
có còn giữ được hồn vía của mình khi các chợ cũng bị xóa sổ như Hà Nội ?
Địa chỉ quen thuộc của bọn trẻ con phố cổ Hà Nội là Bờ Hồ đến...chợ
Đồng Xuân, nhảy tàu điện hoặc đi bộ từ Hàng Đào-Hàng Ngang-Hàng Đường-Hàng Giấy. Những
thực phẩm như rau muống, rau thơm làng Láng, ốc và cá Hồ Tây, ngô bãi Giữa...phải
lên chợ hàng Bè và Bắc Qua. Ở đó ta mới được chìm đắm trong cái "văn minh
phố chợ" của cả miền đồng bằng và trung du Bắc Bộ được cô đặc lại thành
cái thành ngữ "người Hà Nội". Chợ
Đồng Xuân dù bị phá đi xây lại nhưng vẫn còn cái hồn vía phi vật thể ấy, cái
cách buôn bán ở chợ Đồng Xuân-Bắc Qua không giống một nơi nào khác. Bà con ngồi
ở chợ này ít ra cũng được vài ba đời, trao đổi mua bán khắp nước, họ chủ yếu
bán buôn cho các tiểu thương các tỉnh mà toàn bán chịu, đến cuối tháng 11 âm mới
bắt đầu thu tiền cho đến Tết. Nhẹ nhàng, hòa nhã và giữ chữ tín. Cái từ “Kẻ Chợ”
không phải là dè bỉu mà mang một ý nghĩa ngược lại. Một ông từng là chủ tịch
thành phố kể cho người viết bài này nghe câu chuyện :
- Hồi mình được giao làm kinh tế cho thành phố, lo lắm, có biết
làm ăn bao giờ đâu. Bài học đầu tiên về buôn bán là từ chợ Đồng Xuân. Lần đó
mình cùng bà xã ra chợ mua mực khô, bà bán hàng hỏi : "Cậu mợ mua loại
nào, nếu để ăn thì mua loại này, nó ngon và rẻ hơn tuy trông có vẻ xấu. Còn
mang đi biếu thì loại kia, trông đẹp đấy nhưng không ngon bằng đâu". Trong
lúc bán hàng thì thấy có người mang đến một số sản vật từ miền núi về :
"Chị ơi, hôm nay nấm hương không đủ đâu, em có mang thêm cho chị một số thứ
nữa đấy”. Bà chủ chỉ nói : “Em để vào góc kia cho chị, rồi qua đây chị trả tiền,
cái gì thiếu thì chuyến sau mang bù”.
- Mình học được người bán hàng bài học trong làm ăn là “Phải
trung thực và giữ chữ Tín” - Ông cựu chủ tịch thành phố kết luận như vậy.
Đồng ý rằng các khu chợ cũ hiện nay đã xuống cấp, thậm chí
nhếch nhác, các gánh hàng rong, các chợ tạm tràn ra đường phố làm mất vẻ đẹp đô
thị nhưng lỗi này thuộc về các nhà chức trách chứ không phải tại bà con tiểu
thương. Thailand cũng mất đến 20 năm cho việc đưa quán ăn ngoài hè phố vào các
trung tâm thương mại, nhưng đáng chú ý là cách làm của họ, bà con tiểu thương
được bán hàng trong những nơi sạch, đẹp, vệ sinh...với mức phí hợp lý, cách quản
lý không dùng tiền mặt hiện đại nhưng vẫn giữ nguyên nét văn hóa cổ truyền.
Hãy thử xem cách làm của chính quyền Hà Nội đối với các chợ,
điển hình là chợ Hàng Da và chợ Âm phủ :
Khi bản thiết kế biến chợ Hàng Da thành trung tâm thương mại
và nhà ở cao tầng bị kịch liệt phản đối, bà con tiểu thương đã bãi thị, biểu
tình, cơm đùm, cơm nắm… dài ngày tại UBND thành phố và nhà riêng ông Phạm Thế
Duyệt bí thư thành ủy, chính quyền đã cam kết không xây khu nhà ở cao tầng, hứa
sắp xếp bà con tiểu thương ở nguyên vị trí cũ với các điều kiện tốt hơn.Khi khu
chợ hoàn thành với 3 tầng và 2 tầng hầm, bà con bị đưa xuống tầng hầm phía trên
tầng giữ xe, ngột ngạt và thiếu ánh sáng với giá thuê là 16 USD m2/tháng.Một
cái chết tất yếu cho cuộc mưu sinh của tầng lớp tiểu thị dân, dành chỗ cho lớp
“doanh nhân ” mới nổi chuyên kinh doanh hàng hiệu phục vụ cho “tư bản Đỏ”.
Và chợ Âm phủ :
Tiền thân của khu chợ này là một con phố ngắn rất đẹp với
hai hàng cây sưa trăm tuổi và một cây bồ đề cổ thụ không biết được trồng từ bao
giờ. Thời Pháp có tên là Rue Simoni (Thống sứ Bắc Kỳ 1909-1912), sau năm 45 đổi
thành phố Lê Chân.
Năm 1946 sau lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của ông Hồ
Chí Minh, đây là nơi nổ ra chiến sự ác liệt nhất của thành Hà Nội, với hàng
trăm xác chết của các “cảm tử quân” và dân thường với những nấm mồ tập thể.Nó
đã có thời (47-54) là một nghĩa trang rất đẹp. Không ai dám động thổ xây dựng
các công trình trên mảnh đất này qua các thời của chính quyền Hà Nội. Những năm
“chiến tranh phá hoại” đây là nơi bà con tiểu thương từ các chợ Hàng Da- Hàng
Bè dạt về buôn bán để tránh bom, từ khu chợ chỉ chuyên bán thịt chó (để đuổi ma
tà) đến năm 1986 hài cốt của các nạn nhân chiến tranh được chuyển đi, phố được
đổi tên thành phố 19/2, nhưng toàn bộ con đường dài 120m này được sử dụng làm
chợ chính thức và gọi là “Chợ 19-2” nhưng dân gian vẫn gọi là chợ Âm phủ.
Cuối năm 2008 một quyết định bất chấp quy hoạch đã được Thủ
tướng phê duyệt, khu chợ bị thu hồi giao cho một Công ty tư nhân xây dựng thành
trung tâm thương mại dịch vụ. Điều đáng nói ở đây là : Hàng trăm hộ kinh doanh ở
đây được xem bản thiết kế xây dựng lại chợ đàng hoàng hơn, họ được chọn lại
đúng vị trí mình đã ngồi kinh doanh, được đảm bảo bằng cam kết của chính quyền
Quận Hoàn Kiếm. Họ được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ kinh doanh đến nơi tạm kinh doanh
ở cuối phố Phùng Hưng.
Khi động thổ người ta phát hiện hàng trăm hài cốt còn nằm
dưới nền đất và nhiều chuyện kỳ lạ xảy ra. Lúc những tấm bạt che kín nơi thi
công được hạ xuống thì nó đã lại hóa thành…một con đường lát đá và nơi đậu xe
cho cái khách sạn sang trọng bậc nhất nhì Hà Nội : Khách sạn Melia.
Bà con tiểu thương kéo lên cơ quan công quyền để chất vấn
thì được trả lời : Ông lãnh đạo tiền nhiệm, người ký cam kết với bà con đã chuyển
công tác khác, họ không chịu trách nhiệm.
Vĩ thanh cho một con đường :
Sau khi con phố được xây dựng lại, hằng ngày, người dân vẫn
đến thắp hương dưới gốc cây bồ đề trăm tuổi, tưởng nhớ những người đã chết. Có
một chuyện lạ xảy ra với cây bồ đề. Một đêm nọ, người ta đào trộm và mang cây đến
nơi khác. Bị nhân dân phát giác, công luận lên tiếng, mấy ngày sau, người ta lại
chuyển cây về trồng tại vị trí cũ. Cành lá bị chặt trơ trụi, nhưng như có phép
lạ, cây vẫn sống. Tuy nhiên, ít lâu sau, không ai thấy cây bồ đề ấy đâu nữa.
Những công trình kiến trúc đẹp đẽ quanh Hồ Hoàn Kiếm cũng
đã bị xóa hết : Tòa Thị chính, ga tàu điện, rạp chiếu phim, vườn hoa, quảng trường…bị
thay bằng những thứ lai căng kệch cỡm, ngạo mạn, người ta đâu cần tính đến những
thứ hồn cốt của một đô thị được bồi đắp bằng thời gian, tính bằng những trăm
năm. Một người bạn tôi nhiều năm nay bỏ thời gian để ghi lại bằng hình ảnh, bằng
những thước phim cố giữ lại một kỷ niệm về một Hà Nội một thời hào hoa, lịch
lãm đã thốt lên :
- Họ giết hết rồi anh ạ, họ giết hồn vía của cả một dân tộc.
Tôi mong sao được chứng kiến ngày họ bị ra tòa vì tội diệt chủng, diệt chủng văn
hóa.
Tôi từng lang thang nhiều đêm trên đường phố Sài Gòn, bất
ngờ và thấy thân thuộc khi chợt gặp những con phố gợi nhớ về Hà Nội trước năm
75, nó như là một niềm an ủi. Nhưng niềm an ủi ấy nay cũng không còn, những con
người bệnh hoạn chỉ biết có tiền, tiền và tiền cũng đang bức tử thành phố
phương Nam này.
Người Việt bây giờ như những kẻ ăn nhờ ở đậu không biết đâu
là quê hương mình khi nhìn xung quanh toàn những khuôn mặt lạnh lùng vô cảm, những
khuôn mặt bê tông với thép và kính.
Lại sắp đến ngày “Giải phóng Thủ đô”, nghe đâu họ còn bắn
pháo hoa ở 30 điểm để ăn mừng. Ăn mừng cho giai cấp mới lên ngôi.
NNĐ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét