Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Bảo tồn thương xá Tax như một định mệnh

Thị trấn Hötensleben nhìn từ trên cao

NSGV: Những ngày gần đây, cả nước và đặc biệt nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lại xôn xao vụ Thương xá Tax sắp bị phá bỏ. Công trình này không chỉ có giá trị thẩm mỹ về kiến trúc ở lan can và những motip trang trí phù điêu của một thời mà nó còn đánh dấu một quá trình lịch sử thương mại Sài Gòn có tuổi hơn 100 năm. Một công trình như thế, không chỉ là tình cảm riêng với con người Sài Gòn mà nó, với dấu vết lịch sử vật thể, mang trong lòng giá trị văn hoá để nghiên cứu về thành phố.

Tại thành phố nhỏ Hoetensleben, Đức, có một người thợ tên Nguyễn Minh Thái sang làm việc từ thời nước này chưa thống nhất. Cũng tại đây có một ngôi nhà đặc Đức kiểu Fachwerk 200 mét vuông trên khu đất hơn một nghìn mét vuông của dòng họ làm thợ rèn đã 1000 năm.

Ngôi nhà bị cháy trong cuộc chiến Ba mươi năm Phổ - Pháp được xây lại từ 1646 và sử dụng tới năm 1965 thì hoàn toàn đổ nát. Nó nằm ở trung tâm thành phố nom rất tang thương. Sân sau nhà cây mọc như một khu rừng. Nhưng Hội đồng thành phố vẫn quyết không phá mà rao bán giá cực rẻ 30 nghìn dmark, với điều kiện phải phục chế như nguyên bản. Nhiều nhà tư bản Đức tới đây muốn mua nhưng nếu phục chế cần hơn triệu dmark, nên tháo lui.

 Anh Thái, với sự thuyết phục của thị trưởng, đã mua lại nó. Mười hai năm, tự đào đất, chặt cây, tự thu mua đồ cũ, gom góp tiền bán hàng thuê thợ phục chế từng phần, nhận hỗ trợ từ quỹ thành phố, ngôi nhà nói trên được phục chế như nguyên bản ở mặt tiền, kể cả cái giếng đá vuông có tuổi 400 năm cũng được khai quật lên. Cả thành phố hoan hỉ.

Việc làm của một người Việt đã khiến từ Thống đốc bang tới người dân Hoetensleben kính trọng. Họ ngả mũ chào ngoài đường khi gặp Thái. Thống đốc bang gửi bằng khen. Gần chục năm nay, ngôi nhà này là một điểm du lịch trong quần thể du lịch cửa khẩu lớn nhất Tây và Đông Đức thời chia cắt, nhiều lần được đưa lên báo Đức, in ở bìa cuốn sách nói về lịch sử thành phố.

Vẻ đẹp cổ kính của Thương xá Tax theo thời gian


Trong lần gặp thị trưởng thành phố Hoetensleben, ngài Diter Buchwald nói với tôi: “Ngôi nhà của chủ lò rèn đánh dấu vùng cơ khí từ cả nghìn năm nay, là nơi rèn từ móng sắt vó ngựa cho dân và quân đội, đúc súng... từng được hoàng đế Wilhelm I. khen thưởng. Trông nó bình thường thôi nhưng là lịch sử của thành phố. Khi nước Đức mới thống nhất, nhu cầu xây dựng rất lớn và chúng tôi không có tiền để tôn tạo tức thì. Gặp được ông Nguyễn Minh Thái như một định mệnh và nó đã được tái dựng lại như xưa, trở thành điểm du lịch văn hóa của thành phố”. Gần đây, ngài thị trưởng còn nói với tôi: “Tôi đã ba mươi năm làm thị trưởng, già rồi, có lẽ ông Thái nên ứng cử thị trưởng thành phố”.

Chuyện trên có rất nhiều ở nước Đức, từ một phù điêu hay một ngôi nhà người Do Thái bị tàn sát... người ta rất tôn trọng chúng. Khi những công trình vật thể chứa đựng những dấu ấn lịch sử họ luôn gìn giữ như những báu vật.

Cách đây không lâu, Hà Nội định phá cầu Long Biên hay bảo tồn chỉ vài nhịp. Nhiều nhân sĩ trí thức đã lên tiếng phản đối quyết định của Bộ Giao thông Vận tải khi đưa ra phương án này. Và hàng triệu người trong và ngoài nước sau đó đã thở phào, vui mừng khi Thủ tướng quyết định bảo tồn cầu Long Biên.

Những ngày gần đây, cả nước và đặc biệt nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lại xôn xao vụ Thương xá Tax sắp bị phá bỏ. Công trình này không chỉ có giá trị thẩm mỹ về kiến trúc ở lan can và những motip trang trí phù điêu của một thời mà nó còn đánh dấu một quá trình lịch sử thương mại Sài Gòn có tuổi hơn 100 năm. Một công trình như thế, không chỉ là tình cảm riêng với con người Sài Gòn mà nó, với dấu vết lịch sử vật thể, mang trong lòng giá trị văn hoá để nghiên cứu về thành phố.

Cầu Long Biên đã có cơ duyên gặp quyết định của người đứng đầu Chính phủ như một định mệnh. Thương xá Tax cũng gặp sự ủng hộ của hai cơ quan ngoại giao đặt ở nước ta, Tổng lãnh sự quán Phần Lan và Đại sứ quán Pháp khi đề nghị hai phương án bảo vệ, giữ gìn nó.

Đất nước chúng ta đã có một lịch sử đau lòng, mỗi khi một triều đại mới xuất hiện, những cuộc giao tranh đốt và phá rất nhiều công trình kiến trúc tráng lệ. Để ngày nay, khi muốn nghiên cứu về quá vãng, các nhà khảo cổ phải gìn giữ từng quãng đê hay từng mảnh đất, ngôi mộ, đào xới nó lên, nghiên cứu lịch sử mà trong đó có văn hoá phát triển của tộc Việt từ những mảnh vỡ, tốn rất nhiều tiền và mang lại những kết quả thiếu chính xác.

Việc xây mới nhiều công trình cho đất nước là rất cần thiết, và người ta có thể tạo nên những kiến trúc mới hiện đại. Nhưng khi thiếu sự cân nhắc sáng suốt và tỉnh táo chúng ta đã đưa ra nhiều quyết định sai lầm khi phá bỏ những công trình vật thể mang giá trị lịch sử và văn hóa. Những công trình cổ ấy không bao giờ tái tạo được bởi nguyên tắc của bảo tàng lịch sử là nguyên bản chứ không phải mô phỏng. Đất nước đang cần những con người sáng suốt như một định mệnh để bảo tồn những giá trị cho con cháu chứ không cần những định mệnh để phá bỏ nó gây thiệt thòi cho một nền văn hiến cần được giữ gìn.

Tôi không phải người Sài Gòn, nhưng khi xem ảnh và đọc tài liệu về thương xá Tax, tôi tha thiết đề nghị thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu giữ gìn bảo tồn một phần của nó như phương án của Tổng lãnh sự quán Phần Lan đã đề nghị, giữ gìn một phần những gì cần giữ cho con cháu mai sau.


Nguyễn Văn Thọ, nhà văn  

                                 
                        2.  Người cựu binh trên đất Đức

                     

 3. Cận cảnh vẻ đẹp cổ kính của Thương xá Tax theo thời gian

Không có nhận xét nào: