Keith Weller Taylor
Vào tháng Giêng 1972, độ sáu tháng
sau khi từ Việt Nam trở về và được giải ngũ khỏi Lục quân, tôi bắt đầu học Cao
học tại Đại học Michigan, chuyên khoa Lịch sử Việt Nam. Bấy giờ tầm rộng lớn
của chiến trường Việt Nam khiến tôi khó tập trung vào giáo trình nên tôi chọn
những thời điểm cổ xưa để thoát khỏi nỗi phân vân trong kinh nghiệm tác chiến
của mình tại Việt Nam.
Sau này, khi tôi dạy môn lịch sử Việt
Nam, tôi không tài nào tránh khỏi phải thuyết giảng đôi ba lần về cuộc chiến
của Hoa Kỳ tại Việt Nam, và tôi luôn luôn e ngại việc đó, vì sự việc phải nói
trước đám đông về trận chiến làm tôi thấy lợm giọng. Phải đến hai mươi lăm năm
sau, tôi mới hiểu được rằng cái lợm giọng đó xuất phát từ sự lạc điệu giữa cái
khung diễn giải tôi đã tiếp nhận về trận chiến với những gì tôi cảm nhận được
trong tâm. Bài viết này sẽ nói đến việc tôi khởi đầu giảng dạy về cuộc chiến
Việt Nam như thế nào và những ý nghĩ của tôi về cuộc chiến đã thay đổi ra sao
để trở thành tư duy của chính tôi.
Tôi sẽ bàn về ba định đề nổi bật nhất
về chiến tranh Việt Nam của phong trào phản chiến tại Mỹ vào cuối thập niên 60,
và sau đó, đã được các giáo sư của hầu hết các trường Đại Học đồng ý dùng làm
nền tảng khi giảng giải về cuộc chiến. Các định đề đó là:
- Không có một chính phủ chống cộng
hợp pháp tại Sàigòn.
- Người Mỹ không có lý do chính đáng
và hợp pháp để xen vào nội bộ của Việt Nam.
- Người Mỹ không bao giờ có thể thắng
trận, dưới bất cứ điều kiện nào.
*
Tôi phải mất nhiều năm mới thoát khỏi
ba định đề trên để thấy rằng chúng chỉ là mảnh vụn ý thức hệ của phong trào
phản chiến hơn là những quan điểm được xây dựng trên luận lý và chứng cớ. Tôi
đạt thành quả trên nhờ đã hòa hợp được với kinh nghiệm của chính mình.
Tôi vừa tốt nghiệp Cử nhân [B.A.] năm
1968, và trong có hai tuần sau khi mãn khóa lại nhận được thư triệu đến trung
tâm tuyển mộ gần nhất để khám sức khỏe. Sau vụ Tết Mậu Thân mùa Xuân năm đó,
cấp số động viên được đặc biệt nâng cao và đa số chúng tôi đang hy vọng được
hoãn dịch thay vì bị động viên đã phải nhìn vào thực tế là chính bản thân mình
sắp đối diện với cuộc chiến. Tôi nhớ là lúc đó chúng tôi có năm lựa chọn để
khỏi nhập ngũ. Một trong các lựa chọn đó là “không đủ sức khỏe” và chúng tôi có
nhiều cách để thực hiện điều đó. Tôi loại bỏ giải pháp ấy ngay vì nó không phù
hợp với ý niệm về danh dự của tôi. Một giải pháp khác là làm đơn xin miễn dịch
vì là một người “chống đối vì lương tâm”, và biện hộ bằng cách chứng minh tín
ngưỡng mình không cho phép nhập ngũ. Tôi cũng loại giải pháp này ra, vì tín
ngưỡng của tôi không thuộc loại ấy.
Một lựa chọn khác nữa là đi tù, và
tôi không thấy nên làm như vậy, vì không nghĩ rằng mức độ luân lý của chiến
tranh lại tệ đến độ phải chống chính quyền. Vì khi đó, tôi nghĩ rằng chiến
tranh tự nó không phải là tội ác; nếu có thì là cách tiến hành quá kém, và tội
ác là hậu quả của sự kém cỏi này. Khi lên bảy, tôi đã chứng kiến ông anh rể trở
về từ chiến tranh Cao Ly trong chiếc áo quan, tôi đã học được một bài học về
bổn phận của người công dân đối với tổ quốc, và bổn phận đó không hề bị sứt mẻ
vì sự bất tài của các cấp lãnh đạo. Khi tự nhìn lại, tôi biết rõ là mình vẫn sẽ
trung thành với quy luật của mình về danh dự cá nhân đi cùng điều tôi nghĩ là
lý tưởng của xứ sở về thể chế chính trị vượt lên trên những lầm lẫn của giới
lãnh đạo chính trị và quân đội. Tôi càng nhận thức điều này rõ ràng hơn khi
được một sĩ quan bộ binh phỏng vấn để hoàn tất thủ tục sưu tra. Ông ta hỏi tôi
nghĩ gì về chiến tranh và tôi nhớ rằng tôi đã đáp lại là phòng thủ Việt Nam trở
thành vô nghĩa khi lại nhường cho địch vùng biên giới với các quốc gia Ai Lao
và Cao Miên. Tôi không phản đối gì việc ngăn ngừa cộng sản bành trướng, nhưng
chẳng thấy chiến lược nào đang áp dụng lại có triển vọng thành công… Tuy nhiên,
tôi cũng có nói với vị sĩ quan là lòng yêu nước của tôi mạnh hơn nỗi bất mãn về
lãnh đạo yếu kém. Tôi không hiểu vì sao lại vào tù nếu không đồng ý với cách
tiến hành chiến tranh, nhất là khi tôi không chống mục đích tổng quát của trận
chiến.
Cách lựa chọn thứ tư là qua Gia Nã
Đại sinh sống, điều mà lúc đó đang được chính phủ Gia Nã Đại nhiệt liệt khuyến
khích. Đó là cách người bạn thân nhất của tôi lựa chọn vào năm 1967, và vì
người bạn thân này, tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều, đến độ tôi đã từng đến toà
Đại sứ Gia Nã Đại rồi nói chuyện với một nhân viên sứ quán, với sự khuyến khích
cật lực của vị này. Nhưng, vì những lý do đã trình bày bên trên, tôi không nghĩ
đây là một sự chọn lựa đúng. Dù cho có thể tìm ra được một lô ưu điểm ích kỷ để
tự thuyết phục, tôi cũng biết chắc rằng việc này sẽ mang đến cho bố mẹ tôi sự
hổ thẹn và phiền muộn vô biên, do đó, tôi không thể làm được.
Lựa chọn cuối cùng là phục vụ đất
nước tôi và chấp nhận nhiệm vụ công dân của mình như đã được dạy dỗ, đó là con
đường tôi đã chọn. Nhưng có thể do lòng tự kiêu vì đã có được một số vốn học
vấn, và do lòng tự hào và một ảo tưởng tự lập xuất phát từ lòng tự cao đó, tôi
rất muốn được tự kiểm soát đời sống của mình càng nhiều càng hay, và không mấy
thích thú khi cảm thấy mình bất lực, vì phải bị trưng tập để rồi bị bổ nhiệm
đến một nơi nào đó, để làm một công việc nào đó. Vì thế nên khi được một nhân
viên tuyển mộ cho biết là thay vì bị trưng tập tôi có thể tình nguyện nhập ngũ,
trong trường hợp đó tôi có thể tự chọn chuyên môn của mình trong quân đội. Tôi
quyết định chộp lấy cái khả năng rất mong manh còn lại để phần nào làm chủ cuộc
đời mình trong tình huống ấy và tình nguyện vào ngành quân báo.
Tôi đã trải qua hai năm trong các
trung tâm huấn luyện: huấn luyện căn bản tác chiến, huấn luyện quân báo, và học
tiếng Việt Nam. Cho đến khi được chỉ định đi học tiếng Việt Nam, tôi vẫn nuôi
hy vọng là có thể tránh được chiến tranh. Tôi từng có các bạn và nhiều người
quen được bổ đi Đại Hàn, đi Alaska, đi Đức và Panama. Nhưng khi được dạy tiếng
thì tôi chỉ còn mỗi hy vọng cuối là chiến tranh sẽ chấm dứt trước khi mình mãn
khóa. Điều đó không xảy ra, và năm 1970 tôi bị điều động sang tham chiến với
cấp bậc Trung sĩ.
Tại Việt Nam, tôi gặp một đội quân
đang bị băng hoại tinh thần. Sau khi dư luận xoay ra chống chiến tranh vào năm
1968, phong trào phản chiến đã xâm nhập vào các đơn vị tại Việt Nam. Tất cả các
vấn đề được coi là tiêu biểu như ma túy, xung đột sắc tộc, bạo sát hay bất tuân
thượng lệnh bây giờ đã rành rành và làm tinh thần binh lính sa sút, và chúng
xảy ra – ít ra tôi hiểu vậy – là do lãnh đạo kém và xứ sở không còn ủng hộ
chiến tranh nữa, vậy mà chúng tôi vẫn phải chiến đấu. Các cấp lãnh đạo quân sự,
cả tướng lãnh lẫn dân sự, đều nhận thức được việc phải “tái phối trí” đạo quân
Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt, để tránh tâm lý bất mãn ấy khỏi lan qua
các đơn vị khác trên thế giới. Trong khi đó, chúng tôi vẫn bị đòi phải lấy rủi
ro trở thành “người cuối cùng tử trận ở Việt Nam”.
Dù đã thi hành nhiệm vụ với lòng
thành thực và chuyên nghiệp, tôi cũng bị lây căn bệnh bất mãn. Tôi có cảm tưởng
rằng mình đã thua trận và chúng tôi chỉ là toán quân cản hậu đang bị hy sinh.
Tôi không thích điều đó. Tôi bắt đầu nghi ngờ cấp chỉ huy và thấy vụ thất trận
mà chúng tôi đang tham gia ít nhất cũng sẽ cho họ cơ hội thăng tiến, còn với
chúng tôi thì đây chỉ là chuyện sống hay chết.
Tôi được tản thương về Mỹ năm 1971,
và khi rời khỏi quân đội, cảm thấy lạc lõng và mất định hướng. Tại đại học
Michigan, tôi thường bị sinh viên và giáo sư vây bủa, họ bám lấy ba định đề nêu
ở trên như chân lý hiển nhiên. Tôi giận vì đã hy sinh tuổi trẻ của mình cho sự
bất tài của mấy ông già, và nếu có nghĩ lại về trận chiến, tôi đơn giản đồng ý
với những giáo điều phản chiến lúc đó đang là thời thượng tại Ann Arbor [địa
danh của một phân khoa Đại học Michigan].
Trong nhiều năm, kinh nghiệm về cuộc
chiến đã ngự trị trong đầu óc tôi như một khối thực phẩm khó tiêu. Tôi không
biết phải xử trí thế nào với chúng. Tôi bắt đầu sự nghiệp viết và giảng về sử
Việt Nam, tức là về những gì xảy ra trước thế kỷ XX, và tôi tưởng rằng qua một
hướng nào đó, tôi có thể cải biến kinh nghiệm không vui về chiến tranh của mình
thành những điều tốt đẹp hơn bằng cách dạy cho người khác biết rằng nơi chốn đó
là một quốc gia, chứ không chỉ là một trận chiến.
Vào đầu thập niên 90, trong khi sinh
sống tại Việt Nam, tôi đã gặp được nhiều người Việt, và khi đối diện với một
người Mỹ đã từng là chiến binh trên xứ họ lại nói được ngôn ngữ của họ, họ đã
tỏ vẻ giận dữ và e ngại mà tôi cảm nhận ra dễ dàng. Đối với những người ngoài
Bắc, thì vì họ bị oanh tạc nhiều năm liền. Còn đối với người trong Nam thì vì
họ bị phản bội. Đàng nào thì di sản của Mỹ để lại ở Việt Nam cũng là một kỷ
niệm chua sót, cho cả họ lẫn tôi. Nhưng điều tôi học được trong mấy năm sinh
sống và làm việc tại Việt Nam là đất nước đó bị một hình thái chính quyền độc
đoán, tham ô và suy đồi, và tôi bắt đầu hiểu được những gì mà nhiều người Việt
tỵ nạn đã nói với tôi: nếu người Mỹ giữ lời hứa, thì người miền Nam hiện nay có
thể đã hưởng sự thịnh vượng và dân chủ đã phát triển ngày nay tại Đài Loan, Nam
Hàn và Thái Lan. Tôi biết rõ là mình không ở trong số người Mỹ đầy mặc cảm, khi
dân chúng tại nước khác tìm đến sự hướng dẫn của Hoa Kỳ thì chỉ thấy một lũ
thực dân mới và đế quốc; tôi chấp nhận tiền đề là Hoa Kỳ đang có một vai trò
chính đáng – thậm chí không thể chối từ – trên thế giới hiện nay.
Chấp nhận định đề rằng các chính phủ
của miền Nam từ năm 1954 đến 1975 đều bất xứng hoặc không bền thì cũng giống
như chấp nhận là từ 1945, chính phủ duy nhất chính đáng và có thể tồn tại là
cái chính phủ được Hồ Chí Minh lập ra, thực ra đó chỉ là một giáo điều được
cộng sản tuyên truyền trong môn sử của họ. Đáng chú ý là làm thế nào mà giáo
điều đầy hồ hởi ấy của người cộng sản Việt Nam đã và đang được các chuyên viên
mô phạm Mỹ dễ dàng nuốt chửng.
Ngay Krushchev cũng không hành động
đúng với lối khoe khoang huê dạng đó của cộng sản. Người ta thường quên là năm
1957, Liên bang Xô viết từng đề nghị hai chính phủ đương đại của Việt Nam cùng
được gia nhập Liên Hiệp Quốc, không kể là Trung Quốc cũng thích sự hiện hữu của
hai nước Việt Nam. Thật đã rõ là ngoài hai phe Việt Nam, các thành phần tham
gia hội nghị Genève 1954 đều thiên về cách giảm thiểu nguy cơ đụng độ toàn cầu.
Việc xác định lý thuyết về một nước Việt Nam thống nhất trong thông cáo chung
của hội nghị – bản thông cáo mà không quốc gia tham dự nào chịu ký – đã đẩy vấn
đề pháp lý của cái chính phủ của nước Việt Nam thống nhất kia qua những bất
trắc và mơ hồ của một cuộc tuyển cử sẽ tiến hành hai năm sau. Đó chỉ một lối
ngoại giao để phủ lên nhiệt tình quốc gia cái thực tế của chiến tranh lạnh.
Về chính phủ Ngô Đình Diệm, quan điểm
phổ thông được lưu truyền rằng ông ta bất tài và là tay sai của Mỹ. Quan điểm
đó ngày càng khó đứng vững. Trước nhất, Ngô Đình Diệm đã hai lần triệt hạ các
cuộc nổi loạn tại nông thôn, vào năm 1956 và lần nữa vào năm 1958. Chính là để
đối phó với sự thắng thế ấy mà lãnh đạo đảng cộng sản tại Hà Nội quyết định
phát động một cuộc chiến mới vào năm 1959; không phải vì họ thấy Ngô Đình Diệm
yếu thế, ngược lại, vì họ nghĩ rằng nếu chờ đợi lâu hơn thì bỏ lỡ dịp ngăn ngừa
sự ổn định của một chính phủ không cộng sản trong Nam.
Hoa Kỳ ủng hộ việc đảo chánh ông Diệm
chính vì ông không là tay sai và đã chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong chính phủ
của ông. Ông ta bị làm vật tế thần cho nỗi ẩn ức của Mỹ, và đã bị chính phủ Mỹ
phản bội; số phận của ông báo hiệu số phận của tất cả những người Việt không
muốn chế độ cộng sản.
Mãi tới gần đây người ta mới bắt đầu
nghiêm túc thẩm định lại trường hợp Ngô Đình Diệm và nhận ra là ông biết hơn
hẳn mấy ông cố vấn Mỹ đầy thiện chí mà lầm lạc là phải làm gì cho sự tồn vong
của quốc gia còn quá non trẻ của ông.
Sau khi ông Diệm bị thảm sát, phải
mất gần bốn năm mới có một chính phủ ổn định, nhưng tất nhiên là một chính phủ
lệ thuộc vào Hoa Kỳ hơn chính phủ của ông. Tuy nhiên, nền “Đệ nhị Cộng Hòa”
cũng đứng vững qua những gian lao của cuộc chiến và với khả năng chiến đấu lâu
dài khi – do các xáo trộn trong chính trường Mỹ- chính sách đối ngoại của Mỹ
vào đầu thập niên 70 đã phản bội tương lai của một nước Việt Nam không cộng sản
và đẩy quốc gia đó vào tay kẻ thù.
Hiển nhiên là chính phủ Sàigòn cũng
có chính danh và khả năng tồn tại (với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ) không kém gì các
chính phủ của Nam Hàn hay Đài Loan – hoặc Hà Nội (với sự giúp đỡ của các quan
thầy). Nhưng chính quyền này không may là có một người đỡ đầu yếu bóng vía. Để
xóa bỏ câu chuyện nhục nhã đó trong ký ức, nhiều người Mỹ đã tìm nguồn an ủi
trong những mơ mộng lãng mạn về Hồ Chí Minh và những khuôn sáo lịch sử một
chiều về dân tộc Việt Nam đã kiêu hùng đánh bại kẻ thù, nhờ đó mà Hồ nổi danh.
*
Tôi lại thích khuôn sáo về tầm quan
trọng của việc bảo vệ và nuôi dưỡng các nền dân chủ non trẻ trong một thế giới
đầy dẫy độc tài. Nền tự do mà chúng ta đang hưởng trên đất nước này không thể
có nếu thiếu sự cố gắng của con người, và cũng chẳng có gì bảo đảm là nó sẽ
trường tồn. Các yếu tố tuyệt vời của hệ thống chính trị mà chúng ta cứ tưởng là
tất nhiên phải có thực ra là kết quả hy sinh của thế hệ này qua thế hệ khác mà
người thừa hưởng thường không biết ơn. Và vì thế, tôi không thể chấp nhận định
đề là người Mỹ không có lý do chính đáng để can thiệp vào nội bộ Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng sức mạnh toàn cầu trong
tay của Hoa Kỳ phải được coi như một trách nhiệm, không là điều làm chúng ta
phải biện bạch. Nếu nước Mỹ không dùng sức mạnh đó để đem lại điều lành cho con
người trên thế giới thì chẳng những ta mất hết sức mạnh, mà còn mất cả những
điều tốt đẹp đã tích lũy từ trước đến nay; lúc đó các quyền tự do nảy sinh nhờ
sức mạnh kia sẽ bị đe dọa.
Tôi không là một người Mỹ ghét Mỹ,
loại người thoái thác trách nhiệm, thà khoác mặc cảm tội lỗi khi lầm lẫn còn
hơn là dám ra tay chống lại sự suy nhược của một thế giới đầy khổ đau và hỗn
loạn.
Ngày nay tôi không hề nghi ngờ là
nước Mỹ đã có chính nghĩa khi dùng sức mạnh của mình hầu cứu vãn triển vọng có
được một nền dân chủ cho ít nhất là một số dân Việt. Không may là các giới lãnh
đạo Hoa Kỳ trong thập niên 60 đã có một số quyết định sai lầm về chính trị và
quân sự khiến dân Mỹ quay lại chống đối những cam kết Mỹ đã hứa với chính phủ
và dân chúng Việt Nam.
Theo quan điểm của tôi, thảm kịch
Việt Nam không phải do Mỹ đã can thiệp khi không nên, mà do sự can thiệp đó
được thi hành quá luộm thuộm và tệ hại, và những người Việt từng tin tưởng nơi
chúng ta cuối cùng đã bị phản bội.
Định đề thứ ba nói rằng những nỗ lực
của Mỹ tại Việt Nam nhất định sẽ thất bại vì sự thiếu ý chí và thiếu thống nhất
trong mục tiêu về phía Mỹ cũng như về phía người dân miền Nam, nếu so với Bắc
Việt và các đồng minh của họ là Trung Quốc và Liên bang Xô viết. Đúng ra thì
các chính phủ chống lại việc thành lập một chính quyền không cộng sản trên miền
Nam Việt Nam đều có thể huy động quần chúng của họ mà khỏi quan tâm đến sự phản
kháng, trong khi một mục tiêu căn bản và trường kỳ của Hoa Kỳ là phát huy quyền
phản đối, một loại quyền hạn tất nhiên phương hại đến sự thống nhất ý chí và
mục tiêu trong chính sách quốc gia. Thêm vào đó, Bắc Việt có lợi thế là các tổ
chức thân cộng tại miền Nam sẵn sàng tuân thủ mệnh lệnh của đảng cộng sản; miền
Nam không có lợi thế tương đương trên đất Bắc. Sau rốt, dưới tầm mắt của người
Mỹ, thì Việt Nam là một quốc gia tương đối xa lạ và cách trở, họ không có khái
niệm liên hệ nào ngoài cái “lô gích” của chiến tranh lạnh trên toàn cầu. Tất cả
các yếu tố trên cũng đủ thử thách những ai muốn cố thành lập một chính phủ
không cộng sản tại Sàigòn. Tuy nhiên, những yếu tố ấy chưa đủ để ta kết luận là
chính sách Hoa Kỳ tại Việt Nam tất sẽ thất bại. Chính sách này được dân chúng
Mỹ ủng hộ cho đến năm 1968, và các tài nguyên về kinh tế cũng như quân sự của
Mỹ, dù dưới nhãn quan nào, cũng cung ứng được đầy đủ khả năng bảo vệ chính
quyền miền Nam Việt Nam. Cho dù công nhận là cơ chế lãnh đạo của tập đoàn cộng
sản cho phép họ có sự thống nhất đường lối và ý chí hơn Hoa Kỳ và đồng minh tại
miền Nam Việt Nam, chúng ta cũng khó có thể tưởng tượng nổi là điều đó khả dĩ
đánh bại được khả năng chiến đấu của quân lực Hoa Kỳ, nếu được phối trí một
cách thông minh. Người ta chỉ cần xét đến trường hợp của Pháp khi chinh phục
Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX là thấy được cái sai trái của hai chữ “nhất định”
trong định đề. Yếu tố dẫn liên minh Hoa Kỳ và Nam Việt Nam đến thất bại không
phải là sự thiếu kém ý chí và quyết tâm, mà là cả một loạt quyết định sai lầm
của các chính quyền Kennedy và Johnson, khiến chiến tranh kéo quá dài, vượt
giới hạn kiên nhẫn của nhân dân Hoa Kỳ.
Trong suốt các năm từ 1961 đến 1967,
Hoa Kỳ đã đánh mất lợi thế xuất phát từ khả năng quân sự vượt bực qua các suy
nghĩ chiến lược kém cỏi và sự thiếu đởm lược chính trị. Đương nhiên, chúng ta
có thể giải thích khá dễ dàng rằng những lỗi lầm như đã diễn tiến tự nhiên theo
áp lực của tình hình qua sự hiểu biết của các ông Kennedy và Johnson cùng các
cố vấn trưởng của hai ông. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn đều thấy quan điểm bất đồng
được nêu lên, và các quyết định đã được lấy lại không xuất phát từ áp lực của
tình hình mà do nhận định sai lầm và thiếu quan tâm chú ý. Những sai lầm tai
hại và nổi bật nhất có thể được liệt kê như sau: quyết định của ông Kennedy vào
năm 1961, để bàn cãi về cái gọi là trung lập hóa Ai Lao, đã nhường cho địch
vùng trú ẩn tại biên giới và các trục giao thông nội biên, nên phải gánh chịu
thiệt thòi về chiến lược trong suốt trận chiến; quyết định của ông Kennedy khi
gia tăng quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam trong khi ngăn báo chí loan tin về việc
quân nhân Mỹ lâm chiến mà không có ý niệm chiến lược nào rõ ràng ngoài nhiệm vụ
“cố vấn”, điều đó gây ra một tiền lệ nguy hại cho việc tham chiến không có chủ
đích rõ rệt và không minh bạch với dân chúng; quyết định của Kennedy trong việc
dùng võ lực đảo chánh ông Ngô Đình Diệm, vì vậy đã loại trừ một người lãnh đạo
Việt Nam chống cộng khá nhất, rồi gây hỗn loạn chính trị trong nhiều năm khiến
Hoa Kỳ phải quyết định chọn lựa hoặc thất bại hoặc phải can thiệp sâu rộng vào
nội bộ Việt Nam; quyết định của Johnson khi phối trí không lực và bộ binh trong
chiến lược tiêu hao, cho phép tướng Westmoreland giải trừ các phương pháp chống
nổi dậy được Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ ưa thích (phương pháp này rất giống
đường lối người Pháp đã dùng trong các thập niên 1880 và 1890, với kết quả rất
khả quan); quyết định của Johnson nhằm thuyết phục địch quân phải đầu hàng thay
vì phải làm những gì cần thiết để chiến thắng; quyết định của Johnson tránh
việc động viên nhân lực và kinh tế Hoa Kỳ vào cuộc chiến, khước từ trưng tập
lực lượng trừ bị, đặt mọi hy vọng vào số quân nhân tình nguyện, và lấy cuộc
khủng hoảng kinh tế trong đầu năm 1968 làm lý do để chỉ sử dụng một phần của
tài nguyên Hoa Kỳ vào trận chiến; quyết định của Johnson cho phép đường lối
chiến tranh bị bó vào một dự đoán sai là Trung Quốc sẽ tham chiến, vì vậy đã
loại bỏ nhiều lựa chọn có thể rất quan trọng; sự buông thả của Johnson để cuộc
chiến kéo dài từ năm này qua năm khác mà không thẩm định được một cách đúng đắn
mục tiêu và thành quả, khiến ý chí chính trị phải tiêu tan tại Hoa Kỳ. Tất cả
các sai lầm ấy đều hiện rõ vào đầu năm 1968, với dân chúng ngày càng không muốn
ủng hộ cuộc chiến theo lề lối đang tiến hành khi ấy.
Sau đó, dù bị ràng buộc bởi quyết
định triệt thoái khỏi trận chiến, chính quyền Nixon cũng đã giúp cho việc ổn
định một chính quyền miền Nam Việt Nam và xây dựng một binh đội miền Nam có khả
năng đánh bại cuộc xâm lăng toàn diện của quân cộng sản vào năm 1972, với sự hỗ
trợ của Hoa Kỳ. Nhưng những thành quả ấy bị đe dọa vì Hòa đàm Ba Lê năm 1973 để
rồi cuối cùng bị tan tành vì biến cố Watergate, biến cố đã làm ông Nixon bị hạ.
Miền Nam Việt Nam bị bỏ rơi để chiến
đấu đơn độc với kẻ thù mà không được sự giúp đỡ của bất cứ một đồng minh nào.
Tôi tin là chúng ta có thể nói rằng ngay sau năm 1968, ta vẫn còn có khả năng
bảo vệ một chính thể không cộng sản tại Sàigòn, nhưng điều đó đã bị liên kết
chặt chẽ vào sự lãnh đạo của ông Nixon, và một khi ông không còn thì chính
trường Hoa Kỳ hết can đảm tiếp tục tôn trọng những cam kết trước đấy để đưa đến
chiến thắng.
Tôi tin rằng Kennedy đã có những
quyết định sai lầm về Việt Nam vì ông ta không thật sự chú tâm vào vấn đề; về
phần Johnson thì vì Việt Nam không là ưu tiên của ông ta. Kennedy thường phó
thác việc quyết định về Việt Nam cho phụ tá, những người thường bất đồng về mục
tiêu hoặc đơn giản là thiếu khả năng. Johnson thì dồn sức vào các chương trình
lập pháp nội bộ và đã có những quyết định về Việt Nam theo phong cách ông đã
trau chuốt kỹ càng khi đương đầu với quốc hội: mơn trớn và san bằng dị biệt. Cả
hai đều không hề giành thời giờ thẩm định chính sách của họ ở Việt Nam với sự
cẩn trọng tương xứng với những hao tổn về xương máu và tiền bạc.
Khi lãnh đạo thiếu sáng suốt và quyết
tâm thì sai lầm tất nhiên chồng chất. Những quyết định ấy không có gì là cần
thiết hoặc bất khả kháng trừ phi ta muốn tranh luận rằng sự mù mờ tâm trí là
một thành tố thiết yếu của các chính quyền Kennedy và Johnson. Một số người vẫn
muốn lập luận rằng sự mù mờ ấy chỉ giản dị là dấu hiệu cho thấy Việt Nam không
quan trọng đến độ được giới lãnh đạo Hoa Kỳ dành hết tâm trí, và nội việc đó
cũng đủ cho thấy lẽ tất bại của cuộc chiến. Câu trả lời cho lập luận này là
Việt Nam đã đủ quan trọng khiến chính quyền gửi hàng chục ngàn thanh niên Mỹ
vào cõi chết trên các chiến trường xa xôi với sự ủng hộ nhiệt thành của dân
chúng và Quốc hội; và nếu việc ầy được thi hành kém cỏi, thì hiển nhiên đó là
một phê phán về phẩm chất của lãnh đạo chứ không về chính sách.
*
Tôi bắt đầu dạy một lớp về chiến
tranh Việt Mỹ tại Đại học vào những năm cuối của thập niên 90 vì tinh thần
trách nhiệm công dân đã theo đuổi tôi dai dẳng (lớp người trẻ phải biết về trận
chiến đó), và một ý nghĩ ích kỷ là tôi phải làm việc đó để tìm sự thanh thản
cho tâm hồn. Ép bản thân mình giảng dạy về cuộc chiến là một thử nghiệm giải
thoát, vì tôi đã góp tiếng nói cùng bao nhiêu sách vở chồng chất về cuộc chiến.
Nhiều cuốn đã theo lối kê khai rất đúng quy phạm những định đề tôi đề cập bên
trên, khiến tôi thấy không đáng hài lòng. Nhiều đề mục quan trọng lại bị bỏ lơ,
đặc biệt là bao ước vọng, kế hoạch và hành động của những người Việt đã cố phấn
đấu cho hy vọng dân chủ trên đất nước họ.
Tại một phiên họp cũng vào khoảng
thời gian đó, tôi có gặp một người Việt Nam loại này, một người từng phục vụ
dưới nhiều chính quyền tại miền Nam từ cuối thập niên 50 cho đến đầu thập niên
70, và vì vậy bị giam cầm nhiều năm trước khi được định cư ở Mỹ. Tôi có nhiều
câu để hỏi ông ta, nhưng ông ta chỉ nhìn tôi với nét ngờ vực, và xin phép được
hỏi trước một câu. Câu hỏi của ông ta là: “Ông có nghĩ là ta có chính nghĩa
trong trận chiến đó không?” Tôi bàng hoàng vì câu hỏi bất ngờ đó, nhưng câu trả
lời xuất phát tự đáy lòng khiến chính tôi cũng phải ngạc nhiên: “Có! Tôi nghĩ
là có!” Sau câu trả lời, thái độ và cách cư xử của ông ta với tôi đã hoàn toàn
thay đổi, trở thành tin cậy và cởi mở. Ông ta giải nghĩa cho tôi là kinh nghiệm
bản thân cho thấy các người trong giới khoa bảng Hoa Kỳ không tôn trọng ông, vì
họ nghĩ rằng ông đã chọn nhầm chiến tuyến trong trận chiến. Như vậy tội của ông
ta chỉ là nuôi hy vọng đem dân chủ vào xứ sở của mình, và tin tưởng vào Hoa Kỳ.
Trong suốt hơn hai thập niên, tôi cố
không nghĩ về mình như một cựu quân nhân đã chiến đấu tại Việt Nam. Tôi muốn
hướng về tương lai và tránh không để bị đóng khung vào chuyện buồn này. Tôi
không thích tượng đài chiến sĩ ở [thủ đô] Washington với tên các tử sĩ được ghi
khắc trên một bức tường. Đó là đài kỷ niệm những người đã chết, nhưng tôi thì
còn sống, nên bức tường kia không dính dáng gì đến mình. Thế rồi một chiều nọ,
trong một buổi lễ cách xa Washington, tôi co ro trong một lều vải để tránh gió
buốt khi một số người trẻ cùng nhau đọc dưới ánh nến tên tuổi những người đã
khuất. Đứng giữa đám đông dưới mái lều, nhìn ánh nến lung linh trên các khuôn
mặt và vải lều, lắng nghe đọc tên hết người này đến người khác trong một dòng
âm thanh thật đều, tôi không ứa lệ trên mắt nhưng thấy xúc động vì điều gì đó:
tôi có cảm tưởng là được giải thoát và ý thức được rằng mình đã hiện diện đúng
nơi, đã vinh danh đúng chỗ.
Quả là một sự thay đổi tầm nhìn và
một kinh nghiệm đáng mừng của xúc cảm khi tôi rũ bỏ được mặc cảm tội lỗi giả
hiệu mà mình đã ôm suốt một phần tư thế kỷ. Làm được việc đó, tôi lại có thể
học lại những giá trị từng được dạy dỗ khi còn trẻ, có thể đánh giá được sự hy
sinh của những người Việt nay đã trở thành đồng bào của tôi, và có thể dạy về
trận chiến với niềm xác tin mới. Một vài người trong các đồng nghiệp sư phạm
của tôi đang thấy là thời thượng [đúng mốt] khi dán cho Hoa Kỳ nhãn hiệu cường
quốc phát xít và đế quốc. Tôi không còn rủi ro gì để e ngại những lời khẳng
định thiếu cơ sở ấy. Tôi xin mời quí vị cứ nhìn khắp thế giới để tìm một chọn
lựa khả dĩ chấp nhận được hầu thay thế sinh hoạt dân chủ – dù là bất toàn –
đang được nước Mỹ đề cao. Tôi thì chịu, không tìm thấy. Sự việc Hoa Kỳ thi
triển sức mạnh trên khắp toàn cầu không là dấu hiệu của một điều sai trái, trừ
phi người ta quyết định liên kết với các thế lực độc đoán trên hoàn cầu đang
được ngụy trang dưới bộ mặt của nạn nhân.
Tôi đi đến kết luận là đã đến lúc
phải lên tiếng. Lớp trẻ của quốc gia này xứng đáng được hưởng sự giáo dục chân
thực hơn là bị nhồi nhét vào đầu óc họ chủ nghĩa nghi ngờ và thù ghét cái xứ sở
hiện vẫn còn là niềm hy vọng khá nhất của nhân loại.
[Dịch từ bài How I Began To Teach
About The Vietnam War/ K. W. Taylor. Michigan Quarterly
Review. Ann Arbor: Fall 2004. Vol.43, Iss. 4: pg. 637 – đăng lần đầu trên Xuân
Việt Báo (print ed.) 2005]
Sau khi tốt nghiệp Cử nhân về Sử học tại Đại học George Washington năm 1968, Keith Weller Taylor bị động viên và được gửi qua tham chiến tại Việt Nam. Bị thương và trở về học tiếp, ông tốt nghiệp Tiến sĩ về Lịch sử Việt Nam tại Đại học Michigan năm 1976, rồi giảng dạy nhiều năm tại Tokyo và Singapore trước khi về làm giáo sư về Văn hoá và Lịch sử Việt Nam tại Đại học Cornell. Là người am hiểu tiếng Việt lẫn Hán và Nôm, ông đã trở về Việt Nam nghiên cứu trong các năm 1992-1994. Ngoài bộ môn lịch sử, ông viết rất nhiều về văn học Hán-Nôm và Phương pháp sử của Việt Nam.
Giới Việt học biết tới Giáo sư Taylor qua nhiều cuốn sách nổi tiếng về lịch sử Việt Nam: The Birth of Vietnam : Sino-Vietnamese relations to the Tenth Century and the Origins of Vietnamese Nationhood (Luận án Tiến sĩ – University of Michigan, Ann Arbor, 1976) được tái bản có hiệu đính (Berkeley: University of California Press, 1983), dịch sang Việt ngữ và đăng nhiều kỳ trên Da Màu; Essays into Vietnamese Pasts (đồng chủ biên với John K. Whitmore (Ithaca, N.Y.: Southeast Asia Program, Cornell University, 1995); A Southern Remembrance of Cao Bien (1999); In Search of Vietnamese Classical Moments (1999); Surface Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region (1998), Nguyen Hoang and the Beginning of Vietnam’s Southward expansion (1993).
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét