Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

CÁNH CỔNG



Ranh giới giữa cái "của tôi" và "của họ" chỉ một bước chân...

Khi đã bước chân qua cánh cổng là đã vào nhà của tôi, thế giới của tôi. Và ngoài kia là con đường của họ, lối ngõ của họ, thế giới của họ...

Cánh cổng bỗng trở thành pháo đài chắc chắn bảo vệ bạn, những gì thuộc về bạn khỏi những nhòm ngó của thiên hạ, thèm muốn của thiên hạ, thị phi của đời sống, che giấu những cái người ta lo lắng, sợ hãi.

Cánh cổng cũng trở thành uy quyền của riêng bạn. Bạn có thể mỉm cười thân thiện mời ai đó vào nhà. Có thể cầm tay ai đi ngang qua nó và khép lại những bí mật của riêng mình. Có thể nắm cổ áo tống tiễn kẻ bạn căm ghét ra ngoài bên kia cánh cổng, mặc lời van xin hay tiếng la hét tức tối...


Người ta có thể tăng thêm quyền uy cho mình qua cách trang trí cánh cổng với những linh vật chồm hổm hai bên, với những song sắt vút cao hoa văn cầu kỳ. Nó phô diễn sức mạnh tiền tài ai cũng hiểu mỗi khi lưỡt ngang qua. Họ có thể khoá trái cánh cổng im lìm, giấu sau nó những bí ẩn đồn đoán không có lời giải nào là đáp án. Người ta chỉ có thể lờ mờ về chủ nhân của nó ngồi trong những chiếc ô tô sang trọng kín bưng không tỏ mặt người, thỉnh thoảng lăn bánh và mất hút sau cánh cổng khép lại vội vàng. Những cánh cổng kỳ vĩ như thế giờ nhiều lắm. Một bước chân thôi nhưng là hai thế giới mà nhiều năm tốc độ ánh sáng không đuổi kịp nhau, dù khoảng cách chỉ là một cánh cổng...

Chỉ một chút sa xảy, cánh cổng sẽ là nỗi đau đớn, mất mát với rất nhiều giá như. Dù ai cũng biết, cuộc sống không có giá như. Nó có thể phá huỷ niềm tin của bạn về tất cả mọi cái trong cuộc đời, bên ngoài cánh cổng. Ngoài đó là tội lỗi, độc ác, nhan nhản tội phạm... Bạn cố thủ cùng người thân bên trong cánh cổng, dường như muốn khép chặt lòng mình. Bạn dăn dò con cái phải biết nghi ngờ với từng cái gõ cổng. Tất cả nỗi hoài nghi giờ chỉ còn để dành phát triển trí thông minh cho sự tự vệ cần thiết bên ngoài cánh cổng. Đừng cần bất kỳ sự sáng tạo nào về lòng tốt của con người...

Nhưng người ta vẫn phải bước chân ra ngoài để mưu sinh, thậm chí để quị luỵ gõ cổng những biệt thự luôn khoá trái với cầu mong một lần nó mở ra với họ... Từ cánh cổng nhà mình người ta vẫn phải đi đến những cánh cổng khác với tâm trạng có trời biết. Những ma trận nối các cánh cổng có thể mang đến tiền tài, danh vọng, địa vị, cũng có thể là sự thất bại, đau đớn, nỗi tuyệt vọng. Những cánh cổng dường như không còn vô tội...

Nhưng nhiều nhất vẫn là những ngôi nhà không có cánh cổng nào. Nó nhan nhản trên khắp nẻo đường. Trống hoác. Trơ lơ. Xiên xiên. Tơi tả... Những ngôi nhà hôn mê cả bốn mùa nắng gió, lạnh lẽo. Phơi hết sự trống rỗng vật chất và những mặt người thất thần thu lu phía sau cánh cửa xập xệ khép hờ. Những phận người bị tan biến, bị xô đẩy vào thế giới mà những cánh cổng sắt rào cao luôn cảnh giác, luôn đẩy lùi ra xa khỏi ngôi nhà của họ. Một bên được bảo vệ và một phía đám đông không có gì để tự vệ. Người ta chiết tự từ các loại kim tiền, ghế ngồi ra rất nhiều lý lẽ, nhân danh đạo đức để xây nên những cánh cổng bảo vệ bản thân họ - cánh cổng này dày đến mức mọi đau khổ của nhân gian không thể xuyên thủng. Phía còn lại, tơi tả vật vờ trong thiên đường của những khổ đau, tuyệt vọng. Mà thiên đường này bao la đến mức không có cánh cổng nào vừa với nó...

Nhiều người nhớ thương cái cổng tre đan vội khép nơi đầu ngõ. Mấy ai muốn quay về sống trong ngôi nhà mái rạ bên trong cánh cổng tre ấy? Nhiều kẻ ra đi từ cánh cổng tre này, lên thành phố, rồi chui vào những cánh cổng có nhiều thanh sắt cao vút hoa văn, đốt hết trong kí ức cánh cổng tre ngày ấy... 

Những người chết bao giờ cũng được đưa từ nhà tang lễ trở về nhà lần cuối, qua cánh cổng, trước khi ra nghĩa trang. Đón đưa cái chết đâu phải là những sang hèn của cánh cổng? Nó chính là sự hân hoan, oán trách, hay niềm tiếc thương của thế giới bên ngoài cánh cổng kia...

Dù muốn hay không, cánh cổng sẽ là trang đầu tiên mở cuốn lịch sử cuộc đời bạn. Và cũng là trang cuối cùng khép lại một đời người... 

Sống để biết khép mở cánh cổng ngôi nhà mình cho phải đạo với tâm thảnh thơi quả thực không dễ chút nào.

Không có nhận xét nào: