Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

NHỚ IVAN NÔVITXKI

Trai gái vùng sông Đông

Ivan Nôvixki là anh bạn cùng phòng với tôi hồi chúng tôi học ở trương M. Gorki. Khi tôi kể những dòng này, thì anh vừa qua đời sau con đột quỵ ở Matxcova đêm 5-11-2018. Tôi vừa được con gái anh báo tin. Ivan từ giã cõi đời ở tuổi 66. Cái tuổi ấy còn trẻ lắm. Anh không kịp đón ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười lần thứ 101.

Còn nhớ ngày tôi nhập học. Sáng 1.9 năm 1987. Tôi ọ ẹ nói với Iuri Valentinôvich, ông Giáo sư phụ trách học sinh ngoại quốc bằng một thứ tiếng Nga ngọng nghịu, rằng tôi muốn được ở chung với một anh bạn Nga thuần khiết để học tiếng. Chẳng biết Iuri có hiểu điều tôi nói không, chỉ thấy ông gật gật và mủm mỉm cười, một nụ cười đúng là của người ở Nước thiên đàng.

Thế rồi ngay chiều hôm ấy đã có tiếng gõ cửa. Một anh bạn Nga to béo phục phịch với gương mặt rậm rịt râu ria, mang theo một chiếc va-li cũ nát đựng đầy sách. Những cuốn sách cũng cũ kỹ và bụi bặm như ông chủ của chúng. “Tôi là hàng xóm của anh. Iuri bảo anh là đại uý quân đội. Đúng không? Tôi cũng là đại uý. Đại uý phục viên”.
Anh bạn mới đến bắt đầu nói bằng một thứ tiếng nghe xèo xèo như rán tóp mỡ. Vừa nói, anh vừa ra hiệu, hai tay cứ khoắng tít trong không khí như một bà cốt đã nhập đồng. Sau những lời ỗm oãm của anh, tôi lờ mờ hiểu rằng, anh cũng đã từng là một người lính, từng làm nghĩa vụ quốc tế đánh nhau ở Apganixtan và để lại trên vùng đất xa xôi ấy một nửa bàn chân trái, do giẫm phải mìn. “Tôi là Ivan Nôvitxki. - Anh bạn tiếp tục giới thiệu.- Ivan Nôvitxki nghĩa là gì, cậu biết không ? Nghĩa là Ivan no whisky - Ivan không có rượu.” Nói rồi, “Ivan không có rượu” búng búng một ngón tay ngắn chủn, mập mạp vào cái cổ to, đỏ bự như cổ gà chọi. Và thế là chúng tôi thân nhau. Thân khá nhanh. Có lẽ chính cái chất nông dân quê kiểng đã giúp chúng tôi sớm "bắt" nhau. Tôi ở sông Kinh Thầy; còn Ivan ở sông Đông. Anh là đồng hương của Mikhain Sôlôkhôp. Thành phố Rôxtôp trên sông Đông, quê anh có thể gọi là thành phố M. Sôlôkhôp. Ngay từ khi nhà văn còn sống, người ta đã dựng tượng ông bên bờ sông Đông, đã có cả một bảo tàng M. Sôlôkhôp do chính ông, ăn lương nhà nước, biên chế làm nhân viên hướng dẫn bảo tàng. Các phố, đại lộ và ga tàu điện ngầm trong thành phố đều mang tên các nhân vật của M. Sôlôkhôp, chứ không phải tên các danh nhân văn hoá hay các vị chính khách như ở các thành phố Nga khác. Ở đó có ga Grigôri, công viên Panchêlêvits, phố Đunhiasca. Nhà Ivan trên đại lộ Acxênhia. "Tiếc là bây giờ chẳng còn Acxênhia nữa. - Ivan lầu bầu. - Các cô gái sông Đông bây giờ họ nghiêm trang lắm, cứ như là những cây cột điện mặc váy. Phụ nữ mà không lẳng lơ, không sóng sánh ướt át thì chán lắm, vì mất hết sự hấp dẫn". Ivan là người mau chuyện. Anh bô lô ba la suốt ngày, cứ như một cái rađiô di động. Không cần biết ông bạn ấm ớ ở trên sao Hoả kia có nghe được mình hay không. Có khi nửa đêm, anh còn lôi tôi dậy, bắt nghe hàng loạt thơ mới. Anh viết nhiều. Mà viết được bài nào, anh cũng bắt tôi phải nghe. Có ngày, anh nhăn nhó với tôi : "Hôm nay đối với tớ, quả là một ngày xúi quẩy". Tôi hoảng hốt : "Sao thế ? Có chuyện gì thế, Ivan?". "Một ngày xấu. Rất xấu chứ sao? Đúng là ngày quỷ tha ma bắt. Tớ viết được ít quá. Có được mỗi... mười một bài thơ thôi". Tôi tròn mắt kinh hãi. Còn anh thì lầu bầu đọc thơ. Anh đọc chậm. Thỉnh thoảng lại hỏi :"Cậu có hiểu không ?".

Nếu thấy mặt tôi nghệt ra, anh lập tức lật từ điển. Ivan tra từ điển ma quái như một nhà ảo thuật. Anh chỉ lật một, hai nhát đã ra ngay được chữ cần tra. Đi dạo, hay ngồi trò chuyện với tôi, bao giờ anh cũng cặp kè kè hai bên nách hai cuốn từ điển dày đến hàng.... chục ký. Tôi nghe thơ Ivan lâu thành quen, quen đến mức không cần từ điển cũng hiểu được hết. "Cậu viết khoẻ thật. - Tôi bảo. - ở Việt Nam, đến thi sĩ lớn cũng không thể viết nổi một ngày chục bài. Có người hàng tháng, thậm chí phải hàng năm mới viết được một bài. Ngày xúi quẩy mà cậu còn “sản xuất” được hơn chục bài thì cậu đúng là thiên tài. Nhưng thiên tài thì không nên đọc thơ, Ivan ạ, chỉ đọc số lượng bài cho thiên hạ hãi thôi, chứ đừng đọc thơ nhá, vì thơ như thế này mà một ngày cậu viết được có mười một bài thì... ít quá".
Ivan cười hự hự, rồi dứ dứ nắm đấm lên trước trán tôi. Tôi cũng cười khụt khịt. Đúng là hai lão dở người. Ngoài kia, khu vườn vàng rực sau ô cửa sổ bỗng cồn lên tiếng quạ. Tuyết đang xuống. Những bông tuyết non đầu mùa bay rụt rè như đang muốn thăm dò mặt đất. Có bông tan lửng ngay trong không trung, có bông rơi xuống lá cây thì hoá thành những chấm nước nhỏ li ti như mưa bụi. Ivan nhảy cúa lên : "Được mùa ! Nước Nga lại được mùa rồi". Ivan ôm chầm lấy tôi, hôn rối rít. Bây giờ thì anh không còn là thi sĩ nữa, anh là gã nông dân sông Đông thực thụ. Rồi anh ồm oàm giải thích cho tôi hiểu tuyết có vai trò quan trọng như thế nào đối với mùa màng. Tuyết rơi sớm, rơi dày sẽ ủ ấm hạt giống trong đất. Khi tuyết tan, mùa sẽ bục dậy ngùn ngụt như có phép mầu nhiệm. Còn khi mùa tuyết mà chưa thấy tuyết thì dân lo đến thắt ruột, vì biết là mất mùa, đói kém, bởi hạt giống đã gieo sẽ cháy khô trong giá rét. Thế rồi vui quá, Ivan kéo tôi, lao tồng tộc xuống đường. Ở đó khá đông người. Toàn cụ già và trẻ con. Họ mặc những bộ váy áo sặc sỡ, rồi cứ để đầu trần mà nhảy múa tưng bừng. Có ông cụ đặt đứa cháu bụ bẫm lên vai mà múa. Ông cụ múa bằng đôi chân. Người Nga đón tuyết đầu mùa như thế đấy.


Chiều ấy, Ivan về nhà sớm hơn ngày thường. Anh khuân lỉnh kỉnh bao nhiêu đồ ăn. Bánh mì, bắp cải, súp cá, cà-rốt. Thấy tôi, anh reo lên: “Tớ tìm được thơ cậu đây này. Có đúng là thơ cậu không ?” Rồi anh giơ lên đầu một cuốn sách mỏng dính, đen nhẻm, trông rất nhem nhuốc. Đúng là thơ tôi, tập "Bên cửa sổ máy bay" in ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới, bằng tiếng Việt. Tôi rất kinh ngạc, làm sao Ivan có thể biết được đó là thơ tôi, khi ở trên bìa, ở khắp cuốn sách chẳng có một chữ Nga nào. “Tớ tìm được ở hiệu sách Hữu nghị, phố Gorki đấy. Ở đó, có rất nhiều sách Việt Nam. Trông tên tác giả, tớ đoán là cậu. Tớ mua những chín côpêch cơ đấy”. “Đó, cậu thấy không ? Tớ viết chật vật suốt mười năm mới được có chín côpêch, trị giá bằng một quả trứng gà loại ba... Trứng gà loại một thì một quả những mười hai côpếch cơ.”. “Thế là quá đắt đấy. - Ivan lại cười hích hích. - Tập thơ cậu bằng chín côpêch, chín côpêch mua được chín bao diêm. Mà chỉ một que diêm thôi cậu đã đốt được cả Matxcơva rồi. Thế thì có gì mà cậu phải quàng quạc như con quạ già mất tổ thế ?


Ivan khá hóm hỉnh và thông minh. Trong những cuộc tranh biện, anh luôn có những ý kiến bất ngờ. Tôi rất thích nghe những nhận xét của anh về những con người chúng tôi thường gặp. Bởi nghe nó ngồ ngộ, vui tai, chứ thực tình, tôi cũng không tin lắm ở những lời nhận xét của anh.


Lúc bấy giờ là đầu năm 1987. Rất nhiều nhà văn của ta sang trường Macxim Gorki thực tập và nghe một cua giảng ngắn hạn có phiên dịch, Ivan thân họ khá nhanh. Có đận anh về phòng đã say nhoè bia rượu. Anh hỏi :"Họ có tài không ? Các nhà văn Việt Nam ấy". "Tài chứ ! Tài lắm đấy. Ở nước tớ, họ là những nhà văn lớn, gặp được họ không dễ, lại được họ mời bia như cậu càng không dễ". Ivan cười khùng khục, vẻ đắc chí như người trúng số độc đắc. "Tớ thấy họ rất chịu khó. Rỗi lúc nào, là họ đi cửa hàng. Họ mua gì, cậu biết không ? Họ mua khăn mùi-xoa, dây điện và máy sấy tóc. Toàn những đồ đạc lỉnh kỉnh của đàn bà. Các bố này chắc là yêu vợ lắm. Mà nói cho đúng, trông họ cứ cặm cụi như những mụ đàn bà đã hết duyên, phải lấy sự chịu khó, tần tảo để thay cho nhan sắc nhằm giữ chân các đức ông chồng. Những người như thế mà có tài thì lạ nhỉ. Đàn ông nước cậu tuyệt vời. Đàn ông Nga chẳng biết gì đến chuyện bếp núc". Rồi Ivan lẩm bẩm bình luận về từng nhà văn một. Cứ theo lời anh thì mỗi con người đều là cái giá phơi sách, một cuốn sách chứa toàn điều bí mật của cả đời mình mà lại cứ mở tênh hênh giữa giời đất. Cuốn sách ấy chính là gương mặt của họ.
Tôi đâm tò mò: “Thế cậu thấy ông này thế nào?” Tôi chỉ nhà văn Lê Lựu đang ngồi xổm trên chiếc ghế dài kê dọc hành lang, bỏm bẻm nhai bánh mì. Trông anh như một bà nhà quê đi chợ vừa buông quang thúng, giờ thì đang thảnh thơi nhai trầu vỏ. “Ông này kỳ lắm! - Ivan thì thầm. - Ông ấy rất thích kinh doanh, nhưng vốn không có, hoặc giả nếu có, ông ấy cũng không chịu bỏ vốn vì sợ lỗ. Bởi thế, ông ấy toàn kinh doanh đồ cũ. Ở gầm giường ông ấy có đến hàng trăm đôi giày. Nhưng đến khi cần vào vũ trường thì ông ấy chẳng có đôi nào cả.”. “Thế còn ông kia ?” Tôi lại chỉ nhà thơ Phạm Tiến Duật đang nói chuyện bằng tiếng Nga với mấy cô gái Nga ở bến đợi xe. Tôi chẳng biết anh nói gì. Chỉ thấy người anh lắc lư như một quả chuông, còn mấy cô gái Nga thì cười như nắc nẻ vì chẳng hiểu gì cả. “Đấy là một thiên tài. - Ivan lại nhận xét - Đó là một nhà truyền giáo vĩ đại. Ông ấy có khả năng thôi miên hàng triệu người, nhưng ông ấy lại không tin lắm ở những điều ông ấy nói. Nhưng đến khi người ta tỉnh ngộ, người ta bắt đầu nghi ngờ ông ấy, thì ông ấy lại tin vào những gì mình đã phán truyền. Hình như những nhà truyền đạo đều thế cả cậu ạ. “Thế còn chị này ?”. “Có phải người kia không ?” - Ivan đánh mắt về phía nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Chị đang xoè tay cho cô Elêna Elêcôva, một nhà văn Bungari bói tay. “Đẹp quá. - Ivan thì thào - Bà ấy như Đức Mẹ ấy. Tiếc là Đức Mẹ hơi lùn. Bà này mới đúng là thi sĩ. Bà ấy dễ tin người lắm. Ai nói gì cũng tin. Vào các cửa hàng vải hay cửa hàng may đo của Nga, chắc bà ấy ngạc nhiên lắm. "Sao ở đây có lắm ông I. Gagarin thế nhỉ. Cửa hàng nào cũng có hàng chục ông I. Gagarin khoác đủ các loại áo như sắp sửa đi tắm". Trước con mắt bà ấy, cái manơcanh ở cửa hàng nào cũng thành nhà du hành vũ trụ I. Gagarin. “Thế còn tớ ? Cậu thấy tớ sao? Thử hé cánh cửa cho tớ lé mắt nhòm vào tương lai tí chút”. “Cậu ấy à ? Thảm lắm !” Ivan vớ cái bút dạ, vẽ khoanh tròn một củ hành tây, bên trên loà xoà những lá, còn ở dưới thì lờ phờ mấy cái rễ xoăn xoeo. “Đây chính là chân dung của cậu, khi cậu mới vào trường. Còn đây là khi cậu tốt nghiệp ra trường...” Ivan xoay củ hành tây, chúc ngược đầu xuống. Rồi anh cười ầm lên. Gương mặt hoang vu rậm rịt của anh bỗng nhoe nhoét nước mắt : “Có đúng là cậu không nào ? Khi vào trường, cậu là anh chàng tóc dài, râu ngắn, còn khi ra trường thì cậu chỉ có râu mà chẳng còn sợi tóc nào...


Chuyện như mới ngày nào. Thế mà Ivan đã thành người thiên cổ rồi. Xin coi mấy dòng này như một nén nhang tưởng nhớ anh, cũng là để kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga. Anh vốn là người lính Nga. Người lính cũng đã từng tham trận…

Không có nhận xét nào: