Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

NGÀY 27 THÁNG 7 HÀNG NĂM: NÓI VÀ LÀM




Đạo lý cụ thể

Hằng năm, cứ vào tháng 7, nhà nước lại rộ lên những hoạt động chăm sóc người có công với cách mạng. Năm nay cũng thế. Đó là đạo lý.
Riêng tôi, cũng cứ vào thời điểm này, tôi lại đòi quyền lợi cho ông bác tôi, cụ Nguyễn Phẩm Bình. Tôi lên tiếng đòi hơn chục năm rồi, qua mấy đời chủ tịch nước, thủ tướng, bộ trưởng LĐ-TB-XH rồi, mà họ cứ lờ đi. Tôi vẫn đòi, bao giờ được thì thôi.
Sáng nay 25.7, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ biết ơn thương binh liệt sĩ, có day dứt rằng "vẫn còn những người, những gia đình người có công vì nhiều lý do khác nhau chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi... Đây là những điều day dứt trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta, cần được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội" (theo TTXVN).
Ông nói thế thì tôi biết thế, tôi đề nghị ông và quân của ông (đầy trên mạng) giải quyết dứt điểm cho trường hợp của bác tôi. Tôi sẽ lên tiếng tới khi nào họ thôi cái thói ăn cháo đá bát (câu thành ngữ này, quê tôi gọi là ăn cháo đái bát, nghe nặng quá, tôi dùng chữ đá cho nhẹ hơn). 
Cụ Nguyễn Phẩm Bình là cán bộ tiền khởi nghĩa, quê ở thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng.
Cụ Bình sinh năm 1910, từ năm 1943 đã tích cực tham gia cuộc cách mạng chống thực dân Pháp ở địa phương, là cán bộ trong tổ chức của mặt trận Việt Minh. Khi Hải Phòng nổ ra phong trào Kim Sơn kháng Nhật và tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Kiến Thụy và tỉnh Kiến An (cũ), cụ Bình đã có nhiều đóng góp, được nhà nước và nhân dân ghi nhận. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm, cụ Nguyễn Phẩm Bình từng giữ chức Trưởng phòng cán sự Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Kiến An, sau đó công tác tại bộ phận chỉ đạo của ủy ban đến khi về hưu năm 1965. Cụ từng hoạt động, công tác với nhiều người trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến, sau này họ là những lãnh đạo có tên tuổi ở trung ương, TP.Hải Phòng hoặc quân đội, như các vị Lê Quốc Thân (xứ ủy viên Bắc kỳ, nguyên thứ trưởng Bộ Công an), Đặng Kinh (trung tướng), Đặng Toàn (nguyên Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng), Kim Tái (nguyên Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy), Nguyễn Quang Lâu, Lê Tân, Hồng Vân (những cán bộ tiền khởi nghĩa)… Cụ Bình đã được Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhì, Huy hiệu cách mạng và nhiều bằng khen.
Như vậy, theo bản hướng dẫn số 30-HD/BTCTW của Ban Tổ chức T.Ư Đảng, cụ Nguyễn Phẩm Bình thuộc diện cán bộ lão thành cách mạng (người hoạt động cách mạng từ trước ngày 1.1.1945) và cán bộ tiền khởi nghĩa (hoạt động từ 1.1.1945 đến 19.8.1945), đó là chưa kể cụ vẫn tiếp tục tham gia kháng chiến và xây dựng đất nước đến khi về hưu.
Sau khi cụ Bình mất năm 1969, con cụ là ông Nguyễn Khang Tế đã làm hồ sơ, năm 2002 nộp lên Ban Tổ chức Huyện ủy Kiến Thụy đề nghị xem xét giải quyết chế độ chính sách cho cha mình nhưng chờ mãi không thấy trả lời. Năm 2008, ông Tế đề nghị Ban tổ chức Thành ủy Hải Phòng có ý kiến và ngày 14.5.2008 Phó trưởng ban Vũ Xuân Nhài đã ký công văn số 1770-CV/BTCTU yêu cầu Ban Tổ chức Huyện ủy Kiến Thụy xem xét trả lời ông Tế, đồng thời thông báo kết quả cho Thành ủy. Rồi nhiều năm sau, năm nào ông Tế cũng nộp đơn hoặc trực tiếp tới cơ quan chức năng hỏi về trường hợp của bố mình nhưng cả một hệ thống chính trị ác độc, vô cảm vẫn quyết "im lặng đáng sợ". Cho đến nay gia đình ông Tế vẫn chờ trong vô vọng. Ông Tế từng bảo “bố tôi tham gia cách mạng, kháng chiến, có nhiều người biết, chứng nhận, có huân huy chương làm bằng cứ. Nếu thiếu giấy tờ gì thì họ phải giải thích, thông báo cho chúng tôi, đằng này họ cứ lờ đi. Cho đến nay, một lão thành cách mạng, một cán bộ tiền khởi nghĩa sau đó tiếp tục tham gia kháng chiến như bố tôi hoàn toàn không được hưởng chế độ gì. Tại sao? Chúng nó vô ơn, ai chẳng biết, nhưng vô ơn cũng phải có mức độ thôi chứ”.
Tới lúc này, những thành viên "khiếu kiện đòi quyền lợi cho bố" của gia đình ông Tế cứ rơi rụng dần, vợ ông, em trai ông, rồi chính bản thân ông Tế đều qua đời. Nhớ hồi cuối năm ngoái 2018, khi tôi về quê, ra thăm ông anh, ông còn sống nhưng đã điếc nặng, đành bút đàm, viết vào tờ giấy hỏi rằng họ đã giải quyết cho cụ tới đâu rồi, ông viết ngắn gọn trả lời "Cụ Bình, nếu có sai lầm, thì chính là đã đóng góp vào việc dựng nên cái chế độ vô ơn này!".
Tôi không nghĩ thế, tôi còn chút hy vọng ông Nguyễn Xuân Phúc không phải người vô ơn, bởi sáng nay ông còn phát ngôn như tôi trích dẫn kia mà.
Nguyễn Thông
*
Nhận xét:
Nguyễn Hòa:
 Đọc bài viết của anh mà tôi thương lắm đến cha tôi , cũng gần 20 năm gửi hồ sơ làm chế độ cho cha nay vẫn nằm im nơi chính quyền ! Buồn lắm anh Nguyễn Thông ơi . Anh hãy làm cho được đi chia sẻ niềm tin , niềm vui cho những người như tôi với anh nhé . Kính chào anh niềm tin và hi vọng .

Quy Tho Nguyen:
 Hai đời Thủ tướng đều là Đại biểu QH ứng cử tại Hải Phòng mà vẫn chưa giải quyết hả bác.

Ngọc Thảo Đoàn:
 Cái bát của bác Thông lành như vậy mà nó còn đá thì hỏi còn biết bao nhiêu bất công và oan trái khác thấp cổ bé họng làm sao mong ngóng họ quan tâm !

Huongtam Nguyentran:
 Thật buồn, ngay người anh em cùng chiến tuyến mà còn bất nghĩa như thế, thì làm sao người anh em bên kia chiến tuyến không đặt dấu " ? " khi kêu gọi hoà giải. Cần phải giải quyết ngay những chuyện như vậy ở trong nhà để tạo niềm tin mà hoà giải ...

Hong VS :
Còn nhiều trường hợp như vậy lắm. Thật đau xót :(

Dinh Cuc Le:
 Rất Thông cảm với bác Thông Cào. Năm 2017 tôi cũng đã có thư gửi anh Đường, chủ tịch tỉnh Nghệ An, anh Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng LĐTB và XH, anh Phan Đình Trạc, báo Người đại biểu nhân dân và nhiều cơ quan khác về trường hợp cụ Lữ Xuân Khuồi người anh hùng hy sinh năm 1968 ở bến đò Cố Xin. Vợ chồng Cụ đã chở hàng nghìn lượt bộ đội và TNXP ra chiến trường nhưng không đâu giải quyết, không ai trả lời. Hơn 50 năm nay con cháu Cụ đi khắp nơi mà không đâu giải quyết. Bác của anh chắc không phải cá biệt đâu anh.

Không có nhận xét nào: