Chủ nhật, hôm qua về quê để mục sở thị chuyện đất cát giữa dân làng và chính quyền xem ra sao. Làng quê bây giờ lắm chuyện quá. Nhưng kể chuyện tâm trạng của mấy cụ lão thành ... hết cách mạng cái đã.
1. Nỗi sợ hãi thâm căn cố đế, gây nên bệnh liệt kháng!
Lão Thường bằng tuổi mình, biết nhau từ thuở chăn trâu, nên gặp nhau là lão túm lấy chuyện trò không dứt. Mình vừa về nhà ông anh, lão đã bước ngay vào:
- Ối giời! Thấy ông về tôi phải vào hỏi thăm ngay. Này, có bị làm sao không?
- Cảm ơn. Mình được cái vẫn ăn ngon, ngủ kỹ, mọi việc bình thường...
- Không! Là tôi nói cái vụ ông viết về quê mình. Cái bài “Nỗi nhục đảng viên” với bài “Vũ La quê ta đổ máu rồi” ấy; ở nhà, trẻ con nó in ra, già trẻ, lớn bé đọc tuốt... Mà “đài địch Bê bê xê” với cái đài gì của Mỹ nó cũng đọc rả rả mới khiếp chứ! Thế ông có bị công an nó hạch sách gì không?
- Không. Mình viết đúng sự thật, dân làng gửi cho thông tin, hình ảnh thế nào mình nói đúng thế, có bịa đặt, nói sai, nói xấu gì đâu mà sợ?
- Có ai bảo ông nói sai đâu! Sự thật còn tệ lắm, đủ tam khoanh, tứ đốm, không kể đâu cho hết được. Nhưng mà... càng THẬT thì càng chết! Ông có nhớ cái hồi “ấm ớ hội tề” những năm 1948 – 49 không? Ông Lý Bích thấy đám dân quân tập “mốt hai” ở đình Thôn Đô, ra xem rồi bảo, có mỗi khẩu súng trường cổ lỗ, dăm viên đạn, với mấy cái dáo, mác, đánh Tây thế đéo nào được. Các anh cứ chọc tức nó rồi chuồn, nó vào làng tra khảo, chỉ chết dân... Thế mà hôm sau đội “Việt hùng” (một tổ chức của Việt Minh, lúc bấy giờ - MVT) đem cắt đầu luôn! Rồi cô Tân, con cụ Bỉnh, con gái hớ hớ, đẹp người đẹp nết là thế mà Việt hùng cũng đem giết. Vụ ấy cứ râm ran, âm ỉ mãi, ông có nhớ không?
- Quên sao được! Nghe nói cô ấy hay sang thị xã Hải Dương chơi, mua hàng hóa linh tinh. Một hôm đi cùng với mấy cô bạn. Đến đầu cầu Phú Lương, bọn lính Tây gác ở đó trêu chọc. Mấy cô bạn thì ù té chạy, cô Tân lại đứng trò chuyện vui cười với mấy anh lính Tây. Thế là mấy hôm sau cô bị bắt đi, mất tích từ đó...
- Nó giết, chứ mất tích gì! Rồi cả bà Chu nữa. Bà này buôn tạp hóa, về qua bot Tây, mấy thằng ra mua thuốc lá, xà phòng, xì xồ gì đó... Việt hùng theo dõi mấy lần, là đem giết...
Rồi đến đận cải cách ruộng đất, bao nhiêu oan sai, có ai cãi được với nó không? Chắc ông ở Hà Nội, gần Trung ương, có khác chăng? Chứ ở thôn, ở xã, trên bảo “phản động”, là dưới nó diệt luôn, chả có “oong đơ” gì sất!
- Ngày xưa khác, bây giờ khác rồi. Nó làm bậy là bị phơi bầy ra khắp bàn dân thiên hạ, nên nó sợ dân, chứ dân việc gì phải sợ nó? Mà ông ngoài 80 tuổi, vẫn sợ chết à?
- Sợ chứ! Bây giờ thì nó không bắt mình, giết tươi như ngày xưa; nhưng trái ý nó là nó diệt mình bằng nhiều cách lắm. Nó làm hại con cháu mình; nó cho tay chân gây tai nạn cho mình ... Đủ trò đểu giả lắm đấy! Cho nên tôi bảo, ông phải hết sức cận thận đấy...
Gặp mấy ông bạn già, quý nhau từ ngày cởi truồng tắm ao, ai cũng bảo phải cận thận đấy, chớ chủ quan!
Buồn thật. Về làng quê thân yêu với bà con trong tình làng nghĩa xóm thân thương mà ai cũng bảo phải cẩn thận đấy!
Càng người già lại càng sợ hãi, vì bị ám ảnh trong vô thức từ những nỗi sợ hãi kinh hoàng ngày xa xưa, khiến người bị “liệt kháng”, chỉ còn biết lựa chiều thích ứng mà thôi.
2. Tâm trạng buồn lo...
Đi thăm 2 cụ ông, cụ2 bà hoạt động cùng ông anh cả mình ngày xưa. Giờ các cụ trên dưới 90 tuổi cả rồi. Cụ ông Sĩ và Lý buồn bã vì bệnh tật, nhưng đặc biệt đờ đẫn, không còn sôi nổi hỏi chuyện thời sự “Trung ương thế nào”, như mấy năm xưa. Giờ chỉ bắt tay, nói chuyện bệnh tật... Cụ bà Đào và Cài vẫn chuyện trò vui vẻ, nhưng hỏi đến chuyện đất đai là buồn bã lắc đầu. Vợ chồng ông Thọ thì vẫn hăng hái lắm, nhưng mà kể chuyện hăng hái đấu tranh ... với bọn định chiếm đất.
Mình hỏi, liệu có giữ được đất không? Ông Thọ lắc đầu:
- Nó đã định lấy đất là lấy bằng được. Mình chỉ đấu tranh là phải trình dự án có chữ ký, dấu đỏ ra để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Các anh cứ hứa mồm, nay mai nhà máy gây ô nhiễm, cả làng ung thư, biết kiện ai? Thứ hai nữa, phải trả giá đất gần với giá trị trường, chứ ai lại trả thấp rồi san ủi, chia lô bán nền gấp trăm lần. Rồi giúp dân chuyển đổi nghề làm sao? Mất đất, người ta vẫn phải sống mấy chục năm nữa, thì sống bằng gì? Chán lắm, buồn lắm, chú ạ...
Ông Trân, nhân vật Trọng trong truyện “CÁI SÂN GẠCH” của Đào Vũ, “người hùng” của hợp tác xã, mấy chục năm “xả thân” vì HTX, vì quê hương, hôm rồi họp cử tri, vừa nói, vừa uất nghẹn, khiến nhiều người cùng trào nước mắt... Ông bảo cái chính quyền này, nó chỉ phục vụ người lắm tiền và đối phó với dân... Hỏng lắm rồi!
3. Làm thế nào?
Hỏi mấy cụ, bây giờ làm thế nào? Cụ thì bảo, trông vào “Lò ông Trọng”, “đốt hết củi Trung ương về đốt củi địa phương để dân nhờ”... Thế thì đốt hết, đốt trụi như cháy rừng à?
Cụ thì bảo, không khéo lại phải “cải cách”, “Cải tạo” như ngày xưa mất, chứ dân bất mãn lắm rồi! Nhưng bây giờ làm gì có ông nào ở Trung ương “phát động” mà cải cách?!...
Tóm lại, xem ra chả trông cậy gì vào các cụ lão thành... hết cách mạng được. Để các cụ dưỡng lão thôi. Chỉ còn trông cậy vào lớp trẻ. Dân ta nói đúng: Con hơn cha, nhà có Phúc mà!
(Chú thích ảnh: Ảnh 1 cụ Thường 82 tuổi với Mạc Văn Trang; ảnh 2, cụ Trân 86 tuổi, nhân vật Trọng trong “Cái Sân gạch” và Mạc Văn Trang).
15/7/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét