Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

NGHĨ VỀ GIÁO SƯ HOÀNG TỤY


Nghĩ về GS Hoàng Tụy, tôi thấy tầm mình quá bé mọn.
Có thể nói, hiếm có vị GS nào khi qua đời được nhiều người tỏ lòng thành kính, ngưỡng vọng, tiếc thương như GS Hoàng Tụy. Hai ngày qua, tràn ngập những bài viết trên các báo, blog, facebook viết về ông …
Ai đó nói câu:”Giá trị một con người được xác thực ở thời điểm từ giã cõi đời” trong trường hợp của GS Hoàng Tụy thật đúng. Dù qua đời ở tuổi 92, nghĩa là đã đạt ngưỡng của sự trường thọ nhưng những lời bày tỏ đầy nuối tiếc của những người đang sống khắp mọi miền tổ quốc đối với ông không hề có cảm giác chỉ là lễ nghi thường thấy. 


Sự hiếm có này xuất phát điểm từ sự hiếm có khác:


1. Hiếm có vị GS nào tài năng như GS Hoàng Tụy. Ông là cây đại thụ của ngành toán học VN, cùng GS. Lê Văn Thiêm, là một trong hai người tiên phong xây dựng ngành toán học Việt Nam. Ông còn là người có nhãn quan chính trị tinh tế, là tấm gương cống hiến lao động sáng tạo không ngừng nghỉ cho sự nghiệp GD của đất nước. Nhiều vấn đề lớn về canh tân GD được ông đặt ra…


2. Hiếm có vị GS nào trung thực, thẳng thắn như GS Hoàng Tụy. Là người được báo chí phỏng vấn nhiều nhất về GD cũng như được phát biểu tham luận, hiến kế nhiều nhất cho GD ở thập niên 2000 -2015, GS Hoàng Tụy có những phát ngôn “gan ruột” bộc trực, đầy bản lĩnh và chí khí đúng tố chất của sĩ phu Điện Bàn-Quảng Nam “hay cãi”. 

Trong một bài công bố năm 2005, ông nói "chúng ta nghèo nhưng tiêu pha cho việc học hết sức hoang phí, trong nhiều việc còn ngông hơn cả các nước giàu".

Ông cảnh cáo: "Nếu cứ tiếp tục làm giáo dục theo kiểu này thì đến một lúc nào đó, có thể không còn xa, cái giá phải trả vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế, dẫn đến sự suy sụp không dễ gì gượng dậy nhanh chóng."


Năm 2006, giáo sư Hoàng Tụy phát biểu trong nỗi buồn đau: giáo dục đã tụt hậu ở mức không bình thường trong thời gian quá dài, và kêu gọi: "Giáo dục phải được cải cách, xây dựng lại từ gốc, tức là từ nhận thức, quan niệm, tư duy cơ bản về mục tiêu, phương hướng, nội dung, phương pháp, tổ chức, quản lý, để phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời đại mới,"


Trước thời điểm ra đời NQ 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD của TƯ, GS Hoàng Tụy đã kiến nghị 4 vấn đề chính về Cải cách GD như sau: 
- Cải thiện cơ bản chính sách đối với người thầy.
- Cải cách hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề.
- Thay đổi căn bản cung cách học và thi, xoá bỏ khổ dịch thi cử nặng nề, tốn kém mà kém hiệu quả
- Chuyển giáo dục ĐH theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ...


Mở đầu bản kiến nghị, ông viết:
"Từ lâu, giáo dục đã trở thành chỗ nghẽn lớn nhất trong sự phát triển của đất nước. Vì vậy cải cách giáo dục toàn diện và triệt để theo tinh thần các nghị quyết gần đây của Đảng là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Đã đến lúc không còn có thể tiếp tục kiểu đổi mới nửa vời, vụn vặt, chắp vá, không có hệ thống, đã kéo dài hàng chục năm qua".


GS phân tích:
"Ngày nay, sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, đã đến lúc chúng ta phải có sự lựa chọn: hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy, thực hiện bước ngoặc cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển.


Bản kiến nghị kết thúc với đề xuất:
"Biết rằng, trong hiện tình đất nước có vô vàn khó khăn, nhưng đây cũng là thời cơ để giáo dục có thể lột xác, từ một kiểu giáo dục nặng tính giáo điều, lạc hậu và lạc điệu với thời đại và thế giới, tiến lên một nền giáo dục khai sáng, lành mạnh, trung thực, hiện đại, phù hợp xu thế tiến hóa chung của nhân loại và đáp ứng lợi ích tối cao của đất nước.


3. GS Hoàng Tụy không bao giờ “tròn vo” vấn đề trước quan chức cấp cao để lấy lòng như nhiều bậc trí thức khác. Đã có không ít vị Bộ trưởng "đau đầu" về những phát ngôn gây sốc của ông. Bản thân tôi cũng đã từng có thời kỳ được phân công viết bài phản biện lại những phát ngôn gay gắt của GS phê phán những yếu kém, tồn dọng của ngành GD (và đã buộc phải "vo tròn" theo ý Bộ trưởng).


Ở vào khoảng năm 2015, khi có công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Việt Nam được xếp hạng thứ 12 trên thế giới, vượt qua các nước phát triển như Mỹ, Anh… trong bảng xếp hạng này. Thì GS Hoàng Tụy đã có bài phát biểu đi ngược lại những lời tung hô, ngợi ca của nhiều quan chức Bộ GD. Theo GS. Hoàng Tụy, nếu theo bảng xếp hạng và tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục của tổ chức OECD, thì “giáo dục Việt Nam đã được bỏ qua những cái … bê bết nhất, để nằm ở vị trí thứ 12 trên thế giới”, và GS đã chỉ ra: “Không thể dựa trên tiêu chí ấy để đánh giá chất lượng, và ngộ nhận rằng chất lượng giáo dục Việt Nam còn cao hơn cả giáo dục của các nước phát triển như Pháp, Mỹ. Bởi nếu xét toàn diện thì những tiêu chí như năng lực tư duy, năng lực hành động, xử lý, giải quyết các tình huống nảy sinh trong thực tiễn, hay các kĩ năng sống, năng lực cảm thụ, những cái đó học sinh Việt Nam chắc chắn thua xa”.


Ông thẳng thắn đưa ra lời khuyên: “Ngành giáo dục nên xem lại chất lượng của chính mình, chớ ảo tưởng vào kết quả của cách đó. Xếp hạng này là xếp hạng dưới góc độ hẹp. Đó là độ tiếp thu, nhận thức của học sinh về những hiểu biết môn Toán và môn Khoa học. Nó chỉ có tiêu chí như thế thì sự xếp hạng là chính xác, phù hợp. Nhưng có điều, đó là tiêu chí rất hẹp.”.
Một phát ngôn thật sự “gây sốc” của GS Hoàng Tụy khi nói về Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: "Thật nhục cho nền giáo dục và khoa học Việt Nam. Một bộ trưởng mà như thế, biết tự trọng thì nên từ chức“.


Tôi thật sự nể phục tầm vóc, khí phách của GS Hoàng Tụy. Nhân dân xứ Quảng có quyền tự hào về ông. 
Vào khoảng năm 2008 từng đến vùng quê Gò Nổi-Điện bàn viết phóng sự “Trên quê hương anh hùng và khoa bảng” trong đó có những dòng nói về GS Hàng Tụy. Nhưng giờ đây, mới thầy mình có lỗi nhiều với ông. Xin viết thêm những dòng này như là lời tạ lỗi trước anh linh của GS.

Nguyễn Thị Thúy Hồng 

Không có nhận xét nào: