Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2020

Bài hát “Đưa cơm cho mẹ đi cày”: Đạo ý thơ?




 - Bài hát “Đưa cơm cho mẹ đi cày” (của Hàn Ngọc Bích) đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ nhiếu nhi Việt Nam. Tình cờ chúng tôi biết được lời bài hát lại rất giống với ý bài thơ cùng tên của một tác giả khác.

Tác giả đó là nhà thơ Tô Xuân Lựu, người thôn Khánh Vân, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.
Chúng tôi đã tìm gặp nhà thơ Tô Xuân Lựu để tìm hiểu cho rõ ngọn ngành.

Ngồi trước mặt chúng tôi là một người đàn ông gầy gò, khắc khổ, mắt đã nhìn không còn rõ. Năm nay, nhà thơ Tô Xuân Lựu đã ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, cái tuổi được an hưởng tuổi già nhưng ông vẫn còn canh cánh một nỗi niềm trong ký ức năm xưa chưa biết tỏ cùng ai.
Khi biết chúng tôi tìm gặp với thắc mắc về sự “trùng hợp” tứ của bài hát và bài thơ “Đưa cơm cho mẹ đi cày”, như trút bỏ được gánh nặng trong lòng, nhà thơ Tô Xuân Lựu tâm sự: Lần đầu tiên nghe thấy bài hát “Đưa cơm cho mẹ đi cày” của Hàn Ngọc Bích trên Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi giật mình tự hỏi sao có bài hát lại giống ý bài thơ của mình đến thế.

Sau này, một lần, tôi nghe thấy chính nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích phát biểu trên Đài Truyền hình Việt Nam rằng bài hát “Đưa cơm cho mẹ đi cày” được ông sáng tác vào năm 1970, khi ông sơ tán về Hà Tây gặp các em thiếu nhi đi đưa cơm cho mẹ đi cày nên đã xúc động viết thành bài hát.

Trong khi đó, bài thơ của tôi lại được sáng tác năm 1969 để hưởng ứng phong trào phụ nữ ba đảm đang của tỉnh nhà và đã được đăng trên Tạp san Văn hóa Hà Tây năm 1969. Năm 1974, Ty Văn hóa có đăng lại bài thơ của tôi trong “Tuyển Hà Tây – Thơ 1965- 1972”.

Năm 2000, bài thơ cũng được đăng lại trong cuốn “Đảng với mùa xuân”. Kể tới đây, ông đưa cho chúng tôi xem 3 tập sách để làm bằng chứng cho những điều ông vừa nói.

Sau khi đọc lại bài thơ của mình một lần nữa, nhà thơ Tô Xuân Lựu nói: “Tôi cho rằng bài hát “Đưa cơm cho mẹ đi cày” của Hàn Ngọc Bích là phỏng theo ý bài thơ cùng tên của tôi”.
Theo nhà thơ Tô Xuân Lựu tuy lời bài hát có nhiều chỗ thay đổi  hoặc thêm lời mới ở đoạn 2 nhưng ở đoạn 1 về tứ là giống nhau.

Chẳng hạn như lời thơ là:
Rá cơm cắp nách
Đậy tàu lá dong
Em đi ra đồng
Đưa cơm cho mẹ.

Còn lời bài hát là:
Rá cơm trên tay
Em đi đưa cơm
Cho mẹ em đi cày.

Rõ nhất là đoạn cuối của bài thơ.

Lời thơ là:
Mẹ ơi, nghỉ đã
Ăn cơm cho no
Trâu con giữ cho
Gió đồng mát lắm.

Còn lời bài hát là:

Mẹ ơi, mẹ nghỉ tay
Trời trưa vừa tròn bóng
Mẹ ăn cơm cho nóng
Mẹ để trâu cho con chăn.

Trong đoạn này, Hàn Ngọc Bích có đưa thêm câu hát “Trời trưa vừa tròn bóng” lại thể hiện điều phi lý và xa rời thực tế đối với công việc đồng áng. Người nông dân đi cày từ rất sớm, 3- 4 giờ sáng nên chưa kịp ăn bữa sáng.
Đến khoảng 7- 8 giờ sáng là họ nghỉ để ăn cơm buổi thì (tức là bữa ăn sáng của người đi cày). Khi trời vừa tròn bóng (tức là buổi trưa) thì họ đã tháo cày để đi về nhà.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nhà thơ Tô Xuân Lựu và nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích cũng là chỗ quen biết. Nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích từng đề nghị nhà thơ Tô Xuân Lựu đưa một số bài thơ của mình cho ông để phổ nhạc. Một lần, nhà thơ Tô Xuân Lựu có đưa bài thơ “Đàn ngỗng nhỏ” cho nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích phổ nhạc nhưng bài hát đó không thành công.

Từ dạo đó đến nay, nhà thơ Tô Xuân Lựu cũng không lần nào gặp lại nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích để giãi bày những trăn trở, thắc mắc của mình về câu chuyện “trùng hợp” giữa bài hát và bài thơ “Đưa cơm cho mẹ đi cày”.

Chúng tôi muốn khép lại bài viết này bằng tâm sự của nhà thơ Tô Xuân Lựu: “Nếu anh Hàn Ngọc Bích ghi là phỏng theo thơ của tôi thì có phải là một nghĩa cử cao đẹp biết bao. Và tôi không phàn nàn gì. Tôi chỉ muốn làm rõ chuyện này vì rất có thể bạn bè tôi và mọi người cho rằng bài thơ của tôi lại là phỏng theo bài hát của anh Hàn Ngọc Bích”.

Nhạc sỹ Phú Quang:
Bài hát nảy từ ý thơ của người khác mà biến nó thành của mình thì không nên!
Trong nhiều bài hát của tôi chỉ có một câu thơ, một vài chữ hoặc một ý thơ nhưng tôi vẫn trân trọng đề tên nhà thơ và trả nhuận bút cho họ.
Tôi nghĩ trong các sáng tác ở Việt Nam thì nhà thơ là thiệt thòi nhất. Nhuận bút bài thơ đăng báo được vài chục đến một trăm ngàn đồng là quá ít ỏi mà mình lại lấy của họ nữa thì quá tàn nhẫn.
Nếu không trân trọng nhà thơ, tôi nghĩ với một chút chữ nghĩa như tôi thì hoàn toàn có thể thay đổi câu thơ của họ một cách dễ dàng và họ có muốn kiện cũng không thể kiện được.
Nhưng tôi thì không nỡ làm thế. Bởi từ chính câu thơ, ý thơ của họ, tôi xúc động viết thành bài hát mà sửa đi vài chữ để biến thành của mình thì thật xấu hổ với lương tâm.

Ví dụ trong bài hát của tôi chỉ có một câu thơ của Thái Thăng Long là: “Tưởng như đã quên rồi những cành bàng ngày xưa”.
Nếu khôn khéo, tôi có thể sửa thành: “Ngỡ đã quên rồi những gốc bàng ngày xưa” hoặc “Ngỡ đã quên rồi những gốc sấu ngày xưa” hoặc “Ngỡ đã quên rồi những phố cũ ngày xưa”…

Như thế thì chẳng còn là câu thơ của Thái Thăng Long và chẳng ai bắt bẻ được cả. Cũng như trong bài hát “Hà Nội ngày trở về” của tôi chỉ có 8 chữ của nhà thơ Doãn Thanh Tùng là “Vội vã trở về, vội vã ra đi”.
Nếu muốn tôi có thể sửa đi vài chữ. Nhưng tôi không nỡ làm như thế vì nếu không có 8 chữ ấy thì tôi không thể viết được bài hát đó. 

Tôi quan niệm rằng sự tôn trọng các nhà thơ là tôn trọng chính mình.
Trong sáng tác nghệ thuật, người ta cần phải trung thực. Còn mượn câu thơ, ý thơ mà sửa đi thì với tôi là quá đơn giản. Bài hát nảy từ ý thơ, câu thơ của người khác mà biến nó thành của mình thì thật xấu hổ. Khó nhất là tìm ra được cái tứ.
Tứ đã hay rồi mà dựa vào đó sửa đi một chút thì quá dễ, quá đơn giản, thậm chí còn hay hơn là cái tứ “gốc” của bài thơ.

Việt Hoa

Không có nhận xét nào: