Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

QUÃNG ĐỜI ẤM ÁP.

Ảnh minh họa: các cựu HSMN lớp 10G niên khóa 1965 - 1966 về thăm lại bà con nơi sơ tán tại thôn Tân Lập, Đông Triều.


(Truyện ngắn về HSMN)

Tôi và Siu Noi thành bạn thật bất ngờ. Một buổi tối tháng tám oi ả, khi tôi cố đưa đầu que gỗ có đóng đinh để khèo trộm su hào trong bếp tập thể thì một bàn tay cứng như sắt chụp xuống vai tôi. “Thế là hết. Nghỉ học, đi nắm than cải tạo ba tháng”. – Tôi vụt nghĩ.
        - Mày là thằng Trung thường bị cờ đỏ nêu tên vì bỏ giờ tự học phải không?
        -  Ngửng lên thì ra Siu Noi, sinh viên khoa Sử cùng trường. Tôi ấp úng:
        - Dạ … phải.
        - Giờ lại thêm nghề đạo chích nữa?     
      - Bọn em đói quá.
        - Không sao: đói ăn vụng, túng làm liều. Để tao giúp một tay.

   Anh “biểu diễn” thật đẹp mắt. Loáng một cái, hai củ su hào đã trong tay tôi. Trên đường về, anh hỏi: 
     - Mày có muốn nhập hội chúng tao không?
     Muốn
        - Vậy chiều mai đến chỗ tao nghe.
        - Dạ

  Chiều hôm sau tôi đến phòng tập thể khoa Sử. Siu Noi và bốn người nữa ở các khoa Toán, Sinh, Địa đã chờ sẵn. Họ ra hiệu cho tôi đi theo. Ra đến sân vận động trường Bổ túc Công nông, các anh rút từ trong túi ra mấy trái ngô non. Cả bọn tản đi vơ củi, rác. Nướng, ăn xong, Siu Noi bảo:
        - Mày chia tay ra

   Tôi đưa tay. Siu Noi giải thích: “ Nếu ở trong quê thì chúng ta đè ngửa mày ra mà cưa răng. Nhưng ở đây thì không cần. Vả lại, đấy là một tục lệ lạc hậu. Nhưng cũng phải có dấu hiệu gì, mình là người đàn ông rồi chớ. Vậy thì “xâm tay”. Nói, rồi Siu Noi rút ra cây kim khâu và một đoạn chỉ. Một người mài thỏi mực Tàu, còn anh quấn chỉ vào cây kim, chỉ chừa lại một đoạn ngắn chừng 1 li ở đầu nhọn của cây kim . Rồi không nói không rằng anh châm vào tay tôi những mũi kim rất đều vào da tôi. Nước tương nhờn nhờn chảy ra. Tôi cắn răng không hề kêu. Mọi người cũng im phăng phắc. Gần tiếng thì xong. Siu Noi bảo: “thằng này được”. Tôi mếu máo cười. Anh giải thích thêm: xăm chim, bướm, hoa, trái tim có mũi tên xuyên qua, rồng phượng, thậm chí con gái không mặc quần áo … đã lỗi thời rồi … Đây là núi H’Đung – đất tổ của người Gia Rai. Khi nào nước nhà thống nhất chúng mình về quê chơi. Quê tao có rượu ghè ngon lắm. Mỗi lần có lễ hội uống mấy trăm ghè một lúc, lại có nhà Rông bằng tre gỗ mà cao bằng nhà ba bốn tầng. Mọi người yêu thương nhau, thích công bằng và hiền như đất. “Hiền như đất, eo ơi! Cứ nhìn các anh đây …”. Tôi nửa tin nửa ngờ mà không dám cãi. Trước khi giải tán, Siu Noi bảo: Từ giờ hễ thằng nào kình với mày, hoặc nhìn mày lâu lâu thì mày bảo bọn tao”.
  Tối chủ nhật, vừa về tới cổng thì tôi nghe tiếng gọi:
        - Ê Trung, biểu mày !
        - Dạ
        - Mày đi đâu về?
        - Đi xem phim ngoài rạp
        - Lại bỏ tự học buổi tối à? Rồi anh thêm 
        - Mà phải, học gì cho lắm! Học văn chương mà cứ lụ khụ như mấy lão già, cuốn mình trong chăn, trong tháp ngà thì tao cuộc là chẳng khi nào khá nổi. Giờ mày đi đằng này với tao.
        Đi đâu anh Siu Noi?
        - Ra ga đón “Báo đen”, thế nào cũng có quà.

“Báo đen” … Trong giờ nghỉ giữa hai tiết sáng thứ Sáu vừa qua, có hai anh công an đến văn phòng Khoa đề nghị cho gặp Siu Noi. Vẻ lạnh lùng và quan trọng, họ hỏi “anh cho biết “Báo đen” là ai ? Siu Noi ngớ người. Chịu, không nghĩ nổi. Vòng vo tam quốc một hồi, họ chìa bức điện thư ra. – “Tối chủ nhật đón Báo đen lúc 22 giờ. Người nhận Siu Noi, K 18, khoa Sử, Đại học sư phạm”. Những nếp nhăn trên vầng trán của Siu Noi chợt dãn ra, anh reo lên hỏi: “Có phải điện đánh từ bưu điện Yên Thái ? Công an bảo “đúng vậy”. Siu Noi bảo “thế thì “Báo đen” đích thị là cái thằng trời đánh A Thia cùng lớp. Nó xin về phép cả tuần này”. 
   Vòng trong vòng ngoài những người tò mò, hiểu sự vỡ ra cười ầm lên. Hai đồng chí công an ra về, lẩm bẩm “thế mà cứ tưởng … dạo này gián điệp, biệt kích nhiều lắm đấy …” Lại rộ lên những tràng cười.

   Ra tới ga. Tàu chưa lên, hai anh em lượn một vòng. Rồi Siu Noi thọc mạnh tay vào túi:
    - Ta vào đây làm mỗi thằng một dĩa cơm!   
    - Anh mà cũng có tiền.
        - Ê! Khinh người vừa vừa thôi ông nội. Tao đá cho thụt chim bây giờ.

Không được một chén cơm, nhưng người ta trải những hột cơm ra cái đĩa Giang Tây rộng mênh mông và một lát đậu phụ rán. Đang ăn ngon lành thì có tiếng đàn bà la thất thanh:
       - Ối giời ôi! Trộm, trộm, bắt nó hộ tôi …

 Chưa đầy chớp mắt Siu Noi đã vọt ra, lẩn vào đám đông nhốn nháo, rồi cũng chỉ vài chớp mắt anh nắm tay lôi ra một thằng lỏi con, lôi xềnh xệt vào phòng trật tự ga. Rõ khổ! Thằng bé chỉ trạc mười hai, mười ba tuổi, áo quần rách rưới, tay cầm “tang vật” trên tay – một cái túi vải nâu sồng vá chằng vá đụp, mặt cắt không còn hột máu, vừa khóc vừa lạy như tế sao, cầu khẩn Siu Noi tha cho nó. Siu Noi quát “mày có tha cho ai đâu mà bảo bố mày tha cho mày. Vào đây. Đi lao động cải tạo cho tiệt cái giống ăn cắp”.

  Xong xuôi anh lại vào quán, vét nốt vài hạt cơm còn lại như không có chuyện gì xảy ra. Rồi anh dõng dạt:
       - Bà chủ quán đâu, trả tiền. Mỗi dĩa cơm hai đồng. Có hai đồng, còn thiếu hai đồng, ngày kia lãnh học bổng sẽ trả.

Bà chủ quán xởi lởi bất ngờ.

      - Thôi, tôi biếu anh em đấy. Cái công bắt kẻ trộm ấy mà.

    Mãi gần 12 giờ đêm tàu mới tới. Quà của A Thia là một con vịt Bắc Kinh gần ba ký. Về tới cư xá, Siu Noi cắt đặt người này tìm củi, người kia mượn nồi, người khác xin muối … Tôi đi lấy rau. Nước luộc vịt đem nấu canh rau muống. Hơn một giờ sáng mà tất cả những thứ ấy đã có cả đây (mọi người tìm đâu không biết, riêng tôi, tôi ra luống rau tăng gia của tổ ở ven hồ vặt trụi, được một bó to). Ba giờ sáng, nhóm năm tên đã giải quyết xong cả cái lẫn nước chú vịt Bắc Kinh. Siu Noi ngồi bên đống than đã vạc và lặng lẽ cuốn thuốc. Anh ngồi im như tượng nhà mồ. Mắt đăm đăm nhìn vào những hòn than, cứ có cơn gió lại đỏ lên hết mình. Siu Noi nhớ nhà đấy. Sau khi đã ở trong “hội’, chỉ một lần anh kể: quê anh mãi tận Cheo Reo, cha anh bị bắt đi lính cho Pháp, làm gác ngục, rồi được những người tù chính trị giác ngộ. Ông đi theo cách mạng, mẹ ở nhà là cơ sở của ta. Ngày giặc đốt làng … máu của mẹ và dân làng đổ thắm đất đỏ bazan.

Một tháng sau cán bộ về tìm gặp Siu Noi ở chòi rẫy…

   Ròng rã ba tháng đi bộ vượt Trường Sơn với tòng teng cái túi vải trên vai. Siu Noi, từ Thanh Hóa, Quế Lâm, Mễ Trì rồi vào học ĐHSP … Từng đánh công an vì họ săn bắt những thanh niên tóc dài, quần loe, từng đánh bộ đội vì họ chen lấn không chịu xếp hàng mua vé xe, từng bế bổng cụ già qua cửa ô tô vì người ta chen lấn ở cửa trước … Giờ Siu Noi ngồi đây, quê hương cháy trong lòng …

   Một hôm, năm sáu người ngồi ở đầu nhà để chờ đấu bóng chuyền tranh giải vô địch trường, Siu Noi bảo:
   Bây giờ thi ném. Đứa nào nào ném trúng cái kẻng bên kia được năm điếu thuốc cuốn Lạng sơn. Đứa nào ném không trúng tất nhiên phải đi mua. Trò chơi đang hào hứng thì thầy chủ nhiệm khoa đi qua. Ông nghiêm mặt, tay không chỉ vào cái kẻng đang đung đưa, mà chỉ vào cái khẩu hiệu bằng cót quét vôi trắng có dòng chữ màu đen phía sau. Cái khẩu hiệu quả đã bị trọng thương ... Vôi bong ra gần hết. Người đoán tài lắm cũng chỉ đọc được mấy chữ quen thuộc “ nhiệt liệt chào … ta!”.. Chúng tôi bị ghép vào tội “tư tưởng chính trị” và bị nêu tên dưới cờ sáng thứ hai.

  Tới giờ thi đấu, Siu Noi nói với tôi: “Khoa văn chúng mày chỉ được cái to mồm, nhất là đám con gái. Hôm nay mày bảo chúng nó dẹp bớt hò hét đi. Nếu không nghe, tao bỏ bùa thì cả đời đừng hòng khép miệng lại được nữa. Sẽ phải cười nói cả đời”. Không biết có thật không, nhưng tự kiểm điểm thì thấy tất cả các đội bóng thi đấu ở sân khoa Văn, đều thua, không phải do kỹ thuật mà do những cổ động viên già mồm. Tôi vâng lệnh, đi nói với bọn con gái. Quả nhiên trận ấy khoa Sử thắng khoa Văn 3 – 0. Tối, Siu Noi khao mọi người trong đội (và cả tôi) bữa cháo gà. Tôi hỏi “anh kiếm đâu mà tài thế”. Anh quát “ thì mày cứ ăn đi, người đâu mà lắm chuyện tò mò”. 
  Tôi cứ ăn, và sáng hôm sau mới biết, đàn gà sáu con mới nở của cô Nhạn dạy thể dục đã vĩnh viễn mồ côi mẹ. Trưa, Siu Noi bảo: “mỗi thằng ăn cháo gà nộp một đồng”. Tối, Siu Noi bảo tôi: “mày đem phong bì có mười đồng bên trong, nhét vào cửa phòng cô Nhạn”.

  Trên đây chỉ là vài ba trong hàng trăm câu chuyện của những năm sống chung vui vẻ giữa chúng tôi. Giải phóng miền Nam tháng 5 năm 1975, thì tháng tám năm ấy Siu Noi về Hà Nội, tới Ban Thống nhất Trung ương nằng nặc xin về quê. Vì anh nói, “thân xác đang ở đây nhưng lòng đã ở hẳn Cheo Reo rồi”.

 Tôi học một năm nữa thì tốt nghiệp. Một trong những lý do tôi xung phong vào Gia Lai – Kon Tum, có mong muốn gặp lại người bạn vong niên thuở trước. Và mười năm sau, mãi tới năm 1989, trong hội nghi tổng kết thi đua của ngành tôi đã gặp lại Siu Noi. Anh giờ làm hiệu trưởng trường PTCS Đăk Ui 3, về hội nghị báo cáo thành tích học song ngữ của học sinh dân tộc. 
  Hết buổi, vẫn cái bắt tay chặt như gọng kềm sắt, vẫn ánh mắt tin tưởng như mọi điều nhất định phải vậy, anh kéo tôi ra quán thịt cầy đường Nguyễn Du, hai người hai chai rượu, lộn xộn không đầu không cuối chuyện trên trời dưới đất. Tôi bảo: “sao giờ trông anh hiền thế, thú thực hồi trước bọn em cứ phát khiếp trước những chiến tích của các anh”. Siu Noi xi xóa:
   - Trẻ con ấy mà. Mà không, để bọn bay ăn thịt bọn tao à !

  Trời tối đã lâu, Siu Noi chợt trở nên im lặng rồi nói:
      -  Nhiều lúc nhớ quá. Trung à.
    -  Chắc anh nhớ chị Phượng ở lớp em, đẹp và hát hay nhất trường chứ gì ? Anh tỏ tình chi mà dễ sợ, đem dao găm cắm phập giữa bàn viết người ta …         - Bậy nào.

  Tôi đọc được trong ánh mắt anh, một người đang sống giữa quê hương, một nỗi buồn nhớ mênh mông xa vắng.  Y như cái lần ngồi bên bếp than giữa đêm đông trường Đại học nhớ về quê nhà. Còn bây giờ, ngay cả trong tôi cũng vậy, thành phố Thái Nguyên với ga tàu, cầu Gia Bảy, Đồng Bấm, chùa Hang, mỏ Bạch, đồi Sinh viên … Chúng thi nhau ùa cả dậy sống động, nao nức pha chút giận hờn, oán trách ví như bị người thân bỏ quên. Giọng Siu Noi trầm hẳn xuống, thiết tha.
    -  Bao giờ rồi, có tiền, chúng mình nhất định trở về thăm nơi ấy, phải không Trung !
Pleiku, ngày 24/02/1990
       Chữ Anh Đào

Không có nhận xét nào: