Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

TÒ MÒ CHUYỆN của THỦY




Số 12. VÌ SAO CHÍNH QUYỀN LẠI SỢ PHIM “CHUYỆN TỬ TẾ”?

Như số 11 đã nói, thấy ông Nguyễn Văn Linh tán thành phim “Hà Nội trong mắt ai” và bảo, anh nên làm tiếp tập 2, Thủy mừng vui và láu cá, đề ngay dưới tên phim “CHUYỆN TỬ TẾ” chữ “Tập 2 " . Thế là biến một phim đã làm nhưng chưa dám đưa duyệt, thành phim làm theo “chỉ đạo của Tổng bí thư”. Nhờ “vía” ông Linh, phim “Chuyện tử tế” và “Hà Nội trong mắt ai” được các tỉnh thành trên toàn quốc chiếu tưng bừng, phim tài liệu (lần đầu tiên trong lịch sử Điện Ảnh VN cho đến nay) bán vé đắt như tôm tươi, người ta chen nhau, xếp hàng, thu tiền rôm rả ... Riêng rạp THÁNG TÁM ở Hà Nội chiếu, bán vé liên tục hàng tháng trời.

Đến tháng 3/1988 tại Liên hoan phim Quốc gia Đà Nẵng, trong "Khí thế 'tạm cởi trói' cho Văn học - Nghệ thuật" phim “Hà Nội trong mắt ai” được Giải Vàng đặc biệt, giải Biên kịch suất sắc, giải Đạo diễn suất sắc, giải Quay phim suất sắc. Như một màn ảo thuật, từ một bộ phim "Chống Đảng"," Dạy Đảng cầm quyền", "Âm mưu..." bỗng trở thành minh tinh của màn bạc. Nhưng phim “Chuyện tử tế” bị lờ đi, không biết lệnh từ đâu, và Thủy vẫn bị an ninh theo dõi cả ở nhà riêng và khi di chuyển... Thủy nhớ lại: “Công an theo dõi từng bước đi, từng mối quan hệ của tôi”...


Nhưng các đại biểu quốc tế đã biết và rất quan tâm đến phim “Chuyện tử tế” lại thấy không được chiếu trong Liên hoan phim, nên thắc mắc. Vậy là họ đề nghị được xem phim này. Chủ nhà giở đủ trò với mọi lý do, nhưng trước đòi hỏi chính đáng của những nhà làm phim nổi tiếng của các nước XHCN có uy tín với Việt Nam, nên đành chiếu “Chuyện tử tế” cho khách xem. Các vị khách trầm trồ, đây mới là phim đáng xem và mời Đạo diễn Trần Văn Thủy đem phim này đến dự các Liên hoan phim quốc tế ... Trước mắt là Liên hoan phim Leipzig vào tháng 11/1988. Việc quốc tế quan tâm lại càng làm cho phim “Chuyện tử tế” bị kiểm soát chặt chẽ, không cho chiếu, không để lọt ra nước ngoài...
Tôi đọc hết nội dung phim, cứ nghĩ những chuyện như thế này, dưới thời Pháp thuộc, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng... viết đầy, có sao đâu? Vậy sao chính quyền “cách mạng” lại sợ hãi nhỉ? Họ SỢ cái gì? Thử nêu ra mấy lý do.
1. Họ sợ lộ ra mặt trái của xã hội
Tuyên truyền “Tốt khoe, Xấu che” là bản chất của chế độ này. Phim của “Nghệ sĩ cách mạng” là phải tô vẽ cho bộ mặt hiện thực thật đẹp và che đi cái xấu xa. Đằng này “Chuyện tử tế” lại đưa ra những hình ảnh tương phản giữa một bên là các quan chức xe hơi, thảm đỏ, hội họp tưng bừng và một bên là hình ảnh những người dân chen chúc xô đẩy nhau thục mạng lên tàu; những người lam lũ đóng gạch, đạp xích lô, buôn thúng bán mẹt... nhếch nhác, mà những người nhếch nhác ấy lại là những người TỬ TẾ... Đây là vài hình ảnh ví dụ:
- Người đàn ông đội chiếc mũ lá lụp sụp, đứng bên đường với cái xe đạp đeo 2 sọt rau 2 bên... Người quay phim trong nhóm của Thủy nhận ra người bán rau là Thầy Lê Văn Chiêu đã nhiều năm gắn bó với ngôi trường phổ thông Tô Hiệu, huyện Thường Tín. Ở đây thầy là một giáo viên dạy toán giỏi, chuyên luyện cho các em ở cuối cấp đi thi... Lương không đủ sống, nhưng Thầy không tìm cách “làm nghề gì ăn nghề ấy” để “ăn” của học sinh. Thầy là người tử tế, nên đi bán rau để kiếm thêm...
- Chuyện tình cờ, đoàn làm phim gặp anh xích lô, “mời anh lên màn ảnh”, rồi hỏi ra mới biết anh tên là Trần Thanh Hoài, cùng một thời với Thủy, vợ chồng anh có mặt ở chiến trường khu 5 ác liệt. Chị là bác sĩ, anh là chiến sĩ an ninh của khu ủy – Năm 1973, anh chuyển sang phái đoàn quân sự 4 bên. Và cuối cùng là vào chiến trường Tây Nam... Ừ! Con người ta sau khi làm tròn bổn phận với Tổ quốc thì cần phải kiếm sống, đừng có công thần và mặc cảm. Kiếm sống bằng chính sức lao động của mình là điều trong sạch lắm chứ...
- Ông già chữa xe đạp bên đường... ông Trần Xuân Tiến, theo ông về nhà tìm lại những kỷ niệm quý giá nhất của thời trai trẻ. (ông bầy ra la liệt các huân chương)... Ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Vào giải phóng thủ đô năm 1954. Có mặt trong đại đội chủ công sư 308 tiến công đầu tiên vào cứ điểm Khe Sanh. Được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt xe cơ giới - 8 lần bị thương... Nay tuổi đã cao. Ông vẫn phải ra đầu đường bơm, vá xe đạp để kiếm sống...
Thực ra hồi đó các cựu chiến binh phải bươn chải kiếm sống, coi như thân phận của mình, dù cay đắng. Hà Nội đã có câu: “Đầu đường Thiếu tá bơm xe, giữa đường Trung tá bán chè đỗ đen, cuối đường Đại tá bán kem/ Xem ra cấp tá chẳng hèn lắm đâu”!
Nhìn những cảnh đó, nghe lời bình, thật chua xót: “Tất nhiên, chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, mà chăm lo riêng cho bộ da của mình.” Đó là lời của Karl Marx ông Tổ của chủ nghĩa CS...
Thực ra “Chuyện tử tế” chưa nói được 1 phần triệu những nghịch cảnh. Nhưng những hình ảnh tương phản, những lời bình bình sâu cay...Trúng vào tim đen, thế mới “đểu”!
2. Họ sợ “Chuyện tử tế” thức tỉnh lương tri con người
- Câu chuyện và hình ảnh cảm động của người đồng nghiệp – anh Đồng Xuân Thuyết, bị ung thư, sắp ra đi, các bạn hỏi có trăng trối gì không, anh nói: “Dối dăng” thì tớ sợ nhiều việc rồi các cậu cũng quên đi mất - Mấy ngày nay tớ cứ nghĩ là các cậu nên làm với nhau một cái gì đó - Một cái gì đó bắt đầu từ tình thương yêu con người, đi từ nỗi đau của con người chẳng hạn.”... Rồi đám ma của anh Thuyết... “Có người cứ nói bừa rằng: Chết là hết. Nhưng thực ra, chết và con đường đi đến cái chết cũng nhiều chuyện lắm. Ví như trong đám có giọng thành kính xót thương: “Tiếc thay, ông ta là một người ăn ở tử tế” hoặc bật ra “Hừm, đáng đời cái lão chúa xu thời.”... (Hồi đó chưa rõ mặt đám quan tham “sâu”, “chuột”...).
- Hình ảnh mấy người lam lũ bên lò gạch. Ông chủ lò thấy Đoàn làm phim liền đuổi te tua: “... Xin các ông đi chỗ khác cho chúng tôi nhờ. Không có quay quắt gì ở cái lò gạch của tôi sất cả! Chán cái đám phim ảnh các ông lắm rồi – Có giỏi thì cứ chụp cái chúng tôi sống thật như thế nào đi! Cứ bầy đặt ra mãi như thế mà không thấy ngượng hả? Không thấy ngượng hả?”..
- “Nhân Dân! Hai tiếng thật thiêng liêng - Chẳng thế mà Nhân Dân có mặt ở khắp nơi. Về văn hóa thì có: Nghệ sĩ Nhân Dân, hiệu sách Nhân Dân, giáo viên Nhân Dân, nhà hát Nhân Dân, báo Nhân Dân - Ở những có quan nghiêm mật thì có: Hội đồng Nhân Dân, Ủy ban Nhân Dân, Tòa án Nhân Dân, Viện kiểm sát Nhân Dân, Công an Nhân Dân, Quân đội Nhân Dân” ...
- “Một thời, chúng ta đã có những lời ca về Nhân Dân thực sự xúc động lòng người: Vì Nhân Dân quên mình, vì Nhân Dân hy sinh, anh em ơi, vì Nhân Dân quên mình”...
- “Nhiều khẩu hiệu đã trở thành tâm niệm của một lớp người: Phục vụ Nhân Dân, đầy tớ Nhân Dân và cao hơn nữa là Hiếu với Dân. Còn như, đạt tới sự hiếu thảo với Dân thì ý nghĩa và nhân quả của nó còn to lớn hơn nhiều... Cụ Hồ có căn dặn rằng: “...Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đầy tớ của Nhân Dân Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của Nhân Dân mà ra - Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho Nhân Dân”.“Vâng! Không thể là một việc dễ dàng gì, nhất là khi ta không sống cuộc sống của người đời. Chỉ có sống cuộc sống của người đời, chia sẻ những nỗi buồn và niềm vui của người đời, thì may ra mới tìm được, hiểu được, nghĩ được và làm đúng được đôi điều”.
- Lạ nhỉ, khi chúng ta chưa có chính quyền trong tay, thì nhân vật của văn nghệ chủ yếu là những người nghèo khổ: Một bác phu xe, một em bé bán báo, một bé đi ở, một bà mẹ nghèo, một tiếng rao đêm. Ngày nay, khi quyền hành đã về một mối, thì những người nghèo khổ, bất hạnh trong văn nghệ bỗng dưng biến mất. Ăn ở với nhau như vậy, không được tử tế cho lắm mà còn...đáng sợ !
- Người biên tập bộ phim này cho hay: Từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng:
Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của Quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bực và chỉ hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn.
Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người – Người tử tế, trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm...
Vậy ra, nghĩ cho đến cùng, ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì, và cũng không có một con người nào trở nên tử tế nếu không bắt đầu từ tình thương yêu con người,sự trân trọng đối với con người và đi từ nỗi đau của con người...
Từng hình ảnh, từng lời bình như thế cứ xoáy vào tim óc người xem, thì ai có ù lì đầu óc cũng phải cựa quậy, nghĩ suy... Thế là chính quyền lo hãi, có gì đâu!
3. Họ sợ nhân dân ngưỡng mộ những “đối tượng” tử tế...ngoài luồng
Tuyên huấn của Đảng luôn phải “xây dựng gương điển hình” là đảng viên, đoàn viên, hội viên... để tuyên truyền. “Chuyện tử tế” lại nêu những tấm gương “ngoài luồng”. Có 2 câu chuyện xúc động mang giá trị nhân loại, lại chính là chuyện liên quan đến những người HỦI (bệnh Cùi/ Phong).
Chuyện thứ nhất nói về người phụ nữ bị bệnh hủi, chồng bỏ đi biệt xứ; chị phải sống trốn lủi, tránh sự kỳ thị của người đời. Thằng bé con chị, tên Tú Anh, nhưng sống với bà ngoại trong túp lều, bà gọi là Thằng Chiền. Người mẹ hủi ấy nghĩ, Tú Anh phải có một nếp nhà trước khi mẹ nó qua đời...
Và cảnh Phim négatif vời lời bình làm xúc động bao con tim:
“Vậy là, đêm đêm chị lần về, bằng hai bàn tay cùi cụt, co quắp, không đủ ngón đốt, đã đóng một vạn tám ngàn viên gạch. Hỡi những người lành mạnh và tử tế! Một vạn tám ngàn viên gạch - Đêm - Lạnh buốt và đau đớn. Khi ngôi nhà đã dần hình thành, mẹ thằng Chiền - một người hủi còn có ước vọng rất thơ mộng là viết để lại cho con những dòng thơ tâm sự. Sổ thơ của người hủi có cả ảnh và thơ của Blốc.
Chữ viết của người hủi có bao giờ thẳng hàng:
Túp lều nát rùng mình trong gió rét
Chiếc nôi nghèo run rẩy giữa đêm đông
Bố bỏ đi biệt xứ chẳng một lời
Thế là hết, chẳng còn ai chăm sóc con ư?
Tội nghiệp cho Tú Anh cái tên trong sáng
Như chim non bé bỏng mồ côi
Mẹ nghĩ: phải gắng sống, sống vì con
Gắng làm cho con một nếp nhà xinh
Đó là nếp nhà mẹ chịu nắng sương
Chịu cái rét giá của đêm dài cô quạnh...
(Hai mẹ con)
Tạo hóa bao giờ cũng có nhân, có quả - mẹ thằng Chiền đã được các thầy thuốc tận tình cứu chữa và đã qua khỏi. Nhiều lần dắt con đi bên bờ sông Trà Lý, nhắc đến tên các thầy thuốc chạy chữa cho mình, chị đã khóc”...
Hình ảnh Một thầy thuốc: “...Nhiều đồng nghiệp của tôi và tôi nghĩ ngợi: Thế là mình đã dành gần trọn cuộc đời cho nghề thầy thuốc –Trải qua một thời gian dài, rất dài, chúng tôi mới chiêm nghiệm ra một điều rằng: Để thấu hiểu nỗi đau của con người không phải là một việc dễ dàng gì”.
Câu chuyện thứ 2, vào thời điểm làm bộ phim này, khi chứng kiến những nữ tu tận tình chăm sóc người bệnh phong ở trại phong Qui Hòa, Thủy rất xúc động. Anh nhớ lại: “Mấy năm đó, một loạt trại phong trại hủi vẫn là những chỗ chữa bệnh từ thiện. Những cán bộ nhà nước vào làm việc ở đấy phần nhiều là bất đắc dĩ. May mắn là ông giám đốc trại phong Qui Hòa vào thời điểm quay bộ phim “Chuyện Tử Tế” nay vẫn còn sống, ông tên là Trần Hữu Ngoạn, nhà ở ngay đầu chợ Bưởi, gần nhà tôi. Ông như một ông thánh vậy, tốt bụng đến lạ lùng. Ông chính là hiện thân của một người tử tế. Nhờ ông, chúng tôi mới được vào trại phong Qui Hòa để quay phim, được chứng kiến đời sống thật của các nữ tu. Trong phòng của các bà sơ không có bất kỳ cái gì ngoài cái giường, bề rộng 80cm bề dài 1m8, và một bộ quần áo tu treo trên cái đinh”.
“Và họ sống bất hợp pháp! Không có hộ khẩu, họ trốn chui trốn lủi từ một nhà thờ nào đó đến trại từ thiện để được phục vụ những người mắc bệnh phong! Họ phải làm vụng trộm vì không được phép. Khi còn làm thủ tướng, ông Phan Văn Khải đã từng nói chuyện với những người có chức quyền của giáo hội rằng, trong cộng đồng giáo dân, tệ nạn xã hội ít hơn so với bên ngoài. Ít nghiện ngập, trộm cắp, chụp giật, lừa đảo hơn vì con người ta biết sợ dù rằng cái sợ cũng chỉ là vu vơ, không thể giải thích tường tận được. Một xã hội gồm những con người vô đạo, không biết sợ cái gì, không biết tin vào cái gì là một xã hội cực kỳ nguy hiểm”...
Đến như Napoléon vào cuối đời đã phải thốt lên rằng: “Một dân tộc phi tôn giáo thì chỉ có cai trị bằng súng đạn”. Mà cai trị bằng súng đạn có nghĩa là không yên!
(Tất nhiên đó phải là Chính Đạo, chứ TÀ đạo thì xã hội càng rối loạn hơn).
4. Tóm lại, chính quyền coi tuyên truyền “tốt khoe, xấu che” là nguyên tắc sống còn, nên họ rất sợ “Chuyện tử tế” phanh phui, phơi bầy những chuyện không tử tế do chế độ gây ra. Khi mới giành chính quyền, họ đổ thừa những tệ nạn đó là do “tàn dư của chế độ cũ”, nhưng đã cầm quyền mấy mươi năm thì rõ là do TA... Họ càng sợ “Chuyện tử tế” thức tỉnh lương tri, người dân bừng hiểu thế nào là tử tế? Ai là người tử tế, ai là kẻ đạo đức giả? Họ sợ “Chuyện tử tế” “rửa mắt” cho dân để nhìn rõ bản chất thái độ đối xử, việc làm chăm sóc người dân, nhất là những người khốn khó, chứ không phải là những lời hô hào rỗng tuếch, những trò diễn thô thiển... Cái mà chính quyền muốn che giấu, xóa nhòa trắng đen, thì “Chuyện tử tế” cứ vạch toanh hoanh, tô hô ra và nói toáng lên... “Đểu” thế!
("Chuyện nghề của Thủy", từ trang 183 đến 228)
Chú thích ảnh: 1.  Cựu chiến binh Trần Xuân Tiến bơm xe. 2. Người Mẹ hủi đóng gạch đêm đông.
25/7/2019
Mạc Văn Trang


“Chuyện tử tế” 1982 Đạo diễn Trần Văn Thủy:


Không có nhận xét nào: