Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

BA NGƯỜI BẠN LÍNH


Buồn, nhưng cứ phải nói ra, cứ phải viết lại, nếu không cho đến lúc già quá rồi vẫn không hết cắn cứa trong lòng. Đã là bạn của nhau mà không có cách gì, ít ra là gặp lại nhau mà hỏi han xem bạn mình đã sống ra sao trong ngần ấy năm trời sau cuộc chiến tranh mất còn. Ấy là tôi nói với bạn của tôi. Bạn lính.
Giống như những người lính trở về từ chiến trường chống Mỹ. Tôi cũng nằm trong số những cựu chiến binh hay xúc động vặt. Mỗi chuyến đi công tác, đi du lịch, hay vì lí do gì đấy mà qua miền trung, miền nam tới đâu là lũ trẻ chỉ ào đi kiếm chỗ nhậu, chỗ vui, đàn bà thì tìm mua đặc sản còn mình cứ lang thang mơ mẩn tìm về trận địa cũ , tên người tên làng cũ.
Có chiều trên đường vào Tây nguyên, nhìn hoa cúc Quỳ vàng xuộm ven đường, nhờ chú lái xe dừng lại, bẻ cành hoa rừng hắc mù cầm lên xe nước mắt cứ ứa ra, lũ trẻ cười ồ lên vì anh già lẩm cẩm. Trách làm sao được họ. Buồn vui là quyền của mỗi người. Họ vui mà mình buồn cũng là có lỗi cho cả đoàn. Vì thế, già rồi, có buồn ra chỗ khác mà suy tư. Ở đây còn ối chuyện khác phải bàn. Chuyện chứng khoán, sàn này sàn nọ, cổ phiếu cuả thằng nào mấy chấm. Dự án thằng nào được cấp vốn thằng nào chưa được cấp …
Mấy người bạn tôi mà tôi kể dưới đây không biết bây giờ có hiểu chứng khoán là gì không ? Mà nếu có hiểu thì có làm được gì không ? Chắc khó lắm. Ba khoán ngày xưa đã khó, đến khoán mười đã vất vả trầy vẩy thì những người lính như các anh làm chuyện chứng khoán cũng tội nghiệp lắm.
***
Ngưòi thứ nhất:
Anh ấy tên KIM BẰNG. Một cái tên nghe cũng nghệ sỹ. Mà quả thật anh ấy nhiều tài. Nguyên là thợ bậc 4 máy nổ nhà máy điện vùng cao nhập ngũ cùng chúng tôi một ngày. Ấy là vào những ngày ác liệt của năm 72. Tiểu đoàn tôi gồm sinh viên, giáo viên và cán bộ vùng gang thép. Chỉ sau mười ngày tập trung, tiểu đoàn tổ chức văn nghệ liên kết thi đua với địa phương. Đêm ấy anh Kim Bằng hát hay thế. Anh như nghê sỹ thật ấy chứ. Về sau, khi có lần hát trong hội diễn sư đoàn ở Tây nguyên tôi vẫn thấy anh hút hồn tôi bằng cái âm hưởng của người dân tộc vùng cao phía bắc, mà đã là chất dân tộc thì nó ngấm sâu và lâu lắm. Lạ, anh ấy 30 tuổi mà trông vẫn trẻ, lại là người xung phong nhập ngũ chứ không giống như tôi, tôi đi theo tiêu chuẩn gia đình chưa có ai nhập ngũ. Anh thì lớn tuổi, có người em đã đi B. Anh cười : Ai chả phải đi, đến chúng mày sắp tốt nghiệp Đại học còn đi nữa là tao.
Ba tháng huấn luyện xong. Đêm chuẩn bị bắn đạn thật ở núi Hanh Phú Bình tôi và anh cùng đi gác trận địa. Đêm ấy mắc võng trên rừng bạch đàn gần anh. Tháng 11 heo may nhè nhẹ. Trời nhiều sao và sâu hun hút. Các nhà văn cứ bảo trời cao vút, nhưng chắc chưa có ông nào nằm ngửa giữa rừng nhìn trời vào ban đêm như cánh lính thời trận mạc chúng tôi. Theo lính thì trời sâu hun hút chứ chẳng anh nào nói là trời cao vút cả. Đêm ấy anh Bằng bảo với tôi thế.
Bốn cái võng cứ chùng xuống căng lên theo nhịp những chuyện đông chuyện tây, theo lập loè tàn thuốc. Ai cũng kể về quê, về mẹ cha, về lớp cũ. Anh Bằng nằm yên. Anh gợi chuyện mọi người còn anh thì không tham gia. Cứ im lặng, cứ thở dài. Khuya lắm, tự dưng anh ấy hát. Kì lạ không? Anh ấy hát “Trước ngày hội bắn”. Không ai lên tiếng. Rừng lặng im. Trời cũng lặng im, lành lạnh. Rồi anh ấy khóc. Sợ lắm. Hồi ấy anh ấy già hơn cả. Người già khóc sợ lắm. Nó cứ lờ lợ, đùng đục cả tâm hồn. Chúng tôi im, chúng tôi không dám hỏi gì nữa.
Hai tháng sau. Chúng tôi hành quân đến sông Bạc. Đêm ấy trăng sáng như ngọc đổ. Tiểu đoàn trú quân ở bãi khách gần sông . Cánh lính cơ quan cũng tỏ ra nghệ sỹ, tụ tập nhau ra bờ sông nằm trên đá nhìn trời , nhớ về miền bắc bất chấp kỉ luật của binh trạm. Và, đêm trăng bên bờ sông Bạc ấy chúng tôi nghe anh kể chuyện về mình.
Sinh ở Nam Hà, hoc trung cấp cơ điện rồi về làm thợ máy nổ ở nhà máy. Đẹp trai, hát hay, vẽ tài. Anh luôn là tâm điểm chú ý của các cô gái thợ trong nhà máy xứ Thái này. Nhưng anh phải lòng cô gái người dân tộc, cháu ông Giám đốc. Cô y tá mắt dài như lá bạch đàn, hát cũng hay mà múa cũng cừ. Gặp nhau, trai tài gái sắc, thế là nên vợ nên chồng. Có con rồi, họ vẫn là cặp song ca chính của nhà máy. Ai mà chả thầm ghen, thầm ước được như vợ chồng Kim Bằng. Cứ mỗi lần xem vợ chồng Kim Bằng song ca trước ngày hội bắn lũ thanh niên trẻ nuốt nước bọt, cổ họng chạy lên chạy xuống. Nghề của anh trực máy nổ, nên hay đi ca 3.
Một đêm vừa đi làm, trời sắp đổ mưa to. Nhờ người trực chạy quay về lấy áo mưa. Gọi mãi, đẩy mạnh cửa vào Bằng gặp ngay cảnh tượng hãi hùng. Một chàng thanh niên bò trên giường vợ mình nhẩy xuống. Anh Bằng nhận ra chàng y sĩ nhà máy và kịp tống vào quai hàm kẻ tình địch đòn trời giáng. Thằng ấy không đổ, chạy mất. Đêm ấy anh Bằng xụp đổ. Những ngày sau càng sụp đổ hơn, vì vợ anh không những không sợ mà còn thách thức anh, nếu anh bỏ cô ta anh sẽ bị nghỉ việc. Uất ức hơn nữa, chính giám đốc nhà máy gọi anh lên đánh tiếng doạ dẫm, không được làm ảnh hưởng tới uy tín đảng viên, vì anh y sĩ nọ là đảng viên, còn Bằng thì vẫn đang là quần chúng. Vậy ra, anh chẳng là gì hết, không có quyền giữ được vợ vì anh chưa phải là người “đồng chí ”, anh không phải là cán bộ.
Suốt mấy tháng trời, nghẹn ngào nhìn kẻ tình địch hằn học mà không làm gì được. Sống trằn trọc trong ý nghĩ mình vẫn chưa phải là cán bộ, đảng viên thì không trả thù được kẻ xấu kia. Và, anh quyết tâm phải phấn đấu trở thành đảng viên, phải trở thành cán bộ, để trả thù. Anh xung phong nhập ngũ. Con đường nguy hiểm nhưng cũng nhanh nhất để trưởng thành, để trở về nơi anh nung nấu sự đời. Con sông Bạc về đêm chảy vắt vẻo trên từng vạt đá, trăng cuối năm leo lẻo trong. Vài chùm pháo sáng ẻo lả như mảnh sao sa cuối trời nhạt nhẽo. Nằm nghe anh kể mà cái lạnh cứ chạy từ sương sống dần lên đỉnh đầu. Chao ôi, anh ấy liều thế ư ? Thảo nào anh ấy phấn đấu như điên, chỉ còn biết dồn sức cho ý nghĩ duy nhất, phải nhanh được vào chiến đấu, phải trở thành dũng sĩ, phải lập được chiến công.
Nguyễn Trọng Luân (cựu binh sư 320 Trường Sơn)
(còn nữa)

Không có nhận xét nào: