Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

EM ĐÀN BÀ



Cách đây tám chín năm, thời chụp ảnh bằng điện thoại đi động chưa phổ biến như bây giờ, lão Hâm thường mang theo chiếc máy ảnh nhỏ gọn thích gì chụp nấy. Gặp gỡ giao lưu bạn bè có vài cái ảnh kỷ niệm cũng vui.

Với người mới quen lão xin địa chỉ mail hoặc kết bạn Facebook để gửi ảnh. Lão quen cô bé Hoài cũng tương tự, sau buổi nhóm bạn rủ nhau đi xem kịch ở Nhà hát lớn. Hoài là cháu một chị bạn, cô bé chở dì mình đi.

Hoài thuộc loại không ăn ảnh. Thường con gái tuổi sắp tốt nghiệp đại học như Hoài rất dễ chụp. Các bạn ấy đã hết trẻ con nhưng chưa là người lớn, cơ thể nhìn góc nào cũng đẹp. Vậy mà lão Hâm chụp Hoài năm sáu kiểu chỉ được một kiểu. Dù chỉ một kiểu mà Hoài cũng rất cảm ơn, nhắn bác chụp đẹp thế, từ trước đến nay cháu chụp ảnh xấu lắm.

Bẵng một thời gian, lão Hâm không còn nhớ cô sinh viên năm cuối với mái tóc dài lạc mốt mình từng chụp ảnh thì bỗng Hoài nhắn tin: “Cháu có một việc quan trọng muốn hỏi bác, mong bác cho phép!”

Lão Hâm không trả lời ngay, chưa rõ một cô gái trẻ không hề quen thân lại có chuyện gì quan trọng nói với mình. Vay mượn tiền thì chắc là không rồi. Vậy là việc gì?


Nửa giờ sau, như đoán ra sự phân vân của lão Hâm, Hoài nhắn tiếp: “Bác là người từng trải, hiểu biết nên cháu muốn bác tư vấn chuyện tình cảm của cháu.”
Lão vẫn chưa trả lời, cần cân nhắc cẩn thận. Có những chuyện riêng tư ta không chia sẻ được với bố mẹ anh em nhưng sẵn sàng trải lòng với một người xa lạ nào đó số phận sắp đặt đi cùng ta trên một chuyến tàu. Điều này có thể hiểu. Nhưng vì sao Hoài lại chọn lão làm người tâm sự chứ không phải ai khác?

Cũng may là chỉ chát trên Messenger chứ ngồi đối diện với người không thân thiết mà lại trải lòng với mình thì lão sẽ rất lúng túng.

Chắc Hoài cũng nghĩ vậy. Có thể cô bé rơi vào trạng thái vô vọng nên vơ quàng vơ xiên tìm người dãi bày kiểu chết đuối vớ được cọc?

Lão quyết định mở máy tính:
 ⁃ Chào cháu, bác rảnh rồi, cháu có rảnh thì ta nói chuyện?
 ⁃ Vâng ạ, cảm ơn bác. Bác đã ăn tối chưa?
 ⁃ Bác ăn rồi. Bố mẹ cháu có khỏe không?
 ⁃ Bố mẹ cháu ở Hải Dương, cháu lên Hà Nội học ở nhà dì cháu.
 ⁃ Năm nay cháu ra trường nhỉ, đã có hướng xin việc vào đâu chưa?
 ⁃ Cháu học sư phạm, chắc sẽ về quê xin việc thôi.
 ⁃ Cháu có chuyện gì muốn nói với bác?

Im lặng mấy phút, hình như Hoài đang cố lấy can đảm:
 ⁃ Cháu nghĩ bác sẽ không chê cười cháu như những người khác...
 ⁃ Không, bác có tư cách gì để chê cười cháu?
 ⁃ Ai cũng sẽ chê cười.

Lại im lặng một lúc, có thể do mạng chậm.
 ⁃ Cháu đang yêu.
 ⁃ Chuyện bình thường ở tuổi cháu.
 ⁃ Không bình thường vì người đó lớn tuổi rồi.
 ⁃ Lớn bao nhiêu?
 ⁃ Bằng... bác!

Ôi trời, lão Hâm giật mình. Bằng tuổi lão ai mà yêu! Lão cẩn thận hỏi để loại mình ra khỏi cuộc chiến:
 ⁃ Bác có biết người đó không?
 ⁃ Có, người đó là bạn dì cháu, cùng đi xem kịch Nhà hát lớn hôm có bác.
 ⁃ Nhiếp ảnh gia Tuấn?
 ⁃ Không phải, nhạc sĩ Đại.

Ông Đại người cao, đẹp trai, vợ chết cả chục năm nay ông không lấy ai. Con út ông ta còn nhiều tuổi hơn Hoài. Lão Hâm không hỏi nữa, để cô bé tự kể.
 ⁃ Cháu yêu ông ấy từ cái nhìn đầu tiên, hôm ông ấy đến thăm dì cháu. Ông ấy đối xử với cháu như con, không hề biết cháu yêu...
Đôi khi có cô gái trẻ yêu ông già, hầu hết là do vị thế hoặc gia thế, gia tài ông ta. Chẳng nhẽ Hoài nhòm ngó căn nhà ba tầng của nhạc sĩ Đại? Nghĩ thế xong lão Hâm tự thấy ngượng với chính mình.

 ⁃ Cháu yêu ông ấy, chỉ cần ông ấy cười với cháu là cháu vui cả tuần. Nhiều tháng không gặp, cháu chỉ mong có dịp nhìn thấy nụ cười đó.
 ⁃ Bác hiểu, bác thông cảm với cháu. Nhưng bác ấy quá già, không thể mang lại hạnh phúc vợ chồng cho ai nữa nên bác ấy mới không lấy vợ.
 ⁃ Cháu biết, nhưng cháu chỉ cần sống bên cạnh ông ấy là đủ. Được chăm sóc, được nấu cơm cho ông ấy ăn, được lo khi ông ấy đau ốm đối với cháu là rất đủ.

Thật khó tin ở thế kỷ 21 còn có kiểu yêu trên mức tiểu thuyết như vậy!
 ⁃ Bác có thể làm gì giúp cháu?
 ⁃ Bác nghe cháu nói là bác đang giúp rồi. Cháu phải nói ra những gì chất chứa trong lòng...
 ⁃ Bác hiểu. Bác còn hiểu một điều nữa là cái cháu đang gọi là tình yêu thực ra chưa phải tình yêu. Nói nặng lên thì đó là sự ngộ nhận.
 ⁃ ???
 ⁃ Cháu ngưỡng mộ tài năng của người đàn ông thành đạt trong lĩnh vực của ông ta. Cháu thương xót ông ta không hạnh phúc vì vợ chết sớm. Trái tim đàn bà đa cảm của cháu muốn bù đắp tất cả cho ông ta. Cháu sẵn sàng hy sinh tuổi xuân của cháu cho người cháu nghĩ là cháu yêu.
 ⁃ Cháu yêu thật mà.
 ⁃ Bác biết tình yêu luôn bất ngờ và khó hiểu. Cháu chưa sống với bác Đại, sống rồi cháu sẽ thấy nhạc sĩ không hề du dương đằm thắm như những bài hát của ông ta. Ông ngủ chảy giãi như trẻ con, đêm mấy lần dậy đi tiểu và luôn đi tìm hàm răng giả trước khi ăn. Cháu chưa biết mấy chuyện đó.

Bên kia im lặng hồi lâu rồi tiếp:
 ⁃ Vậy bác khuyên gì cháu?
 ⁃ Bác không khuyên gì cả. Cái không phải là tình yêu thì sẽ tự mất đi như khi nó đến.
 ⁃ Cháu có nên nói với ông Đại là cháu yêu ông ấy không?
 ⁃ Tuỳ cháu, nhưng bác biết câu trả lời của ông ấy.
 ⁃ Là...
 ⁃ Là tôi rất xúc động trước tình cảm của em, tôi sẽ viết một bài hát về em, cho em.
 ⁃ Chỉ thế thôi ư?
 ⁃ Chỉ thế thôi vì ông ta yêu quý cháu như con chứ không hề yêu quý cháu như một người đàn bà nói chung.

Im lặng khoảng 15 phút.
 ⁃ Cháu đang khóc ...
 ⁃ Bác cũng đoán là cháu khóc. Khóc được là tốt.
 ⁃ Cháu cảm ơn bác đã dành thời gian cho cháu. Bác nói rất thật suy nghĩ của mình. Cháu đã đúng khi chọn bác để tâm sự.

Tốt nghiệp ra trường, trước khi về quê Hoài có nhắn tin chào lão Hâm.

Ba năm sau, cả nhóm bạn từng đi xem Nhà hát lớn kéo nhau về Hải Dương dự đám cưới cô giáo Hoài. Cô dâu làm tóc rất mốt, đẹp rạng ngời khác hẳn cô bé Hoài không ăn ảnh ngày xưa.

Thỉnh thoảng Hoài chát với lão Hâm, hỏi thăm sức khỏe và kể chuyện gia đình, công việc. Không một lần nhắc đến nhạc sĩ Đại.
Năm nay Hoài có đứa con trai gần 5 tuổi, nhìn ảnh rất giống Hoài. Mừng cho cô bé.

Hôm qua lão Hâm nhận được thùng quà Hoài gửi từ Hải Dương lên gồm 4 chai mật ong nhãn và mấy cân nghệ cùng bức thư ngắn: “Cháu biếu bác một chai mật ong, còn lại nhờ bác chuyển giúp cháu cho bác Đại. Mật ong nhào nghệ chữa dạ dày rất tốt. Cháu cảm ơn bác!”

Vậy là bao nhiêu năm nay Hoài vẫn quan tâm theo dõi ông nhạc sĩ, biết cả chuyện ông ấy đang đau dạ dày.

Đừng ai cố hiểu đàn bà, họ không dễ hiểu như chúng ta tưởng.

Nhân tiện đăng bức ảnh lão Hâm đang lúng túng.

Không có nhận xét nào: