Vào
chiến trường Tây Nguyên, tôi và anh lại được về cùng trung đoàn. Đợt ấy,
những giáo viên phổ thông, những thợ máy được bố trí về những đơn vị trực thuộc. Anh Bằng thì không, anh xin về bộ binh. Về Tiểu đoàn7, rồi lại xin về đại
đội chủ công. Khỏ phải nói đến những nỗi vất vả của đai đội chủ công bấy giờ. Chốt giữ, phục kích, đánh giao thông, đánh cứ điểm. Cứ chỗ nào ác liệt là chủ
công có mặt. Mà anh Bằng là tiểu đội trưởng mũi nhọn. Những tháng ngày sau kí
kết 1973, kẻ địch thường xuyên phá hoại hiệp định bằng những cuộc hành quân lấn
chiếm. Tiểu đoàn 7 là tiểu đoàn liên tục tác chiến. Mùa mưa Tây nguyên sao mà
khủng khiếp thế. Đánh trận cũng khổ mà ở chốt cũng cực. Đến anh nào yếu ốm ở kiềng
tăng gia cũng nhọc nhằn không kém. Những trận đánh đường 15, đường 5A, 5B,
làng Dit, Lệ Ngọc đã khiến kẻ thù phải lùi lại và chấp hành hiệp định. Chỉ
sau mấy tháng chiến đấu tôi gặp lại anh Bằng. Trông anh già nhiều quá, nhưng
mắt sáng và anh rắn đanh lại. Ấy là ở hội nghị những trận đánh hay những người
đánh giỏi toàn trung đoàn. Anh ôm chầm lấy tôi và khoe, tao kết nạp rồi, hai
huân chương, có thư khen về cơ quan rồi, mày thế nào? tao phải trở về … phải
trở về. Thoáng vui mà anh bỗng chùng
xuống, con mắt đờ dại đi ... Miệng lẩm bẩm ngoài ấy bây giờ … thế nào nhỉ ...
Và cũng chỉ sau 2 tháng tôi và anh lại gặp nhau. Nhưng gặp ở viện trung
đoàn. Mùa mưa thối trời thối đất khiến lính sốt rét quá nhiều. Đã có vài thằng
bạn người thành phố ác tính mà đi ra rừng Lồ ô nằm rồi. Tôi với anh Bằng lại
được ở cùng một lán. Thật đã quá, bạn cũ ở với nhau vừa dễ chuỵện, vừa dễ ca
cóng. Mưa ác lắm, nước suối sôi ùng ục. Lá rừng gục xuống dính nát vào nhau. Cái ăn chỉ là cá khô nấu lá chua.
Có tý rá đậu nhường cho thằng ốm nặng và thương binh. Những thằng sốt rét thì
tự vào rừng kiếm bất kì cái gì có thể ăn được. Tôi khoác áo mưa đi đào măng.
Mão lùn người Đông Kinh, Đông Hưng, Thái Bình đi lật đá tìm cua. Anh Bằng nói, để tao đi đánh cá. Anh móc túi cóc đếm
ra 10 cái kíp số 8 màu đồng đỏ. Chuyện
này thường. Vì bộ binh ai chả đánh bộc phá. Nhưng nước suối to đánh kíp ăn nhằm gì. Biết vậy
nhưng không được gàn, sợ sui sẻo. Chiều. Mưa day dả. Tôi chui về lán trước
giờ tiêm của viện. Mão lùn về từ bao giờ đang mân mê 4 con cua chiến thắng.
Anh Bằng chưa về. Tự nhiên buồn thế. Hai thằng sốt nặng rên hừ hừ, nôn oẹ, rồi
khóc. Rừng thâm như màu mắm tôm.
Bỗng nhốn nháo từ phía phòng khám chân đồi.
Anh Bằng lao vào hu hu khóc. Luân ơi
tao bị rồi, tao bị nát bàn tay rồi, khốn nạn không, ôi trời ơi, hết rồi ... Bọn tôi lao tới lau mặt lau cổ đầy
máu. Bàn tay tơ tướp, những ngón tay toe toét như ngọn măng bóc dở, đỏ ngòm
máu. Quân y lao xuống. Băng bó. Lấy lời khai, tìm hiểu tình trạng gặp nạn. Mấy
ông cán bộ viện nhăn nhó vì để xẩy ra hiện
tượng thương vong trong bệnh viện. Đêm
nặng nề. Đạn đại bác phía HÀM RỒNG táng về ùa với mưa rừng tê tái. Bằng
áp mặt vào vách hầm mắt mở trừng trừng. Tôi nghĩ anh ấy buồn vì khó có cơ hội
trở về đơn vị chiến đấu. Anh ấy máu đánh giặc mà.
Trời đất ạ, buộc cả 10 cái kíp số
8 làm một chùm giật nụ xoè, chùm kíp mắc ở bàn tay nổ đồng loạt bàn tay phải
như có hàng ngàn mũi dao nhỏ róc thịt ra. Bây giờ trông cuộn băng to như cái chổi
trên tay anh mà thương. Măt sám đen khói thuốc, rửa không sạch trông càng thảm
hại. Sáng hôm sau, anh được gọi lên gặp quân pháp làm việc. Sao lại làm việc
với quân pháp nhỉ ? anh đi liêu xiêu, mặt cúi xuống từng bậc đất nhấp nhính
bùn, dặt dẹo. Cả lán bó gối nín thở chờ anh về Chẳng ai buồn ca cóng. Mấy
con cua của Mão lùn cũng nằm im dưới gậm sàn chân co quắp. Bâng khuâng nhớ những
ngày cùng đại đội ngoài bắc. Liệu anh có lành lặn mà về không ? cuộc chiến đấu
cho ngày trở về của anh sẽ sứt mẻ thế nào đây ...
Gần trưa anh về. Con người Bằng bây giờ khác hẳn. Xụp xuống,
khóc như trẻ nhỏ. Cả lán hai thằng què ba thằng sốt rét túm vào an ủi anh. Anh
bưng mặt. Hết rồi, chấm dứt rồi, sạch
sẽ hết mọi thứ rồi ... ối cha mẹ ơi. Anh cứ hưng hức khóc hồi lâu, rồi ngẩng
lên nhờ tôi cởi ba lô lấy ra cuốn sổ
chép bài hát và bảo, mày cầm lấy mà dùng. Tao không cần nữa. Thì ra, anh ấy tự
thương. Chao ôi, anh Bằng tự thương ! Nghĩ mà không tin được. Anh ấy có hèn
nhát gì đâu, tấm gương chiến đấu viết trên tờ tin trung đoàn hôm nào vẫn còn
đây. Thế mà ...
Ngày ấy chuyện tự thương ở chiến
trường là nghiêm trọng lắm. Nhìn vết thương là người ta biết ngay thôi. Nhưng
anh Bằng tự thương thì chỉ tôi biết vì sao.Tôi im lặng.
Anh lầm rồi anh Bằng ơi. Máu của
chúng ta đổ đâu chỉ vì cái sự tầm thường ấy.
Tới giờ mấy chục năm không biết anh cư ngụ nơi
nào. Ai giúp anh trả món nợ đời kia ?
Chuyện người bạn thứ hai
Sau cái đận ở viện với anh Kim Bằng là
tôi lại về D8. Cũng đại đội chủ công. Tôi về A3, B1. Khi tôi đi viện, A trưởng
là cậu Phụng, tôi A phó. Bây giờ về, Phụng đã đi học “Quân chính Rừng Soài” ngoài Đức Cơ. Phụ trách tiểu đội là Cậu Nhớn. Vũ văn Nhớn. Nhớn khoẻ lắm. Bắn RPD kẹp nách. Cánh bộ binh chúng tôi ngại nhất là ôm khẩu
súng trung liên này. Nặng, kềnh càng,
dễ lộ. Và chẳng dùng bắn thú rừng bất chợt như anh AK. Nhưng với Nhớn thì ngon. Trong ba lô lúc nào cậu ta cũng có một lưỡi cưa Pôzô cuộn tròn lại. Dừng
chân đào hầm thì phải biết. Nhớn làm bằng hai lính. Chỉ cần 5 phút là hắn ta
làm xong một cái điếu cày. Nhớn đen, bắp chân, bắp tay lão nông chi điền.
Chàng trai đất lúa Hưng Nhân, Thái bình nhập ngũ trước tôi 1 năm.
Đại đội ngán hắn vì hắn chửi tuốt, chửi những anh cán bộ hoặc lính tráng nào nhát gan hay lười biếng. Đánh mấy
mùa rồi vẫn chưa vào đảng. Chi bộ ngại
và rất khó chấp nhận cái anh hay chửi đảng viên này. Ai đời, dám bảo B
trưởng, mày không làm được B trưởng thì
xuống tao làm cho. Tất nhiên Nhớn không thể tự động mà lên B trưởng được. Bây
giờ hắn làm A trưởng của tôi. Khố cho tôi, chiều hôm về đại đội, thì tối đó
đại đội thông báo tôi phụ trách A3. Nghĩa là Nhớn mất chức. Ở cuộc họp Trung đội
về, nhớn hầm hầm, một tay xách khẩu RPD quăng cái uỵch trước mặt tôi, đòi đổi
lấy khẩu AK của tôi. Mày A trưởng thì ôm lấy mà bắn. Phải đổi thôi, kẻo có
chuyện không hay. Đêm ấy, có lệnh mỗi A cử 2 người đi lấy gạo. Không nhẽ lại cử
người khác, nên tôi nói: tôi và một người nào đó, lấy tinh thần xung phong.
Im lặng. Nhớn gườm gườm nhìn tôi, cử ai thì cử mẹ đi, lại còn xung phong ... để đấy tao đi. Thế là 2 thằng ra đi cùng với 8 người khác. Để mang thêm được
nhiều gạo, tôi chỉ cho mang một khẩu súng và 2 lựu đạn. Tôi vẫn khoác khẩu AK báng gấp của mình lên
vai.
Đường đi lấy gạo chừng 2 tiếng đồng hồ. Lúc đi bình yên, nhưng lúc về mới
có chuyện. Bắt đầu là bọn thám báo, bọn này cũng thần hồn nát thần tính, nên
vừa gặp tốp đi đầu đã vội vàng nổ súng. Cả bọn 10 thằng dưới sự chỉ huy của B trưởng B3 lăn vào bụi, rồi gỡ ba lô gạo ngay tức khắc nổ súng. Vì tự ái, và
cũng muốn xem A trưởng mới là tôi thế nào nên Nhớn vẫn chỉ đeo gạo mà không tự
nguyện mang súng nên lúc này cu cậu nằm sau bao gạo tay lăm lăm lựu đạn. Tôi
nhảy chồm ra đường nổ một loạt Ak về phía mấy bóng đen sột soạt đang chạy. Cả
đoàn lấy gạo thành một trung đội truy kích. Bọn thám báo chạy thục mạng. Chẳng
biết có chết đứa nào không nhưng bên ta thì vô sự. Chúng tôi cắm cúi đi.Chừng
20 phút sau, cả bọn muốn nghỉ lại bờ suối. B trưởng còn đang lưỡng lự thì tôi
đề nghị: không nên nghỉ, địch sẽ phán đoán sau khi quân ta đi tiếp sẽ nghỉ ở
tại khúc suối này và sẽ cho pháo bắn. Nhớn gằm ghè, cho là tôi vẽ chuyện. B
trưởng yêu cầu đi nhanh ra khỏi đoạn có con suối. Thật may, chạy qua khu rừng ấy
chừng 15 phút thì pháo bắn. Lúc đầu còn vài ba quả, rồi thì cấp tập. Chúng
tôi nằm rạp chúi đầu vào những gốc cây to. Cả khu rừng ven suối ban nãy chịu trận
pháo chừng 20 phút rồi im lặng. Trong đêm không thấy Nhớn nói gì. Thỉnh thoảng
thở dài. Đêm ấy, Nhớn chui vào hầm nằm cùng tôi.
Rồi những ngày tháng sau đó, tiểu đội tôi
luôn là tiểu đội cứng của đại đội. Dần dà biết tôi xuất thân con nhà làm ruộng
Nhớn thích lắm. Tôi hỏi sao không thấy mày có thư nhà vào ? Nhớn buồn buồn,
tao có biết viết thư về đâu mà nhà biết để mà viết. Thì ra Nhớn chưa biết chữ.
Từ hôm ấy tôi cứ thấy mình là người có lỗi với cậu ấy. Những ngày này mặt trận
B3 đói quay quắt. Ai xuất kích thì hôm ấy được 6 lạng gạo một ngày. Ốm đau, ở
nhà thì ăn 2 lạng. Đánh nhau suốt ngày đêm 2 nắm cơm bằng quả cam cũng phải ăn
theo mệnh lệnh. Một đêm mưa, tôi sờ không thấy Nhớn đâu, hoảng hồn ngồi dậy, nhưng không dám báo trung đội vì tôi nghĩ Nhớn không thể đảo ngũ. Nửa giờ
sau nó về, ướt như dê con vừa lọt lòng. Nhớn nhét vào tay tôi 2 bắp ngô non ướt
dượt. Tôi và nhớn ăn ngấu nghiến. Thơm làm sao, ngọt làm sao thứ ngô cao
nguyên ấy. Tôi biết, cậu ta tranh thủ mưa to ra nương đồng bào lấy trộm ngô
non cho tôi, vì hai hôm rồi tôi sốt chẳng có gì bồi dưỡng. Đêm, pháo bắn từ
Pleiku đoành đoạch. Không gian nhớp nháp bùn và muỗi. Nhớn ôm tôi và thì thầm
kể chuyện đơm đo, đánh lờ thả cụp ở quê.
(còn nữa)
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét