Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

BA NGƯỜI BẠN LÍNH (phần 3)


 Tôi và Nhớn học với nhau. Một tháng cậu ta viết được thư về cho mẹ. Chữ nguệch chữ ngoạc nhưng cũng được mươi dòng. Suốt mùa mưa năm 73, 74 đánh địch ở tây Pleiku chúng tôi theo nhau. Trận đánh nào Nhớn cũng chăm chú lấy về cho tôi nhiều thứ. Theo hắn ta, cứ cái gì có chữ là mang về cho thằng Luân. Chính vì thế, đánh đồi 30 nó mang về cả một mớ tạp chí Tiền phong của địch, suýt nữa tôi và tiểu đội bị kỉ luật vì cái thứ tạp chí bậy bạ ấy. Nhưng thú  vị nhất là hôm đánh vào ấp Thánh Giáo,  hắn mò đâu ra một cây ghi ta. Trên đường về pháo địch rót chặn đường. Lính ta chạy thục mạng mà chàng Nhớn nhất định không vứt cây đàn. Lăn bên này, rúc bên kia, chui thí cố vào bụi cây, đàn kêu lửng phửng ghê hết cả người. Kệ, hắn cứ khư khư thứ nhạc cụ bác học này về tới kiềng và chỉ còn có 2 dây. Oách chưa, cả đại đội có mỗi tôi và Nhớn chơi đàn và hát cho nhau nghe. Vốn liếng nhạc lí của tôi chỉ 15 phút trổ tài là hết. Mò mẫm rồi tôi mổ cò và độc ca bài  “ bài ca năm tấn ” thế mà hắn khóc mới tài chứ lị. Tôi hỏi: tao hát hay hả? Nhớn bảo, tao thấy nhớ bà chị tao trong trại chăn nuôi ở xã cũng hay hát bài này. Tôi không buồn dù hắn không khen tôi, nhưng cũng thấy mình có ích giúp cho bạn nhớ chị là được rồi.

Cuộc chiến tranh đưa tôi và Nhớn đến tận Sài gòn. Cây đàn của Nhớn phải bỏ lại lúc hành quân lật cánh về hướng Ban mê thuột. Nhưng đến lúc ấy thì tôi đã viết được bài hát ĐI DƯỚI CỜ QUYẾT THẮNG cho trung đoàn 64 của tôi rồi. Những ngày ở Gia Định tôi không cùng đại đội với Nhớn nữa. Tôi về làm Tiểu đội trưởng trinh sát trên tiểu đoàn từ trận đánh Củng Sơn. 2/05 /75 tôi xuống đơn vị. Tiểu đội hi sinh hết chỉ còn Nhớn là lính cũ. Buồn vui lẫn lộn. Chúng tôi khoe nhau những vật kỉ niêm trên đường đánh giặc. Tôi cho hắn cái đồng hồ có con cánh cam xoè cánh. Hắn lắc đầu, chả cần. Đồng hồ gì mà lại dây đeo vào cổ, nhùng nhằng bỏ mẹ. Rồi hắn khoe tôi,  hắn có cái cattset. Tôi hỏi đâu ? loại gì ? Hắn bảo, chả biết, thấy thằng Duyên thông tin bảo là cattset tao cố mang về cho mẹ tao nghe. Nhẹ nhàng cẩn trọng giở bốn lượt giấy báo gói buộc khủng khiếp ra, trước mắt tôi hoá ra là chiếc bếp điện lò so. Tôi cưòi phá lên, giải thích cho Nhớn thủng. Mặt nó đỏ găng lên, nó lao lên tiểu đội thông tin tìm  thằng Duyên để nện một trận. May thằng Duyên đi công tác Tân Phú Trung chưa về. Nhét vào cóc ba lô hắn lọ dầu cá mà tôi vớ được hôm đánh Phú  Yên, tôi dặn mang về cho mẹ để mẹ tỏng mắt. Nhớn cười, cái cười như mếu.  Sao lúc ấy trông nó già thế ?

   Tôi về, cuối tháng mười năm ấy. Trời Đồng Dù xanh veo vào buổi sáng và mưa rào buổi chiều. Cánh sinh viên chúng tôi từ các trường đại học ra đi thì người ta lại trả về đại học. Chia tay với đơn vị cũ. Buồn cứ như chấu cắn. Thằng ở lại nhớ thằng ra về, mà thương phận mình. Thằng về thương thằng ở lại, ái ngại bởi  những người chiến tích nhiều hơn mình mà vẫn chả đươc ra. Nhớn đút vào tay tôi 2 đồng ( tiền mới đổi ), bảo ra ngoài ấy  mua giấy bút mà đi học. Nó khóc. Ô cái ông Lỗ Trí Thâm của đại đội mà lại khóc. Tôi nhìn nó nấp sau cổng tiểu đoàn, nó sợ, chia tay tôi nó không chịu  nổi. Chẳng biết có phải vậy không, hay nó tủi thân  nhỉ?

  Hẹn với nhau, thế mà hơn ba mươi năm nay tôi đã tìm về quê Nhớn đâu. Cứ tự cho là mình bận học, bận công tác, bận làm cán bộ. Khốn nạn, cán bộ gì cho cam, làm cái anh bán sắt và buôn vật liệu xây dựng ở  Hà nội chúi mũi kiếm tiền, rảnh thì nhậu nhẹt. Nay nhớ đến bạn thì già cả rồi, lại viện lí do sức khoẻ.
 Nhớn tha lỗi cho tôi không ?

 Chuyện người bạn thứ ba
   
Cuối năm 74. Chuẩn bị vào chiến dịch lớn, cả chiến trường háo hức, nôn nao. Thôi thì đủ thứ phỏng đoán. Nào đi sâu, nào rút ra cao nguyên Pôlôven, rồi lại có tin vào B2. Đi đâu thì đi. Chỗ nào chả là lính, mà là lính thì chỗ nào chả đánh nhau. Nghĩ cho mệt. Tuy vậy, khi thấy tiểu đoàn thông báo rút tôi lên trinh sát thì cũng hơi lấn cấn. Lên trinh sát ác liệt nguy hiểm nhưng thoả trí tung hoành. Ở lại cũng tốt, mà ở lại sẽ lên thay B trưởng để anh Luật lên C phó. Nhưng mãi tới khi bạn tôi, Mạnh Tiêu, A trưởng bị thương què cẳng ở trận Củng Sơn thì tôi đành vác ba lô về trinh sát. Ngay chiều hôm đầu tiên về nhận chức A trưởng ở hang đá hòn Một, tôi gặp Minh. Chẳng xa lạ gì nhau cả. Tôi biết Minh từ hồi Minh làm tiểu đội trưởng cảnh vệ trên trung đoàn. Nó ỉ eo xin xỏ về đơn vị chiến đấu từ đầu 74. Cú gặp nhau với Minh là từ năm 73 cơ. Hồi ấy, có thời gian tôi lên ban tuyên huấn trung đoàn 2 tháng viết chèo cho đội tuyên văn. Các ban từ tham mưu, chính trị, hậu cần đều phải lo tăng gia tự túc lương thực. Người đi tăng gia thường là lính tẩy hoặc mấy anh trợ lí le ve. Tôi là lao động không biên chế, thật là tiện lợi cho quí ban. Tôi sang bắc đường 19. Vừa tăng gia vừa viết chèo, nhất cử lưỡng tiện. 

Một buổi trưa, có lệnh của chủ nhiêm chính trị tôi về nam đường nhận nhiệm vụ gấp. Sau này tôi mới biết đó là về sở chỉ huy phụ trách việc làm riêng một cái  nhà đón tiếp mấy thím văn công. Khiếp chưa, văn công khu 5 dám xuống tận đơn vị tác chiến, mà nghe toàn ca sĩ oách. Oách thật đấy, trong đó có cô ca sĩ Trà My rất xinh đẹp và hát hay ( sau này chả biết đi đâu ). Vì là cán bộ của ban đi công tác nên phải có một vệ binh đi cùng ( mãi về sau tôi biết chủ nhiệm chính trị quí tôi nên mới cho cái ân huệ ấy ). Khi tôi lên, anh lính cao to, da trắng, tóc xoăn đứng chờ. Hắn nói rõ to, tôi, chiến sĩ Nguyễn Minh nhận nhiêm vụ bảo vệ đồng chí, xin mời đi theo tôi. Ngại quá, mình là lính chứ thủ trưởng đâu kia chứ, tôi cố giải thích cho hắn nghe, hắn tỉnh khô, nói chỉ nhận lệnh đưa thủ trưởng đi công tác chứ không nhận lệnh đưa lính đi công tác bao giờ. Vì vậy đồng chí đi sau tôi 10 mét, gặp địch tôi đánh đồng chí nấp đắng sau. Cay mũi quá, tôi bảo này ông, tôi ở tiểu đoàn 8 đấy, ở chốt Chư krônkrang về đấy. Hắn quay nhìn tôi rất nhanh, cái nhìn dịu hơn tí chút. Chiều tối, nghỉ ở suối Ialeo. Hai đứa cắm chạc đốt lửa ca cóng. Ngồi ăn, thò hai chân xuống suối hắn hỏi, ông lính đợt nào? Tôi cho biết lính sinh viên. Mắt hắn sáng lên, tuyệt quá, tôi thích bọn ông lắm. Kì lạ thật, mấy ông cán bộ thì ngán mấy thằng nhiều chữ hay lí sự, còn thằng cha này lại khoái tụi công tử sao ? hắn giải thích, có văn hoá đánh đấm vẫn khác hơn. Câu nói của hắn sau này tôi mới hiểu hết ý nghĩa cả đen lẫn bóng của nó.

Thế rồi thi thoảng hai thằng vẫn gặp nhau trong những lần tác chiến. Minh dẫn đường cho tụi bộ binh chúng tôi nhiều lần. Lần nào đi đánh cùng nhau hắn cũng ném cho tôi bao thuốc chiến lợi phẩm mà tụi trinh sát thường ăn mảnh được. Đêm nay là đêm đầu tiên hai đứa cùng đi với nhau. Tôi là tiểu đội trưởng, Minh dưới sự chỉ huy của tôi. Phía đường số 1 địch căng ra nhiều chốt chặn. Chiến xa chạy ngược chạy xuôi ầm ầm, bắn đổ đạn vào khu rừng chúng tôi náu quân. Chiều đỏ ối, gió biển Tuy Hoà mát rười rượi. Hai đứa nửa nằm nửa ngồi trên tảng đá phẳng nghiêng như mái nhà. Nó bảo, đêm nay bò đường 1 đoạn cầu Bàn Thạch nhiều mìn lắm. Tôi ừ. Minh lại tiếp, mày để tao bò trước, mày bò sau. Sao lại thế? Tôi bẳn giọng. Nó ngập ngừng ... rồi nói rất nhỏ, tao mới học lớp 9 còn mày đã học lớp 13, 14 mày chết thì phí hơn tao. Ô hay, nó cho sự phí phạm mạng người đơn giản thế sao. Tôi quay mặt sang nó. Minh cúi đầu, nhìn con chuồn chuồn vô tư đậu trên mép đá. Dáng điển trai lãng tử mất biến chỉ còn khuôn mặt thằng đàn ông ngây ngô trong chiều tối trước khi đi vào chỗ chết. 

Suốt đêm bám địch, lội ì õm dưới đồng lầy. Người nhão ra, đói, khát thèm hút thuốc. Mấy chú du kích dẫn đường, chắc lần đầu ra trận hồi hộp nên cổ họng chỉ muốn ho.  Ho bây giờ thì chết. Lấy tay chẹt ngang cổ mà họng mấy thằng cứ muốn toé ra. Minh cúi xuống vê cục đất tròn như viên bi đưa cho chú du kích thì thầm, đấy là thuốc chống ho của trinh sát. Quả hiệu nghiêm, từ ấy trở đi cơn ho của anh chàng du kích tắt hẳn. Hôm giải phóng Tuy Hoà mấy đứa con gái trong tiểu đoàn Phú Yên cứ túm lấy Minh hỏi xin thuốc chống ho. 

Giải phóng xong Phú Yên, đơn vị tôi quay lại đường 7 đón xe đi chiến dịch Saigon. Suốt con đường hãi hùng còn bao cảnh tượng đau thương mà bút mực đều bất lực tái tả. Tôi thấy Minh khóc nhiều lần khi nhìn dàn dạt xác người dân chết dọc sông dọc suối. Những lúc ấy, nó không còn là thằng Minh của những đêm bám địch luồn sâu. Nó yếu đuối như chàng công tử  chưa biết chiến tranh là gì. 
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: