Mươi hôm trước, thầy Hanh Tran, giảng viên Việt ngữ của đại học Berkeley gửi cho tôi link một truyện ngắn in trên tạp chí Văn nghệ quân đội, và hỏi: có em gái song sinh à? Tôi tò mò đọc, rồi nhắn lại cho thầy Hạnh biểu tượng cái mặt vừa cười vừa khóc.
Sau khi vài ba người lên tiếng trên FB truyện ngắn này giống Bóng Đè, chôm ý tưởng của Bóng Đè, tác giả An Thư đã thanh minh rằng chưa đọc hết Bóng Đè, và nếu có bắt chước ai, thì tuyệt nhiên người đó không phải là ĐHD.
Tôi đưa truyện ngắn ấy lên đây, để mọi người cùng đọc và đánh giá.
Xin các anh chị khách quan, công tâm. Trong chuyện này, dù thế nào hay không phải thế nào, Bóng Đè vẫn ở đấy, tôi chả bị làm sao. Tôi in tút này, vì bạn đọc. - Đỗ Hoàng Diệu.
*
BỒ ĐOÀN ĐỎ
An Thư
Truyện ngắn
*
Lần đầu tiên Lam về nhà Thành, đã thấy ngôi mộ cổ nằm đó, giữa khu vườn vắng lặng, xung quanh toàn cây ngọc lan xanh um tùm...
Ngôi mộ lớn, được xây bằng đá, trông bề thế như một cái lăng, bên trên có ngọn tháp nhỏ khắc nổi hình rồng ngậm châu.
Khi dẫn Lam ra mộ, Thành khẽ bảo: “Ai mà thắp hương trên ngôi mộ này, thì người đó đã thành người nhà họ Hoàng rồi đấy nhé”. Lam khẽ giật mình. Quả vậy, cô yêu Thành đã ba năm, trò chuyện với bố mẹ Thành rất nhiều lần qua điện thoại, nhưng phải đến bây giờ, Thành mới chịu dẫn cô về chính thức ra mắt. Lời Thành nói phả trong khói nhang u tịch, phảng phất cùng mùi lá ngọc lan thơm dịu bất chợt khiến Lam thấy lành lạnh trong người.
Căn nhà của Thành có kiến trúc khác lạ so với những căn nhà cổ mà Lam từng biết. Nhà chính bằng gỗ, sơn đỏ, lợp ngói men ngọc, dài đến bảy gian, thêm hai dãy nhà ngang bề thế, hành lang treo đèn lồng lúc lỉu. Lam nghe Thành nói, ba thế kỉ trước, ông tổ tám đời của Thành là cự phú, nên mới có thể xây dựng được ngôi nhà lớn như thế giữa vùng đồi vắng vẻ. Mỗi khi nhắc về ngôi nhà hay khu mộ, Thành đều thể hiện lòng kính ngưỡng không giấu giếm.
Đêm đầu tiên ở nhà chồng tương lai, Lam được mẹ Thành dẫn vào căn buồng cuối cùng bên tay phải của dãy nhà chính bảy gian. Đó là căn buồng được bài trí kì lạ. Bên trong gần như không có đồ đạc gì ngoài một chiếc sập gỗ rất lớn hình chữ nhật, vừa đến năm, sáu người nằm. Phía trên chiếc sập đặt một chiếc gối bọc lụa đã cũ, nhưng có lẽ được giữ gìn rất cẩn thận nên vẫn còn lành lặn, ánh lên sắc lụa đỏ lạ lùng.
Bà mẹ chồng tương lai, sau khi treo giúp Lam chiếc áo lên móc tường, bảo cô: “Con ngồi thử lên bồ đoàn mẹ xem”. Hóa ra, vật màu đỏ ấy là chiếc bồ đoàn, chứ không phải gối. Lam thoáng bối rối. Nhưng cuối cùng, theo lời bà, cô bỏ dép đi trong nhà, bước lên sập. Sập gỗ phả ra hơi lành lạnh, khiến Lam khẽ co mình lại. Cô rón rén ngồi lên bồ đoàn, xếp chân vuông vắn như người đang tụng niệm. Phía sau, mẹ Thành thở phào khi nhìn hạ thể Lam vừa vặn như in trên chiếc bồ đoàn đỏ.
Đêm đó, Lam ngủ một mình trong căn phòng trống trải xa lạ ấy. Mẹ Thành nói bà thường thức dậy tụng kinh giữa đêm, nên nếu ngủ chung sẽ khiến Lam không ngon giấc. Khi ánh điện tắt đi, bóng tối vây bủa quanh mình, hơi lạnh của chiếc phản gỗ bốc lên, Lam bắt đầu chột dạ. Một cảm giác cũ xưa từ đâu đó ùa về, như thể trong căn phòng này, thời gian đã lùi lại nhiều thế kỉ. Lam chong mắt nhìn vào bóng tối. Qua khe cửa, ánh sáng đèn lồng chiếu vào le lói. Tiếng đồng hồ gỗ tích tắc chậm chạp. Mi mắt Lam nặng dần, cảm giác mệt mỏi của người mới trải qua một hành trình dài khiến cô thiếp đi.
Chừng nửa đêm, tiếng tụng kinh khiến Lam mơ màng tỉnh dậy. Trước mặt cô là màn sương mờ ảo. Ánh điện hay ánh nến không rõ nữa. “Rõ ràng là trước khi ngủ, mình đã tắt hết điện rồi cơ mà”. Lam nhủ thầm trong dạ. Chợt cô giật mình. Có bóng người ẩn hiện. Là bóng đàn bà còn rất trẻ, bận áo tấc lụa, vấn tóc đuôi gà, hàm răng đen nhánh. Người đó nhìn Lam, đôi mắt bồ câu mở to, không rõ vui hay buồn. Đôi mắt ấy cứ nhìn Lam mãi, như muốn nói điều gì đó. Lam sợ hãi, cô định gọi Thành, nhưng đôi môi khô cứng. Tiếng gọi âm âm trong lồng ngực, không thoát ra được.
Tiếng chó tru rền lên khiến Lam giật mình tỉnh dậy. Mồ hôi rịn khắp lưng dù bên ngoài trời khá lạnh. Thì ra, chỉ là một giấc mơ. Ở gian bên cạnh, mẹ Thành rì rầm tụng kinh, tiếng mõ gõ vào đêm ảm đạm...
Vài tháng sau, Lam chính thức về nhà Thành làm dâu. Đám rước về đến cổng, cô dâu chú rể được đưa thẳng ra ngôi mộ ngoài vườn làm lễ bái. Lam nghe rộ lên tiếng xì xào của quan viên. Ông bác ruột trưởng đoàn nhà gái đi hàng trên lừ mắt nhìn lại phía sau. Tiếng xì xào im bặt.
Trước ngôi mộ, khói nhang mờ mịt. Những cọng khói trượng thẳng lên trời, rồi mênh mênh tỏa ra tứ phía. Lam chợt nghĩ đến câu nói của Thành hôm dẫn về ra mắt, sống lưng lại gây gây lạnh. Nhưng cảm giác bất an nhanh chóng qua đi, khi tiếng nhạc tưng bừng rộn rã bắt đầu nổi lên...
Đêm ấy, khách khứa về hết, Lam vừa bước ra khỏi buồng tắm thì bà mẹ chồng xuất hiện, ghé tai thì thầm với con dâu một lúc thật lâu. Thỉnh thoảng, mặt Lam đỏ bừng lên, rồi lại trở về màu trắng tái xanh. Vợ chồng Lam không ngủ trong buồng cưới (nơi được trang trí màn hoa, bóng bay, ảnh cưới, có chiếc đệm ấm êm mà Lam muốn ngả lưng sau một ngày dài mỏi mệt...), mà ngủ trong chính căn buồng có chiếc sập gỗ gụ và tấm bồ đoàn màu đỏ. Cánh cửa buồng mở ra, mùi hương thảo mộc tỏa khắp cả căn phòng. Lam ngượng ngùng nghĩ đến lời mẹ chồng dặn dò khi nãy, cô nhất định phải ngồi trên chiếc bồ đoàn ấy, trước khi động phòng.
Bồ đoàn ấm rẫy. Đó không phải là chiếc bồ đoàn may liền như bình thường, mà được để rỗng ở giữa, giống như chiếc vỏ gối. Mẹ chồng đã cẩn thận sao cả mớ thảo mộc, đem nhét vào ruột bồ đoàn từ trước. Hạ thể Lam bừng ấm. Hơi ấm bò dần lên sống lưng, lên gáy cổ, rồi lan ra từng chân tóc. Lan đến đâu, hơi ấm như bàn tay mềm mại ve vuốt, khiến gân cốt Lam giãn ra. Lam nhắm nghiền đôi mắt, thấy đầu mình lâng lâng bay bổng, cho đến khi bàn tay lành lạnh của Thành xoa lên lưng, cô mới giật mình...
“Em mệt lắm phải không? Nhà anh có nhiều tục lạ. Em đừng ngại, rồi ít nữa sẽ quen thôi...”. Giọng Thành dịu dàng ân ái. Bàn tay anh gỡ từng cúc áo của Lam. Đêm lặng lẽ, tựa hồ như nghe cả rì rầm cây cỏ. Bóng tối vây quanh đồng lõa với hơi thở gấp gáp của Thành…
Đêm ấy, người đàn bà mặc áo tấc, vấn tóc đuôi gà lại đến. Vẫn gương mặt với đôi mắt bồ câu nhìn Lam, không rõ vui hay buồn. Là mơ hay tỉnh, Lam tự hỏi mình. Bóng người đàn bà thấp thoáng lùi dần trong ánh sáng mờ ảo. Lam muốn giơ tay níu lại, nhưng rồi, như người bước hụt, Lam chới với và bừng tỉnh. Bóng đêm đặc sẫm. Bên cạnh, tiếng Thành ngáy đều đều. Hạ thể đau buốt của người con gái vừa trở thành đàn bà cùng tiếng tụng kinh trầm trầm của mẹ chồng khiến Loan không thể nào ngủ lại. Tấm bồ đoàn đã hết ấm. Mùi thảo mộc nồng ngọt vẫn dìu dặt tỏa khắp căn phòng.
Sáng ra, Lam kể với Thành về giấc mơ kì lạ, nhưng anh gạt đi. “Chắc em mới về, còn lạ nhà nên mộng mị linh tinh đấy thôi”. Lam định kể với mẹ chồng, song khi nhìn dáng bà ngồi yên lặng trong chiếc áo nâu may kiểu nhà Phật, Lam lại thôi. Mẹ chồng Lam rất ít nói. Khuôn mặt bà không dữ, nhưng cũng không mang nét nào dịu dàng gần gũi, nhất là đôi mắt, rất sâu, đen thăm thẳm.
Bảy gian nhà chính của gia đình chồng Lam được bài trí gọn ghẽ, hoàn toàn không giống với bất cứ một ngôi nhà nào ở nông thôn mà Lam từng biết. Bắt đầu là căn phòng có chiếc bồ đoàn đỏ mà vợ chồng Lam ngủ. Bên cạnh là gian riêng đặt ban thờ Phật, nơi mẹ chồng cô tụng niệm mỗi đêm. Tiếp theo là phòng ngủ của bố mẹ chồng. Gian thứ tư là phòng khách, nơi đặt bàn thờ tổ tiên với những bát hương rất lớn cùng lộc bình, lò hương, bộ bàn ghế cẩn xà cừ cổ. Gian thứ năm là phòng sách. Trong đó có rất nhiều sách vở đông tây kim cổ. Nhưng quý nhất là dãy sách cổ bằng chữ Tàu cùng mấy bức tranh thủy mặc cuộn tròn đặt trong các tráp gỗ. “Chỗ sách và tranh đó có giá bằng một căn nhà trên phố đấy”. Có lần Thành hấp háy nói với Lam, khi anh lén bố mở tráp cho vợ xem một bức tranh. Bên cạnh thư phòng là gian cưới của vợ chồng Lam, nơi chăn ấm đệm êm vẫn đợi chờ mòn mỏi, nhưng cô không biết đến bao giờ mình mới có cơ hội nằm ngủ trên ấy. Và ở vị trí cuối cùng dãy nhà chính là một căn phòng luôn luôn khóa kín. “Em không được vào đâu nhé. Đây là gia quy”. Thành mấy lần dặn đi dặn lại khi đọc được vẻ tò mò trong đôi mắt Lam.
Hết kì phép cưới, vợ chồng Lam ngược lên thành phố. Nhưng, đều đặn hai tháng một lần, cả hai lại bắt tàu về quê, ở lại vài ngày. Khi về, nghi lễ đầu tiên của vợ chồng Lam là đi thẳng ra vườn, thắp nhang lên ngôi mộ. Ba tháng. Năm tháng. Bảy tháng... Cứ mỗi bận về sau, thời gian vợ chồng Lam quỳ gối trước ngôi mộ càng lâu, hương khói bay càng mù mịt trong khu vườn đầy bóng ngọc lan.
Kể cả những ngày nóng bức, mẹ chồng vẫn sao thật nhiều thảo mộc, nhét chật căng chiếc bồ đoàn đỏ. Lam ngồi trên ấy, thấy hạ thể mình bỏng rẫy. Mồ hôi rịn ra trên trán đầm đìa, nhỏ giọt xuống chiếc áo lụa cộc tay, dán chặt lên lưng Lam nhớp nháp.
Từ cảm giác dễ chịu ngày mới cưới, Lam bắt đầu ám ảnh khi phải ngồi trên tấm bồ đoàn màu đỏ nhức nhối ấy. Dường như Thành cũng vậy. Trong những đêm mùa hè vo ve đầy muỗi, sau khi rời người vợ, Thành thở dài đánh thượt khi hít phải mùi thảo mộc đặc quánh mồ hôi. Bên kia bức vách gỗ lim, tiếng mõ của mẹ chồng nặng nề gõ vào đêm. Trong những giấc ngủ mệt mỏi của Lam, đôi lần, bóng người đàn bà vấn tóc đuôi gà trở về, khuôn mặt cũng đầm đìa mồ hôi.
Hơn một năm sau ngày cưới, bụng Lam vẫn phẳng phiu. Bà mẹ chồng mắt thêm trũng sâu, sắm sửa liền mấy mâm lễ, bắt Lam đội lên chùa cầu con. Ông bố chồng vốn tư lự, lại càng trở nên trầm ngâm, ít nói. Thêm mấy tháng nữa trôi qua, lễ lạt ở các chùa đều đã làm xong cả, Lam vẫn chưa có tin vui. Những bữa cơm nặng nề dần. Và Thành bắt đầu cáu kỉnh khi nhắc đến chuyện con cái.
“Tại sao chúng ta cứ phải thắp nhang lên ngôi mộ đó? Tại sao em cứ phải ngồi trên chiếc bồ đoàn gớm ghiếc đó?”, Lam là người khơi mào cuộc tranh cãi kịch liệt của hai vợ chồng sau khi trở về thành phố. “Vì chúng ta phải có một đứa con, con trai, em hiểu không. Nhà này đã độc đinh bảy đời rồi, đến anh không thể tuyệt tự”. “Nếu chúng ta không thể có con thì sao?”. “Cô im miệng! Nhà họ Hoàng có mộ phát đinh táng giữa vườn, làm sao có thể tuyệt tự?”, Thành quát vào mặt vợ. Nhìn đôi mắt vằn tia đỏ của Thành, Lam thảng thốt thấy chồng mình như trở thành một con người khác. Nhưng, cũng nhờ cuộc cãi vã ấy, trong cơn giận dữ bộc phát của Thành, Lam mới biết được một trong những bí mật của nhà chồng.
Hóa ra, ngôi mộ ấy chính là nơi an táng ông tổ tám đời nhà họ Hoàng, tên Hoàng Dục Vĩ. Ở phương Bắc, họ Hoàng giàu có, nổi tiếng với nghề bảo tiêu xuyên biên giới, quản lí một tiêu cục, chuyên áp tải vận chuyển sừng tê, ngà voi, lông công... từ nước Nam sang Trung Nguyên. Ba thế kỉ trước, vì trong họ có người làm phản triều đình, sợ án tru di, nên giữa đêm, ông tổ Hoàng Dục Vĩ vội vã mang gia quyến và tài sản trốn khỏi quê hương, xuôi xuống nước Nam. Có người thổ hào bản địa, vì chút quen biết trong việc buôn bán, làm ăn từ trước mà mở lòng đón tiếp. Sau này, nhà họ Hoàng gây dựng được điền sản lớn nhất vùng, bèn mua chuộc quan tham, chiếm đất của người dân trong hương. Thổ hào nọ vốn là người trượng nghĩa, mấy bận đứng ra hòa giải, đòi đất cho lương dân nhưng không thành. Thế là từ chỗ bằng hữu mà chuyển thành cừu địch. Nhân một chuyến đi săn, người thổ hào bị mũi tên lạ từ đâu hạ gục. Biết mình khó sống, người ấy mới để lại di ngôn cho con cháu: “Ta biết kẻ bạc ác có ý định hãm hại ta từ lâu, chỉ tiếc lần này sơ sảy không phòng bị. Nguyền cho kẻ ấy sau này phải bị trời cao đất dày thay ta mà trừng trị”.
Chẳng biết lời nguyền có thật không, mà mấy năm sau, họ Hoàng vốn con đàn cháu đống bỗng dưng đứng trước nguy cơ tuyệt tự. Ông tổ Hoàng Dục Vĩ có ba người con trai, thì hai người chết trẻ. Còn lại mỗi cậu ba Dục Đạt, dù cưới bao nhiêu thê thiếp cũng chỉ sinh toàn con gái. Ông tổ Dục Vĩ bèn mời một thầy tướng nổi danh từ Trung Nguyên sang xem gia trạch một quẻ. Người ấy bấm đốt tay nhẩm tính, mặt bỗng dưng biến sắc. Trước khi đi, thầy tướng để lại mấy lời dặn riêng ông tổ. Vài năm sau, ông tổ Dục Vĩ qua đời. Trước khi lâm chung, ông dặn người nhà táng mình theo tư thế ngồi, trong một chiếc chum sành lớn. Đó là thế táng phát đinh. Quả nhiên, ba năm sau, cậu ba Dục Đạt bỏ nhiều tiền vàng, cưới cô gái đồng trinh xinh đẹp mười sáu tuổi người bản địa, được hơn một năm thì sinh ra đứa con trai nối dõi. Cũng từ ấy đến bây giờ, bảy đời họ Hoàng, đời nào cũng chỉ sinh duy nhất một đứa con trai.
Thành kể xong câu chuyện, mồ hôi vã ra lấm tấm trên trán. “Bây giờ thì em hiểu rồi chứ? Họ Hoàng nhà anh dù có bị nguyền, nhưng nhờ khí linh của ngôi mộ táng mà phát đinh. Đời nào cũng sinh được một con trai. Đến đời chúng ta, không thể không có”.
Lam trân trân nhìn chồng. Vốn dĩ là một kĩ sư trẻ, cô chưa từng tin vào những điều siêu nhiên. Ngôi mộ táng kia và chuyện nhà Thành bảy đời độc đinh, dẫu gì cũng đã mấy trăm năm, hư hư thực thực, biết đâu chỉ là sự ngẫu nhiên nào đó. Nhưng bí mật mà Thành kể ra với những giọt mồ hôi đọng lại trên trán anh đủ nói cho cô biết, một đứa con trai đối với nhà họ Hoàng quan trọng đến thế nào. Nghĩ tới bóng đàn bà thỉnh thoảng lại trở về trong giấc mơ, Lam khẽ rùng mình. “Nhưng còn chiếc bồ đoàn, tại sao em phải ngồi lên đó mỗi đêm?”.
Thành thoáng bối rối: “Đó là bài thuốc bí truyền của nhà anh, giúp đàn bà dễ thụ thai hơn. Bảy đời rồi, bà chính thất nào cũng phải ngồi lên đó. Cớ sao đến mình, em lại không chịu ngồi”.
Lam khẽ tiến đến phía sau lưng chồng. Cô vòng tay ôm ngang khuôn ngực rắn chắc của Thành. Giọng Lam dịu xuống, thoáng vẻ năn nỉ trẻ con như lúc mới yêu.
“Không phải em không tin anh, song dẫu sao, chúng ta vẫn nên đến bệnh viện. Em muốn biết chắc cả hai vợ chồng mình đều khỏe mạnh...”.
“Chúng ta không làm sao cả”. Thành sẵng giọng, gỡ giật tay Lam khỏi ngực mình, quay lại nhìn vợ bằng đôi mắt giận dữ: “Anh là con cháu họ Hoàng, anh có niềm tin vào tổ tiên và dòng giống của mình. Đừng bao giờ nhắc lại chuyện đó. Đừng bao giờ!”. Nói rồi, Thành hầm hầm bước ra ngoài . Lam nghe tiếng cánh cửa đóng sập lại phía sau mình...
Hai tháng trôi qua... Bắt tàu về nhà chồng lần này, Lam mang trong lòng mình một tâm trạng nặng nề hơn tất cả những lần trước. Những cơn buồn đôi khi ập đến, khiến nước mắt cô chỉ chực trào ra.
Lam đưa mắt nhìn ra cửa sổ con tàu. Tất cả đều lao đi vun vút. Tiếng gió hòa với tiếng động cơ xình xịch dội vào ngực Lam cảm giác khó chịu gần như tức thở. Thành ngồi bên, nhắm hờ đôi mắt, không rõ đang thức hay đang ngủ.
Ánh mắt sâu hoắm của mẹ chồng nhìn thẳng xuống bụng Lam khi cô bước vào cổng. Đi qua dãy hành lang, những hàng cột kèo đồ sộ như sắp sập xuống vai cô. Mấy chiếc đèn lồng đỏ chóe đung đưa chầm chậm. Buổi chiều, mẹ chồng mải miết sao thảo mộc trong bếp. Bố chồng lặng lẽ bên bàn trà ngoài vườn. Như mọi lần, Lam định xuống phụ mẹ chồng một tay. Đi đến đoạn hành lang gần bếp, Lam nghe tiếng mẹ chồng loáng thoáng. “Vẫn chưa có gì sao? Đã gần hai năm rồi... Con bé ấy, trông ngực nó như con cá lẹp vậy, thế thì làm sao mà dễ thụ thai được. Mà con không nói cho nó biết về tấm bồ đoàn chứ?”. “Cô ấy có hỏi, nhưng con không nói”. “Tốt nhất là không nói. Rồi cụ tổ sẽ phù hộ cho nhà này có thằng đích tôn mà thôi”.
Tiếng rì rầm của mẹ chồng và chồng khiến Lam chột dạ. Tấm bồ đoàn ấy ẩn chứa điều gì trong nó, mà cả gia đình chồng phải giấu cô.
Buổi tối, Lam không ngủ, nhìn trân trân vào ánh đèn lồng le lói chiếu qua vách gỗ. Hình ảnh cánh cửa khóa im ỉm của căn buồng cấm chiếm trọn tâm trí. Về nhà chồng đã lâu, nhưng Lam chưa bao giờ bước vào căn buồng ấy, dù có lần cô đã nhìn thấy mẹ chồng cất chùm chìa khóa ngay gian phòng bà vẫn ngồi tụng kinh niệm Phật.
Lam ngồi dậy. Tiếng Thành vẫn thở đều đều. Giờ này, mẹ chồng cô chưa dậy. Lam lần ra cửa, cố không gây ra tiếng động. Tay Lam run run mở cánh cửa gian phòng thờ Phật. Cô dò dẫm khe khẽ. Nó ở đâu. Cô lần sờ lên những cuốn kinh dày cộm. Ánh đồng sắc lạnh chạm vào tay Lam. Chùm chìa khóa nằm ngay dưới cuốn kinh dày nhất.
Lam đi dọc hành lang lấp lóa ánh đèn lồng đỏ. Khi dừng lại trước cửa căn buồng cấm, Lam cảm giác như tim mình ngừng đập. Có một giây nào đó, Lam đã muốn quay gót bỏ đi. Nhưng ý nghĩ phải tìm ra câu trả lời khiến cô trở nên bạo dạn. Cánh cửa mở ra thật khẽ... Qua ánh sáng đèn pin điện thoại, Lam thảng thốt giật mình. Giữa căn phòng có một chiếc bàn bày lò đốt trầm cổ, giữa bàn đặt cuốn sách rất dày, viết toàn bằng chữ Hán. Lẽ nào đó chính là cuốn gia phả rất quý mà có lần Thành nhắc tới. Xung quanh bốn bức tường gỗ treo đầy những bức chân dung vẽ tay của các ông, bà tổ sáu đời nhà chồng Lam, chỉ thiếu chân dung bố mẹ chồng. Tất cả đều mặc xống áo rất lạ. Lam ngước mắt, đi dọc theo từng bức tranh. Những khuôn mặt người nửa nghiêm nghị, nửa hoang mang như đang chiếu thẳng xuống cô.
Chợt trái tim Lam như cứng lại trong niềm kinh sợ tột độ. Trước mặt cô là bức chân dung người đàn bà áo tấc, vấn tóc đuôi gà, có đôi mắt bồ câu không rõ buồn vui. Lam lấy tay bụm chặt miệng mình để khỏi hét lên. Cô quay lưng định bỏ chạy, nhưng lại thêm một lần giật mình đánh thót. Bà mẹ chồng đã đứng ở đó từ bao giờ, nhìn cô bằng ánh mắt sâu thăm thẳm.
“Mẹ...”.
“Im miệng!”. Tiếng mẹ chồng khẽ rít lên qua kẽ răng. “Cô to gan thật. Ai cho phép cô làm việc này? Chỉ cần đẻ được đứa con trai, một tay cô sẽ được cầm chìa khóa căn phòng này. Thế mà không đợi được sao?”.
“Con...”. Giọng hụt hơi, đôi mắt thất thần, Lam không dám quay đầu lại, lấy tay chỉ vào hướng bức chân dung người đàn bà vấn tóc đuôi gà. “Bà ấy là ai, hả mẹ?”.
Mặt bà mẹ chồng sầm xuống. “Đó chỉ là một trong số các bà tổ”.
“Không đúng. Thỉnh thoảng con vẫn thấy bà ấy trong những giấc mơ của mình. Khuôn mặt đó, ánh mắt đó... Con còn chưa được gặp bà ấy lần nào mà, mẹ”.
Mẹ chồng Lam đưa tay vuốt mặt. Đôi tay ấy tiếp tục lần xuống, dừng lại trên ngực trái, tựa như đang muốn dằn trái tim đừng đập mạnh.
“Cô nói thật đấy à? Thỉnh thoảng cô gặp bà ấy trong giấc mơ của mình ư? Làm sao có thể có chuyện đó được?”. Lam im lặng, cô khẽ gật đầu, nước mắt bắt đầu ngân ngấn. Một lúc sau, bà mẹ chồng mới lên tiếng, giọng chầm chậm như vọng về từ quá khứ.
“Đã đến thế này, tôi không giấu cô nữa. Một hai rồi cô cũng biết. Đó là người sinh ra đứa con trai đầu tiên cho nhà họ Hoàng kể từ khi đến đất này. Khi lấy ông tổ bảy đời Hoàng Dục Đạt, bà ấy mới mười sáu tuổi, làm thiếp thứ năm. Là con nhà bần hàn, bà được mua về vì hạ thể vừa vặn với chiếc bồ đoàn đỏ. Tất cả chúng ta, những người con dâu nhà họ Hoàng, có lẽ đều được lựa chọn vì lí do đơn giản ấy thôi”. Mẹ chồng Lam khẽ nhếch mép cười cay đắng.
“Chắc cô đã hỏi con trai tôi, tại sao cô cứ phải ngồi trên tấm bồ đoàn ấy mỗi đêm trong căn nhà này, đúng không? Bởi vì, tấm bồ đoàn ấy thấm máu của người nhà này. Nó được may ngay khi cụ tổ tám đời Hoàng Dục Vĩ vừa mất, theo lời dặn của ông thầy tướng số năm nào. Người ta trích máu trên ngón tay của cụ tổ, trích thêm máu của người con trai duy nhất còn sống (tức là ông tổ Dục Đạt) rồi nhỏ lên tấm bồ đoàn. Máu lạnh của người chết, máu nóng của người sống cùng thấm vào trong ấy. Người thiếp mười sáu tuổi được cưới về, hàng đêm ngồi trên tấm bồ đoàn, rồi nhanh chóng thụ thai. Thầy lang bắt mạch, nói bà sẽ hạ sinh con trai. Từ hàng lẽ mọn thấp nhất, bà được đôn lên làm chính thất. Nhưng, bà đã không đợi được đến ngày hưởng phú quý họ Hoàng”.
Lam thu mình lại. Mẹ chồng cô càng kể như càng lạc vào cơn mê. Tiếng bà rất nhỏ và lạnh lẽo, như tiếng gió lùa qua kẽ răng.
“Đêm ấy, trời mưa to gió lớn. Bà tổ mười sáu tuổi đột ngột trở dạ. Đó là một ca đẻ khó. Đợi mãi mà người đi mời bà đỡ trong hương chưa về. Bà tổ đau đớn vật vã trên chiếc sập, không sao rặn được. Ông tổ Dục Đạt nôn nóng, lo sợ. Ông đã mong đứa con trai nối dõi quá lâu rồi. Và ông không đợi nữa... Mặc mọi người can ngăn, ông dùng đoản kiếm rạch một đường mở toang bụng vợ mình lôi đứa con trai ra. Vừa lúc, bà đỡ đến, thấy bà tổ nằm co giật trên giường, mắt trợn ngược, cung lòng đã mở. Máu bà tổ lênh láng khắp sập gụ, thấm đẫm trên tấm bồ đoàn...”.
Mắt Lam cay xè. Hai giọt nước mắt nhọc nhằn trườn ra khỏi hốc mắt cô, chậm rãi bò xuống má. Lời kể của mẹ chồng biến thành tiếng rên thổn thức.
“Bà tổ đời thứ năm khi có bầu, được tẩm bổ quá mức. Lúc sinh con, vì đứa trẻ quá to, người ta phải rạch nát cửa mình, bà hậu sản nên mất khi con mới được mươi ngày. Bà tổ đời thứ bốn, vì lỡ để con trai bị gãy tay trong lúc chơi đùa, mà bị chồng đánh đến tàn tật. Những điều ấy đều được ghi trong cuốn gia phả kia kìa... Ngay như tôi, cưới chồng bốn năm, sinh liền hai đứa con gái, mẹ chồng liền sắm sửa đồ lễ, tính dạm hỏi vợ khác cho con trai bà ấy. Nếu không có thằng Thành ngay sau đó, tôi có được ở yên không?”.
Lam mở mắt thật to nhìn mẹ chồng, rồi quay lại nhìn bức chân dung người đàn bà áo tấc, tóc đuôi gà. “Mẹ à. Nếu chúng con không thể sinh con trai nối dõi cho nhà họ Hoàng thì sao?”. Giọng mẹ chồng đanh lại: “Không thể có chuyện đó. Ngôi mộ phát đinh còn đó, tấm bồ đoàn còn đó, ai dám bảo nhà họ Hoàng này tuyệt tự? Nếu không sinh được con trai nối dõi, đó là lỗi của cô”.
Lam cười hắt ra, tiếng cười ảm đạm và chua chát. Cô bỏ lại mẹ chồng, bỏ lại những tấm chân dung đang nhìn chiếu xuống gáy mình, lặng lẽ rời gian phòng cấm. Hành lang vẫn đỏ quạch bóng đèn lồng.
Sáng hôm sau, cả nhà nháo nhác vì không thấy bóng Lam đâu. Trên tấm bồ đoàn đỏ, Lam để lại chiếc phong bao bằng giấy. Khi mở ra đọc, Thành sụp xuống dưới chân bố mẹ. Thì ra, bí mật mà Lam cứ ngấp nghé định kể cho chồng suốt hai tháng nay là đây. Cô đã lén đưa mẫu tinh dịch của chồng đến một bệnh viện lớn làm xét nghiệm. Thành không thể có con.
Một mình đứng đợi tàu trên sân ga, Lam thôi không khóc nữa. Chuyến tàu đưa cô trở về thành phố sầm sập rời đi. Bóng những hàng bạch đàn ven đường đen thẫm, vùn vụt như đang chạy ngược. Trong những cơn gió rú rít bên ngoài cửa sổ như muốn kéo lùi mọi thứ trở lại phía sau, tiếng gió nào đang gọi tên cô…
An Thư
*
"Thứ Bảy, chiều thu, sau mấy ly rượu cà phê, nghe bạn bảo, này đã đọc Bồ đoàn đỏ chưa, giống Bóng đè ra phết. Lúc đấy hơi say say, mình lơ mơ tự nhủ, sao Bóng đè lại giống Nhục bồ đoàn được nhỉ.
Sáng Chủ nhật, nằm đọc Bồ đoàn đỏ của tác giả An Thư (đăng trên Văn nghệ Quân đội, Thứ Tư, 26/08/2020), rồi đọc lời bình của một vài độc giả trên FB về sự giống nhau giữa 2 truyện ngắn này. Mình thấy tuy Bồ đoàn đỏ có vài điểm giống Bóng đè (như kết cấu truyện, không gian, thời gian, nhân vật, rồi ám ảnh Trung Hoa, ẩn dụ về thân phận phụ nữ, bạo lực áp đặt trên cơ thể phụ nữ…) nhưng cũng có nhiều chi tiết khác.
Trước hết, mặc dù cũng là motif đôi vợ chồng trẻ, vợ người thành phố chồng người nông thôn, nhưng nhân vật tôi trong Bóng đè không có tên, còn người vợ trong Bồ đoàn đỏ tên Lam (rõ ràng không vỹ). Chồng trong Bóng đè là Thụ, còn chồng trong Bồ đoàn đỏ cũng vần Th, nhưng tên Thành. Hai vợ chồng Lam và Thành cũng đi tàu về quê như Thụ và vợ Thụ. Nhưng, như chúng ta biết, tàu Bắc-Nam có nhiều chuyến, nhiều loại vé khác nhau, giường nằm, ghế mềm ghế cứng các kiểu. Nhiều khả năng là Lam & Thành đi tàu khác toa, thậm chí khác cả chuyến với Thụ và vợ. Hơn nữa, trong Bóng đè, vợ chồng Thụ mỗi năm đi tàu về quê 16 lần (16 đám giỗ), còn vợ chồng Lam và Thành chỉ về quê có 6 lần (“đều đặn hai tháng một lần, cả hai lại bắt tàu về quê”), ít hơn hẳn đôi kia đến 10 lần.
Nhà Thành trong Bồ đoàn đỏ cũng khác nhà Thụ trong Bóng đè: 1 bên là nhà gỗ ba gian, bên kia là nhà gỗ những bảy gian, lại còn treo thêm nhiều đèn lồng đỏ. Tổ tiên Thụ “từng là vua chúa vương giả Trung Hoa gặp nạn nên chạy loạn sang đây.” Còn tổ tiên Thành tuy cũng nguồn gốc Trung Hoa, cũng do gặp nạn nên chạy loạn sang nước Nam, nhưng có tên tuổi rõ ràng (ông tổ Tám đời, tên Hoàng Dục Vĩ), chứ không mơ hồ mù mờ như tổ tiên Thụ. Ngay cả mộ nhà Thành cũng khác mộ nhà Thụ. Mộ nhà Thành chỉ có một ngôi lớn, xây bằng đá, trông giống lăng, xung quanh có nhiều cây ngọc lan. Còn nhà Thụ có những 11 mộ, lại ở cạnh bãi ngô. Ngô với ngọc lan đương nhiên khác nhau hoàn toàn. Lam trong Bồ đoàn đỏ ít “hổ cái” hơn “tôi” trong Bóng đè. Mặc dù cũng rợn người trước ngôi mộ cổ nhà chồng, Lam không hề cởi áo múa quanh mộ.
Khi về nhà chồng, Lam và Thành ngủ trên sập gỗ, còn Thụ và vợ ngủ trên phản. Phản và sập gỗ có thể giống nhau, cũng có thể khác nhau. Khác nhau thế nào, còn tùy ở quan niệm về sập và phản của độc giả. Nhân vật tôi trong Bóng đè bị hồn ma của cha chồng đè và hiếp, còn nhân vật Lam trong Bồ đoàn đỏ chỉ bị hồn ma bà tổ đời thứ Bảy đứng nhìn, chứ tuyệt không đè, càng không hiếp. Trong Bóng đè, khi nhân vật “tôi” bị bóng đè, Thụ nằm bên cạnh hoàn toàn không ngáy (dù trước đó anh có đùa “mấy phút nữa là ngáy.”). Trong Bồ đoàn đỏ, khi Lam bị bóng đè, Thành nằm bên cạnh có ngáy.
Mẹ chồng trong hai truyện ngắn cũng hơi khác nhau. Mẹ Thụ trong Bóng đè mong con dâu sinh con trai, nhưng chỉ nói bóng gió. Mẹ Thành trong Bồ đoàn đỏ cũng mong con dâu sinh con trai, nhưng bà chủ động hơn, công khai bắt con dâu ngồi lên tấm bồ đoàn đỏ trong lúc ngủ với chồng. Đêm, khi hai nữ nhân vật bị bóng đè, mẹ Thụ “phẩy lia phẩy lịa nắm nhang khắp bàn thờ,” trong khi mẹ Thành chỉ gõ mõ tụng kinh.
Ngay cả cách hai nhân vật nữ trong 2 truyện ngắn phản kháng cũng khác nhau. “Tôi” trong Bóng đè dùng “bàn tay” “kéo roạc tấm màn đỏ trước bàn thờ.” Còn Lam trong Bồ đoàn đỏ thì đi vào căn phòng cấm. Nói chung, để phá vỡ cấm kỵ, việc dùng tay hay dùng chân là có khác nhau.
Kết thúc của Bóng đè và Bồ đoàn đỏ tuy đều không có hậu, nhưng cũng có điểm khác: một đằng có thai và một đằng không có thai.
Trong Bóng đè, nhân vật “tôi” có thai, và cô biết con mình “sẽ tiếp nối truyền thống Trung Quốc, sẽ tiếp tục thờ cúng bóng tối, sẽ tiếp tục banh dạng trên phản cho các liệt sĩ thỏa mãn. Nếu là bé trai, con tôi sẽ bảo vệ cái bàn thờ, nếu là bé gái, con gái tôi sẽ tiếp tục hiến dâng cho những tấm huân chương.” Tuy nhiên, cô vẫn hy vọng con cô “sẽ có bàn tay của mẹ,” một bàn tay “biết níu giữ tự do.”
Còn trong Bồ đoàn đỏ, Lam bỏ đi sau khi để lại cho gia đình chồng 1 tấm giấy thông báo kết quả xét nghiệm, rằng dù được sự trợ giúp của tấm “bồ đoàn đỏ,” (có lẽ không phải Nguyễn Tất) Thành không thể có con.
Túm lại, mặc dù đọc Bồ đoàn đỏ, mình phải ngả mũ chào người quen liên tục, nhưng nếu dùng phần mềm trên mạng để so sánh 2 văn bản này về câu chữ, thì chắc sẽ không soi ra câu nào giống nhau.
Đành tự nhủ, “Thôi thế thì thôi/ Rằng không thì cũng vâng lời rằng không"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét