Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Thấy gì qua chuyến thăm Việt Nam của tân thủ tướng Nhật Suga Yoshihide?

 


Thấy gì qua chuyến thăm Việt Nam của tân thủ tướng Nhật Suga Yoshihide?
Ông Suga vừa kết thúc chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên trên cương vị Thủ tướng ở Việt Nam để bay tiếp đến Indonesia. Có thể nói đây là một chuyến thăm được tổ chức khá im lìm, không bún chả phố cổ, không trà đá vỉa hè, không chạy bộ công viên và không trú mưa mái hiên. Chị em phụ nữ chả có cớ gì mà rụng trứng cả. Là nói các bạn gái trẻ thôi.
Chứ trung niên như tớ thì cũng có ối suy tư.
Này nhá: tại sao ông ấy không chọn Washington, Bắc Kinh, hay chí ít là thằng hàng xóm nhiều vấn đề trong lịch sử nhưng giằng giéo nhiều lợi ích là Seoul để chào hỏi, mà lại là hai quốc gia Đông Nam Á rừng thiêng nước độc (một đằng Đông Lào, một đằng Nam Lào nhể, hic)? Việt Nam và Indonesia thực sự thu hút ông ấy vì lý do gì? Chuyến thăm này có ảnh hưởng tới cảm xúc của anh Trump hay anh Tập không? Nếu có, nó ảnh hưởng thế nào?
Kể từ năm 1945, có một nghi thức lặp đi lặp lại, đến mức trở thành biểu tượng, là các tân Thủ tướng Nhật Bản luôn chọn Washington là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình. Duy nhất Shino Abe đã không làm thế vào năm 2012. Ông ấy cũng đã chọn Việt Nam và Indonesia làm 2 điểm đến mở màn cho nhiệm kỳ tái đắc cử của mình. Vì thế, Suga hôm nay thực ra cũng chỉ đang theo sát bước chân của người tiền nhiệm mà thôi. Như vậy, vị trí của Đông Nam Á nói chung và VN, Indonesia nói riêng, đối với Nhật Bản đã được xác lập ở một level mới kể từ năm 2012. Nói nôm na, Nhật Bản đang xây dựng một liên minh nhằm gia tăng sức mạnh về kinh tế và an ninh, thay thế vai trò của Trung Quốc. Shino Abe chưa hoàn thành mục tiêu đó. Liệu Suga có làm được không?
Thử tìm lý do cho việc lựa chọn hai quốc gia này của Nhật Bản, từ góc nhìn hiện tại:
Việt Nam hấp dẫn Nhật một cách đặc biệt về nhiều mặt. Về chính trị Việt Nam có chính sách ngoại giao hài hoà với các nước lớn, có vị thế ngày càng tăng ở khu vực; Về môi trường đầu tư kinh doanh, Việt Nam được coi là ứng cử viên hàng đầu cho chiến lược “Trung Quốc +1”; Về dân số thì có 2 ưu điểm lớn là đông và trẻ (sắp cán mốc 100 triệu dân có độ tuổi trung bình là 26), kết hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh, tầng lớp thượng lưu gia tăng nhanh chóng hứa hẹn sẽ là một thị trường cực tiềm năng, giống hệt Nhật Bản giai đoạn sau chiến tranh.
Còn Indonesia, với kích cỡ dân số khổng lồ trên 270 triệu dân, luôn có tiếng nói rất quan trọng – có thể nói là anh cả trong ASEAN – mà ASEAN là hạt nhân an ninh của khu vực. Ngoài ra, Indo còn là thành viên của nhóm G20 nền kinh tế mạnh nhất hành tinh.
Nhưng đó chưa phải là tất cả.
Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ cả Việt Nam và Indonesia đều đang gặp vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc, và đều đang có sự cải thiện rất mạnh mẽ trong quan hệ với Mỹ. Nhật Bản đã tìm thấy ở đó sự tương đồng và có hẳn một chiến lược củng cố và thắt chặt các mối quan hệ này. Mục tiêu cuối cùng là kìm chế và thay thế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.
Với Việt Nam, ngay từ năm 2006 Nhật Bản đã ký kết Đối tác Kinh tế, sau đó từng bước nâng cấp thành một liên minh chiến lược rộng lớn hơn. Mới đây Tokyo công bố sẽ đóng 6 tàu tuần tra mới cho lực lượng tuần duyên của Việt Nam (trị giá 348 triệu đô la). Thoả thuận này chính là sự ủng hộ ngầm đối với lập trường của Việt Nam trong những bất đồng liên tục với Trung Quốc về các vấn đề ở Biển Đông.
Với Indonesia, khi dự án đường sắt nối liền Jakarta và Bandung do TQ là chủ đầu tư thông qua Chiến lược Vành đai Con đường bị chậm tiến độ và đội kinh phí quá lớn, Nhật Bản đã nhảy vào và thể hiện một cách làm hoàn toàn khác biệt, lấy bền vững và minh bạch làm trọng tâm. Lượng viện trợ khổng lồ trị giá 4,5 tỷ đô đã được trao cho Jakarta để phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có tuyến đường sắt cao tốc mới giữa thủ đô Jakarta và Surabaya ở Đông Java dài 750 km đã làm nức lòng người Indonesia, giúp cho Nhật Bản ghi được những điểm số đáng chú ý ban đầu trong công cuộc cạnh tranh với Trung Quốc tại đất nước này.
Nỗ lực thay thế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực của Nhật Bản có thành công hay không chưa thể khẳng định được, nhưng những gì Nhật Bản đang làm thì rõ ràng là một đóng góp cho công cuộc kiềm toả sức mạnh của Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu. Vì thế, anh Trump chắc chắn hài lòng với chuyến thăm này. Còn anh Tập, tất nhiên, là đang giận tím ruột.
Nhìn rộng ra, với cuộc chiến chống Trung Quốc, thế giới chưa bao giờ đồng thuận hơn thế. Nhưng còn kịp không? Ngắn hạn thì không kịp rồi. Cách đây vài hôm, World Economic Outlook 2020 cho biết Trung Quốc hiện đã thay thế Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới (lớn hơn 1/6 so với Mỹ - 24,2 nghìn tỷ USD so với 20,8 nghìn tỷ USD của Mỹ - tính theo Big Mac Index). Trung Quốc cũng đã soán ngôi Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của gần như mọi quốc gia lớn. Bất chấp việc là quốc gia khởi phát covid và điêu đứng ở thời kỳ đầu, năm 2020, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng tích cực: nền kinh tế duy nhất sẽ lớn hơn vào cuối năm so với thời điểm đầu năm. Đó là một thực tế choáng váng mà không một nước nào muốn nghe, nhưng đã được cả IMF và CIA thừa nhận.
Sức mạnh kinh tế sẽ tiếp sức cho quân sự. Trung Quốc chắc chắn sẽ trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết trong chiến lược đối ngoại. Theo lý thuyết “cái gì không giết được bạn thì nó chỉ có làm bạn mạnh hơn”, thì Trung Quốc chắc chắn sẽ còn tiếp tục là một câu chuyện tiêu tốn nhiều băng thông nhất của toàn thế giới.

Không có nhận xét nào: