Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

THÊM MỘT THÁNG TƯ ĐANG VỀ


 

Thêm một tháng tư đang về

Tự dưng buồn vì tháng 4 nóng nực, khó chịu đang về. Vì ai cũng nhớ mãi, nhớ hoài về mỹ tự mà một phe "ban" cho người Miền Nam chữ "ngụy".

Nào là "chống Mỹ - Ngụy", "ngụy quân ngụy quyền", “ngụy quyền Sài Gòn”. Rồi từ "ngụy cha" họ sẽ nói "thằng ngụy con" , "ngụy cháu".

Thực sự, những ai từng bước qua giai đoạn lịch sử đó đều không bao giờ quên biến cố quan trọng của Miền Nam trong chánh trị. Vì sau ngày đó dân Nam thành công dân với thân phận và địa vị, quyền lợi là "ngụy". Nhưng hơn ai hết, trong mắt người MN, người nào dám cầm súng và ngã xuống bảo vệ quê hương là anh hùng.

VNCH có nhiều vô số những anh hùng, miền Nam có vô số người anh hùng. Những người mẹ MN chấp nhận vì xứ sở, gấm vóc, mẹ nhìn sự ra đi của con là nhẹ nhàng, cần thiết.

Thân con lưu lạc mẹ xin phó mặc
Đời con muốn đặt tổ quốc ở trên
Thư rằng mẹ xin thành mẹ Việt Nam
Có con sa trường chỉ mong ước rằng
Ngày sau nước còn công ấy nhờ con


Lịch sử dầu viết thế nào, ra làm sao, những anh hùng đó vẫn tạc vào lòng người mãi mãi.

"Làm người trung nghĩa đáng bia son
Đứng giữa càn khôn tiếng chẳng mòn
Cơm áo đền bồi ơn đất nước
Râu mày giữ vẹn phận tôi con
Tinh thần hai chữ phao sương tuyết
Khí phách ngàn thu rở núi non
Gẫm chuyện ngựa hồ chim việt cũ
Lòng đây tưởng đó mất như còn"

(Trung thần nghĩa sĩ - Đồ Chiểu)


Hình ảnh anh lính VNCH đẹp không thể đẹp hơn

“Tôi tiễn anh lên đường trời hôm nay mưa nhiều lắm
Mưa thấm ướt vai gầy, mưa giá buốt con tim
Mình cầm tay nhau chưa nói hết một câu
Thôi đừng buồn anh nhé ... tiếng còi đã ngân dài
Chinh nhân ơi!
Xin anh chớ buồn
Chinh nhân ơi!
Xin anh chớ buồn

Người yêu anh còn đó, người yêu anh bé nhỏ hứa thương anh trọn đời"

“Một người đi” là ánh mắt, niềm tin cho người trai lên đường ra chiến trận. Đường ra trận bụi mờ mịt, giữa mũi tên lằn đạn nguy hiểm, nhưng người ở lại luôn chúc cho người ra đi bình yên.

Xưa có câu:

“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ?”
(Say khướt sa trường anh chớ mỉa
Xưa nay chinh chiến mấy ai về
?)

Thân phận của người trai giữa mùa chinh chiến

"Hát khúc xuất quân
Giỡn mặt tử thần
Viết những thiên anh hùng ca bằng máu
Từ những chiến trường Tây Nguyên, Bến Hải, Cà Mau"

Hồi còn con nít, khi nghe bài hát 7000 đêm của Trầm Tử Thiêng đều tự hỏi, thắc mắc trong lòng “7000 đêm“ là cái gì?

“Bảy ngàn đêm
Giấc ngủ chưa tròn
Giấc ngủ hao mòn
Cơn mơ thành bại, mắt còn đỏ hoe”


Lớn lên mới biết rõ, 7000 đêm là con số ước lượng của 20 năm, hai mươi năm từ 1955 tới 1975.

Ký ức xót xa, nghẹn ngào, uất hận, thương nhớ, kỷ niệm đó nó không hề phai.

Người đã từng đổ xương máu thì sao đành đoạn quên họ được, họ là ông bà, cha mẹ, chú bác chúng ta mà.

Xin tưởng nhớ và tri ơn những người đã bỏ cả tuổi xuân, máu xương đặng bảo vệ mảnh đất này cho con cháu.

Trong 21 năm Việt Nam Cộng Hòa (1954-1975) nó có vô số những tiến bộ mà ngày nay với không tới.

Nền giáo dục VNCH tiến bộ, có chất lượng, bằng cấp VNCH được quốc tế công nhận.

VNCH là những cái gì vốn thiết thực với văn minh nhân loại, từ đạo đức, giáo dục, suy nghĩ tới cách làm người, tất tả theo quy chuẩn chung của thế giới

Xã hội VNCH là xã hội có ý thức, biết trên dưới, có nhận thức về xã hội tiến bộ.

Nên học trò lễ phép với thầy cô, người lớn, ghét chửi tục

Học trò thuộc lòng:

"Không phá của công
Không xả rác ngoài đường
Phải nhường ghế cho người lớn tuổi, phụ nữ có thai trên xe buýt
Phải dắt em bé hay cụ già qua đường
Phải ngả nón chào khi xe tang đi qua
Không gian lận
Nói dối là xấu xa …"


Ra đường ăn mặc lịch sự, con nít được dạy vệ sinh, ý thức và tôn trọng mọi người, biết nhìn về cái chung của cộng đồng, biết yêu thương và lòng trắc ẩn, bao dung.

Người VNCH được rèn luyện tinh thần dân tộc Việt xưa, rất tự trọng dân tộc, biết tự ái, biết giữ thể diện quốc gia để không làm tổn hại nó. Tình làng nghĩa xóm là tôn trọng và nhường nhịn nhau, từ nông thôn tới thành thị. Không có những vụ cướp của giết người hàng ngày. Ăn cắp vặt cũng không ghê gớm.
Tình hàng xóm là tất cả, dân Miền Nam hiếu khách, hề hà, nhập thế không chửi bới, không chà đạp, không giành giựt, không phân biệt tôn giáo. Một cuộc sống thanh bình dù đứng bên bờ chiến tranh.

Người Sài Gòn vừa hiện đại vừa truyền thống, áo dài tung bay giữa phố xá một cách tự hào.




Sài Gòn có một thời sáng quắc. Nó sáng bừng lên trong dòng lịch sử Việt Nam, vì quá sáng nên nó đã bị nhiều thế lực hè nhau đè cho chèm nhẹp, đè cho nín thở, banh ta lông, Sài Gòn nằm trong số hiếm các đô thị trên thế giới khi chính cái tên cúng cơm của nó cũng bị xóa tên.

Đó là sự thực chẳng ai dám bịa đặt ra, bản chất lịch sử nó là như vậy.

Học giả Nguyễn Hiến Lê trong Hồi Ký của mình viết rằng:

"Từ đó người Nam chẳng những có tâm trạng (....) kháng chiến mà còn tự hào mình là ngụy nữa, vì ngụy có tư cách hơn kháng chiến”.

Có một câu tục ngữ mà hầu như mọi người đều biết, đó là:"Tha được cho người chỗ nào thì nên tha"(Đắc nhiêu nhân xử thả nhiêu nhân)

Đức Phật dạy: "Tha thứ cho người cũng là tha thứ cho mình"

Quả thiệt có vô số điều phải nói ra, mà nói ra "thêm đau lòng lắm người ơi!”

Chúng ta cùng thờ gia tiên, cùng cúi mình trước ông thần trong cái đình chúng ta ăn nước mắm và cơm trắng cá tươi bằng đôi đũa tre.

Có nhiều sự khác biệt mà căn bản là quyền lợi, cái duy nhứt ai cũng nói là chúng ta cùng một dân tộc, chúng ta cùng trong một nhà, chúng ta là người Việt, cùng một tiếng nói, một chữ viết.

Nhưng lịch sử đã bứng chúng ta ra khỏi cái chung đó và đang trở nên lạc lõng bơ vơ giữa muôn làn sóng ý thức hệ ngược chiều và cũng là lòng người quá hẹp hòi.

Rồi xa nhau dần, nhìn vui cười bề ngoài nhưng phong ba bên trong.

“Chúng ta cùng chơi một ván bài
Để xem lòng người ai đã đổi thay
Chúng ta cùng chơi một ván bài
Mà người thắng sẽ phải nhường…”


Triết gia Kim Định từng cảnh báo rằng: ”Đạo mất trước, Nước mất sau”

Dầu thế nào, dầu ra làm sao thì chúng ta luôn yêu mến cái đất Miền Nam này, ý thức và đau đớn, sống chết cùng với nó, yêu người tha nhân, chia sẻ với đồng loại khắp mọi miền không phân biệt Nam Bắc.

Chúng ta cảm hoài về những núm mộ trơ trụi, lẻ loi, cô đơn, sạt lở của những người VNCH.

Chúng ta tự hào và nguyện cố giữ những tinh túy của một nền văn hóa đầy tính dân tộc, nhân bản, khai phóng của Miền Nam chúng ta xưa rày.

Chắc chắn một điều tương lai lúc nào cũng tươi sáng, lịch sử rất công bằng, mọi người phải rèn dũa nhiều, người trước đuối sức thì người sau bước tới liền.

Xin vẫn là những người tiến bộ, tài hoa và không bao giờ ngừng bước.

Chúng ta là những người sanh sau 1975, là thế hệ không máu đổ xương rơi với Việt Nam Cộng Hòa, nhưng chúng lại là con cháu trực hệ của những người VNCH đó, và lịch sử sau 1975 cũng đã cho chúng ta một lòng tự hào về những gì đã có đó. Những di sản của mình thì mình ráng giữ văn hiến của mình.

Thế hệ VNCH còn nhiều lắm

Những người lính VNCH càng ngày càng già, rơi rụng dần, những giá trị tiến bộ đó ngày mai một. Nhưng ông bà nội ngoại chúng ta chết thì còn cha mẹ truyền dạy, cha mẹ xong thì còn thế hệ sau 1975 gần gần như 1976, 1977, 1979 nối tiếp và dài ra nữa. Và thế hệ trẻ sanh sau những năm 1990 và 2000 sẽ vẫn còn cơ hội đọc, còn nghe, tiếp xúc được.

Dòng đời vẫn tiếp tục gạn đục khơi trong.

Không có nhận xét nào: