Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2022

HOÀI NIỆM LIÊN XÔ

 

2 người Nga đóng giả lãnh tụ để kiếm sống

Peter Pho

 

Hôm nay mua được mấy hộp cá trích đóng hộp, ngồi nhâm nhi với bánh mì và trong óc hiện lên hình ảnh Liên Xô một thời…

 

Một cụ ông cụ bà ngực đeo đầy huân chương đến từ miền quê của Nga dắt tay nhau đi trên Quảng Trường Đỏ, Mạc Tư Khoa. Họ níu tay một người đàn ông có tuổi, và lão biết được những gì họ nói với nhau thông qua người bạn phiên dịch:

- Đồng chí, đồng chí có biết Leningrad và Stalingrad ở đâu không? Chúng tôi không tìm thấy nó trên bản đồ.

- Không còn nữa, không còn nữa rồi, chúng ta đã thất bại. Các nhà tư bản và quan liêu lại đè đầu cưỡi cổ chúng ta một lần nữa.

 

Năm 1997, cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã quay một quảng cáo cho Pizza Hut. Trong đoạn quảng cáo có một cảnh, sau khi nhìn thấy Gorbachev xuất hiện tại tiệm Pizza Hut, hai cha con người Nga bắt đầu tranh cãi "Có đúng Gorbachev đã để Liên Xô sụp đổ." Người cha nói: "Ông ta đã mang đến sự hỗn loạn về chính trị và kinh tế". Người con tranh luận: "Ông ta mang lại hy vọng cho chúng ta". Trong khi hai cha con đang tranh cãi không dứt, người mẹ nói: "Vì ông ấy, ít nhất chúng ta cũng có nhiều thứ, chẳng hạn như Pizza Hut!"

 

Nghe vậy, hai cha con vốn đang tranh cãi nhìn nhau mỉm cười rồi khẽ gật đầu. Ngay sau khi người mẹ nói xong, mọi người trong nhà hàng đều đứng dậy vỗ tay vì món quà Pizza Hut mà Gorbachev đã đem đến. Vị cựu lãnh đạo cũng rất vui vẻ, mỉm cười gật đầu chào mọi người và hàng chữ “Pizza Hut, pizza to go” hiện ra. Kịch bản của quảng cáo này do chính Gorbachev thiết kế.

 

Vào thời điểm này, tức là chỉ 6 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, điều khiến nhiều người khó hiểu là nhà lãnh đạo của một cường quốc từng thống trị thế giới lại thực sự có thể giễu cợt thất bại tồi tệ nhất trong đời mình trong một quảng cáo?

 

Sau khi Gorbachev từ chức, ông đã kiếm được rất nhiều tiền bằng cách đi khắp nơi ra mắt và diễn thuyết cũng như quảng cáo. Trong một quảng cáo cho hãng LV, ông ta mang túi hành lý LV, từ trong xe ngắm nhìn Bức tường Berlin bị phá bỏ.

 

Năm 1968, tại buổi ra mắt phim “Cách mạng Tháng Mười”, một nhóm cựu chiến binh từng tham gia Cách mạng Tháng Mười đã được mời đến xem phim. Khi chiếu đến đoạn đánh chiếm Cung điện Mùa Đông, màn chiến đấu đầy máu lửa, giao tranh diễn ra vô cùng ác liệt. Đạo diễn đặc biệt giới thiệu với các cựu chiến binh rằng để quay những cảnh chiến đấu chấn động này, một số nhân viên đã không may tử nạn trong quá trình sử dụng chất nổ. Những cựu chiến binh nghe họ nói mà choáng váng, bởi vì Cách mạng Tháng Mười thực sự không khốc liệt nhiều so với phim.

 

Vào đêm Cách mạng Tháng Mười, chỉ còn lại mấy chục tàn quân canh giữ Cung điện Mùa Đông, trong đó có một đội tự vệ nữ, khi nghe tin những người cộng sản khởi nghĩa, họ không ngần ngại chạy theo nghĩa quân xông vào cung điện Mùa Đông. Những người chết trong Cách mạng Tháng Mười không chết nhiều như trong phim.

Chính phủ Nga năm 1917 giống như một người khổng lồ làm bằng đất, trông thì to lớn nhưng thực tế lại vô cùng yếu ớt và dễ bị đánh bại.

Năm 1904, với tư cách là một cường quốc kỳ cựu của châu Âu, nước Nga Sa hoàng đã bị Nhật Bản đánh bại trong Chiến tranh Nga-Nhật. Không lâu sau, để cướp bóc thế giới bên ngoài, Nga lại chìm trong một trận chiến kéo dài. Nhiều năm chiến tranh đã bòn rút bao nhiêu tráng đinh, ruộng đất bỏ hoang, đất nước khắp nơi dân chúng đói rét, người dân thường vì một bát canh cải, một miếng bánh mì đen chua loét mà đánh nhau đến vỡ đầu tím mặt.

Đồng thời, ngành công nghiệp của Nga hoàng là một mớ hỗn độn. Trên chiến trường, những người lính Nga thậm chí phải tay không ra trận, đợi những người phía trước tử trận, họ mới nhặt súng lên và tiếp tục xung phong.

 

Lúc này ở Nga xuất hiện một người tên là Lênin, Ông khẳng định: “Quần chúng lao động mới là chủ nhân thế giới, chúng ta phải xây dựng một đất nước không có áp bức”. Quần chúng lao động đã bị bọn quan liêu và tư bản ức hiếp quá lâu, đội ngũ của Lenin đi đến đâu cũng xử bắn địa chủ và ác bá, chia nhà thờ cho dân nghèo làm nhà ở, dẫn đầu công nhân chiếm lấy nhà máy. Lênin đã thu phục được lòng dân, càng chiến đấu càng nhiều người tham gia.

 

Theo con mắt của các nhà tư bản, tất cả những người Cộng sản này đều mất trí, họ nổi dậy không phải để làm giàu, mà sẵn sàng lao vào để mất mạng? Trong bộ phim "Lenin năm 1918" chiếu năm 1939, có nhắc đến Alexander Tsiurupa, Ủy viên Lương thực Nhân dân, đã không để lại cho mình một mẩu bánh mì nào khi phân bổ lương thực cho tiền tuyến, và ông đã bị gục xuống trong khi đang báo cáo với Lenin trong văn phòng của Lenin vì quá đói.

 

Người kỵ binh Nikolai Alekseyevich Ostrovsky bị thương nặng trong trận chiến ở tiền tuyến, nhưng anh ta đã xé giấy chứng nhận khuyết tật và che giấu bệnh tật của mình, anh đến Siberia để xây dựng một tuyến đường sắt ở Siberia phủ đầy tuyết và hiến mình cho lý tưởng. Sau đó, anh đã viết lên cuốn sách “Thép đã tôi thế đấy”. Ông được xem là biểu tượng sống của niềm tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống của nhiều thế hệ thanh niên trên thế giới và trong đó có cả thanh niên Việt Nam thập niên 1960, 1970 và 1980.

 

Tại cuộc họp toàn đảng, Lê-nin đã khảng khái tuyên bố với toàn thể đảng viên: “Đặc quyền duy nhất của những người Cộng sản là được hy sinh trước tiên vì cách mạng!” Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, quần chúng nhân loại bị áp bức và khốn khổ đã thực sự đứng lên kiến tạo một đất nước của riêng mình.

 

Các nhà tư bản nhanh chóng phát hiện ra rằng Đảng Cộng sản khó nhằn hơn bất kỳ đối thủ nào mà họ từng đối phó. Chiến tranh thế giới thứ nhất về bản chất là cuộc chiến nổ ra giữa các cường quốc vì sự phân chia lợi ích không đồng đều, cuộc chiến dù ác liệt đến đâu, chết bao nhiêu thì cũng chỉ có nhân dân hứng chịu, còn các nhà tư bản thì vẫn kiếm được tiền. Vì vậy, chỉ cần có đủ lợi ích, các nước hoàn toàn có thể bắt tay nhau giảng hòa và phân chia chiến lợi phẩm.

Nhưng Đảng Cộng sản thì khác, Cộng sản đi đến đâu cũng nhổ tận gốc nhà tư bản. Sau Cách mạng Tháng Mười, các nhà tư bản lần lượt tháo chạy khỏi Nga, các nhà máy bị Đảng Cộng sản tịch thu và biến thành hợp tác xã của công nhân. Quan trọng nhất, thành công của Cách mạng Tháng Mười đã thôi thúc công nhân trên toàn thế giới lần lượt vùng lên chống lại ách thống trị của nhà tư bản, làm cho các nhà tư bản hết sức đau đầu. Giới quý tộc khắp châu Âu đều nói: Lê-nin không phải là tay vừa, ông ta là ngày tận thế của thế giới văn minh!

 

Cộng sản đánh nhau rất giỏi, nhưng quản lý đất nước và làm kinh tế thì hỗn độn và vào một ngày đẹp trời, sự thối nát cũng bị bóc mẽ… (Lão PP nhai thêm miếng cá, nghĩ tiếp…)

 

Một ngày vào những năm 80 của thế kỷ trước, một điệp viên KGB của Liên Xô mua 5 lon cá trích đóng hộp tại siêu thị. Kết quả là khi mở hộp ra, anh ta phát hiện trong hộp không chứa cá trích rẻ tiền mà chứa đầy trứng cá muối (Caviar) đắt tiền. Vì tò mò, người này mở từng lon khác, cũng đầy trứng cá muối.

Hàng hoá có giá trăm đồng và hơn chục đồng đã bị đóng gói sai, đây không thể là sự nhầm lẫn sơ ý. Chỉ sau khi điều tra, điệp viên này mới phát hiện ra rằng những lon trứng cá muối, được ngụy trang thành cá trích đóng hộp, là thủ đoạn để các quan chức Liên Xô tham ô. Khi đó, Liên Xô có một số cửa hàng đặc biệt dành cho quan chức, trong đó có nhiều loại trứng cá muối thượng hạng, thuốc lá ngon, rượu ngon mà giá cả lại rẻ.

Những quan chức này đã ăn chán món trứng cá muối chất lượng hàng đầu, và muốn bán trứng cá muối để kiếm tiền, họ đã thành lập một nhà máy riêng, đưa trứng cá muối vào lon, và dán nhãn "cá trích đóng hộp" ở bên ngoài, đóng thuế Hải quan theo giá cá trích hộp để xuất khẩu ra nước ngoài rồi đổi lại nhãn mác “trứng cá muối” và bán kiếm tiền chênh lệch. Trong khi đó, những người dân bình thường ở Liên Xô luôn cầm tiền, thở dài trước những kệ trống của siêu thị, muốn ăn cũng không có.

 

Sau khi người điệp viên tiết lộ vấn đề này, người dân Liên Xô vô cùng phẫn nộ, và các quan chức cấp cao của Liên Xô quyết định điều tra toàn diện vụ việc. Toàn bộ chuỗi công nghiệp "trứng cá muối" đã thu hút hơn 200 quan chức chính phủ trong một âm mưu như cán bộ của ta trong vụ mua sắm kit test của Việt Á.- Bộ Nông nghiệp chịu trách nhiệm về nguyên liệu thô, Bộ Ngoại thương chịu trách nhiệm bán hàng và Hạm đội Thái Bình Dương chịu trách nhiệm vận chuyển. Nhiều người trong số này đều có quyền lực cao, và tất nhiên họ không thể tự trừng phạt mình.

Tổng bí thư Leonid Ilyich Brezhnev đành để người bạn thân Серге́й Фёдорович Медуно́в xử lý. Tuy nhiên,  Медуно́в bí mật thừa nhận với Brezhnev rằng ông ta cũng có một cổ phần trong việc kinh doanh trứng cá muối. Trước cuộc chất vấn gay gắt của Brezhnev, Медуно́в nói: "Những bức tranh giá trị, biệt thự và xe hơi nổi tiếng mà tôi đem biếu ngài đều đến từ số tiền này, có nghĩa là ngài cũng dính một phần trong vụ này ...”.

 

Điều tra một thời gian mới phát hiện, hoá ra ta điều tra ta? Thôi thì xoá sổ vụ này cho đỡ rách việc. Trên thực tế, "cửa hàng đặc biệt" bán trứng cá muối này ban đầu được thiết kế để chăm sóc những anh hùng Liên Xô đã có công cho cách mạng. Từ Nội chiến đến Thế chiến thứ hai, nhiều cán bộ, đảng viên Liên Xô đã hy sinh trên tiền tuyến, hiến dâng gần hết cuộc đời và bị thương nặng. Để đảm bảo dinh dưỡng cho họ, Stalin đã cho mở những cửa hàng đặc biệt này. Vào thời đó, thức ăn đặc biệt rất phổ biến của người dân, không gì khác ngoài một ít bơ phết bánh mì, thỉnh thoảng thêm vài lát giăm bông và một ít sữa.

Nhưng vào thời Brezhnev, những quan chức có quyền lực to lớn này không hề trải qua những chiến đấu khó khăn gian khổ khi lập quốc, cũng như không có được niềm tin vững chắc như thế hệ cách mạng lão thành, và căng tin bán đồ ăn của họ dần thay đổi. Ban đầu, cán bộ thỉnh thoảng được phát sôcôla Thụy Sĩ và chăn len của Anh, dần dần bắt đầu bán radio, đồng hồ, thậm chí cả xe hơi sang trọng. Chỉ riêng ở Moscow đã có hơn 100 cửa hàng đặc biệt lộng lẫy như vậy.

 

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô đã mở một trường học đặc biệt cho con em liệt sĩ, chọn những giáo viên giỏi nhất để đào tạo những đứa trẻ mồ côi, giúp chúng trở thành nhân tài, kế thừa di sản của cha mẹ, giải quyết nỗi lo của những tướng tá từng ở tiền tuyến.

 

Kết quả là khi đến thời Brezhnev, những ngôi trường này cũng đổi vị. Các quan chức Liên Xô gửi con cái của họ đến các trường chuyên biệt, và sau đó thiết lập nhiều hệ thống đảm bảo khác nhau để cho phép sinh viên tốt nghiệp - tức là con của các cán bộ trực tiếp vào làm hệ thống chính phủ. Trong toàn bộ chế độ chính thức của Liên Xô, cha ông sống dựa vào chức vụ suốt đời, hưởng lộc lá suốt đời cho đến khi qua đời. Sau khi chết, con cái của họ có thể thừa kế danh vị, đây thực chất là một hệ thống cha truyền con nối.

 

Vào giữa những năm 1970, những tầng lớp đặc quyền này có khoảng 500.000 đến 700.000 người, và cùng với những người thân của họ, có tới 3 triệu người, chiếm khoảng 1,5% dân số cả nước. Ở Liên Xô thời đó có một câu chuyện cười như sau:

Một vị tướng già đang cùng cháu trai đi dạo, cháu trai hỏi: “Ông ơi, mai sau cháu có thể làm tướng được không?”. Ông nội cười và nói: "Đương nhiên là có thể." Người cháu lại hỏi: "Vậy thì cháu có thể làm Nguyên Soái được không?" Ông nội cười một cách khổ sở nói: "Nguyên soái không thể làm được, bởi vì Nguyên Soái có cháu trai."

 

Để ngăn chặn người dân chỉ trích tầng lớp quan chức đặc quyền, KGB, cơ quan tình báo Liên Xô, đã cho mở 16 bệnh viện tâm thần, bất cứ ai dám nói xấu chế độ sẽ bị bắt và bị coi là có bệnh "tâm thần" đưa vào đấy “chữa bệnh”. Sau khi chứng kiến nhiều điều vô lý như vậy, người dân Liên Xô đã tạo ra một thuật ngữ gọi là "bệnh tâm thần chính trị". Vào thời điểm chế độ này bị bãi bỏ vào năm 1988, số người bị gán cho bệnh tâm thần đã lên tới 800.000 người. Về vấn đề này, có một câu chuyện cười ở Liên Xô.

 

Trên tàu điện ngầm, một người hỏi một người khác:


- Đồng chí, đồng chí có làm việc trong KGB không?

- Không.

- Đồng chí có người thân nào làm việc trong KGB không?

- Không.

- Đồng chí có người bạn nào làm việc trong KGB không?

- Cũng không.

- Vậy xin đồng chí bỏ chân ra, đồng chí đang giẫm lên chân tôi!

 

Đến năm 1981, trong số 14 ủy viên Bộ Chính trị do Đảng Cộng sản Liên Xô bầu ra thì có 8 người trên 70 tuổi và chỉ 2 người dưới 60 tuổi. Khi ấy, tuổi thọ trung bình của người Liên Xô chỉ là 63 tuổi.

 

Lương tháng của Brezhnev chỉ có 880 rúp, nhưng nhà của ông ta lại chứa đầy những chiếc xe đua hạng sang, như Rolls-Royce, Lincoln…, có tới hơn 50 chiếc các loại. Tất nhiên, những thứ này đều là hối lộ. Sau đó, vì có quá nhiều đồng hồ và tranh nổi tiếng nhận hối lộ, không có chỗ để cất giữ, vợ của Brezhnev đã tìm một ngôi nhà ở Moscow chỉ chuyên để cất giữ những thứ này.

 

Trong suốt thời kỳ Brezhnev, nhiều nhà lãnh đạo đảng không chỉ sở hữu biệt thự cho riêng mình mà còn xây biệt thự riêng cho con cháu của họ. Đến cuối những năm 1970, các vùng sâu vùng xa của Liên Xô có thể công khai bỏ tiền mua chức vụ có giá mua rõ ràng, ví dụ: 200.000 rúp cho chủ tịch huyện và 100.000 rúp cho phó chủ tịch huyện…

Các chiến binh từng giết rồng ngồi canh giữ ngọn núi đầy báu vật, và dần dần tự biến mình thành ác quỷ.

Vào thời Gorbachev, tình trạng tham nhũng này không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng hơn. Nhà riêng của Gorbachev ở trên núi Lê Nin, là ngôi nhà vỏn vẹn 4 gian, hàng xóm là dân thường. Mặc dù Gorbachev có một biệt thự sang trọng ở Crimea, nhưng đó không phải là tài sản riêng của ông ta. Theo quy định của Liên Xô, những biệt thự và xe hơi hạng sang đó được giao cho các quan chức chính phủ chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu. Khi ông ta nghỉ hưu, tất cả phải giao lại cho nhà nước. Điều này khiến Gorbachev vô cùng khó chịu.

 

Vào tháng 3 năm 1990, Gorbachev đã từ bỏ chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Liên Xô và thực hiện chế độ đa đảng. Bản thân ông từ một lãnh đạo Đảng chuyển sang làm tổng thống Liên Xô. Hệ thống đa đảng khiến Đảng Cộng sản Liên Xô dấy lên làn sóng thoái đảng. Vào tháng 7 năm 1990, Yeltsin đã đi đầu trong việc tuyên bố thoát ly khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1990, Đảng Cộng sản Liên Xô mất đi 2,7 triệu đảng viên, một năm sau, con số này đã tăng lên 4 triệu, tức là gần 1/4 tổng số đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô đã bỏ Đảng. Rất đông người dân đổ ra đường, đòi vứt bỏ thi hài Lenin, lật đổ và đập phá tượng Stalin và Lenin.

 

Bởi những đóng góp kiệt xuất của mình cho chủ nghĩa tư bản, với tư cách là nhà lãnh đạo Liên Xô, Gorbachev đã được trao giải Nobel Hòa bình vào tháng 10 năm 1990. Cả thế giới đều biết giải Nobel là gì, đặc biệt là giải Hòa bình.

Người dân Liên Xô nhận thức rõ sự thoái hóa của các quan chức, và hành vi của Gorbachev đang dần chia rẽ đất nước, và suy nghĩ của các quốc gia thành viên cũng đang thay đổi.

 

Nhưng đại đa số người dân vẫn không khỏi xót xa khi thấy đất nước bị chia cắt, trong thâm tâm họ vẫn nhớ rõ một thời mình đã từng oai hùng khí thế như thế nào trong Cách mạng Tháng Mười và đã đoàn kết như thế nào khi đánh thắng phát xít Đức. Thậm chí, dưới một số gầm cầu ở Liên Xô, vẫn có người viết khẩu hiệu “Chủ nghĩa tư bản tức diệt vong”. Họ muốn giữ lại hệ thống xã hội chủ nghĩa ngay cả khi họ bị chia ra thành nhiều quốc gia.

 

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô lại không đồng tình, ý kiến của 76,4% người dân hoàn toàn không được xét đến, cũng như không được thực hiện dù có dân chủ. Các quan chức cấp cao này trực tiếp phớt lờ kết quả bỏ phiếu và bắt đầu thảo luận về nền độc lập của các nước tham gia. Vào ngày 19 tháng 8 năm 1991, quân đội quyết định thực hiện một nỗ lực cuối cùng, họ vội vã tổ chức một cuộc đảo chính, giam cầm Gorbachev trong một biệt thự ở Crimea. Tuy nhiên, cuộc đảo chính không được chuẩn bị chu đáo nên đã thất bại. Sau cuộc đảo chính thất bại, không ai có thể ngăn cản Liên Xô tan rã.

 

Ngày 24 tháng 8, Ukraine tuyên bố độc lập; ngày 25, Belarus tuyên bố độc lập; ngày 27, Moldova tuyên bố độc lập; ngày 30, Azerbaijan tuyên bố độc lập; ngày 31, Kyrgyzstan và Uzbekistan tuyên bố độc lập; ngày 9 tháng 9 Tajikistan tuyên bố độc lập; vào ngày 23, Armenia tuyên bố độc lập; vào ngày 27 tháng 10, Turkmenistan tuyên bố độc lập.

Ngày 6 tháng 11 năm 1991, Yeltsin, người nắm chính quyền trong một cuộc đảo chính, đã ký hiệp ước "Cấm các hoạt động của Đảng Cộng sản Liên Xô tại Nga". Ông ta chỉ mặt mắng mỏ Gorbachev và buộc cấp trên cũ của ông ta phải từ chức.

 

Vào lúc 19:25 đêm Giáng sinh năm đó, Gorbachev tuyên bố từ chức trên TV. Bảy phút sau, trên nóc Điện Kremlin, lá cờ búa liềm quen thuộc với nhiều thế hệ bắt đầu từ từ hạ xuống, thay vào đó là lá cờ Liên bang Nga ba màu.

 

Đế chế Đỏ hùng mạnh một thời ngã xuống đất trong tiếng gào thét kinh ngạc. Những gì Hitler không thực hiện được bởi hàng vạn quân, đã được hoàn thành bởi chính người Liên Xô.

 

Sự tan rã của Liên bang Xô Viết đã trở thành lễ hội cuồng nhiệt của một nhóm quan chức cấp cao của Liên Xô, họ vui mừng cổ vũ cho những ngày tốt lành sắp tới.

Sau khi Liên Xô tan rã, các quan chức cấp cao bắt đầu điên cuồng bán đấu giá các doanh nghiệp nhà nước, với mức giá cực thấp. Một số xí nghiệp này bị cán bộ bán cho thân nhân, đổi chủ rồi về tay chính mình, một số thì bán cho một số nhà tư bản lớn ủng hộ họ. Năm 1993, một người nào đó đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 267 doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Nga và phát hiện ra rằng 68% trong số đó được kiểm soát bởi những người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước cũ. Sau khi Liên Xô tan rã, các quốc gia thành viên cũ như Ukraine, Belarus và Nga đều trở thành những quốc gia có nhiều tài phiệt đầu sỏ và thân hữu của họ lũng đoạn đất nước nghiêm trọng. Giới tinh hoa cướp bóc của cải mà mọi người đã từng cùng nhau tạo ra và bỏ lại người dân của họ.

 

Có một vị tướng già ở Liên Xô cũ tên là Sergey Sergey Akhromeyev ( xem ảnh), mồ côi vô gia cư từ những năm đầu, nhập ngũ năm 18 tuổi và làm từ trung đội trưởng đến Nguyên Soái Liên bang Xô viết, và ông cũng chứng kiến sự thối nát và chia rẽ ở cấp cao nhất của Liên bang Xô viết. Trong trái tim ông, Liên Xô là tất cả đối với ông. Sau cuộc đảo chính thất bại của quân đội Liên Xô, sự tan rã của Liên bang Xô viết là một kết cục được báo trước. Không thể chịu nổi cảnh đất nước mà ông ta đã chiến đấu trong 68 năm giờ bị tan rã, ông đã chọn cách tự sát bằng cách rút súng bắn vào đầu mình trong văn phòng của ông.

 

Không lâu sau khi Sergey Akhromeyev được chôn cất, vì nghe nói nhiều huy chương của ông rất có giá trị, những kẻ trộm mộ đã đào mộ ông lên, và chiếc quần quân trang cùng huân chương danh dự "Marshal's Star" (Ngôi sao nguyên soái (tiếng Nga: маршальская звезда) và các vật phẩm danh dự khác của ông đã bị đánh cắp đem bán ở chợ giời.

 

Trước khi qua đời, Akhromeyev từng nói với Yeltsin rằng: “Đối với ông, hệ thống xã hội chủ nghĩa là bản án, nhưng đối với tôi, đó là cuộc sống và cuộc đấu tranh của nhân dân chúng tôi trong suốt 70 năm”.

 

Một chế độ được thành lập bởi một nhóm những người có chủ nghĩa lý tưởng, nhưng sau hơn 100 năm thực hành, nó đã bị chính tay mình làm tan vỡ.


***

- Đồng chí, đồng chí có biết Leningrad và Stalingrad ở đâu không? Chúng tôi không tìm thấy nó trên bản đồ.

- Không còn nữa, không còn nữa rồi, chúng ta đã thất bại. Các nhà tư bản và quan liêu lại đè đầu cưỡi cổ chúng ta một lần nữa.

 

Nếu bạn muốn đi theo ngôi sao đỏ, hãy đi về phía đông, cuối vùng đồng bằng Siberia, nơi vẫn còn những đốm lửa…


Peter Pho 

Không có nhận xét nào: