Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2022

"Sách đen về Vladimir Putin» : Nước Nga hậu cộng sản thành thế lực phá rối


 

"Sách đen về Vladimir Putin» : Nước Nga hậu cộng sản thành thế lực phá rối
Thụy My
Chỉ trong 22 năm dưới sự lãnh đạo của Putin, nước Nga hậu cộng sản đã biến thành một cường quốc chuyên phá hoại, sản phẩm xuất khẩu chính là nỗi sợ. Đe dọa tấn công nguyên tử, trưng ra bóng ma nạn đói, cắt nguồn dầu khí…Chính sách phá rối luôn là đường hướng của KGB - trường đại học thực thụ của Vladimir Putin. Về cuộc chiến Ukraina, những con bồ câu phương Tây kêu gọi hòa đàm chỉ làm lợi cho Putin mà thôi.
« Cây đinh cuối cùng đóng vào quan tài Putin »
Ảnh bìa L'Express tuần này đưa chân dung tổng thống Nga trên nền đen và dòng tựa « Putin, cuốn sách đen : Mafia, KGB, ý tưởng, tàn bạo... » với bài viết độc quyền là trích đoạn điều tra của hai nhà sử học Galia Ackerman và Stéphane Courtois về Vladimir Putin.
« Tôi mong cuốn sách này là cây đinh cuối cùng đóng vào quan tài Putin, và là viên đá đầu tiên cho tòa án quốc tế sẽ kết án giới tinh hoa Nga đã tạo ra mọi việc » - Stéphane Courtois thẳng thừng nói. Năm 1997, nhà sử học từng gây tiếng vang lớn với cuốn « Sách đen về chủ nghĩa cộng sản » tiết lộ tầm cỡ tội ác của chế độ xô-viết. Để soạn thảo « Sách đen về Vladimir Putin », ông Courtois kết hợp với đồng nghiệp Galia Ackerman, chuyên nghiên cứu về thế giới hậu Liên Xô, tập hợp các chuyên gia giỏi nhất về Nga để tìm hiểu vì sao một trung tá bình thường, hầu như vô danh cách đây 25 năm, lại có thể trở thành một Sa hoàng mới ?
Điều hành một cường quốc theo kiểu băng nhóm
Putin xuất thân từ một gia đình bình dân, sống trong một căn hộ ở khu tập thể. Trẻ em thường chơi trò chiến tranh, mạnh được yếu thua. Vốn có thân hình nhỏ bé, Putin đi học judo để tự vệ và gia nhập KGB ở tuổi 17. Dù đã leo lên ngôi vị cao nhất, Putin vẫn không suy nghĩ theo logic điều hành một nước lớn, mà chỉ theo kiểu băng nhóm như thời niên thiếu ở Saint Pétersbourg. Khái niệm danh dự của mafia và KGB không khác gì nhau, lòng trung thành được đặt lên trên hết.
Năm 1991 đảng cộng sản bị cấm hoạt động, sau đó quay lại chính trường với một hình thức khác. Nhưng KGB có đến 700.000 nhân viên thì không hề suy suyển, chỉ được chia thành FSB (nội vụ) và SVR (phản gián). Năm 1998, khi Vladimir Putin được bổ nhiệm làm giám đốc cơ quan tình báo FSB (KGB cũ), không ai biết ông ta là ai. Đến 1999, khi Eltsine chỉ định Putin làm người kế vị, lại là một bất ngờ lớn khác vì có những nhân vật nổi bật khác như Boris Nemtsov chẳng hạn. Nhưng Kremlin lúc đó cần một người giữ được an ninh và cam kết không đụng đến phe Eltsine.
Từ khi Vladimir Putin lên làm tổng thống, các « siloviki », thành viên lực lượng an ninh và quân đội được giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền. Vì sao nhiều nhà lãnh đạo phương Tây (Bush, Merkel, Sarkozy…) có cảm tình với Putin ? Theo bà Galia Ackerman, khai thác điểm yếu của người khác hay dẫn dụ họ vốn là thủ thuật học được từ KGB, và Putin có một số tài lẻ. Chẳng hạn hồi năm 2010, tổng thống Nga đã hát bài Blueberry Hill trong một dạ hội từ thiện cùng với các ngôi sao Pháp Alain Delon, Monica Bellucci, Gérard Depardieu, gây thích thú cho cử tọa.
Nước Nga hậu cộng sản thích phá hoại, dọa nạt
Nga chỉ đứng thứ 11 thế giới về tổng sản phẩm nội địa, có ít bạn bè trên thế giới, không còn lý tưởng cộng sản để rao giảng như trước mà chỉ chủ trương chống phương Tây, chủ yếu là chống Mỹ. Nhưng tại sao Matxcơva lại gây chú ý trên trường quốc tế trong hơn hai thập niên qua ? Theo hai nhà sử học, chỉ trong 22 năm dưới sự lãnh đạo của Putin, nước Nga hậu cộng sản đã biến thành một cường quốc chuyên phá hoại, sản phẩm xuất khẩu chính là nỗi sợ.
Chính nhờ đe dọa tấn công nguyên tử mà Matxcơva ngăn cản phương Tây viện trợ ồ ạt cho Kiev, để hòng đạt được tham vọng đế quốc. Bằng cách dùng nguy cơ thiếu lương thực và năng lượng để dọa nạt, Nga muốn khuất phục phương Tây để rốt cuộc dỡ bỏ các trừng phạt. Chính nhờ mở rộng mạng lưới tuyên truyền, bóp méo thông tin trên toàn thế giới, Matxcơva cố phá hoại sự đoàn kết của các nước dân chủ. Chính sách phá hoại luôn là đường hướng của KGB, trường đại học thực thụ của Vladimir Putin. Ngược với tổng thống Pháp, Galia Ackerman cho rằng Nga xứng đáng bị « sỉ nhục » vì đã đem lại cái chết, sự hủy hoại, đau khổ và khủng hoảng cho hàng triệu con người.
Về hậu trường quyền lực, nhà cựu ngoại giao Boris Bondarev, từng là cố vấn phái đoàn Nga tại Liên Hiệp Quốc ở Genève nhận xét, cuộc xâm lăng Ukraina cho thấy nước Nga đã trở nên tàn bạo như thế nào. Trong nhiều năm trời, các nhà ngoại giao Nga bị buộc phải đối đầu với Washington và bênh vực việc can thiệp vào các nước khác với những lời lẽ dối trá, họ trở thành những con két lặp lại luận điệu của Matxcơva.
Các đồng nghiệp ở Kremlin nhiều lần nói rằng Putin thích làm việc với ngoại trưởng Serguei Lavrov vì ông này luôn đồng tình với những ý kiến của tổng thống và nói những gì Putin muốn nghe. Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi Putin tin rằng sẽ nhanh chóng đánh bại Kiev. Ông cho biết ngày 24/02 khi nhìn vào điện thoại thấy thông tin đáng kinh ngạc là Putin cho tấn công Ukraina, ông đã có quyết định bỏ rơi sự nghiệp sau 20 năm làm việc ở bộ Ngoại Giao Nga vì đây là « khởi đầu của hồi kết ».
Nguồn:

Không có nhận xét nào: