Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022

CHUYỆN KỂ TỐI THỨ 6 CỦA TÔ LAN HƯƠNG (phần 4).

 


Tôi đã nghĩ mãi mà không biết nên đặt bút viết từ đâu khi kể câu chuyện của cô Huệ.


Có lẽ là tôi nên bắt đầu bằng 1 buổi chiều muộn năm 2010, khi tôi ngồi với cô Huệ bên bờ đê Hội Thống, nằm cạnh dòng sông Lam. Tôi nhớ ngôi nhà nhỏ ven đê của cô Huệ xơ xác đến mức không có nổi một cánh cửa tử tế. Và cô Huệ ngồi ở ngay bậu cửa không có cánh đó, dưới chân là chiếc nón lá ghim chi chít băng tang; mỗi chiếc băng tang trên chiếc nón lá tượng trưng cho 1 năm cô Huệ chưa thể tìm được mộ người yêu, người chồng sắp cưới là liệt sĩ của mình.


Vào năm 2010, năm mà tôi gặp cô Huệ, cô đã tự tay ghim lên cái nón đó cái băng tang thứ 37...

Năm 16 tuổi, cô Huệ khai gian tuổi thành 18, trốn bố mẹ lên huyện đăng ký vào chiến trường làm TNXP.

Trên đường hành quân, lúc dừng chân nghỉ bên bờ sông Gianh giữa trời mùa đông căm căm giá rét, đơn vị TNXP của cô Huệ gặp một đơn vị bộ đội cũng đang nghỉ tại đó.

Bên bếp lửa dựng tạm ven sông, chú Thọ - một người lính khi nhận ra cô Huệ là đồng hương Hà Tĩnh, đã tranh ngồi cạnh cô, vừa nướng lạc, bóc lạc cho cô, vừa vui vẻ ôn chuyện quê nhà.

Sau cuộc gặp ngắn ngủi, họ chia tay nhau, nhưng tình yêu đã kịp bắt đầu. Yêu nhau giữa thời chiến, cô Huệ hẹn với người yêu, ngày đất nước thống nhất, họ sẽ về quê, xây dựng hạnh phúc của riêng mình.

Rồi cô Huệ bị thương và quay trở lại quê nhà công tác. Chú Thọ thì được đơn vị cử ra Hải Phòng học trung cấp hàng hải.

Nhưng năm đó, mẹ và em gái chú Thọ bị trúng bom mĩ mà chết. Chú Thọ làm đơn xin được quay lại chiến trường, trả thù cho mẹ và em gái.

Năm 1970, trước ngày quay lại chiến trường, chú Thọ về quê hỏi cưới cô Huệ, nhưng cô từ chối. Cô Huệ nói với người yêu:

- Anh đi làm cách mạng, em ở nhà cũng làm cách mạng. Đợi hòa bình chúng ta mới cưới nhau. Vì em muốn con chúng ta lớn lên trong hòa bình, muốn được cảm nhận cùng lúc niềm vui làm vợ với niềm vui đất nước thống nhất.

Chú Thọ nghe vậy giận dỗi người yêu:

- Nếu anh đui mù trở về, em còn cưới anh sao?

Cô Huệ cười dí dủm đáp lại:

- Vậy em càng phải lấy anh, vì khi đó em sẽ không bao giờ già trong mắt anh.

Thế rồi họ chia tay vào một đêm nọ. Chú Thọ đọc câu thơ " Em ơi đợi anh về, đợi anh hoài em nhé" rồi cất bước vào chiến trường.

Câu thơ ấy vì lẽ nào đó dường như trở thành lời nguyền trong tình yêu của họ.

Năm đầu ra trận, chú Thọ gửi về cho cô Huệ 10 mét vải, một mảnh vỏ chăn, một đôi gối thêu và một đôi vòng, như quà đính ước chú dành cho người vợ sắp cưới.

Cũng năm ấy, chú Thọ viết cho cô Huệ 21 bức thư. 21 bức thư đó, những năm qua, cô Huệ đã đọc đi đọc lại đến nhàu nát.

Nhưng sau năm đầu tiên đó, không còn một bức thư nào đến tay cô Huệ.

Một ngày chỉ vài tháng trước khi đất nước thống nhất, cô Huệ nhận được tin báo tử của chú Thọ.

Trên giấy báo tử viết: LS Đặng Xuân Thọ (quê quán Nghi Xuân - Hà Tĩnh), chức vị Trung đội trưởng, thuộc NB, hy sinh ngày 26.1.1973 tại mặt trận phía Nam. Thi hài mai táng tại khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận...".

Tờ giấy báo tử đơn giản giống như mọi tờ giấy báo tử khác, đã đánh cắp toàn bộ hạnh phúc, toàn bộ tương lai và thanh xuân của cô Huệ.

Kể từ ngày đó, cô Huệ bắt đầu đội chiếc nón lá với những mảnh khăn tang. Cô nói với bố mẹ đẻ, mỗi năm chưa tìm dc chú Thọ về, cô sẽ đeo thêm một mảnh tang mới. Chừng nào tìm dc mộ chú, cô sẽ đi lấy chồng.

Sau ngày chú Thọ mất, cô Huệ sang nhà chú Thọ, thắp hương cho mẹ chú và xin với cha chú cho cô được thay chú chăm sóc người cha già. Dù chưa cưới hỏi, cô nguyện làm con dâu nhà họ Đặng, thay chú vẹn tròn chữ hiếu, thay chú lo chu toàn hương khói nhà họ Đặng.

Năm 1970, khi từ chối lời đề nghị kết hôn của chú Thọ, cô Huệ ko bao giờ nghĩ chiến trường khốc liệt sẽ giết chết người cô thương. Để rồi bao năm sau này, mỗi ngày trong đời mình, cô đều dày vò tự trách vì quyết định của mình năm đó.

Cô nói chú Thọ là con 1 trong nhà.

Nếu cô cưới chú năm 1970, và nếu trời thương, thì họ đã có 1 đứa con. Nếu cô làm vậy, có thể nhà chú sẽ có con thừa tự. Còn cô cũng sẽ không một mình cô đơn vò võ suốt cuộc đời sau này.

Những năm đó, thấy con gái chưa chồng mà cứ để tang một người đàn ông, mẹ cô Huệ cứ khóc mãi không ngừng. Bà bảo cô phải dừng để tang chú Thọ, phải quên chú rồi đi lấy chồng như bao người con gái khác.

Cô Huệ hiểu mẹ mình nói đúng. Nhưng cô chẳng thể ép buộc trái tim mình. Bao người đàn ông ngỏ ý, bao đám mối mai cha mẹ giới thiệu, cô đều từ chối.

Khuyên con gái không được, mỗi lần mai mối thất bại, cha cô Huệ lại xô đổ cả mâm bát đĩa. Vì vậy mà bát đĩa nhà cô Huệ những năm ấy cái nào cũng sứt sứt mẻ mẻ.

Mắng con gái không được, ném bát đĩa không xong, cha cô Huệ lại nịnh con gái, nếu con lấy chồng, cha sẽ làm cho con căn nhà gỗ mít. Nhưng cô Huệ nức nở cầu xin : " Con ko cần nhà gỗ mít. Con phải tìm anh Thọ về. Ngày đưa anh ấy về, con sẽ đi lấy chồng".

Rồi cô Huệ dọn ra ở riêng để tránh những lời trách móc ai oán của cha mẹ, đem di ảnh chồng chưa cưới về thờ trong túp lều đó. Cô sống trong căn lều lụp xụp bên bờ sông Lam từ đó đến tận lúc già. Khi cha chú Thọ mất, từ đường nhà chú Thọ ko còn ai thờ phụng, cô Huê lại đưa cả 3 bát nhang của gia đình chú Thọ về để lo hương khói...

Nhiều năm liền, cô Huệ chèo thuyền đánh cá trên sông Lam, đánh từng con cá con tôm, dành dụm từng xu từng hào, chờ một ngày có đủ tiền lên đường đi tìm mộ chú Thọ.

Mùa lũ lịch sử năm 1989, nước lũ lên cao nhấn chìm túp lều của cô, cuốn đi di ảnh của người cô yêu, cuốn đi cả mọi dành dụm tích cóp của cô nhiều năm trời. Chỉ có tình yêu của cô cùng tờ giấy báo tử mà cô luôn mang theo người là không bị nước lũ cướp mất.

Cô lại chèo thuyền đi đánh cá, lại nhặt nhạnh từng đồng, chờ ngày đi tìm mộ người thương.

Trong cuốn sổ nhỏ những năm tháng buồn bã ấy, cô viết 1 dòng thơ " Người ta để tang, để tang có hạn/ còn em đây tang hận tang hờ".

Bao nhiêu năm liền, cô Huệ đọc đi đọc lại tấm giấy báo tử đến nhàu nát.

Tờ giấy vỏn vẹn vài thông tin mù mờ: chiến trường phía Nam, khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận...".

Chỉ bằng mấy dòng thông tin đó, cô Huệ đã hàng chục lần lên đường, mang theo chiếc nón chi chít khăn tang, để đi các chiến trường tìm mộ người cô thương.

Không có chiến trường nào, không có nghĩa trang nào khắp miền Nam từ vĩ tuyến 17 mà cô chưa đặt chân. Không có ngôi mộ nào mà cô không nhìn qua, lần nào nhìn cũng hy vọng trên bia mộ đó sẽ xuất hiện dòng chữ LS Đặng Xuân Thọ, quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh...

Cô Huệ không đếm nổi đã bao lần cô hy vọng rồi thất vọng rồi lại hy vọng khi nhìn vào những tấm bia mộ đó.

Nhưng cô vẫn tiếp tục đi tìm. Cho đến khi đôi dép nhựa cô đi đã mòn vẹt, khi cái nón đầy những mảnh khăn tang đã rách nát, khi tiền trong túi cạn, cô Huệ lại trở về bên bờ đê Hội Thống, lại đeo những mảnh khăn tang cả cũ cả mới sang chiếc nón khác, lại cặm cùi chèo thuyền bắt cá bắt tôm, dành tiền cho những chuyến đi tiếp theo.

Cô Huệ cứ đi mãi đi mãi mà không tìm được mộ chú Thọ, nhưng cô chẳng bao giờ ngừng tin rằng một ngày nào đó cô sẽ đưa chú về nhà.

Bố mẹ cô rồi cũng mất đi mà không nhìn thấy ngày con gái đi lấy chồng. Còn cô Huệ vẫn ở trong căn nhà ven bờ sông Lam, nuôi niềm hy vọng tìm được mộ người thương mà với cô có lẽ đã trở thành lý do duy nhất để cô còn tồn tại.

Vào năm tôi gặp cô Huệ, thì chiếc nón lá của cô Huệ đã có 37 mảnh khăn tang. Có cái mới tinh như vừa được khâu vào. Có cái đã rách sờn, bạc phếch vì năm tháng.

Lúc tôi ngồi đếm số khăn tang trên chiếc nón đó, tôi đã thầm mong cho số khăn tang đó sẽ sớm dừng lại. Vì nếu như là 47 hay 57 cái khăn tang mà chú Thọ chưa về, thì cô Huệ sẽ sống thế nào, tôi thực không dám nghĩ tới...

Nếu như tôi là cô Huệ, cả đời sống chết đến mức cố chấp vì một điều như thế mà ước nguyện không thành, tôi hẳn sẽ không cam lòng nhắm mắt.

Nên khi chia tay cô Huệ sau bữa cơm rau dưa tối hôm đó, tôi lái xe về TP Vinh, lòng luôn nguyện cầu ông trời, cầu cả người chồng chưa cưới đã khuất của cô Huệ, xin đừng bắt cô mòn mỏi chờ đợi và tìm kiếm thêm nữa...

Vài năm sau đó, vào một đêm không ngủ, tôi lên google và search tên Phùng Thị Huệ, lòng tự hỏi cô đã tìm được mộ người cô yêu chưa? Hay cô đã từ bỏ? Hay cô đã gục ngã...

Thật hạnh phúc, vì có một bài báo đem đến một tin tức tốt lành. Cô Huệ đã tìm được mộ chú Thọ, đưa chú về nhà. Cô Huệ đã thực hiện lời hứa tháo đi những mảnh khăn tang trên chiếc nón lá, nhưng cô không còn cơ hội để lấy chồng nữa. Cả đời cô đã định là đời 1 người đàn bà không biết đến mùi đàn ông. Nhưng ít ra thì cô Huệ đã hoàn thành tâm nguyện cả đời mình; ít ra thì cô cũng không còn phải đội chiếc nón lá đầy khăn tang nữa. Với người khác, không được ở cạnh người mình yêu là tận cùng địa ngục. Với cô Huệ, chỉ cần tìm được mộ người yêu, có lẽ cũng đã đủ để cô thấy viên mãn và mỉm cười tất cả những năm tháng sau này.

Ps: xin lỗi mọi người vì đã lỡ hẹn thứ 6 tuần trước, vì quá bận rộn, đến ngủ cũng ko đủ thời gian.

Viết xong câu chuyện này mới nhận ra mình toàn kể về ty có kết thúc dang dở.

Tuần sau, mình hứa nhất định kể một câu chuyện có kết thúc viên mãn.

Tô Lan Hương


P/s: Ảnh minh họa

Không có nhận xét nào: