Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Phỏng vấn NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC: VĂN CHƯƠNG VỀ ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH – TRÍ NHỚ CỦA NGÔN TỪ VÀ SỰ ĐỘC ĐOÁN CỦA VĂN HỌC SỬ THI (Phần 3)

 


N.H.A: “Có một con đường mòn trên Biển Đông” thì thế nào thưa ông? Tôi thấy đây vẫn là tác phẩm anh hùng ca, nhưng câu chuyện phần nào đã khác, đi vào số phận đời thường hơn.

Nguyên Ngọc: Khi viết “Có một con đường mòn trên Biển Đông” tôi cũng đã nhận biết những điều khác, nhưng biết và viết là rất khác nhau. Ví dụ khi tôi nghe về chuyện vợ ông Ba Thắng cắn răng chịu oan suốt 10 năm chờ chồng, hay chuyện chị Sáu Thùy bất chấp tất cả tính chuyện băng băng đi bộ từ Cà Mau ra tít miền Bắc mịt mù giữa chiến tranh để tìm người yêu, tôi đã biết phải tập trung viết về những chuyện như thế của con người, chứ không phải những chiến công lừng lẫy nữa, chuyện đã khác, nhưng giọng thì chưa. Đã biết chọn những chi tiết khác, nói chuyện khác, nhưng còn chưa vượt được ra ngoài giọng sử thi. 

Sử thi thì độc thoại, độc đoán, bởi nó là tuyên bố của cộng đồng, ở sử thi nhà văn thay mặt cộng đồng tuyên bố chân lý của cộng đồng. Sử thi không chấp nhận đối thoại, không cho ai nói khác. “Đường chúng ta đi” là văn học sử thi, nó dõng dạc và độc đoán, tác giả thay mặt dân tộc mà nói, nghiêm trang tuyên bố chân lý độc tôn của dân tộc. Bakhtin gọi đây là khoảng cách sử thi, trong sử thi có một khoảng cách xa lạ không thể vượt qua giữa người viết với đối tượng mà mình ca ngợi và với cả người đọc.

Chỉ đến tiểu thuyết, theo nghĩa hiện đại của khái niệm tiểu thuyết, mới có đối thoại. Chính vì vậy so với sử thi, tiểu thuyết dân chủ hơn nhiều. Trong tiểu thuyết người viết bỗ bã với nhân vật của mình, và bỗ bã với người đọc. Bỗ bã cả với chính mình nữa. Hãy xem nguyễn Huy Thiệp đấy. Các truyện ngắn của Thiệp rất đậm chất tiểu thuyết. Nói cho đúng, trong văn học ta, cho đến “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh mới thật sự có tiểu thuyết. Nếu ở sử thi là tư duy “hoặc là, hoặc là”, thì sang tiểu thuyết sẽ là tư duy “vừa là, vừa là”. Đọc kỹ “Nỗi buồn chiến tranh” mà xem, hầu như câu nào ở đó cũng là tự đối thoại, tự cãi nhau. “Nỗi buồn được sống sót”, “tương lai tôi đã nằm lại ở phía sau xa kia rồi, trong những cánh rừng nguyên thủy của chiến tranh”, v.v. Trong tiểu thuyết, không có chân lý tuyệt đối, mọi sự ở đó đều là tương đối. Milan Kundera nói: từ đây, “thế giới là một mớ chân lý tương đối mà những con người chia lấy cho nhau”.

May thay với tôi, ở “Trở lại Mèo Vạc” tôi đã biết nói về tính tương đối đó của cuộc đời. Và đến “Các bạn tôi ở trên ấy” càng vậy.

N.H.A: “Còn giá trị của “Đất nước đứng lên”?

Nguyên Ngọc: “Đất nước đứng lên” được viết năm 1955, đến nay đã vừa tròn 68 năm. Nếu đến nay nó chưa hoàn toàn bị lãng quên, thì không phải vì nó viết về một người anh hùng. Mà vì nó viết về Tây Nguyên. Đấy là quyển sách đầu tiên làm cho cả nước biết về Tây Nguyên, phát hiện cho mọi người một miền đất với những con người đẹp đến vậy.

N.H.A:Trong bài về Lê Đạt, ông có viết: Độc lập và tự do không phải bao giờ cũng hoàn toàn là một” ( đọc “Dọc đường”, trang 36), điều này vận vào đời ông như thế nào?

Nguyên Ngọc: Điều này liên quan đến hai nhân vật nổi tiếng, hai nhà văn lớn của Pháp là Albert Camus và André Malraux. André Malraux từng tham gia phong trào chống phát xít Franco ở Tây Ban Nha hồi Nội chiến 1936-39. Thái độ của Malraux bấy giờ là đứng hẳn, quyết liệt, triệt để như một người tiên phong về phía tiến bộ, mặc dầu ông biết rất rõ trong chính phía tiến bộ ấy cũng chất chứa không ít sai trái, bậy bạ, thậm chí cả tội ác. Vì sự hữu hiệu sống còn cấp bách của cái tiến bộ, ông đã cắn răng giữ im lặng trước những sai trái, cả tội ác ấy. Hy sinh một phần lương tâm vì một đại nghĩa cấp thời. Thái độ của Camus thì khác hẳn. Ông chỉ có một phe, một phía, mà ông gọi là phía Lương tâm. 

Trong kháng chiến chống Pháp, Lê Đạt từng là thư ký riêng của ông Trường Chinh. Người nghệ sĩ Lê Đạt khi đó tự nín nhịn yêu cầu khao khát tự do thống thiết của mình vì đại nghĩa của cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc. Lúc đó anh hành động theo kiểu Malraux. Nhưng khi đã kết thúc chiến tranh chống Pháp rồi thì anh là một trong những nhân vật chủ chốt của Nhân văn Giai phẩm, gay gắt đòi tự do. Anh đã chuyển sang kiểu Camus.

Còn vận vào tôi ư? Như đã nói ở trên, tôi đã mê mẩn rất lâu trong trữ tình say đắm với đại nghĩa của cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc. Chỉ đến khi đối mặt với hiện tượng Pôn Pốt mới sực tỉnh về tự do.

So với các anh như Lê Đạt, tôi lận đận và chậm hơn rất nhiều.

N.H.A: Ông có từng đọc tác phẩm nào của nhà văn quân đội bên kia chiến tuyến? Ông nghĩ sao về nhà văn/ tác phẩm ở “phía bên kia” ?

Nguyên Ngọc: Tôi có ấn tượng đậm với tiểu thuyết “Tiền đồn” của Thế Uyên, viết khác hẳn và rất hay. Mục đích của văn học chiến tranh trước Bảo Ninh – có lẽ thể hiện ở tôi là rõ nhất – là cổ vũ cho cuộc chiến tranh. Còn văn học miền Nam thì khác, họ viết thật về chiến tranh, về tâm trạng con người sống trong chiến tranh. Văn học miền Nam được đứng ngoài chính trị, chứ còn văn học miền Bắc bị ràng buộc trong chính trị, như là một thứ tôn giáo.

N.H.A: Nhưng dù đứng trong chính trị hay đứng ngoài chính trị thì cả hai miền đều không có tác phẩm lớn về chiến tranh Việt Nam?

Nguyên Ngọc: Tất nhiên đó là một chuyện lớn. 

Còn có chuyện khác nữa. Có hôm trong một cuộc trao đổi ở Huế, tôi có nói rằng trước khi Pháp sang, ta không có văn xuôi. Anh Bửu Ý và chị Thái Kim Lan rất phản ứng. Các anh chị bảo, thế “Việt điện u linh”, “Vũ trung tùy bút”… thì sao? Hôm ấy có anh Đặng Tiến từ Paris vừa về. Anh Tiến nhắc: Những cuốn đó hay thật, nhưng viết bằng tiếng Tàu mà! Quả thật trước khi Pháp sang, về cơ bản ta không có văn xuôi. Tiểu thuyết càng không. Chỉ có thơ, tràn ngập thơ. Phải nói thật thôi: ta không có truyền thống tiểu thuyết, so với thiên hạ.

Một nền văn học không có văn xuôi, không có tiểu thuyết (có một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời thì viết bằng thơ) thì mệt lắm. Hình ảnh hiện thực về quá khứ của dân tộc rất lờ mờ. Không thể biết ngày xưa người Việt sống thực hằng ngày như thế nào? Vợ chồng gọi nhau bằng gì? Chẳng lẽ bằng thiếp với chàng, với nàng? Hay là mày với tao? Đố ai biết được. Rồi ăn mặc ra sao? Đi đứng thế nào? Ông Lý Thái Tổ ở vườn hoa Chí Linh Hà Nội chắc chắn mặc đồ Tàu…

Cho nên giai đoạn từ đầu thế kỷ XX, đặc biệt từ 1930 đến 1945, là hết sức quan trọng. Chỉ trong mấy chục năm, ta đã đi bằng văn học Pháp mấy thế kỷ, có đủ cả, lãng mạn, hiện thực, tả thực, siêu thực, đến cả Đa Đa… chẳng thiếu gì… nhưng cũng là mỗi thứ một ít, một chút, chẳng có gì thật trọn vẹn, đến cùng. Trong một tình hình như vậy, mà chờ một Nobel?

N.H.A: Nếu chọn một gương mặt lớn đại diện cho văn xuôi Việt Nam hiện đại thì đó là ai?

Nguyên Ngọc: Theo tôi, trước cách mạng là Vũ Trọng Phụng, với “Số đỏ”. Còn trong cách mạng thì chưa có gì vĩ đại. Sau cách mạng thì có Nguyễn Huy Thiệp, nhưng Thiệp lại không có tiểu thuyết.

N.H.A: Như vậy “Nỗi buồn chiến tranh” vẫn là tác phẩm lớn nhất về văn học chiến tranh?

Nguyên Ngọc: “Nỗi buồn chiến tranh” là tác phẩm đáng kể hơn cả. Và không chỉ về chiến tranh. Chắc cũng không là ngẫu nhiên đâu. Ít nhất hội tụ hai điều kiện, đều là cốt yếu: Anh ấy là con trai cụ Hoàng Tuệ, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và là một trí thức lớn, đích thực. Bảo Ninh lại là người ở đáy của chiến tranh.

Khi còn làm trường Đại học Phan Châu Trinh, có lần tôi mời anh đến nói chuyện với các thầy cô giáo và sinh viên. Hôm ấy anh không hề nói gì về chiến tranh, cũng không hề động đến cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của mình, anh chỉ kể về cái hôm anh sống sót sau chiến tranh trở về nhà ở khu chung cư Thành Công, Hà Nội. Anh đã chú ý đi lên cầu thang rất khẽ để không đánh động đến hàng xóm, cũng bước vào nhà rất khẽ, bố anh, mẹ anh ôm lấy con và đều dặn nhau không được nói to cười to. Bởi vì ngay phòng bên cạnh là một gia đình có con trai ra trận như anh và không trở về. Và còn bao nhiêu gia đình trong khu chung cư không lấy gì làm lớn lắm và bao nhiêu căn nhà khác nữa của chỉ mới một Hà Nội… Người nghe bỗng hiểu ra tất cả thế nào là chiến tranh.

Hội An, 9.3.2023

(HẾT)

Không có nhận xét nào: