Thứ Hai, 20 tháng 3, 2023

Phỏng vấn NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC: VĂN CHƯƠNG VỀ ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH – TRÍ NHỚ CỦA NGÔN TỪ VÀ SỰ ĐỘC ĐOÁN CỦA VĂN HỌC SỬ THI

 


Nguyễn Hồng Anh thực hiện

Bài phỏng vấn được thực hiện vào một buổi sáng tháng Ba tại nhà riêng của nhà văn Nguyên Ngọc ở thành phố Hội An. Ý định phỏng vấn ban đầu của chúng tôi là xoay quanh đề tài chiến tranh Việt Nam với cái nhìn của ông – một nhà văn, người lính đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến lớn của dân tộc: chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng qua buổi trò chuyện cùng nhà văn, điều chúng tôi nhận lại còn phong phú hơn thế rất nhiều. Vì thế, chúng tôi quyết định tách toàn bộ nội dung phỏng vấn thành ba bài, với ba nội dung khác nhau. Dưới đây là phần 1. Phần 2 và 3 sẽ được đăng tải vào thời gian thích hợp.

- - - - - - - - - -

N.H.A: Có nhà văn nào ảnh hưởng đến tư tưởng, phong cách viết của ông qua các thời kỳ không?

Nguyên Ngọc: Hồi tôi còn nhỏ, ba tôi làm “thầy thông Dây Thép” tức viên chức bưu điện, đã có bằng diplôme, tiếng Pháp đã khá giỏi, ông bắt tôi đọc nhiều. Ngày ấy từ phổ thông cơ sở những năm đầu tiên học trò phải đọc các đoạn văn được chọn lọc (textes choisis), đến các lớp sau phải đọc nguyên một tác phẩm của các tác giả kinh điển, lên cao hơn nữa thì phải đọc toàn bộ một tác giả (oeuvres complètes), tất nhiên tất cả đều bằng tiếng Pháp. Ba tôi lại còn bắt tôi phải đọc trước một năm, năm thứ nhất thì đọc trước năm thứ hai, năm thứ hai thì đọc sách của năm thứ ba… cứ thế, phải tra từ điển đến mờ mắt, nhất là với các tiểu thuyết dày cộp và rậm rạp của Victor Hugo… Nhưng mà cũng say mê, vì quả đều rất hay. Đã là văn chương thì phải hay, phải tinh hoa, tôi tin vậy. Đến nay tôi vẫn còn có thể đọc thuộc lòng từng đoạn dài của Alphonse Daudet, Anatole France, George Sand… Và tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn chương và văn hóa Pháp vĩ đại. Văn chương Pháp sáng sủa, trong trẻo, tinh khiết. Và thấm đẫm tự do. Có lần tôi đã nói với một chị bạn nhà báo Pháp: chị nên biết rằng văn học và văn hóa Pháp đã tạo nên cả một thế hệ những nhà cách mạng Việt Nam. Những Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp,… cả Hồ Chí Minh….

Tôi cũng đã đọc gần như toàn bộ văn học trong nước thời bấy giờ, từ Tự lực Văn đoàn cho đến hầu hết văn học Việt Nam trước cách mạng tháng Tám… Năm 1946 khi tản cư khỏi Hội An, ba tôi chỉ mang theo thứ quý nhất trong nhà là tủ sách gia đình.

N.H.A: Ông thích đọc nhà văn nào nhất trong Tự lực Văn đoàn?

Nguyên Ngọc: Tôi ảnh hưởng từ Tự lực Văn đoàn không nhiều lắm đâu, bây giờ thấy đã khó đọc lại Nhất Linh, Khái Hưng. Có lẽ chỉ còn đọc được Thạch Lam, Thạch Lam vẫn hay. 

Tôi muốn nói thêm một chút nữa về nền giáo dục thời bấy giờ. Anh Hoàng Ngọc Hiến có lần định nghĩa thế nào là trình độ đại học. Theo anh, một người có trình độ đại học là người có thể bắt đầu tự học. Tôi, cũng như hầu hết bạn bè lớp chúng tôi, do điều kiện chiến tranh, đều chưa học xong cấp tú tài, tức chưa tốt nghiệp phổ thông trung học. Vậy mà nền giáo dục tôi nhận được một cách dở dang thời ấy đã cho phép tôi cố gắng tiếp tục tự học suốt đời, cho đến tận hôm nay. Tôi biết ơn nền giáo dục ấy.

 

N.H.A: Ông tự chia sáng tác của mình ra mấy giai đoạn?

Nguyên Ngọc: Có lẽ là chia đôi

Giai đoạn đầu là gắn với kháng chiến. Tôi đi kháng chiến rất nhẹ nhàng. Bắt đầu năm 1946, Pháp đã chiếm Hội An nên gia đình phải đi tản cư, tôi đi làm liên lạc cho bộ đội một thời gian rồi bị bộ đội đuổi về vì còn trẻ con quá. Mẹ tôi bắt đi học trở lại, tôi đi học một trường kháng chiến, cùng với Phan Tứ ở vùng tự do nam Quảng Nam, rồi với Khương Thế Xương – con trai cụ Khương Hữu Dụng – ở Quảng Ngãi. Đến 1950, bỗng có lệnh ban ra từ đầu não kháng chiến Việt Bắc “Tích cực chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”. Một mệnh lệnh như vậy giữa chiến tranh thì cũng bằng một cuộc tổng động viên. Chúng tôi vứt tung sách vở, bỏ trường mà đi, kéo nhau xuống đường biểu tình, hát vang bài “Xếp bút nghiên” của Lưu Hữu Phước: “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Xếp bút nghiên coi thường công danh, như phù vân…”. Nào đã có công danh gì đâu để mà vứt bỏ như phù vân, nhưng cứ thế hát vang và hồ hởi nhập ngũ. Kháng chiến chống Pháp, ít nhất đến trước năm 1950, còn rất đẹp. Năm 1950 biên giới Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn được giải phóng, kháng chiến của Việt Nam nhận được viện trợ của Trung Quốc, rồi Liên Xô, đồng thời tư tưởng Mao Trạch Đông cũng được nhập khẩu, lý thuyết đấu tranh giai cấp khiến cuộc chiến ở Việt Nam ngày càng trở thành chiến tranh ý thức hệ, rồi đến huynh dệ tương tàn. Chúng tôi ở Liên khu 5 (tức Nam Trung Bộ) xa biên giới phía Bắc hơn, nên ảnh hưởng có tính bi kịch ấy đến chậm hơn và nhạt hơn.

Cuộc chiến chống Pháp ở Liên khu 5 còn có điều đặc biệt: ngày 23 tháng 9 năm 1945 quân Pháp đã trở lại chiếm Sài Gòn, rồi đánh rộng ra đến Nha Trang, tới Đèo Cả, thì phải dừng lại, vì sức ta bấy giờ yếu nhưng Pháp cũng không mạnh bằng Mỹ sau này. Liên khu 5 do vậy giữ được một vùng tự do chạy suốt qua bốn tỉnh từ Phú Yên ra đến bờ sông Thu Bồn ở nam Quảng Nam. Mãi hơn một năm sau, ngày 19 tháng 12 năm 1946, mới nổ ra toàn quốc kháng chiến. Khi Pháp trở lại chiếm Sài Gòn, từ miền Bắc rầm rộ một phong trào Nam tiến, thanh niên trong đó có rất nhiều học sinh viên xung phong vào cùng chiến đấu với đồng bào Nam Bộ. Tuy nhiên hầu hết lực lượng này đã không đi đến được Nam Bộ vì Pháp đã ra đến Đèo Cả, họ ở lại Liên khu 5, và cuộc kháng chiến chống Pháp của Liên khu 5 bỗng được tăng cường cả một lớp trí thức miền Bắc trẻ trung và mới mẻ, không khí xã hội sinh động và văn minh hẳn lên. Tôi chỉ xin kể tên một người trí thức trong só đó: anh Việt Phương. Tháng 6 năm 2017 tôi có vào bệnh viện 108 thăm anh Việt Phương đúng một tuần trước khi anh mất. Hôm ấy anh đã yếu lắm. Anh cầm tay tôi, chỉ nói được hai tiếng: “Tây Nguyên!”. Cả hai chúng tôi đều từng là lính Tây Nguyên. Năm 1945 anh Việt Phương là sinh viên Hà Nội Nam tiến, vào Liên khu 5 anh đóng quân ở An Khê, một trong những cửa ngõ quan trọng nhất của chiến trường Tây Nguyên. Lúc bấy giờ ông Phạm Văn Đồng là Đại diện của Chính phủ trung ương ở miền Nam, ông đi thị sát mặt trận, đến An Khê, gặp Việt Phương, và rút anh về làm thư ký riêng của ông.

Lại có chuyện chính phủ Trần Trọng Kim, chỉ tồn tại được bốn tháng sau khi được Nhật “trao trả độc lập” sau cuộc đảo chính mồng 9 tháng 3-1945. Nhật không cho chính phủ ấy lập Bộ Quốc phòng, họ bèn lập Bộ Thanh niên do ông Phan Anh làm Bộ trưởng. Và ông Phan Anh đã mở ra một trường gọi là trường Thanh niên tiền tuyến, đào tạo một loạt cán bộ quân sự. Tiêu chuẩn đi học Thanh niên tiền tuyến là phải có bằng tú tài toàn phần của Tây. Khi tôi vào bộ đội thì ông Tư lệnh Liên khu 5 vừa được rút ra Việt Bắc để tham gia thành lập sư đoàn Quân Tiên phong, sư đoàn đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vị Tư lệnh đó tên là Cao Văn Khánh, sinh viên tốt nghiệp Thanh niên tiền tuyến, và không phải là đảng viên cộng sản. Người thay thế tư lệnh Cao Văn Khánh là ông Nguyễn Thế Lâm, cũng tốt nghiệp Thanh niên tiền tuyến và cũng không phải là đảng viên cộng sản.


N.H.A: Ông nhận thấy như thế nào về sự khác biệt giữa cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ?

Nguyên Ngọc: Rõ ràng kháng chiến chống Pháp là cuộc kháng chiến yêu nước, ít nhất là cho đến năm 1950 như vừa nói ở trên. Ở Liên khu 5 càng rõ hơn, thì ra khoảng cách địa lý cũng quan trọng. Nên chú ý trong Nam Bộ, nơi các điền chủ mỗi người có đến hàng nhiều ngàn mẫu ruộng, so ra địa chủ miền Bắc thấm vào đâu, vậy mà suốt kháng chiến chống Pháp ông Lê Duẩn ở trong ấy không hề làm cải cách ruộng đất. Nghe nói đến thời chống Mỹ, khi ông Nguyễn Chí Thanh vào, lại đòi cải cách ruộng đất. Mấy ông Nam Bộ bèn bảo thôi để xin ý kiến cụ Hồ đã xem sao. May quá chưa làm gì… Ở trên tôi đã nói hơi dài để thấy rằng tôi đã vào bộ đội ở một thời gian và trong một không gian nơi mọi sự còn khá trong trẻo. Niềm tin còn dễ dàng, chưa tự mình có câu hỏi cật vấn gì trằn trọc. Niềm tin như một quán tính đó còn kéo dài mãi đến kháng chiến chống Mỹ. Đến 1962, tôi với Nguyễn Thi trở về lại miền Nam, tôi ở lại chiến trường 13 năm cho đến 1975. Bắt đầu thấy một số vấn đề về giai cấp, nhưng vẫn chưa thay đổi gì nhiều trong tư tưởng của mình. Vẫn quan niệm văn học đương nhiên phải ca ngợi và cổ vũ chủ nghĩa anh hùng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Tôi nhớ có lần ông Võ Chí Công bấy giờ là Bí thư, Chính ủy Khu 5 tổ chức thảo luận: Chiến tranh ở miền Nam có tính chất nội chiến hay không? Thảo luận suốt một ngày, cán bộ nhà ta, đủ cả tham mưu, chính trị, hậu cần, anh nào cũng lên gân chỉ tuyệt đối là chống ngoại xâm thôi, làm sao gọi là nội chiến được, vậy ngụy quân cũng là anh em nhà mình à!… Cuối cùng ông Võ Chí Công mới kết luận. Tôi nhớ hôm ấy ông nói rất chậm, khó nhọc, và hơi buồn. Ông bảo tất nhiên chống ngoại xâm là đúng rồi, nhưng theo tôi cũng có chen cả tính chất nội chiến nữa. Cần bình tĩnh xem xét cho kỹ, thì mới có thể xử lý được đúng các vấn đề thực tế trên chiến trường…

Kỳ thực thực tế chiến trường cũng đã khiến chúng tôi phải suy nghĩ. Sau hội nghị Paris, Mỹ đã rút hết quân, chỉ còn đánh nhau với quân đội Sài Gòn, lại thấy khó hơn đánh Mỹ. Cả năm 1974, không diệt gọn được đại đội quân Sài Gòn nào trên chiến trường. Cho đến năm 1975 mới vỡ từng mảng lớn và sụp đổ. Có thể chắc chắn là do từ sai lầm chiến lược của Nguyễn Văn Thiệu quyết định bỏ Tây Nguyên. Nếu không có sai lầm đó sự thể hẳn sẽ còn rất phức tạp.

 (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: