"Nguyên Ngọc là người có lòng yêu nước nồng nàn, cương trực, có những suy nghĩ sâu sắc nhằm đóng góp cho đất nước” - Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước
N.H.A: Và giai đoạn thứ hai trong nhận thức và sáng tác của ông là ..
Nguyên Ngọc: Là năm 1979. Đối với tôi, đấy là năm quyết định. Năm ấy tôi đi Campuchia. Và đối mặt với hiện tượng Pôn Pốt.
Đi được Campuchia vào thời điểm đó, khi quân Việt Nam vừa vào Nông Pênh, là nhờ có Nguyễn Chí Trung. Nguyễn Chí Trung là một nhân vật rất đặc biệt. Anh ấy quen biết sâu, được nể trọng, tin cậy và có uy tín với tất cả các nhân vật quan trọng nhất ở tất cả các cấp, cả ta và Miên, ở bên ấy. Cả với các phi đội máy bay Liên Xô hằng ngày bay đi về giữa Tân Sơn Nhất và Nông Pênh, Siêm Riệp, chở tiếp tế sang, chở thươmg binh về. Tôi đi cùng Nguyễn Khải và anh Nguyễn Văn Bổng trong một chuyến bay như vậy đến Nông Pênh ngay sau ngày quân ta vào thành phố này.
Câu hỏi của tôi: Tại sao Pôn Pốt?
Ai cũng biết Pôn Pốt giết hàng mấy triệu người Campuchia, lại giết ngay đồng bào của chính mình chứ không như Hitler chỉ giết người Do Thái. Tại sao? Vào Nông Pênh, nó chỉ giết người, hàng triệu, bằng cách thô sơ đơn giản nhất: bổ một nhát cuốc vào đầu. Còn thì không động đến bất cứ thứ gì khác. Tôi có đi thăm Chùa Vàng, Chùa Bạc, Hoàng cung… mọi thứ còn nguyên. Những kẻ hành động lạ lùng như thế có một cơ sở lý thuyết nào không? Nó từ đâu ra? Cả Pôn Pốt, Iêng Sa Ri… đều đi học ở Pháp về, từng sống lâu ở xã hội phương Tây… Khi Pôn Pốt diệt chủng ở Campuchia thì ở Bắc Kinh người ta khen: “Các đồng chí làm giỏi hơn chúng tôi. Triệt để hơn”. Giỏi hơn, triệt để hơn Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc. Trong Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, họ đánh gãy tay những nhạc sĩ dương cầm giỏi nhất, bởi vì đấy là nghệ thuật tư sản, của phương Tây, xấu xa, sa đọa. Pôn Pốt làm triệt để hơn: nó không chỉ đánh gãy tay, nó tiêu diệt con người là tàn dư của lịch sử từ xưa đến nay, kết thúc bằng văn minh tư sản, của phương Tây. Tiêu diệt mọi tàn dư để lại từ suốt toàn bộ lịch sử của nhân loại. Nhằm làm ra một lịch sử khác, hoàn toàn sạch sẽ, nguyên khối như từ thuở nguyên sơ, nguyên thủy. Bầy đàn nguyên thủy hoàn toàn trong sạch.
Những ngày ở Nông Pênh cuối cùng tôi nhận ra thành phố còn nguyên vẹn. Chỉ có một điều: tất cả các số nhà đều bị xóa sạch. Tôi nói với Nguyễn Chí Trung: Hitler giết hàng triệu người Do Thái, nhưng mỗi con người ấy đều còn được một con số để mà gọi, còn là một đơn vị phân biệt với người khác. Pôn Pốt triệt để hơn nhiều: nó xóa nốt con số ấy, nó thủ tiêu đơn vị. Không còn cá thể riêng biệt nữa, dù là nhỏ nhất. Không còn cá nhân riêng rẽ. Chỉ còn tập thể vô danh, tập thể bầy đàn.
Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc cũng đi đúng trên con đường ấy, nhưng không thể “giỏi” cho bằng, triệt để cho bằng, bởi vì nền văn hóa vĩ đại và lâu đời của họ không cho phép.
Còn ta thì sao?
Tôi bàng hoàng nhận ra ta cũng đi đúng trên con đường ấy. Tôi gọi là “cùng một giuộc” ấy. Dân tộc ta có một nền văn hóa mềm mại hơn, mềm hơn Trung Hoa, càng mềm hơn Pôn Pốt. Nhưng nếu cứ tiếp tục đi theo con đường tập thể bầy đàn, không công nhận cá nhân, không phát triển cá nhân… thì nguy cơ sẽ không thể lường.
Vậy đó, chuyến đi Campuchia 1979 của tôi. Trở về, với tư cách Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn, tôi chủ trương tổ chức Hội nghị đảng viên để chuẩn bị Đại hội Nhà văn lần thứ III, và viết bản Đề dẫn cho hội nghị này.
Như mọi người đều biết, bản Đề dẫn bị ông Tố Hữu đánh cho một trận tơi bời. Ông bảo nó nặng hơi hướng tư sản, nó đòi giải phóng cá nhân, nó đánh đúng vào trái tim của chủ nghĩa xã hội. Ông dạy chúng tôi về sự ưu việt của chủ nghĩa tập thể. Ông kể rằng ông vừa đi một chuyến Cao Bằng, đến một thôn xóm nào đó, xa lắm, gặp một anh giữ máy bơm nước hợp tác xã. Anh ấy văn hóa i tờ, kỹ thuật chẳng học hành gì, nhưng bao nhiêu năm nay cái máy vẫn chạy ngon lành. Đó là cái gì? Vì sao? Tập thể có thể làm nên những điều kỳ diệu như vậy đấy. Con người mới đâu? Đi đi, rồi sẽ thấy… Cứ đà ấy ông nói suốt ba tiếng… Nhưng mà tôi ương ngạnh, kết luận Hội nghị, tôi nói: Hội nghị cơ bản nhất trí với bản Đề dẫn. Có người bảo: Thằng này quá quắt! Nhưng mà quả trước khi ông Tố Hữu đến, Hội nghị nhất trí thật, rất hào hứng. Chỉ có Vũ Đức Phúc phản đối, anh ấy là một người bảo thủ chân thành. Tất nhiên sau khi ông Tố Hữu đến, bắt đầu có sự phân hóa. Công kích tôi dữ dội nhất là Chế Lan Viên. Anh ấy bảo: Loài người phát triển từ dị biệt đến đồng nhất, càng phát triển cao càng đồng nhất cao. Tôi, từ Campuchia trở về, tôi cãi: Không đâu, ngược lại, loài người phát triển từ đồng nhất đến dị biệt. Đồng nhất cao trong sự dị biệt cao. Trong sự long lanh của từng cá thể. Đi ngược lại thì sẽ dẫn đến Pôn Pốt! Nếu là xã hội chủ nghĩa, thì đấy mới là chủ nghĩa xã hội. Còn có một thứ “xã hội chủ nghĩa” khác: chủ nghĩa xã hội Mao, và đỉnh cao của nó, chủ nghĩa xã hội Pôn Pốt. Đừng tưởng Pôn Pốt không thành tâm làm chủ nghĩa xã hội. Nó có lý tưởng lớn đấy: chủ nghĩa xã hội bầy đàn…
N.H.A: Như vậy có một nhà văn Nguyên Ngọc “khác” xuất hiện từ 1979 cùng với sự ra đời của Đề dẫn?
Nguyên Ngọc: Sự thay đổi cơ bản của tôi là lúc đó.
Nhưng mà còn thế này, hôm qua tôi mới đọc bài “Kafka và văn chương” của Maurice Blanchot. Blanchot bảo với Kafka sở hữu duy nhất chỉ có từ. Và công việc của người viết văn là đánh thức các từ và xếp các từ cạnh nhau trước sau cách nào đó cho nó vang lên theo cách nào đó, chứ ngoài ra anh ta chẳng còn có gì khác. Tất nhiên điều đó đúng với mọi người cầm bút. Viết văn chẳng qua là một cuộc đánh vật sinh tử với các từ.
Tôi cũng có dịch quyển “Độ không của lối viết” của Roland Barthes. Barthes lại nói về một đặc tính cơ bản của từ, ông bảo từ có một trí nhớ dai dẳng còn tồn dư rất lâu khi ta kéo dài nó ra. Hồi tôi làm báo Văn nghệ, đọc và đăng Nguyễn Huy Thiệp, tôi rất muốn viết như Thiệp, muốn thay đổi như Thiệp, vì tôi cũng biết bây giờ cuộc đời đã khác rồi, rất phức tạp, rắc rối, dữ dằn hơn chứ đâu có còn một chiều lãng mạn anh hùng ca như trước. Rất muốn các từ của mình cũng vang lên như của Thiệp, bởi vì thì cũng là tiếng Việt chừng đó thôi chứ nào phải của Tây của Tàu nào khác đâu. Nhưng rồi chỉ được một đoạn, một trang, đến trang thứ hai, thứ ba thì cái hơi hướng, cái âm hưởng, cái giọng điệu của những “Đường chúng ta đi”, của “Rừng xà nu”, thậm chí của “Đất nước đứng lên” … còn tồn dư một cách ngoan cố trong chính các từ ấy lại thức dậy và vang lên, át hết ý chí muốn thay đổi của mình, phá hỏng mọi cuộc cải tạo thiện chí nhất. Biết làm sao!!! Từ có một trí nhớ dai dẳng là thế đấy. Thay đổi được từ là khó vô cùng! Là thay đổi tận trong máu, trong từng tế bào. Với Đề dẫn, tôi đã có được những câu hỏi mới cho thời thế mới, thời đại mới của đất nước, nhưng tôi là người chậm chạp, với tôi phải rỉ rả từ năm này qua tháng khác để ngôn từ mới, với âm vang mới, thấm được từ trong máu mà ra. Mất đến hằng chục năm lang thang, lăn lộn, đầm mình, giằng xé …
Có lẽ tôi đã thật sự thay đổi được là từ “Trở lại Mèo Vạc”. Cũng vẫn những từ đó, vẫn rất trữ tình, nhưng đã thật sự khác rồi. Vẫn trữ tình đấy chứ, đậm hơn nữa là khác. Thậm chí Thanh Thảo gọi đấy là thơ. Nhưng thật sự đã đổi khác. Trước đây tôi đã viết “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng”, cũng cùng nhân vật ấy, cũng là chuyện con người với cái cây người ta cắm xuống đất để mà mưu sinh, nhưng đã khác biết bao nhiêu. Và tay viết đã thong dong hơn nhiều. Vậy đó, đôi với người cầm bút, khó nhất của nhà văn là làm sao thay đổi được ngôn từ, trừ tiệt được cái trí nhớ tồn dư kia ở từ đi. Tôi là con người trữ tình, mượt mà, ảnh hưởng từ văn học Pháp, làm sao vẫn giữ được cái đó, vẫn là tôi đấy, mà không còn là “Đường chúng ta đi”, hóa ra cực khó, mất đến mấy mươi năm!
Từ sau “Trở lại Mèo Vạc”, cho đến “Các bạn tôi ở trên ấy”, đã khác hẳn rồi.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét