Thứ Năm, 14 tháng 9, 2023

NHẦM LẪN GIỮA "NGƯỜI" (ethnicity) VỚI "người" (community)

 


Matthew NChuong

Ghi chú lai rai...

/1/ Khi nói "người Hà Nội", "người Bahnar"..., quí bạn ắt nhận ra sự khác nhau giữa hai danh xưng này, mặc dù đều gọi là "người"?
"NGƯỜI Bahnar" để chỉ một tộc người (ethnicity).
Còn khi nói "người Hà Nội" có phải đây là một tộc người không? có tồn tại một "Hà Nội tộc" (河內族) không?
Mọi người đều có câu trả lời: không tồn tại "Hà Nội tộc" gì hết! Mà cách gọi "người Hà Nội" ("Hà Nội nhân") để chỉ cộng đồng người cư trú, sinh sống tại địa bàn Hà Nội.
/2/ Tuy nhiên, khi thấy trong sử liệu xưa ghi "Kinh nhân" (京人), "người Kinh", không ít người dựa vào đó mà cho rằng tồn tại tên gọi một tộc người gọi là ... "Kinh tộc".
2a) "Người Kinh", trong sử liệu xưa, để chỉ người sống ở địa bàn vùng kinh thành Thăng Long và phụ cận, "người Trại" là người sống ở địa bàn Thanh Hóa, Nghệ An...
Rồi, về sau mở rộng, "người Kinh" là người sống miền xuôi, vùng duyên hải, đồng bằng (phân định sự khác biệt địa bàn với "người Thượng" là người sống miền ngược, vùng cao).
2b) Cách gọi "Kinh nhân" (京人) còn được thấy trong tương quan với "Minh nhân" (明人), đây là câu chuyện lịch sử diễn ra trong thời nước Việt ứng xử với nhà Minh bên Tàu.
Quí bạn thấy ngay, "Minh nhân" hẳn nhiên không phải là ... có tồn tại một tộc người gọi là "Minh" (trong nhân chủng học, không có tộc người gọi như rứa)! Ở đây, dùng để chỉ cộng đồng người sinh sống tại lãnh thổ phương Bắc dưới thời nhà Minh.
Ắt quí bạn từng nghe nói đến người "Minh hương" (明郷) để chỉ những người từ Trung Hoa sống dưới thời Mãn Thanh, nhưng họ trung thành với chế độ tiền nhiệm là nhà Minh nên đã vượt biển mà tìm đến Đàng Trong xin tỵ nạn, định cư.
Nói "người Minh hương" đâu có nghĩa là một tộc người (trong nhân chủng học, không có tộc người gọi là "Minh hương"); ở đây "Minh hương" dùng chỉ cộng đồng người dựa vào quan-điểm-chánh-trị.
"Kinh nhân", trong tương quan với "Minh nhân", hàm nghĩa tự nâng vị thế của mình - bởi vì cách gọi "kinh" (京) còn mang nghĩa là cao lớn (chẳng hạn "kinh đài" 京臺 là "đài cao").
Ở đây, quí bạn thấy, "Kinh nhân" không phải là tộc người (ethnicity) mà là một danh từ thể hiện quan-điểm-lịch-sử.
---------------------------------------------------------
(hình ảnh): Cảnh học sinh người Nghệ An đội nón cối trong lễ khai giảng tại huyện Thanh Chương.
Gọi “người Nghệ An” đội nón cối ... đâu lẽ nào lại hiểu là “Nghệ An tộc” 乂安族 ?

Không có nhận xét nào: